multi-media / Megastory

Hồ sơ: Ryan Breslow, tỉ phú thế hệ Millennials

Ryan Breslow, đồng sáng lập Bolt, đẩy giá trị công ty công nghệ tài chính (fintech) của mình tăng vọt với hứa hẹn cung cấp phương thức thanh toán kiểu Amazon cho hàng triệu nhà bán lẻ trực tuyến đơn lẻ.

Giờ đây, vị tỉ phú mới nổi đang gây nhiều tiếng vang – kéo theo một số đối thủ hùng mạnh – thách thức văn hóa và đạo đức của ngành công nghệ. Với định giá 11 tỉ đô la Mỹ trong hoài nghi của nhiều người, Breslow quyết tâm chứng minh rằng Bolt không chỉ là một tia chớp lóe lên rồi chợt tắt, và anh không chỉ là cây cột thu lôi.

Rời xa những bữa tiệc hồ bơi sôi động của South Beach và những cuộc gặp gỡ dồn dập với các nhà tài phiệt trên vịnh Biscayne, Ryan Breslow, một trong những cư dân giàu nhất Miami và là một trong những tỉ phú trẻ nhất thế giới ở tuổi 27 ngồi thăng bằng trên chiếc gối hạt màu xanh trong căn bungalow ba phòng ngủ khiêm tốn của mình ngay rìa khu Little Haiti.

Breslow dành phần lớn thời gian ở nhà một mình. Anh nhảy theo điệu nhạc “house disco” trên thảm cỏ nhân tạo của AstroTurf ở sân sau. Anh thiền giữa những cây cọ cao vút, tượng Phật trắng và chiếc máy điều hòa không khí chạy rì rầm. Từ chiếc máy chạy bộ có gắn bàn làm việc trong phòng tắm nắng, gần bộ trống lễ hội, anh điều hành Bolt – công ty khởi nghiệp fintech định giá 11 tỉ đô la Mỹ với 700 nhân viên, cung cấp cho hàng triệu cửa hàng trực tuyến hình thức thanh toán nhanh gọn chỉ với một cú nhấp chuột như trên Amazon.

“Tôi sống như tu sĩ. Những gì bạn có thể làm được nếu loại bỏ những thứ gây xao nhãng thật đáng kinh ngạc,” Breslow nói trong bộ trang phục sặc sỡ như khẩu pháo bắn hoa giấy: áo thun in hình siêu anh hùng Bolt màu tím trong phim hoạt hình, quần đùi chạy đủ màu, giày Nike đa sắc có đế lấp lánh.

Giữa những cuộc họp Zoom và buổi tập yoga ảo, Breslow, người nắm giữ lượng cổ phần trị giá hai tỉ đô la Mỹ của Bolt, dùng bữa trưa thuần chay với nguyên liệu được sản xuất tại địa phương, một mình và yên lặng. Anh hiếm khi ăn trước mặt người khác. Breslow kiêng thịt và gluten, caffein và rượu; không tiêu thụ thực phẩm chức năng cũng như những chất cấm. Thói quen nghiêm ngặt là một phần của cái anh gọi là “làm việc như sư tử,” triết lý hành động tập trung cao độ và cố gắng hết sức trong thời gian ngắn, tương tự như cách loài mèo lớn này đi săn.

Gần đây, Breslow áp dụng chế độ tuần làm việc bốn ngày tại Bolt. Anh cho biết: “Có quá nhiều công sở trở thành sàn diễn, nơi mọi người chỉ cố tỏ ra bận rộn. Tôi muốn bạn tập trung vào sức khỏe, hạnh phúc và gia đình của bạn trong thời gian nghỉ làm, để đến khi làm việc, bạn sẽ tập trung hoàn toàn.”

Sau khi mặt trời lặn, anh tránh ánh đèn điện và màn hình vì chúng làm gián đoạn giấc ngủ. Thay vào đó, anh thắp nến và chơi trống da trâu (anh tự làm với sự giúp đỡ của những thổ dân) để thư giãn trước khi đi ngủ. “Khi trở nên giàu có, đa số đều muốn trở thành một phần của giới thượng lưu. Tôi không muốn như vậy. Có lẽ tôi là một trong những tỉ phú hiếm hoi có cảm giác đó,” Breslow nói với nụ cười tự mãn. “Tôi không muốn tham gia câu lạc bộ, hội nhóm hay tiệc tùng.”

