VNG dự kiến lợi nhuận âm trong năm nay để dành nguồn tài chính cho phát triển thị trường, đầu tư các mảng kinh doanh chiến lược và đặc biệt đầu tư vào các startup tiềm năng.
Mặc dù trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu doanh thu hơn 7.609 tỉ đồng, tăng 26% so với năm 2020 nhưng dự kiến lợi nhuận sau thuế được công ty cổ phần VNG đề ra là -619 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận dành cho cổ đông theo kế hoạch chỉ ở mức 4 tỉ đồng.
Con số trên được trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, VNG lý giải nhằm dành khoản đầu tư mở rộng thị trường đối với các nhóm sản phẩm chiến lược; chi mạnh tay cho các mảng thanh toán, AI (trí tuệ nhân tạo) và dịch vụ Cloud, cũng như dự phòng cho ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19.
Công ty cũng trình kế hoạch chào bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư trong nước. Số tiền thu được dự kiến để mở rộng và phát triển thị trường trong và ngoài nước, tiếp tục đầu tư cho các mảng kinh doanh chiến lược và đặc biệt là tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các startup tiềm năng.
Nhiều thương vụ đầu tư vào startup công nghệ được VNG thực hiện trong những năm qua. Gần đây nhất là khoản đầu tư 138 tỉ đồng vào nền tảng quà tặng điện tử Got It hồi quý 1.2021 và đầu tư 80 tỉ đồng vào startup vận tải công nghệ Ecotruck hồi quý 4.2020.
Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của VNG cho thấy doanh thu thuần năm 2020 đạt 6.024 tỉ đồng, tăng 16,3% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 261 tỉ đồng, giảm 57% so với năm 2019 tuy nhiên cao hơn đáng kể so với kế hoạch lợi nhuận đã được đại hội đồng cổ đông 2020 thông qua là -246 tỉ đồng.
Số liệu tự bạch cho thấy năm 2020, các mảng kinh doanh chủ lực của VNG vẫn phát triển dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó lĩnh vực trò chơi điện tử có những bước tiến khả qua ở các thị trường như Đông Nam Á, Ấn Độ và Nga.
Đáng chú ý Zalo chính thức trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến số 1 Việt Nam với tỷ lệ người dùng đạt 76,5%. Đây cũng là kênh thông tin chính thống được cả nước sử dụng để tương tác với người dân trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Ví điện tử ZaloPay cũng tăng trưởng mạnh về người dùng sau khi triển khai thành công loạt tính năng thanh toán, mua hàng… Ứng dụng định danh người dùng (eKYC) trueID do các kỹ sư VNG phát triển hiện được nhiều ngân hàng lớn sử dụng như Bản Việt, ACB, HongLeongBank…
VNG hiện hoạt động xoay quanh 4 nhóm chính: trò chơi điện tử, nền tảng kết nối (Zalo, Zing…), thanh toán điện tử (ZaloPay) và điện toán đám mây (VNG Cloud). VNG cũng là startup đầu tiên của Việt Nam được định giá trên 1 tỉ USD, nằm trong top 14 kỳ lân công nghệ của Đông Nam Á năm 2019, theo báo cáo của Bain & Company.
Năm 2020, Forbes Việt Nam định giá thương hiệu của VNG đạt 69,3 triệu USD, là năm thứ 5 liên tiếp VNG có tên trong danh sách thương hiệu dẫn đầu do Forbes Việt Nam bình chọn.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/vng-len-ke-hoach-loi-nhuan-2021-am-620-ti-dong)
2 năm trước
Dự đoán kỳ lân kế tiếp3 năm trước
Zalo truyền thông khẩn cấp giữa đại dịch2 năm trước
Đường tới kỳ lân của MoMo