Cuối tháng 5.2022, SEA Games 31 khép lại với việc điền kinh Việt Nam tạo kỷ lục mới với 22 HCV, khẳng định ngôi vị số 1 Đông Nam Á. Vận động viên Nguyễn Thị Oanh trở thành cái tên chói sáng khi đoạt 3 HCV tại các cự ly 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m, phá sâu một kỷ lục SEA Games. Gương mặt U30 của Forbes Việt Nam năm 2022 đang tập luyện tại trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc Gia Hà Nội chuẩn bị cho các giải đấu lớn năm 2023, cô chia sẻ về sự kiên trì, khổ luyện vượt qua các thách thức để đạt các thành tích cao hơn hướng đến đấu trường châu lục.
Phỏng vấn: Giang Thanh Hình ảnh: NVCC
PV: Trên truyền thông, các vận động viên điền kinh hầu như chỉ xuất hiện những lúc thi đấu hay lễ mừng công. Tôi tò mò, ngoài những giây phút ấy, cuộc sống tập luyện hàng ngày của bạn ra sao?
Nguyễn Thị Oanh: Ngày thường chúng tôi sẽ tập luyện. Thông thường thì chúng tôi sẽ có hai lịch trình tập luyện khác nhau, một theo lịch mùa hè và một theo lịch mùa đông. Vào mùa hè, thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt ở phía Bắc thời tiết nắng nóng và nhiệt độ rất cao nên các vận động viên chia làm hai ca tập luyện sáng và chiều. Ca buổi sáng các vận động viên có thể thức dậy từ 3h30-4h30 để tập luyện khi thời tiết còn mát mẻ. Vì ra sân tập sớm nên bữa sáng của vận động viên sẽ là bữa sáng nhẹ như lót dạ bằng bánh hoặc sữa. Sau khi tập luyện xong mới ăn sáng.
Vào mùa đông, chúng tôi tập muộn hơn, có thể ăn sáng lúc 6h30 và 8h mới ra sân. Mỗi buổi tập chính kéo dài ba tiếng, các buổi tập phụ kéo dài khoảng hai tiếng. Các vận động viên tập luyện trong tuần từ thứ hai đến thứ bảy, chủ nhật thì nghỉ.
PV: Như vậy chỉ có tập luyện và tập luyện. Một năm có 365 ngày vậy các vận động viên như Oanh được ở nhà bao nhiêu ngày?
Nguyễn Thị Oanh: Chu kỳ tập luyện duy trì hằng ngày như vậy trừ những lúc đấu giải. Sau mỗi giải đấu vận động viên sẽ có quãng thời gian tạm nghỉ ngơi. Tuy nhiên, do có nhiều việc phát sinh nên các vận động viên ít có dịp ở nhà trọn vẹn 2-3 ngày. Tết thì chiều 29 mới về nhà, mồng 3 tết đã quay lại trung tâm tập luyện. Một năm, số ngày vận động viên được trọn vẹn sum vầy bên người thân và gia đình khá ít.
PV: Vận động viên chạy bộ thì đương nhiên xỏ giày ra sân thì tập chạy rồi, ngoài ra còn những nội dung tập luyện gì nữa?
Nguyễn Thị Oanh: Các bài tập cho vận động viên điền kinh thì đa dạng lắm. Chúng tôi tập nhiều bài tập khác nhau về tập kỹ thuật, tập xuất phát, bài tập luyện để nâng cao thể trạng, sức bền. Riêng cá nhân tôi nội dung sở trường là cự ly trung bình nhưng thi đấu khá nhiều nội dung khác nhau từ 1.500m, 3.000m, 5.000m, có lúc chạy thêm cả cự ly 10.000m, cả chạy bộ lẫn chạy vượt chướng ngại vật nên tập luyện khá nhiều nội dung khác nhau phù hợp với từng cự ly thi đấu.
PV: Khác với bộ môn bóng đá có nhiều cơ hội cọ xát quanh năm, các vận động viên điền kinh một năm chỉ có vài giải đấu lớn như đại hội thể thao toàn quốc, giải điền kinh mở rộng…; các giải quốc tế như SEA Games hai năm tổ chức một lần, Asiad hay Olympic bốn năm mới tổ chức một lần. Tập luyện quanh năm, bấy nhiêu thứ lặp đi, lặp lại hết ngày này qua ngày khác như vậy việc tập luyện có trở nên nhàm chán?
