Nhóm doanh nghiệp Google, Cisco và Hilton đã tham gia chương trình hỗ trợ việc làm cho người tị nạn, với những cựu chiến binh đóng vai trò tư vấn nghề nghiệp.
Các tập đoàn đã cam kết tăng cường tuyển dụng cựu chiến binh theo cấp bậc và người tị nạn, giúp họ ổn định cuộc sống tại Mỹ. Giờ đây, một chương trình mới muốn tuyển dụng và kết hợp cả hai nhóm này lại với nhau, với các cựu chiến binh chia sẻ kinh nghiệm tới những người tị nạn từ Afghanistan, giúp họ thành công trong việc phát triển sự nghiệp.
Vào ngày 16.3, Google, Cisco và Hilton, cùng 13 tập đoàn khác tại Mỹ đã thông báo sẽ hợp tác với ba tổ chức phi lợi nhuận gồm Hiring Our Heroes, Afghan American Foundation và Tent Partnership for Refugees, tổ chức do nhà sáng lập của hãng sữa chua Chobani, tỉ phú Hamdi Ulukaya thành lập để triển khai chương trình hỗ trợ, tư vấn nghề nghiệp cho ít nhất 1.500 người tị nạn từ Afghanistan trong ba năm. Đây là một phần trong dự án tạo việc làm cho người tị nạn của Tent Partnership.
Tại buổi họp báo cùng ngày, Hamdi Ulukaya cho biết chương trình tư vấn nghề nghiệp và tuyển dụng người tị nạn mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động. Với các cựu chiến binh, hỗ trợ những người tị nạn ổn định cuộc sống sẽ giúp họ cải thiện sức khỏe tâm lý, trong khi doanh nghiệp có lực lượng lao động muốn gắn bó lâu dài.
Một báo cáo trước đó của Tent Partnership ghi nhận người lao động nhập cư có tỷ lệ gắn bó cao hơn so với lao động thông thường. “Đây là điều tốt cho hoạt động kinh doanh về mặt năng suất hoạt động, văn hóa doanh nghiệp, sáng kiến đổi mới và sự tin cậy,” Ulukaya cho biết.
Các công ty tham gia chương trình sẽ tuyển dụng những cựu chiến binh, ở mọi độ tuổi và cấp bậc, và người thân với tối thiểu 50 người tị nạn Afghanistan trong ba năm, tư vấn nghề nghiệp trực tiếp như hướng phát triển và hình thành mối quan hệ trong công việc, đào tạo các kỹ năng phỏng vấn cũng như đưa ra lời khuyên về cách chuẩn bị hồ sơ xin việc, với mục tiêu hỗ trợ cho ít nhất 1.500 tị nạn. Chia sẻ với Forbes, phó chủ tịch của Tent Partnership Scarlet Cronin cho biết đã có thêm nhiều công ty muốn tham gia chương trình sau khi buổi họp báo khép lại.
Theo Cronin, các cựu chiến binh và người tị nạn là “những đồng minh đáng tin cậy”, khi các tư vấn viên thường như người phát ngôn và mong muốn đáp ứng nhu cầu của một cộng đồng dân cư cụ thể. Nhiều cựu chiến binh đã hình thành mối quan hệ bền chặt với người dân Afghanistan.
Những người đứng đầu chương trình cho biết đây là cơ hội để cựu chiến binh trả ơn người tị nạn từ Afghanistan đã giúp đỡ quân đội Mỹ trước đây. “Chương trình này sẽ giúp đỡ những người từng ân cần hỗ trợ cho các binh sĩ Mỹ đã và đang đóng quân ở nước ngoài,” Elizabeth O’Brien, giám đốc điều hành của Hiring Our Heroes, cho biết.
Đợt cam kết đầu tiên có sự tham gia từ 16 công ty, gồm American Airlines, Bain & Co., Chobani, Cisco, Hilton, Merck, SAP và Starbucks, bên cạnh những doanh nghiệp khác.
Trước đó, hồi tháng 9.2022, đã có 45 công ty như Amazon, PepsiCo và Marriott đưa ra cam kết tuyển dụng hơn 22.000 lao động nhập cư trong ba năm. Tính từ tháng 8.2021, Mỹ đã tiếp nhận khoảng 90.000 người tị nạn từ Afghanistan, theo bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ (VA) Denis McDonough. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tổng số người tị nạn trên toàn thế giới tăng từ 27 triệu người trong vòng sáu tháng qua lên 32,5 triệu người tính đến giữa năm 2022.
Là một người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ và thành lập Tent Partnership vào năm 2016, Hamdi Ulukaya từ lâu đã đi đầu trong các chương trình tuyển dụng những cựu chiến binh và người tị nạn. Tuy vậy, điều này lại dẫn đến làn sóng chỉ trích nhằm vào công ty của ông trong nhiều năm qua. Trong năm 2016, các khách hàng đe dọa sẽ tẩy chay sản phẩm của Chobani trên mạng xã hội sau khi Ulukaya thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ việc tuyển dụng người tị nạn. Theo Ulukaya, công ty sữa chua của ông hiện có khoảng 5% lao động là người tị nạn.
Theo Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ, các cựu chiến binh cũng thường gặp khó khăn để phát triển nghề nghiệp và tìm công việc phù hợp với năng lực của họ. Bất kể đó là quay trở lại công việc cũ hay chuẩn bị tiếp nhận việc làm mới, các cựu binh có thể gặp trở ngại từ việc thiếu đi quy trình hoạt động như trong quân ngũ. Nhưng với O’Brien, “kết hợp những người tị nạn với các cựu chiến binh tại nơi làm việc là một “sự liên kết tự nhiên,” vì cả hai thường gặp khó khăn khi tìm việc làm và thăng tiến trong công việc, cũng như áp dụng các kỹ năng của họ trong môi trường doanh nghiệp.
1 năm trước
Nhiều tập đoàn công nghệ là chủ nợ của FTX