Trong quý 2, người tiêu dùng Việt Nam đã mua 14 tấn vàng, tăng 1,4 tấn so với cùng kỳ năm ngoái do lo ngại lạm phát.
Như vậy lượng vàng dân mua trong quý 2.2022 đã tăng 1,4 tấn, tương đương tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của hội đồng Vàng thế giới công bố hôm 28.7.
Mức tăng trưởng này đạt được bởi tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng xu tăng 5%, từ 9,1 tấn trong quý 2.2021 lên 9,6 tấn trong cùng kỳ năm 2022 và nhu cầu vàng trang sức tăng 28% (đạt 4,5 tấn, tăng 1 tấn).
Ông Andrew Naylor, giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại hội đồng Vàng thế giới cho rằng, do lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và sự suy yếu của đồng Việt Nam, các nhà đầu tư đã tìm đến vàng để phòng ngừa rủi ro. “Điều này được phản ánh qua mức phí bảo hiểm cao kỷ lục đối với đầu tư vàng miếng trong nước, ông Andrew Naylor nói trong thông cáo.
Trong khi đó, nhu cầu trang sức tăng mạnh được lý giải nhờ giá vàng trong nước sụt giảm, tâm lý lạc quan của người tiêu dùng trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu và gói kích cầu trị giá 15 tỉ USD của chính phủ Việt Nam.
Báo cáo của công ty cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng ghi nhận, doanh thu trang sức lẫn vàng miếng trong quý 2 tiếp tục đà tăng của quý trước đó nhờ thị trường phục hồi và nhu cầu vàng miếng tăng cao dưới áp lực lạm phát. Tính trong sáu tháng, doanh thu vàng miếng tại PNJ tăng 65,6% so với cùng kỳ, doanh thu bán lẻ trang sức tăng 61,9% và bán sỉ tăng 30,1%.
Nhu cầu vàng của người dân Việt Nam ngược với thế giới. Báo cáo của hội đồng Vàng thế giới ghi nhận nhu cầu vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường phi tập trung) trong quý 2 giảm 8%, về mức 948 tấn. Tính chung sáu tháng nhu cầu đạt 2.189 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ 2021. Giá vàng thế giới trong quý 2.2022 đã sụt giảm do các nhà đầu tư chuyển hướng khi Fed liên tục tăng lãi suất và đô la Mỹ tăng giá.
Giá vàng miếng trong nước vừa có đợt biến động mạnh vào tuần trước. Chiều 18.7, giá vàng miếng SJC rơi tự do xuống mức quanh 62 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 64 triệu ở chiều bán ra, trong khi giá thế giới đi lên. Dù vậy, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 12-13 triệu đồng mỗi lượng.
Mức điều chỉnh hôm 18.7 là mức giảm giá mạnh nhất trong lịch sử của giá vàng miếng. Lần gần nhất giá vàng điều chỉnh hơn 2,2 triệu/lượng vào ngày 11.8.2020 do giá thế giới giảm mãnh sau khi đã vượt đỉnh 2.000 USD/ounce. Giá vàng miếng SJC biến động mạnh tuần rồi sau thông tin cơ quan chức năng sẽ sửa Nghị định 24 để có thêm nhiều thương hiệu cùng sản xuất vàng miếng nhằm giảm sự độc quyền của SJC.
Trưa nay, 29.7, giá vàng miếng SJC ở mức 65,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và bán ra 66,5 triệu đồng. Giá vàng thế giới liên tục đi lên, hiện ở mức 1.761,4 USD/ounce (bán ra) và 1.761,9 USD/ounce (mua vào).
Ông Louise Street, nhà phân tích cấp cao EMEA tại hội đồng Vàng thế giới cho rằng trong nửa cuối năm 2022, nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn có thể tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng, nhưng việc thắt chặt tiền tệ và đô la Mỹ biến động có thể gây nhiều khó khăn. “Do nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục siết chặt chi tiêu, nhu cầu của người tiêu dùng có thể sẽ giảm,” nhà phân tích này dự báo.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nguoi-dan-viet-nam-mua-14-tan-vang-vi-lo-ngai-lam-phat)
11 tháng trước
Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản