Start-up

Jack O’Sullivan phát triển xe đạp công nghệ cao từ Việt Nam

Jack O’Sullivan, 25 tuổi, sáng lập và CEO của Modmo Technologies đang tập trung phát triển sản phẩm xe đạp công nghệ cao, thân thiện với người dùng, kết nối dữ liệu trong hệ sinh thái giống như khi bạn dùng chiếc iPhone.

Share
this:

Xe đạp thường đồng nghĩa chậm hơn phương tiện có động cơ, vận động mạnh khiến mồ hôi đầm đìa, có thể gây mệt mỏi do vận động cả chân và tay. Nhưng xe đạp cũng là một thị trường tăng trưởng ấn tượng trong dịch bệnh. Đại diện công ty Thống Nhất, thương hiệu xe đạp lâu đời ở Việt Nam trong một trả lời phỏng vấn cho biết thị trường nội địa của Việt Nam dự báo sẽ đạt tới khoảng 2-3 triệu xe/năm, và hãng chiếm 10% thị phần với số xe được bán ra tăng 1,5 lần kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Trả lời báo chí, chuỗi siêu thị AEON Việt Nam cho biết doanh số bán xe đạp tăng trưởng 200-300%. Tuy nhiên, xe đạp điện (cả mới và cũ) chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục, lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản. Trên thế giới, xe đạp điện đang ngày càng trở nên phổ biến, và các hãng chạy đua để tạo ra những sản phẩm đáp ứng cả công năng, thẩm mỹ, và xu hướng số hóa cuộc sống hiện nay.

Jack O’Sullivan đang có cơ hội lớn để phục vụ thị trường quốc tế, cụ thể là Đức – thị trường chính của anh hiện nay tại châu Âu, và Bắc Mỹ, nơi người dân duy trì thói quen vận động và đạp xe là môn thể thao ưa thích trong đại dịch. Sau ba năm kể từ khi có ý tưởng sản xuất chiếc xe đạp điện thông minh từ Việt Nam, đến nay, 250 chiếc xe Modmo đã được giao tới khách hàng đặt trước. Tháng 1.2022, Modmo bắt đầu sản xuất xe hàng loạt tại một nhà máy ở TP.HCM với mục tiêu xuất xưởng 700 xe tới các khách hàng đặt trước, đem về khoảng 1,5 triệu euro doanh thu. Năm 2022, Jack và cộng sự dự kiến sản xuất 12 ngàn xe, và năm 2023 là 24 ngàn xe. Anh cũng hướng tới sớm ra mắt sản phẩm cho người dùng tại Việt Nam.

Thị trường xe đạp điện toàn cầu được ước tính sẽ đạt tới 52,36 tỉ đô la Mỹ vào năm 2028, tăng trưởng CAGR 16,0%. Những tiến bộ công nghệ, hiệu suất, xu hướng thân thiện môi trường đang thúc đẩy thị trường mở rộng, theo nhận xét trong báo cáo “Electric Bike Market, 2021-2028” của Fortune Business Insights. Con số này tăng trưởng hơn gấp đôi so với trước đại dịch. Thị trường đang có nhiều tên tuổi đã định hình, như Giant Bicycles (Đài Loan), Energica Motor Company (Ý), Accell Group (Hà Lan), Robert Bosch GmbH, Derby Cycle Holding GmbH (Đức), Pedego Electric Bikes và Trek Bicycle Corporation (Mỹ), Panasonic Corporation và Shimano Inc (Nhật), Mahindra & Mahindra Ltd. (Ấn Độ), Bionx International Corporation (Canada). Đặc biệt, VanMoof, ra đời năm 2009 tại Hà Lan, vừa gọi được đầu tư Series C 128 triệu đô la Mỹ.

Với ý tưởng thiết kế chiếc xe đạp có trải nghiệm giống như iPhone đem lại, Jack đặt tên sản phẩm đầu tiên là ModmoPlus (dòng cao cấp) và ModmoS (dòng đơn giản hơn với giá thấp hơn), và “có thể chiếc tiếp theo là ModmoPro,” anh cười cho biết. Chiếc xe có thiết kế tập trung vào các ưu điểm từ khí động học giúp chiếc xe nhẹ, phụ kiện như đèn LED, hệ thống điện, dây điện, pin đều được xử lý và sắp xếp nằm bên trong thân xe, khung tay lái có màn hình kết nối với với điện thoại thông minh của người dùng qua bluetooth, hiển thị GPS, đường đi, tốc độ, thời tiết (có thể soi gương trên màn hình!). Công ty cho biết thời lượng pin sau một lần sạc liên tục bốn tiếng có thể đi quãng đường 200km, và chiếc xe có thể chuyển từ tốc độ đạp bình thường dần sang 25km/giờ. Và nếu bạn nghiêng xe sang bên trái, xe có thể hiểu là bạn muốn rẽ trái và tự động bật đèn xi nhan.

Trong nhà máy lắp ráp xe đạp Modmo. Courtesy of Modmo Technologies

Đặt tên công ty là Modmo (Modular Mobility), Jack hướng tới xây dựng hệ sinh thái các phương tiện giao thông phục vụ người dùng cá nhân ở những quãng đường không quá dài, thay thế xe hơi và xe máy. Xu hướng điện hóa phương tiện giao thông đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, với những tên tuổi dẫn đầu như Tesla trong mảng xe hơi và các hãng xe truyền thống và cả mới nổi (như Vinfast) đều công bố đầu tư mạnh vào xe điện. Máy bay điện, xe lửa điện cũng đang có những tiến bộ vượt bậc.

