YouTrip đã huy động 50 triệu USD để mở rộng dịch vụ thanh toán đa tiền tệ tại Đông Nam Á và tăng số lượng nhân sự.
Đặt mục tiêu trở thành một trong những cái tên đầu tiên tạo ra sản phẩm mới cho thị trường công nghệ tài chính (Fintech) đang phát triển thần tốc tại Đông Nam Á, năm 2018, Caecilia Chu – một cựu nhân viên tư vấn của McKinsey quyết định chuyển từ Trung Quốc sang Singapore để thành lập ví điện tử đa tiền tệ YouTrip. Caecilia Chu tin rằng sự am hiểu và đáp ứng nhu cầu từ người tiêu dùng nội địa là hướng đi để xây dựng niềm tin của khách hàng trong lĩnh vực Fintech có nhiều sản phẩm đầy thu hút.
“Mục tiêu của chúng tôi không phải trở thành sản phẩm đại chúng cho cả thế giới. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào các công ty tại Singapore và nội địa hóa trong cách phát triển sản phẩm, lựa chọn đối tác ở những quốc gia mà YouTrip tiến vào,” Caecilia Chu, người hiện giữ vai trò CEO của YouTrip, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến từ trụ sở công ty tại Singapore.
Quyết định tập trung vào thị trường Đông Nam Á giúp YouTrip huy động vốn. Vào ngày 26.10, YouTrip thông báo hoàn tất vòng gọi vốn Series B từ nhà đầu tư mới Lightspeed Venture Partners, quỹ đã hậu thuẫn tài chính cho những doanh nghiệp như Epic Games, OYO và công ty nằm trong danh sách Forbes Asia 100 to Watch Cosmart, với số vốn huy động 50 triệu USD. Vòng Series B đã nâng tổng số vốn mà công ty này nhận được lên 105,5 triệu USD.
YouTrip từ chối tiết lộ mức định giá của công ty từ vòng gọi vốn này.
Trả lời trong buổi phỏng vấn trực tuyến, Pinn Lawjindakul, giám đốc của Lightspeed Venture Partners, cho biết: “Thành công của YouTrip trong việc xây dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng là yếu tố để chúng tôi đầu tư vào công ty này. YouTrip là công ty cung cấp giải pháp thanh toán xuyên biên giới tập trung vào khách hàng duy nhất tại Đông Nam Á có thể mở rộng sang những thị trường khác trong khu vực.”
Pinn Lawjindakul ca ngợi YouTrip đã xây dựng nhận diện thương hiệu xuất sắc, mang lại trải nghiệm sản phẩm giúp giải quyết hiệu quả những khó khăn mà người tiêu dùng nội địa gặp phải. “Có nhiều người nhầm lẫn rằng Đông Nam Á là một quốc gia. Nhưng đây thực chất là một khu vực gồm nhiều quốc gia khác nhau, với mỗi nước có đơn vị tiền tệ riêng. Nếu lớn lên ở Đông Nam Á, bạn sẽ nhận ra rằng đơn vị tiền tệ và tỉ giá hối đoái đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân nơi đây. Chúng tôi nhận thấy thách thức là làm thế nào để tìm ra tỉ giá hối đoái phù hợp nhất,” Lawjindakul cho biết.
YouTrip cung cấp khách hàng tại Đông Nam Á sản phẩm thẻ ghi nợ (cả thẻ vật lý và thẻ ảo) hỗ trợ thanh toán cho hơn 150 loại tiền tệ khác nhau. Từ việc hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ đổi tiền tệ địa phương, YouTrip cho biết đã loại bỏ hoàn toàn phí giao dịch và bất kỳ phụ phí nào khác khi khách hàng thanh toán ở nước ngoài. Công ty cũng hỗ trợ đổi loại 10 tiền tệ gồm đô la Singapore và đô la Mỹ. Tính đến hiện tại, ứng dụng của YouTrip có hơn một triệu lượt tải trên cửa hàng Google Play.
Caecilia Chu cho biết YouTrip đã có lãi từ tháng 4.2023.Theo hồ sơ của YouTrip, trong năm tài khóa tính đến tháng 3.2022, số liệu thống kê kết quả tài chính mới nhất, công ty báo cáo doanh thu tăng 49% lên 3,58 triệu đô la Singapore (2,6 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2021, trong khi khoản lỗ tăng từ 6,7 triệu đô la Singapore (4,8 triệu USD) lên 10 triệu đô la Singapore (7,3 triệu USD).