Là một người thích loanh quanh trong nhà, coi thường nhịp sống sôi động của thung lũng Silicon, nhưng Breslow dường như hiện diện khắp mọi nơi trong lĩnh vực công nghệ ngày nay. Anh huy động được tổng cộng một tỉ đô la Mỹ từ những nhà đầu tư mạo hiểm, 873 triệu đô la Mỹ trong số đó do những công ty đầu tư hàng đầu như General Atlantic, BlackRock, WestCap và H.I.G Growth góp vốn từ năm 2020.

Anh đẩy nhanh mức định giá của Bolt lên 11 tỉ đô la Mỹ – con số khiến nhiều người trong giới đầu tư phải vò đầu bứt tai, vì công ty chỉ đạt doanh thu 40 triệu đô la Mỹ trong năm 2021. Lượng người mua hàng sử dụng phần mềm của Bolt bùng nổ, từ 800 ngàn người đầu năm 2020 lên hơn 12 triệu người ở thời điểm hiện tại. Breslow ký hợp đồng với Adobe, Forever 21 và Fanatics.

Thông tin nội bộ cho biết Bolt đã đạt được những thỏa thuận chưa được công bố với một mạng xã hội lớn và một trong những cửa hàng bách hóa lớn nhất Hoa Kỳ. Ngoài công ty, Breslow còn tự xuất bản hai cuốn sách (Fundraising và Recruiting) và ra mắt hai tổ chức phi lợi nhuận là Conscious.org chuyên truyền bá lý tưởng “làm việc như sư tử” của anh, và tổ chức Movement cung cấp các lớp khiêu vũ miễn phí ở Miami, Los Angeles và New York.

Anh cũng tạo nên sự bối rối và tranh cãi trong toàn ngành. Hồi tháng một, anh từ chức CEO của Bolt để trở thành chủ tịch điều hành, động thái cực kỳ bất ngờ đối với một doanh nhân trẻ vừa kết thúc vòng gọi vốn 355 triệu đô la Mỹ. Anh đang công khai mời chào một kế hoạch gây tranh cãi: cho vay quyền chọn mua cổ phiếu của nhân viên. Breslow gọi đó là ý tưởng cấp tiến nhưng nhiều doanh nhân kinh nghiệm thời Web 1.0 cho rằng đó là liều lĩnh. Gần đây, anh lên Twitter để tung những cú đấm 280 ký tự vào một số nhân vật sừng sỏ của thung lũng Silicon.

Hồi tháng 1.2022, Breslow tweet một bài viết dài lập luận rằng Stripe, công ty thanh toán được định giá 95 tỉ đô la Mỹ và Y Combinator, chương trình tăng tốc khởi nghiệp hàng đầu, là những “ông trùm” thông đồng nhau đè bẹp sự cạnh tranh trong lĩnh vực fintech. Anh làm điều này vì lý do công việc lẫn tư thù cá nhân. Stripe là đối thủ cạnh tranh. Y Combinator từng từ chối anh.

Vào tháng 2.2022, anh viết rằng Shopify, công ty thương mại điện tử trị giá 90 tỉ đô la Mỹ cung cấp nhiều công cụ kỹ thuật cao cho những doanh nghiệp nhỏ, thôn tính hệ sinh thái của chính mình bằng cách đánh cắp những ý tưởng tốt nhất của cộng đồng nhà phát triển. Cả Stripe và Shopify – Patrick Collison hay Tobias Lütke, những CEO tỉ phú của hai công ty – đều không phản ứng công khai trước những lời lẽ khiêu khích của Breslow.

“Tôi không sợ đụng chạm đến một vài người có quyền lực. Nếu tôi không lên tiếng về sự khuất tất tôi thấy ở thung lũng Silicon thì ai sẽ làm điều đó?” Breslow nói. “Tôi tin rằng bạn nên chia sẻ kiến thức cũng như khó khăn, vì điều tôi ghét nhất ở thung lũng Silicon là mọi người đang kể câu chuyện cổ tích Cinderella.”

Tất nhiên, hành động chia sẻ khó khăn cũng mang lại lợi ích tiếp thị. Bolt, công ty khởi nghiệp thanh toán kỹ thuật số chưa có uy tín và còn lâu mới trở thành thương hiệu quen thuộc, cần nhanh chóng thu hút hàng triệu người dùng. Cuộc khẩu chiến trên Twitter với những đối thủ cạnh tranh nổi tiếng là cách thức rẻ tiền để thu hút sự chú ý và quảng bá rầm rộ.

Breslow nói những dòng tweet theo chủ đề của anh khác xa những lời nói rỗng tuếch lúc đêm khuya của Trump. Trước khi đăng bài, anh suy ngẫm về luận điểm và yêu cầu ban lãnh đạo công ty – hiện có nhiều nhà điều hành dày dạn kinh nghiệm từ Amazon, Twitter và Pinterest – phản hồi. Ban điều hành, nhà đầu tư và khách hàng nói rằng họ chấp nhận phong cách thẳng thắn của anh.

“Đó là Ryan. Anh ấy là doanh nhân thế hệ Z không hài lòng với trật tự thế giới, và muốn thay đổi điều này,” Maju Kuruvilla – CEO của Bolt, cựu giám đốc điều hành, quản lý dịch vụ logistics toàn cầu và dịch vụ lưu kho Prime tại Amazon, cho biết. “Đa số người thành công đều thích phá vỡ trật tự. Ryan lại càng chẳng biết sợ là gì.”

Brent Bellm, CEO của BigCommerce – khách hàng của Bolt, cung cấp phần mềm cho hơn 60 ngàn cửa hàng trực tuyến – là người hâm mộ nhiệt tình: “Tôi thích thú khi mọi người sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình để nói ra điều gì đó khiêu khích và thú vị, thay vì những thứ nhạt nhẽo hoặc thuận theo chính trị. Thật tuyệt vời.”


Hứa hẹn của Bolt rất đơn giản: mang lại cho hàng triệu người bán, và hàng trăm triệu người mua hàng, phương thức thanh toán kỹ thuật số thông suốt chỉ với một cú nhấp chuột. Amazon đã áp dụng phương thức này nhiều năm trước. Shopify cũng vậy. Vậy tại sao không áp dụng cho những cửa hàng tạp hóa khu vực, nhà bán lẻ quy mô vừa hoặc chuỗi cửa hàng xe hơi? Bolt đang nhắm vào thị trường trung gian rộng lớn này.

“Họ đang nằm trong thị trường rất lớn và có cơ hội rất lớn. Trong 5-10 năm nữa, họ có thể chiếm 20% thị trường bán lẻ,” theo Dennis Cong, nhà sáng lập CE Innovation Capital, tham gia đầu tư ở vòng gọi vốn Series E của Bolt. Năm 2021, Amazon bán được khoảng 600 tỉ đô la Mỹ hàng hóa. Mạng lưới hơn một triệu cửa hàng của Shopify thu về 175 tỉ đô la Mỹ. Bolt đang nhắm đến số thương nhân còn lại trên thế giới, những người, theo Statista, bán được khoảng 4,9 ngàn tỉ đô la Mỹ hàng hóa trực tuyến trong năm 2021.

Tư thế cây cọ: “Đơn độc là sức mạnh. Tôi có thể suy nghĩ cho chính mình. Điều này mang lại rất nhiều đột phá cho doanh nghiệp,” Breslow, người tập yoga hằng ngày trong vườn nhà tại Miami, nói.

Với người mua, Bolt chấm dứt thao tác điền biểu mẫu, tìm kiếm số thẻ tín dụng và ghi nhớ một mật khẩu khác. Bạn có thể gia nhập mạng lưới mua sắm của họ chỉ bằng cách nhấn chọn tham gia khi thanh toán tại một cửa hàng đối tác. Sau đó, mỗi khi bạn truy cập trang web do Bolt cung cấp, bạn sẽ được chấp thuận, và có thể đăng nhập cũng như mua hàng chỉ với một cú nhấp chuột; mã xác nhận được gửi qua tin nhắn văn bản hoặc email.