Nguyễn Thị Oanh: Những người bên ngoài nhìn vào nói tập luyện điền kinh nhàm chán thực ra cũng không hẳn sai. Có bấy nhiêu bài tập các vận động viên cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày dù các huấn luyện viên và vận động viên luôn cùng nhau tìm những cái phương pháp tập luyện mới mẻ, thay đổi để các vận động viên cảm thấy bớt đơn điệu.
Nhưng ở trong cuộc, trải nghiệm cả quá trình tập luyện mới hiểu nhiều cảm xúc giúp bản thân vận động viên xua tan những mệt mỏi, chẳng hạn như một buổi tập vận động viên cải thiện được một số chỉ số hay vượt qua được các mục tiêu đề ra cho bản thân. Đôi khi chỉ đơn giản trong ngày tập bản thân tôi đã rất mệt mỏi, cảm giác là không thể chạy về đích được nhưng cuối cùng mình vẫn có thể hoàn thành bài tập. Chỉ đơn giản bấy nhiêu thôi cũng khiến tôi vui sướng.
Hạnh phúc cá nhân này có lẽ không thể diễn tả bằng lời cho người bên ngoài khó hiểu hết được. Trong tập luyện có khi chỉ một bước tiến nhỏ, một sự cải thiện về thành tích đã khiến cả ngày hôm ấy vui. Cảm xúc trong tập luyện giống như tự mình thấy mình vượt qua giới hạn của bản mỗi ngày vậy.
PV: Hằng ngày việc ăn uống của các vận động viên điền kinh ra sao để duy trì nền tảng thể lực trong tập luyện và thi đấu?
Nguyễn Thị Oanh: Các vận động viên điền kinh ăn theo chế độ chung của tất cả các vận động viên tập luyện tại trung tâm Thể dục Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội (Nhổn). Chi phí ăn uống cho một vận động viên như tôi là 320 ngàn đồng/ngày. Mỗi khẩu phần cho vận động viên đã được tính toán đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn ít, ăn nhiều là do mỗi vận động viên tự điều chỉnh. Ngoài chế độ chung, vận động viên có thể bổ sung theo nhu cầu riêng.
Nếu giai đoạn tập luyện nặng thì tôi sẽ bổ sung thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng. Trong thời gian tập luyện chuẩn bị đấu giải thì vận động viên sẽ chú trọng khẩu phần ăn để đảm bảo cung cấp năng lượng trong tập luyện cũng như chuẩn bị năng lượng dự trữ trong thi đấu. Sát thời gian thi đấu vận động viên sẽ kiểm soát kỹ khẩu phần ăn, tránh bị thừa calo, dẫn đến tăng cân, nặng nề.
PV: Khi thi đấu các giải quốc tế, mỗi quốc gia có một nền ẩm thực khác nhau, vậy việc ăn uống của các vận động viên có dễ dàng?
Nguyễn Thị Oanh: Mình sẽ nhập gia tùy tục. Làng vận động viên sẽ có các suất ăn với các món ăn tương đối phổ biến, cung cấp đủ dinh dưỡng cho vận động viên thi đấu. Thường chúng tôi cũng mang theo thực phẩm để ăn thêm, bổ sung để bữa ăn đỡ nhàm chán. Khi thi đấu ở nước ngoài, về ăn uống tôi cố gắng hòa nhập nhanh chóng nhất để đảm bảo thể lực thi đấu.
PV: Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia trở thành nhà của các vận động viên thành tích cao tập luyện cho SEA Games và các giải quốc tế lớn. Các vận động viên có theo kỷ luật quân đội chẳng hạn như phải đi ngủ đúng giờ ?
Nguyễn Thị Oanh: Trung tâm có quy định về giờ giấc, các thầy, các huấn luyện viên cũng luôn đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên. Nhưng vấn đề sinh hoạt nằm ở ý thức tự giác của các vận động viên. Trước đây khoảng tầm 10h-10h30 tối là tôi đi ngủ nhưng có giai đoạn bị mất ngủ, khó ngủ nên tôi ngủ muộn hơn.