Jack ghé đến Việt Nam nhân chuyến đi đến Trung Quốc để tìm đối tác sản xuất xe đạp cho cửa hàng xe đạp của anh ở Dublin. Châu Âu là nơi bạn có thể dễ dàng bắt gặp một triệu phú hay thủ tướng đạp xe đi làm, đi chơi. Tại Việt Nam, anh có ý tưởng tập trung vào giải quyết ba vấn đề của người đi xe đạp gồm mệt mỏi và ra mồ hôi vào thời điểm không thích hợp, mất cắp xe.

Trong sáu tháng đầu, chỉ có Jack và Trần Minh Tôn (chuyên ngành kỹ sư điện và là nhân sự Việt Nam từ thời đầu tiên) cùng với ý tưởng về chiếc xe đạp của họ. Họ mang bản vẽ đầu tiên đến nhà máy tại Đồng Nai để sản xuất mẫu thử. Chủ nhà máy cho biết họ có thể làm được, nhưng cần 10 ngàn đô la Mỹ. Jack, khi đó 21 tuổi, bán chiếc xe ý tưởng của mình thông qua website công ty. Khách hàng chưa thấy mẫu thử ở thực tế, nhưng họ chỉ cần đặt cọc 99 euro là đủ để giúp anh có tiền sản xuất.

Hóa ra thị trường phản ứng hào hứng hơn Jack hình dung. Chỉ trong vòng ba tháng đầu (tháng 4.2021), Modmo có được một triệu đô la Mỹ từ đơn hàng đặt trước, nhiều người trả tiền toàn bộ gần 2.000 euro. “Đúng là thời điểm đó mọi thứ hơi điên chút nhưng rất tuyệt vời,” anh nhớ lại.

Họ tuyển 30 người để cho ra mắt sản phẩm đầu tiên. “Mẫu thử trông khá,” Jack nói với Forbes Việt Nam trong cuộc trò chuyện qua Google Meet từ căn hộ của mình tại Dublin (Ireland) vào một ngày đầu tháng 1.2022, đằng sau anh là chiếc xe Modmo màu đen với khung xe vững chãi và nổi bật, “nhưng nó rất khác so với sản phẩm đầu tiên giao tới khách hàng.” Hệ thống điện và thiết kế cho các thiết bị “nói chuyện” được với nhau là thách thức lớn họ phải giải quyết, bên cạnh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch khiến thời gian hoàn tất các đơn hàng kéo dài và một số khách hàng đã phàn nàn trên Facebook của họ. Khách hàng có thể nhận lại tiền đặt cọc nhưng “nếu tôi đặt một bộ phận của xe mà chờ đến cả năm mới nhận được thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng duy trì dòng tiền,” Jack nói.

Sau sáu tháng đầu tiên hoạt động từ đơn hàng trả trước, tháng 3.2020, Jack nhận đầu tư 10 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư thiên thần, số tiền anh cho là “khá nhiều,” giúp anh mở rộng nhân sự lên 45 người hiện nay, và hướng tới 100 người vào cuối năm 2022. Công ty vừa chốt xong vòng gọi vốn tiếp theo vào Giáng sinh 2021, với các nhà đầu tư là vận động viên đạp xe chuyên nghiệp, các nhà đầu tư ngân hàng và CEO của Ballymore, công ty phát triển bất động sản hàng đầu tại Dublin và London.

“Tôi nghĩ mọi người hứng thú vì xe đạp đã trở nên rất phổ biến ở châu Âu, đặc biệt trong thời điểm đại dịch,” Jack lý giải. “Các nhà đầu tư muốn trở thành một phần của xu hướng điện khí hóa các phương tiện giao thông.” Anh kể các nhà đầu tư cũng hứng thú vì Modmo hướng tới thực hiện toàn bộ quy trình từ thiết kế và sản xuất xe nguyên chiếc. Cách làm này sẽ giúp tốc độ ra mắt sản phẩm nhanh hơn và quản lý chất lượng tốt hơn. Anh cho biết hiện Modmo làm việc với 47 đối tác cung cấp 47 bộ phận cho chiếc xe đạp, trong đó có 50% từ Việt Nam.

Hertford Milner King, CEO Zama Ltd., một trong những nhà đầu tư vào Modmo nhận định trong email trao đổi với Forbes Việt Nam: “Tôi tin là Modmo sẽ trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu trong thị trường xe đạp điện toàn cầu trong 10 năm tới. Jack và đội ngũ của anh đã thể hiện sự sáng tạo trong thiết kế và xây dựng sản phẩm xe đạp điện ở Việt Nam, vượt qua những vấn đề về kinh tế do đại dịch gây ra.” Hertford cũng cho rằng Modmo sẽ phải giải quyết nhiều thách thức trong quá trình phát triển thành công ty đa quốc gia. Đó là xây dựng đội ngũ và quy trình để phát triển giá trị tích cực và văn hóa giải quyết vấn đề, bên cạnh tìm những đối tác thương mại tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không chỉ là chiếc xe đạp điện thông minh, “chiếc xe không phát thải” là mục tiêu tham vọng của Jack. Giảm thiểu và hạn chế dấu chân carbon trong quá trình sản xuất, vận chuyển trong lúc cân bằng lợi nhuận sẽ là thách thức lớn. “Modmo không phải là công ty xe đạp dù xe đạp là sản phẩm đầu tiên,” anh nói. “Chúng tôi hướng tới xây dựng một Tesla cho mọi hoạt động di chuyển ở khoảng cách ngắn và xây dựng hệ sinh thái mà các phương tiện có thể kết nối với nhau, giống như iPhone với Mcbook hay điện thoại Apple Watch.”

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 102, tháng 2.2022