Đối với người bán, giảm thiểu bất tiện của hoạt động thanh toán bằng một cú nhấp chuột nghĩa là doanh số bán hàng cao hơn, bán nhiều hơn. Hiện nay, có tới 70% mặt hàng nằm kẹt trong giỏ hàng thanh toán trực tuyến. Bolt chỉ được thanh toán khi hoàn tất đơn hàng, thu phí khoảng 2% mỗi giao dịch. Điều này tương tự việc Shopify tính phí những khách hàng không sử dụng phần mềm thanh toán nội bộ của mình. Amazon xử lý mọi thứ nhưng đánh vào người bán bên thứ ba với mức phí rất cao từ 8% đến 45% giá bán lẻ. Người bán của Bolt chịu trách nhiệm thanh toán phí vận chuyển và phí thẻ tín dụng của riêng họ.

Nhìn bề ngoài, thanh toán đơn hàng thật nhàm chán và đơn điệu, nhưng những thách thức về công nghệ và quy định rất khó khăn. Trang web của mỗi nhà bán lẻ phải xử lý những khoản thanh toán, thuế bán hàng, hàng tồn kho, chi phí vận chuyển, địa chỉ giao hàng và mã phiếu thưởng, trong lúc vẫn phải căng mắt tìm gian lận. “Tôi phải xây dựng 30 thành phần tích hợp trước khi có thể thực hiện một lệnh thanh toán. Phần mềm rất rắc rối, rất nhiều hệ sinh thái thương mại cùng bị tấn công,” Breslow nói. “Đó là lý do quy trình thanh toán trên đa số trang web có vẻ cũ kỹ từ 10 năm trước so với phần còn lại của trang web. Chúng tôi phải làm một việc khó hơn nhiều: xây dựng một nền tảng chung có thể cài đặt ở bất cứ đâu.”

Theo Peter Krukovsky, nhà phân tích cấp cao của Moody chuyên về fintech, khi có nhiều đối thủ cạnh tranh trong một thị trường đông đúc, muốn giành được khách hàng, cần thêm nhiều yếu tố khác ngoài tốc độ. Amazon có quy mô, độ tin cậy và giao hàng miễn phí. PayPal, ông lớn của những hệ thống xử lý thanh toán trực tuyến, được 80% trong số 500 trang web lớn nhất Hoa Kỳ chấp nhận, cung cấp dịch vụ chống gian lận, thanh toán ngang hàng và thẻ ghi nợ.

Apple Pay, cài đặt sẵn trên hơn 110 triệu iPhone chỉ riêng ở Mỹ, hoạt động tốt trên cả App Store lẫn quán cà phê gần nhà bạn. Những công ty fintech như Affirm, Afterpay và Klarna cung cấp cho người dùng khoản vay tức thời. Thậm chí, những trình duyệt web hiện có cũng có thể tự động điền địa chỉ giao hàng và số thẻ tín dụng giúp thanh toán dễ dàng.

Nhiều nỗ lực lớn đã thất bại. Visa, Chase, American Express, Google, Samsung và Walmart đều đã tung ra những nút “buy now” (mua ngay) để rồi rơi vào tình trạng đình trệ. Ngay cả Amazon, công ty tiên phong trong hoạt động mua sắm bằng một cú nhấp chuột, cũng đã trì hoãn chiến dịch đưa nút mua hàng màu vàng đặc trưng của mình lên những trang web bên ngoài. Lisa Ellis, giám đốc điều hành cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường MoffettNathanson, cho biết: “Đó là nghĩa trang lớn… Hàng chục công ty tạo được sức hút, lôi kéo được 10% số thương nhân, sau đó chết vì không bao giờ có đủ khách hàng.”

Breslow tin Bolt có thể vượt qua “cửa tử” – và chứng minh mức định giá 11 tỉ đô la Mỹ cao ngất là điều xứng đáng – bằng giải pháp vượt xa hơn nút mua hàng. Hãy để những công ty khác cạnh tranh xem nút mua hàng của ai giành được vị trí tốt nhất trên trang web. Bolt muốn đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ giao dịch đằng sau. Giống “Intel Inside” trong mảng bán lẻ. Trong thế giới fintech, đây có thể là điểm khác biệt thực sự. Bolt muốn biến mình thành đất nước Thụy Sĩ trong giới fintech.

Phần mềm trung gian của họ tương thích với mọi bộ xử lý thanh toán, ngôn ngữ mã hóa và phương thức mua hàng – thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, Apple Pay, Google Pay, PayPal, những công ty mua trước trả sau và sắp tới là tiền mã hóa. Không ràng buộc với bất kỳ loại hình thẻ tín dụng, ngân hàng, mạng viễn thông, gã khổng lồ mạng xã hội hay thương hiệu thương mại nào, Bolt có thể làm việc với mọi người.