PV: Chế độ đãi ngộ của nhà nước với các vận động viên tập luyện như Oanh hiện ra sao?
Nguyễn Thị Oanh: Khi tập luyện các vận động viên được chấm công từng ngày. Như tôi được nhận 270 ngàn đồng/ngày.
Sinh năm 1995 tại một gia đình thuần nông 8 anh chị em tại Lạng Giang, Bắc Giang, Nguyễn Thị Oanh là con thứ 7 đến với nghiệp chạy hoàn toàn tình cờ từ giải chạy phong trào học đường. Với chiều cao khiêm tốn 1,5 m và nặng 40 kg, năm 2010 thể thao Việt Nam đã suýt bỏ lỡ một cô gái vàng khi thể hình hạn chế khiến Oanh tưởng như không được tuyển vào đội điền kinh tỉnh Bắc Giang. Nhưng nhờ chăm chỉ luyện tập và tinh thần rèn luyện nghiêm túc, “cô gái hạt tiêu” đã thuyết phục các HLV để hai năm sau đó có tên trong đội tuyển điền kinh quốc gia. Mọi huy chương đều có hai mặt, phía sau nhiều huy chương vàng và kỷ lục quốc gia, kỷ SEA Games, tấm huy chương đồng Asiad 2018 cho cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật là sự chiến thắng bệnh tật, tinh thần lạc quan và nỗ lực bền bỉ.
PV: Nếu không trở thành một vận động viên điền kinh, Oanh sẽ chọn nghề nào?
Nguyễn Thị Oanh: Có lẽ ngành sư phạm. Thuở bé tôi thích lớn lên trở thành cô giáo (cười)
PV: Rốt cuộc cơ duyên nào đưa Oanh trở thành vận động viên?
Nguyễn Thị Oanh: Tôi làm quen với bộ môn chạy từ năm lớp 4 một cách tình cờ. Lúc ấy phong trào chạy bộ đã có ở quê tôi (xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), một người anh họ rủ nên tôi tham gia chạy với các anh chị lớn hơn. Thực sự lúc ấy mình chỉ tham gia chạy theo phong trào với các anh chị cho vui.
Bẵng đi, mấy năm tôi không chạy gì cho đến năm lớp 8 thì chạy cho đội tuyển trường rồi có thành tích nên được chọn vào đội tuyển huyện đi thi đấu tỉnh.
Năm 2010, 15 tuổi tôi được các thầy cô và huấn luyện viên tuyển vào lớp năng khiếu thể thao trường Năng khiếu Bắc Giang. Vậy là tôi về trung tâm tỉnh học, trường cách nhà 20km. Tuần đầu tiên nhớ nhà và tập luyện mệt quá, không quen nên buổi tối tôi gọi điện về nhà nói với bố mẹ: “Con không thể học được nữa.”
Bố mẹ thương tôi quá nên lên tỉnh đón ngay trong đêm. Không hiểu lúc ấy bố mẹ động viên thế nào mà tôi lại quyết định ở lại. Tôi vừa học văn hóa vừa tập luyện thể thao. Năm 2012 tôi tập luyện trên đội tuyển quốc gia. Năm 2013, tôi nằm trong đội hình tham dự SEA Games 27 tại Myanmar. Năm đó tôi giành huy chương bạc ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.
PV: Trong sự nghiệp điền kinh của Oanh có một khoảng lặng, đó là sự vắng mặt ở SEA Games 28. Đó là lần bị bệnh, tưởng như phải từ bỏ thể thao nhưng rồi trở lại thi đấu và ngay lập tức dành được huy chương vàng SEA Games 29 (năm 2017) tại hai cự ly không phải sở trường là 1.500m và 5.000m. Giai đoạn nghỉ thi đấu ấy như thế nào?
Nguyễn Thị Oanh: Cuối năm 2014, sau khi kết thúc đại hội Thể thao toàn quốc, cơ thể tôi xuất hiện các triệu chứng phù đột ngột. Đi khám, bác sĩ nói tôi bị viêm cầu thận cấp phải nghỉ tập luyện thể thao để điều trị. Lúc ấy tôi bị sốc, tôi còn trẻ đang có đà phát triển, thành tích mới bắt đầu cải thiện chút ít thì cánh cửa tương lai đóng sập lại.
