Lê Minh Nhựt tham gia các mảng hoạt động xã hội với một mục tiêu: Kết nối để xây dựng cộng đồng hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo khắp Việt Nam.
Tốt nghiệp ngành tài chính ở đại học Kinh tế TP.HCM, Nhựt bắt đầu công việc đầu tiên là chuyên viên tư vấn tài chính ở công ty cổ phần I Value. Sau đó, Nhựt gặp gỡ đội ngũ cố vấn của quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam (SVF) – tổ chức xã hội hóa phi lợi nhuận hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua đổi mới sáng tạo và hệ tư duy khởi nghiệp. Hoàn thành tám tháng thực tập ở I Value, Nhựt chính thức làm việc tại SVF từ tháng 1. 2016, khi quỹ đang xây dựng những nền tảng đầu tiên.
Nhựt giữ vị trí giám đốc dự án tư vấn và hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nhân/doanh nghiệp (NISD), một trong những chương trình trọng điểm của SVF. Chàng trai sinh năm 1993 để lại nhiều dấu ấn trong việc xây dựng cộng đồng khởi nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp – địa phương đầu tiên ký kết hợp tác với SVF, sau đó là phát triển các mô hình tương tự ở những tỉnh thành trải dài khắp Việt Nam.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn, Nhựt xây dựng và quản lý chương trình phát triển nguồn nhân lực từ cộng đồng sinh viên Việt Nam – mạng lưới tình nguyện viên thuộc quỹ SVF, thu hút sự tham gia của sinh viên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong vòng bốn năm qua, SVF đã mở rộng mối quan hệ hợp tác toàn diện từ một lên tám tỉnh thành trên cả nước (Đồng Tháp, Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum). Họ đồng hành với hơn 20 địa phương khác trong xây dựng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Khi Nhựt bắt đầu làm việc ở quỹ, SVF vừa có giấy phép thành lập, công việc của Nhựt là người vận hành, thực thi, kiêm luôn thử nghiệm những mô hình hợp tác theo định hướng hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp. Cách đây năm năm, cụm từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn là một khái niệm tương đối mới mẻ. Để học được nhanh nhất, Nhựt đại diện quỹ tham gia vào nhiều hoạt động đa dạng của các tổ chức khác nhau để quan sát và học hỏi từ thực tế.
Nhựt nhớ lại có những tháng anh tham gia cùng lúc với nhiều tổ chức, buổi sáng vừa họp với hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, buổi chiều đã chạy xuống khu công nghệ cao để tham dự các buổi trao đổi về chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (IOT). “Cách nhanh nhất để quan sát và học hỏi là cùng tham gia với nhiều bên. Họ có khung chương trình, mình cung cấp nguồn lực hoặc hỗ trợ như một đơn vị tài trợ,” Nhựt nói.
Đầu năm 2017, Nhựt trở thành trưởng đại diện ở Đồng Tháp, quản lý một dự án nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh với SVF về việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở tỉnh này. Dự án có ba mảng hoạt động chính, bao gồm tổ chức hoạt động, diễn đàn kết nối các cấu phần của hệ sinh thái khởi nghiệp (Nhà nước, doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyên gia…), xây dựng chuỗi chương trình truyền cảm hứng và đào tạo doanh nghiệp, hoạch định chiến lược, tư vấn chính sách phát triển hệ thống doanh nghiệp tại địa phương.
Với quan điểm là phải hiểu thì mới giúp được, Nhựt quyết định chuyển xuống sống ở Đồng Tháp. “Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cấp cho SVF một căn phòng nhỏ ở khu nhà tập thể để đặt văn phòng, tôi quyết định ngủ luôn tại đó để tiện làm việc,” Nhựt nhớ lại về ngày đầu tiên xuống địa phương. Khởi đầu trong công việc của Nhựt cũng tương tự khi chưa có chỉ tiêu, chưa có kế hoạch, chưa có bất cứ thứ gì. Theo Nhựt, sự khác biệt của việc hợp tác với địa phương so với mối quan hệ hợp tác với các tổ chức chuyên nghiệp là chính mình sẽ phải xây dựng nền tảng.