Nhiều nhà đầu tư hiện chấp nhận lý do doanh thu hằng năm ít ỏi (40 triệu đô la Mỹ) của Bolt một phần là do phải đợi hàng tháng trời để những đối tác bán lẻ mới và lớn, đang ồ ạt ký hợp đồng với Breslow, gia nhập mạng lưới. Họ kỳ vọng cả doanh thu lẫn số lượng người dùng đều sẽ tăng đột biến trong nửa cuối năm 2022. “Chúng tôi trông đợi sự kết hợp giữa một nhà sáng lập và đội ngũ tuyệt vời, hướng tiếp cận đúng đắn, sản phẩm hấp dẫn và sự chấp nhận rộng rãi của khách hàng. Bolt có tất cả những điều này,” nhà đầu tư Howard Han của Liontree chia sẻ. “Có hàng đống thứ phải xử lý với những giao dịch của doanh nghiệp từ khi bạn ký hợp đồng và đưa khách hàng vào mạng lưới. Chúng tôi đang tập trung xem xét quy trình – ai đang sử dụng sản phẩm, loại hình kinh doanh thành công của họ.”

Đó là quy mô tiềm năng được rất nhiều người ủng hộ ở mức định giá siêu kỳ lân (hơn 10 tỉ đô la Mỹ). Neeraj Chandra, nhà sáng lập Untitled Investments và là cựu đối tác của Tiger Global cho biết: “Đúng vậy, các mức định giá khiến mọi người phát rồ lên trong suốt 12 tháng qua. Nhưng Bolt đang ký hợp đồng với những thương gia có thể mang lại tổng giao dịch trị giá 100 triệu đô la Mỹ hằng năm. Với chúng tôi, đó là động lực chính.”

Breslow khởi đầu con đường đến với hàng tỉ người từ bãi tập lái xe, chứ không phải phòng máy tính. Anh lớn lên ở bãi biển Bắc Miami trong gia đình có nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ năng động. Ông nội của anh từng điều hành một cửa hàng quần jean, công ty kế toán nhỏ và chợ hải sản. Công việc kinh doanh của cha mẹ anh: Aqua Golf, sân golf địa phương được yêu thích, nơi những tay golf kém cỏi có thể đánh bóng xuống hồ. Breslow dành tuổi trẻ của mình để dọn dẹp các câu lạc bộ, đứng ở máy tính tiền và vớt bóng bằng lưới đánh cá. “Tôi mới 13 tuổi và vận hành toàn bộ cửa hàng,” anh nói. “Ngay từ khi còn nhỏ, bố đã dạy tôi giá trị của một đô la Mỹ.”

Anh theo học trường trung học Dr. Michael Krop, trường công lập có 2.500 học sinh với hơn một nửa số trẻ sống dưới mức nghèo khổ. Anh chăm chỉ, vừa tham gia nhiều môn học nâng cao ở mức đại học, được thiết kế cho học sinh trung học có năng lực, vừa lấy thêm tín chỉ trực tuyến. Anh tự học lập trình nhờ những bài hướng dẫn trên mạng và YouTube. Anh thành lập công ty nệm trực tuyến có tên Memory Foam Doctor và xây dựng trang web cho Bal Harbour, trung tâm mua sắm sang trọng và UNKNWN, thương hiệu thời trang đường phố do LeBron James đầu tư. “Tôi kiếm được khoảng một ngàn đô la Mỹ mỗi dự án, tuy không phải số tiền lớn nhưng chắc chắn nhiều hơn bất kỳ người bạn nào của tôi.”

Điểm số tốt và sự năng động trong kinh doanh giúp anh được nhận vào Stanford năm 2012. Palo Alto là một cú sốc văn hóa đối với anh. Anh chàng thu ngân ở bãi tập lái lúc này là bạn cùng lớp với những sinh viên giàu có. “Tôi chưa bao giờ gặp những đứa trẻ có nhiều tiền như thế này. Cha mẹ của họ thành lập công ty và là CEO của các tập đoàn,” anh nói. “Cha mẹ đã cho họ tham gia những lớp học lập trình từ khi 12 tuổi.”