Tôi học ở trường đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, một buổi đi học văn hóa, buổi kia dành tập luyện. Ở sân vận động các bạn tập luyện còn tôi ra đó đi bộ. Nhìn các bạn tập luyện tôi thèm chạy lắm. Lúc đấy có người nói căn bệnh ấy không chữa được, tôi sẽ phải điều trị suốt đời. Tôi rơi vào trầm cảm, không muốn nói chuyện với ai.
Khi uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ tôi gặp thêm triệu chứng bị teo cơ chân, cơ tay. Người tôi lúc ấy rất yếu, cơ thể cảm giác không còn chút sức lực, sinh khí nào. Điều ấy rất khủng khiếp với một vận động viên.
Bố mẹ, thầy cô, bạn bè xúm lại động viên tôi hãy cứ tập trung điều trị bệnh rồi tương lai như thế nào từ từ sẽ tính tiếp. Tôi tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ: uống thuốc tây, kiêng khem các loại thực phẩm không phù hợp và đi tái khám thường xuyên. Cho đến một ngày, khoảng giữa năm 2015 kể từ khi mắc bệnh, bác sĩ báo một tin vui là việc điều trị tiến triển tốt, bệnh tình thuyên giảm, tôi sẽ khỏi, sẽ được tập luyện thể thao lại bình thường. Lúc ấy, tôi có cảm giác vỡ òa ra vì sung sướng.
PV: Việc quay trở lại với thể thao như thế nào, với Oanh có dễ dàng không?
Nguyễn Thị Oanh: Lúc bác sĩ thông báo tôi hào hứng muốn được tập luyện trở lại ngay. Nhưng sau đó tôi không vận động mạnh được, cứ chạy được một chút xíu thì bị mệt. Cố gắng chạy được 1-2 vòng sân vận động thì toàn thân đau nhức rã rời. Tôi không biết mình sẽ quay trở lại với thể thao như thế nào, tự hỏi liệu mình có thể quay trở lại tập luyện như cũ được nữa hay không.
Sau đó không biết có sức mạnh phi thường nào đó giúp tôi quay trở lại. Ban đầu là cố gắng chỉ được vài trăm mét rồi dần dần nhích được lên một cây số, hai cây số, bốn cây số, sáu cây số, tám cây, lên được mười cây. Tôi từ chạy chậm từ từ rồi đến chạy nhanh dần. Tuy chưa đạt được phong độ cũ nhưng tôi cảm nhận cơ bắp của mình đã có sức mạnh trở lại nên gặp các huấn luyện viên xin giáo án tập luyện bài bản.
PV: Trong thời gian bệnh đã lúc nào Oanh nghĩ tiêu cực, chẳng hạn như phải từ bỏ thể thao chẳng hạn?
Nguyễn Thị Oanh: Có chứ. Có lúc tôi nghĩ mình có lẽ phải dừng lại. Tết Dương lịch năm 2015, tôi phải nằm bệnh viện 10 ngày, phải truyền dịch, kim truyền dịch cắm vào tay, cứ ba ngày thay mũi kim một lần. Lúc đó tôi rất sợ, người tôi lúc ấy thì bé mà mũi kim thì to. Sáng nào tôi cũng đi lấy mẫu máu và nước tiểu. Ngày tết, bệnh nhân nhẹ xin về gần hết, có mỗi tôi và mẹ nằm chung một cái giường nhỏ xíu, bệnh viện mênh mông nên cảm giác rất trống trải. Lúc ấy tôi buồn và thất vọng. Mẹ nằm bên cạnh không dám nói chuyện sợ gợi tới nỗi buồn của tôi. Hai người nằm trong im lặng, mỗi người một suy nghĩ riêng, buồn bã, lo âu.
Nghĩ lại thời gian bị bệnh là quãng thời gian thực sự đáng sợ khi tôi vừa yếu, vừa không ăn uống được như bình thường. Sau đấy tôi chỉ ăn đồ nhạt thôi, không có tí dầu mỡ gia vị nào hết. Có lẽ đó là tình yêu đối với thể thao, cái sợi dây vô hình ấy tiếp thêm sức mạnh tinh thần, tiếp thêm niềm tin cho tôi. Quan trọng nhất là tôi đã nỗ lực chiến thắng được bản thân mình để vượt qua bệnh tật để quay lại luyện tập.