Anh mất nửa năm đầu tiên để đi nói chuyện với tất cả những bên liên quan trong việc xây dựng một cộng đồng, ví dụ như cơ quan nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, đại diện doanh nghiệp với mong muốn xây dựng được một bức tranh toàn cảnh nhất về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. “Vì mục tiêu của mình là có mặt ở đây để giúp đỡ nên mình không mang định kiến gì về khối công – tư,” Nhựt kể. Sự nhiệt tình của Nhựt đã “thổi một làn gió mới” vào hoạt động kết nối ở tỉnh thành, thay vì những chuỗi hoạt động thường mang tính chất “cây nhà lá vườn”, quy mô nhỏ như trước kia.
Thất bại đầu tiên của Nhựt là khi chương trình ươm tạo doanh nghiệp mùa đầu tiên do anh khởi xướng không được thành công như mong đợi, sau vài tháng về Đồng Tháp. Nhựt thừa nhận vì bản thân tương đối nóng vội và xây dựng một chương trình theo “chuẩn”, trong khi đó chưa phải thứ địa phương đang cần. “Họ muốn giải quyết bài toán đi vay vốn, bán được nhiều hàng hơn, nhưng mình lại tập huấn cho họ về quy trình sản xuất, tiếp thị, kinh doanh nên hai bên không cùng chung tiếng nói”, Nhựt cho biết. Từ thất bại này, anh rút ra bài học quan trọng: Phải có sự kết nối giữa nhiều bên trong việc xây dựng nên một cộng đồng, để các bên hỗ trợ lẫn nhau.
Để xây dựng lòng tin với địa phương, thay vì chỉ tập trung vào hoạt động ở thành phố Cao Lãnh, Nhựt dành thời gian về các huyện để tham gia nhiều hoạt động cùng với họ. Ngoài ra, Nhựt cùng đồng đội phải nghĩ ra nhiều cuộc thi, các startup tours, đưa doanh nhân khởi nghiệp ở Đồng Tháp đi thăm các mô hình thực tế khác để họ quan sát và được kết nối. Nhựt cũng khởi xướng nhiều buổi tập huấn nhỏ, tập trung vào các chủ đề thiết thực, được nhiều người quan tâm để dần chuyển hóa tư duy của người làm doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Ngọc Đào, phó giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp gọi Nhựt là một mảnh ghép quan trọng trong việc xây dựng được một cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo gồm nhiều cấu phần ở Đồng Tháp. “Nhựt không nghĩ gì cho mình, chỉ nghĩ làm sao để cộng đồng khởi nghiệp có thể phát triển. Bạn là người khởi xướng và thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp đầu tiên của tỉnh, đặt ở thành phố Cao Lãnh,” bà Đào dành nhiều sự chân thành khi nhắc tới Nhựt.
Sau hai năm từ khi ký kết thỏa thuận hợp tác, quỹ SVF đã hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp tổ chức hơn 27 lớp đào tạo, thu hút được khoảng 2.200 học viên tham gia. Riêng năm 2018, số lượng doanh nghiệp hoạt động tăng hơn 109,4% so với năm 2017 và đóng góp ngân sách 856 tỉ đồng. Chương trình “Ươm tạo đàn sếu khởi nghiệp đất sen hồng” được xây dựng trở thành văn hóa trong khởi nghiệp ở Đồng Tháp từ ý tưởng sếu đi theo đàn, cùng làm, chắp cánh vươn xa do Nhựt khởi xướng từ năm 2017 là một trong những hoạt động trọng tâm trong dự án nhằm phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.
Tính riêng trong năm 2021, chương trình này lan tỏa và tiếp cận trên 10.000 người, thu hút 35 dự án đăng ký đầu vào, 13 dự án hoàn thành bảy tháng tập huấn. Mười dự án sau khi hoàn thành chương trình có ghi nhận cải tiến mô hình kinh doanh, một nửa trong số đó tăng doanh thu và cộng đồng người dùng.