YouTrip sẽ sử dụng vốn đầu tư mới để mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á, bắt đầu từ Malaysia. Bên cạnh Malaysia, YouTrip có kế hoạch gia nhập các thị trường khác gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam. Trong hai năm tới, YouTrip đề ra mục tiêu tăng thêm 100 nhân sự từ quy mô 150 người hiện tại.
Một phần trong quá trình mở rộng này sẽ xoay quanh YouBiz, dịch vụ B2B (Doanh nghiệp với doanh nghiệp) mới của YouTrip. Chính thức triển khai từ năm 2022, YouBiz cung cấp loại thẻ thanh toán đa tiền tệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có từ 1.000 nhân viên trở xuống. Theo Caecilia Chu, YouBiz có hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia, phần lớn từ những người dùng hiện tại của YouTrip.
“Tôi tin rằng thị trường phát triển sản phẩm ngân hàng và tài chính cho các doanh nghiệp SME đang mở ra cơ hội rất lớn. Đó là vì số lượng giao dịch lớn cần đến nhiều sản phẩm khác nhau và không phải công ty SME nào cũng giống nhau. Không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh lớn, phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp SME còn là thị trường có nhiều công ty thành công,” cô cho biết.
Khi được hỏi về quyết định chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp, Lawjindakul đã đưa ra những cái tên đã tận dụng thành công từ thị trường tiêu dùng để mở rộng sang thị trường B2B. Đơn cử như gã khổng lồ Grab phát triển bộ phận B2B lấy tên gọi “Grab For Business.”
“Là nhà đầu tư trong khu vực cũng như thế giới, chúng tôi ghi nhận sáng kiến mới thường bắt đầu với người tiêu dùng, sau đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ,” Lawjindakul cho biết. Lawjindakul từng làm cho Grab ở Thái Lan trong vai trò phụ trách dịch vụ gọi xe máy theo nhu cầu.
Khi tập trung vào nội địa hóa sản phẩm cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp SME, YouTrip có thể đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các startup Fintech toàn cầu khác đang tiến vào Đông Nam Á. Wise, công ty Fintech đặt trụ sở ở London (Anh) có vốn hóa thị trường 6,9 tỉ bảng Anh (8,4 tỉ USD), cho phép người dùng tạo ba thẻ ghi nợ ảo cho thanh toán ở nước ngoài, đã triển khai dịch vụ tại Singapore vào năm 2017.
Kế đến là Revolut, một công ty cũng đặt tại London nhận hậu thuẫn tài chính từ quỹ Vision Fund 2 thuộc SoftBank và được định giá 33 tỉ USD sau vòng gọi vốn Series E trị giá 800 triệu USD diễn ra hồi tháng 7.2023.
Revolut phát triển ví điện tử đa tiền tệ có thể thanh toán bằng 160 loại khác tiền tệ khác nhau cho người đi du lịch và doanh nghiệp. Năm 2019, Revolut ra mắt tại Singapore và đạt 77 ngàn người dùng ở Đông Nam Á trong hai năm, theo ủy ban phát triển kinh tế Singapore (EDB).
Nằm trong số những startup Fintech tại Đông Nam Á cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp SME còn có Thunes. Đặt trụ sở tại Singapore, Thunes cung cấp thẻ ghi nợ đa tiền tệ hỗ trợ các doanh nghiệp thanh toán tại 132 quốc gia. Airwallex, kỳ lân Fintech đặt văn phòng tại Úc, Hong Kong và Singapore, cho phép các công ty phát hành thẻ thanh toán đa tiền tệ cho nhân viên và ghi nhận hoạt động thanh toán thông qua thống kê trực tuyến do công ty cung cấp.
Các ngân hàng lâu năm tại Đông Nam Á cũng ra mắt thẻ ghi nợ đa tiền tệ dành cho người đi du lịch. Standard Chartered triển khai dịch vụ này vào năm 2017, theo sau đó là HSBC và UOB lần lượt vào các năm 2020 và 2021.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/startup-fintech-youtrip-mo-rong-hoat-dong-voi-von-dau-tu-moi)