10 ngày ấy tôi thực sự khủng hoảng khi bác sĩ nói không chạy được nữa. Tôi chỉ đi ra đến cửa phòng rồi quay vào, mãi khi gần xuất viện mới lò dò đi dạo trong khuôn viên bệnh viện.
PV: Vậy rồi Oanh quay trở lại với thể thao đỉnh cao như thế nào?
Nguyễn Thị Oanh: Năm 2016, tôi quay trở lại tập luyện và năm 2017 được chọn vào đội tuyển điền kinh chuẩn bị cho SEA Games 29. Cự ly sở trường của tôi là vượt chướng ngại vật 3.000m nhưng phút cuối chủ nhà Malaysia hủy nội dung thi đấu vì chỉ có hai quốc gia đăng ký thi đấu nội dung này, không đủ số lượng đăng ký thi đấu. Vì vậy, ban huấn luyện chuyển tôi sang đăng ký các nội dung không phải sở trường là 1.500m và 3.000m.
Bởi vậy tôi và huấn luyện viên không kỳ vọng nhiều về việc sẽ có huy chương. Nội dung 1.500m cần tốc độ và sức mạnh mà thể hình của tôi là một hạn chế, tôi vừa hết bệnh quay lại luyện tập cũng không nghĩ mình sẽ làm được điều gì đó lớn lao. Tôi chỉ tự nhủ cố gắng thi đấu tốt nhất có thể.
Vì vậy, khi thi đấu xong nội dung 1.500m đầu tiên tôi dành được HCV SEA Games đầu tiên trong cuộc đời thì niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa ra. Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng từ cả những người chưa quen biết. Tối ấy về tôi hạnh phúc không thể ngủ được. Giải đó, tôi dành thêm một HCV cự ly 5.000m. Cột mốc đó đánh dấu sự trở lại chính thức của tôi với thể thao thành tích cao.
PV: Trong 8 chiếc HCV điền kinh trong các kỳ SEA Games từ năm 2017 đến nay, tấm huy chương nào đáng nhớ nữa?
Nguyễn Thị Oanh: Năm 2019 SEA Games 30 tổ chức tại Phillipines, ban huấn luyện đăng ký cho tôi ba nội dung 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m. Lịch thi đấu điền kinh rất dày, nội dung 3.000m vượt rào thi đấu gần như cuối cùng, sát thời điểm bế mạc. Buổi sáng hôm đó tôi đã thi nội dung 5.000m và giành HCV.
Buổi chiều tôi mệt lắm, nghĩ chỉ cố gắng thi đấu để hoàn thành nhiệm vụ dù chưa từng giành HCV ở nội dung thi đấu ấy. Bước vào thi đấu tôi đã cố gắng nỗ lực cao nhất có thể nhưng việc giành được HCV nội dung 3.000m vượt rào vẫn là một bất ngờ lớn lúc ấy với chính bản thân tôi. Càng bất ngờ hơn nữa khi tôi phá được kỷ lục SEA Games, nhanh hơn kỷ lục cũ 0,56 giây tồn tại đã tám năm, từ SEA Games 26 trước đó.
Tới SEA Game 31 tổ chức tại Việt Nam năm 2022, trong hai ngày thi đấu đầu tiên của bộ môn điền kinh tôi đã phải hoàn thành 3 nội dung đăng ký. Ngày đầu tiên là hai nội dung, tôi bảo vệ thành công hai HCV cự ly 1.500m và 5.000m. Qua buổi chiều ngày thi đấu thứ hai là nội dung chạy 3.000m vượt rào. Tôi tự nhủ mình cứ cố gắng thi đấu tốt nhất, nỗ lực cao nhất để có thành tích.