Giai đoạn 2018 trở về sau, khi hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đồng Tháp đã tương đối thành công, các tỉnh thành lân cận như Bến Tre, Bình Dương hay Vũng Tàu bắt đầu tìm tới SVF đặt vấn đề hợp tác. Cách làm như cũ là cùng tham gia trong mọi hoạt động đã không còn phù hợp khi Nhựt phải làm việc với nhiều tỉnh thành. Nhựt liên tục tới thăm các tỉnh khác để tìm hiểu về môi trường địa phương. Thời điểm bận rộn nhất, một tuần anh đi công tác năm tỉnh liên tiếp, và thường xuyên phải nhờ bác bảo vệ mở cổng khi về nhà quá khuya. Học hỏi từ thực tế giúp Nhựt triển khai các hoạt động ở những tỉnh thành khác tương đối suôn sẻ hơn.
Trong khoảng thời gian này, Nhựt cùng đồng đội khởi xướng các cuộc thi để hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, gắn liền với những đặc trưng của địa phương, ví dụ cuộc thi Nghề cá – hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với việc khai thác/ chế biến thủy hải sản ở Vũng Tàu hay cuộc thi khởi nghiệp về nghề gốm ở Bình Dương. Song song, Nhựt khởi xướng chuỗi chương trình “Người trồng rừng” để tập huấn cho cán bộ ở địa phương và phát triển nhóm mạng lưới “đại sứ” – những người tâm huyết ở địa phương để trở thành hạt nhân của một hệ sinh thái. Hiện tại, chuỗi chương trình này được mở rộng tại bảy tỉnh, thành phố. Từ Đồng Tháp, Nhựt xây dựng các chuỗi chương trình liên kết vùng, quốc gia, quốc tế hướng tới việc đưa công nghệ vào các hoạt động khởi nghiệp ở từng vùng, gia tăng giá trị sản phẩm và kết quả kinh doanh.
Trong hơn năm năm qua, Nhựt cho rằng giá trị lớn nhất mang lại cho địa phương là sự gắn kết trong việc hình thành một cộng đồng, nền tảng ban đầu để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những tăng trưởng về kinh tế dù chưa thể lượng hóa quá rõ ràng, nhưng chàng trai sinh năm 1993 tự tin hiệu quả đó sẽ đến khi nguồn lực ở địa phương được đấu nối hiệu quả. Ông Phạm Duy Hiếu, chủ tịch hội đồng quản lý quỹ SVF nhận xét Nhựt là một người kết nối, có cam kết với những gì mình đưa ra, và ham học hỏi. “Nhựt đóng vai trò quan trọng ở Đồng Tháp và những tỉnh nơi bạn về làm dự án. Dù không nằm trong ban điều hành, Nhựt là một trong những người trẻ nhất góp sức xây dựng SVF từ những ngày đầu tiên,” ông Hiếu nói.
Gắn bó tương đối lâu với hoạt động xây dựng cộng đồng, Nhựt quan tâm đặc biệt tới hoạt động thực thi khi quan sát thấy sự chênh lệch giữa chính sách hoặc luật pháp với thực tế vận hành ở địa phương. Đó là lúc anh quyết định nộp đơn vào ngành Chính sách công ở đại học Fulbright Việt Nam. “Chỉ có ý chí muốn giúp thì không đủ, mình cần nền tảng, kiến thức để liên kết với kinh nghiệm và biến những gì mình làm sâu sắc hơn,” Nhựt nói. Quá trình ứng tuyển diễn ra nhẹ nhàng vì Nhựt cho rằng “mình chỉ kể lại hành trình, những gì tôi đang làm.” Học bổng 100% học phí là kết quả xứng đáng cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của Nhựt.
Lựa chọn một công việc đứng giữa nhiều cộng đồng khác biệt: cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các đối tác quốc tế, Nhựt thẳng thắn thừa nhận nhiều lần muốn bỏ cuộc khi chưa thể xây dựng được niềm tin ở địa phương, một phần do rào cản về tuổi tác. Điều giữ Nhựt lại với công việc hiện tại là cảm giác nhận được giá trị của mình. Mục tiêu trong năm 2022 của chàng trai 29 tuổi này về ngắn hạn là hoàn thiện hơn về nền tảng của chính mình trong bối cảnh biến động, tiếp theo là kết nối với mọi người để ngày càng hoàn thiện hơn những dự án đang thực hiện. “Tôi như cá gặp nước khi làm công việc này, khi được tương tác với xã hội, và thấy mình có giá trị,” Nhựt nói.