Kinh doanh

Kỳ lân Xendit của Indonesia đầu tư vào ngân hàng của tỉ phú Putera Sampoerna

Kỳ lân thanh toán số Xendit ở Indonesia đầu tư vào ngân hàng Bank Sahabat Sampoerna của tỉ phú Putera Sampoerna và Djoko Susanto.

Share
this:

Kỳ lân thanh toán kỹ thuật số Xendit ở Indonesia trở thành cổ đông thiểu số của Bank Sahabat Sampoerna, ngân hàng tư nhân cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chủ sở hữu chính của ngân hàng là tỉ phú Putera Sampoerna và Djoko Susanto.

Đồng sáng lập của Xendit (từ trái sang phải): Juan Gonzalez, Tessa Wijaya, Moses Lo và Bo Chen. Ảnh: Xendit/Forbes

Theo thỏa thuận được công bố vào ngày 21.4, Xendit sẽ trở thành đối tác công nghệ cho Bank Sampoerna để phát triển ngân hàng kỹ thuật số.

“Xendit tự hào hỗ trợ Bank Sampoerna phát triển cơ sở hạ tầng ngân hàng kỹ thuật số,” Moses Lo, CEO và đồng sáng lập của Xendit cho biết trong thông cáo.

Xendit từ chối tiết lộ số tiền đầu tư và số cổ phiếu sở hữu được thông qua thỏa thuận này. Bank Sampoerna, vẫn thuộc sở hữu tư nhân, là một trong những đối tác ban đầu của Xendit từ khi thành lập vào năm 2015. Cả hai đều phục vụ cho phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hai công ty sẽ vẫn hoạt động độc lập.

“Sự hỗ trợ từ Xendit sẽ nâng cao năng lực phục vụ, phạm vi tiếp cận, chất lượng cũng như khả năng đổi mới sáng tạo của chúng tôi,” Ali Rukmijah, CEO của Bank Sampoerna cho biết.

Xendit trở thành kỳ lân sau đợt gọi vốn Series C trị giá 150 triệu USD do công ty đầu tư Tiger Global Management ở New York dẫn đầu vào tháng 9.2021. Xendit cung cấp nền tảng tạo điều kiện cho khách hàng, chủ yếu ở Indonesia và Philippines trong giai đoạn này, nhận thanh toán. Xendit có thể cung cấp tài khoản ảo và ví điện tử.

Ngân hàng Sampoerna giải ngân khoản vay 8,5 ngàn tỉ rupiah (589 triệu USD) hồi năm ngoái, tăng 3,9% so với năm 2020.

Khoản đầu tư của Xendit sẽ cung cấp ít nhất 950 tỉ rupiah (65 triệu USD) giúp Bank Sampoerna tăng vốn tự có lên 3 ngàn tỉ rupiah (208 triệu USD) vào cuối năm nay, theo yêu cầu của cơ quan Dịch vụ tài chính Indonesia (OJK). Vào cuối năm 2021, vốn tự có của ngân hàng là 2,05 ngàn tỉ rupiah (142 triệu USD).

Ngân hàng, có 22 chi nhánh tại 18 thành phố của Indonesia, do gia đình Sampoerna điều hành thông qua Sampoerna Investama, nắm 78,48% cổ phần, trong khi Djoko Susanto của tập đoàn Alfa nắm 17,44% thông qua Cakrawala Mulia Prima.

Theo bảng xếp hạng 50 người giàu nhất ở Indonesia năm 2021 của Forbes, Putera Sampoerna và gia đình sở hữu tài sản ròng trị giá 1,8 tỉ USD và xếp vị trí thứ 25. Djoko Susanto, xếp vị trí 22, sở hữu giá trị tài sản ròng 1,9 tỉ USD.

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm:

Startup bách hóa số của Indonesia Sayurbox huy động 120 triệu USD
Foxconn và Gogoro hợp tác phát triển xe điện tại Indonesia
Kỳ lân Hong Kong WeLab tiến vào thị trường ngân hàng kỹ thuật số ở Indonesia
Startup cà phê Kopi Kenangan của Indonesia trở thành kỳ lân
AC Ventures của Indonesia gọi 205 triệu USD vốn cho các startup
Kỳ lân chứng khoán Ajab của Indonesia đẩy mạnh đầu tư vào ngân hàng