Tôi cứ mải miết chạy, cố gắng từng vòng một và khi gần về tới đích còn khoảng vài chục mét nữa nhìn lên đồng hồ điện tử thấy con số hiển thị tôi không tin vào mắt mình. Tôi thấy mình phá kỷ lục! Về đích tôi vẫn chưa tin hỏi huấn luyện viên, hỏi khán giả, hỏi cổ động viên. Niềm hạnh phúc khi đó vỡ òa vì tôi phá kỷ lục sâu, nhanh hơn 12 giây so với kỷ lục của chính tôi trước đó, điều trước đó tôi không ngờ tới.
PV: Tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam đã nhiều lần vỡ òa cảm giác sung sướng khi các vận động viên Việt Nam một mình băng băng về đích. Oanh có thể chia sẻ phút ấy các vận động viên trong cuộc nghĩ gì không?
Nguyễn Thị Oanh: Lúc đó các vận động viên chỉ tập trung cho nỗ lực bứt tốc. Tất cả tinh thần và sức mạnh cơ bắp được đẩy lên 200%. Tất cả năng lượng trong cơ thể mình còn lại những gì đem ra cháy hết phút giây ấy, dồn hết vào những bước chạy cuối cùng ấy.
PV: Còn chuyện chấn thương trong tập luyện và thi đấu thể thao như thế nào?
Nguyễn Thị Oanh: Tập luyện thể thao thành tích cao thì các vận động viên khó mà tránh khỏi những chấn thương. Năm 2012 thì tôi từng gặp chấn thương mất sáu tháng nghỉ thi đấu và tập luyện nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến các giải đấu năm đó. Việc tập luyện khiến các vận động viên hay bị đau lưng, đau vai, đau gáy. Đặc thù, tôi tập luyện nội dung vượt vật chướng ngại vật nên việc tập luyện ảnh hưởng đến các xương khớp. Trong quá trình tập luyện tôi hay bị đau, nên luôn luôn chú ý tập hồi phục để đảm bảo cho mình có một cái thể trạng tốt nhất. Tôi đã trải qua giai đoạn điều trị bệnh và chấn thương nên luôn có ý thức về chăm sóc sức khỏe của bản thân cũng như bảo vệ sức khỏe trong tập luyện và thi đấu.
PV: Vậy sự khổ luyện bền bỉ hàng ngày sẽ quyết định thành tích của vận động viên?
Nguyễn Thị Oanh: Đúng. Sự luyện tập hàng ngày không chỉ rèn luyện cho mình về thể lực sức bền mà còn rèn luyện cho mình từ ý chí đến bản lĩnh trong lúc thi đấu nữa.
PV: Hãy kể chút xíu về gia đình, những lần ghé về nhà của Oanh như thế nào?
Nguyễn Thị Oanh: Từ năm 2020 đến giờ do dịch bệnh và tập luyện và chuẩn bị cho các giải đấu lớn nên tôi về nhà hơi ít. Mỗi năm 2-3 lần, mỗi lần khoảng hai ngày thôi. Tôi về nhà, bố mẹ thương lắm không muốn tôi động tay động chân vào việc gì cả dù gia đình tôi vẫn thuần nông. Có thể nói Tết là dịp duy nhất tôi gặp được những người thân khi mọi người quây quần đoàn viên bên nhau. Về nhà tôi vẫn cố gắng duy trì một buổi tập mỗi ngày hoặc buổi sáng, hoặc buổi chiều để duy trì thể lực.
PV: Mục tiêu của Oanh trong năm 2023?
Nguyễn Thị Oanh: Tôi cố gắng rèn luyện để hướng tới các thành tích cao hơn đặc biệt sẽ cố gắng tập luyện, rèn luyện để có cơ hội để thay đổi màu huy chương ở đấu trường châu lục.
PV: Từ hành trình vươn lên bền bỉ của bạn, Oanh có thông điệp nào gửi tới các bạn trẻ?
Nguyễn Thị Oanh: Theo tôi, khi chúng ta đã xác định một mục tiêu của bản thân mình thì chúng ta hãy bắt tay vào thực hiện mạnh mẽ mục tiêu đó. Khó khăn, trở ngại trên đường có rất nhiều nhưng hãy kiên trì và cố gắng từ trong tâm trí đến cảm xúc. Và sau hành trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ đó chắc chắn ở cuối con đường sẽ là những kết quả ngọt ngào mà chúng ta xứng đáng nhận được.