Nếu có run sợ thì anh cũng đã không để lộ ra. Anh học khoa học máy tính, tập nhảy breakdance, gây dựng lại chi hội Alpha Epsilon Pi của Stanford (hội anh em Do Thái tập trung vào tinh thần doanh chủ) và đồng sáng lập câu lạc bộ bitcoin Stanford. Năm thứ hai, anh và một người bạn cùng lớp bắt đầu thiết kế chiếc ví kỹ thuật số cho phép người dùng mua một lượng nhỏ bitcoin để chi tiêu hằng ngày. Một chuyên gia công nghệ tại thung lũng Silicon cam kết tài trợ hạt giống, và cả hai bắt tay vào làm việc.

Tuy nhiên, ngay sau đó, bạn đồng sáng lập với anh mất hứng thú và nhà tài trợ rút lui. Cùng lúc đó, ông nội của Breslow, người anh coi là bạn thân nhất của mình, qua đời và mẹ anh bị chẩn đoán ung thư. “Cảm giác giống như mọi việc đều được định sẵn. Tôi bỏ học Stanford để xây dựng công ty một mình.”

Tuy bỏ học nhưng anh đã sao chép chìa khóa phòng của mình và tiếp tục sống trong ký túc xá. Học kỳ đó, Eric Feldman, người bạn tại Stanford, tham gia với tư cách đồng sáng lập. Sau đó, tháng 2.2014, Armaan Ali, một bạn cùng lớp, hiện đang điều hành công ty đầu tư mạo hiểm Human Capital, ký một tấm séc nhỏ tài trợ hạt giống. Doanh nhân công nghệ và giảng viên đại học Stanford, Jay Borenstein, ký tấm séc lớn hơn, và Breslow có một căn hộ.

Anh và Feldman dành một năm để tìm hiểu về những quy định tài chính, nguyên tắc, phương thức rửa tiền và phòng chống gian lận. Nhưng có một vấn đề lớn hơn: Bitcoin rất tệ khi sử dụng trong giao dịch hằng ngày. Giao dịch chậm, phí cao và không nhà bán lẻ nào muốn chấp nhận loại tiền tệ có thể mất một nửa giá trị trong một đêm. Họ cần nhanh chóng chuyển hướng. “Một ngày nọ, ý tưởng chợt lóe lên trong đầu tôi. Amazon đã cung cấp tính năng thanh toán bằng một cú nhấp chuột từ năm 1999 nhưng phần còn lại của thế giới thì không,” anh nhớ lại. “Càng nghiên cứu, tôi càng nhận ra tiềm năng to lớn như thế nào.”

Anh vẫn còn rất nhiều điều phải chứng minh. Twitter của anh chứa đầy tin nhắn giận dữ từ những giám đốc điều hành công nghệ lớn tuổi, và những nhà đầu tư mạo hiểm khó tính bực dọc trước những chỉ trích của anh về thung lũng Silicon, cách anh trả lương cho nhân viên và mức định giá tăng vọt của Bolt. Breslow không quan tâm. Anh tiếp tục khiêu khích Stripe và Shopify, đồng thời giữ vững lập trường về chương trình cho vay quyền chọn mới của Bolt, qua đó, như một phần bồi hoàn, anh cho nhân viên vay tiền mặt để mua quyền chọn cổ phiếu Bolt.

Breslow gọi chính sách này là “bước đột phá” và “chương trình tùy chọn thân thiện với nhân viên nhất.” Vấn đề ở chỗ, đó không phải là ý tưởng mới và cũng không hẳn là ý tưởng hay. Việc các công ty cho nhân viên vay tiền để mua quyền chọn mua cổ phiếu như một cách kiếm tiền trả lương rất phổ biến vào những năm 1990 và kết thúc trong thảm họa. Khi bong bóng công nghệ đầu tiên nổ tung, quyền chọn trở nên vô giá trị, công việc của mọi người bốc hơi và sau đó là những khoản vay đến hạn.

Breslow không ngại ngần phóng đại, hoặc đôi khi là nói quá sự thật, khi kể một câu chuyện hay. Vào tháng 2.2022, anh khoe với Forbes rằng anh là người ngoài cuộc, không bao giờ lấy một xu nào từ đường Sand Hill, ám chỉ những quỹ đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon. Tuy nhiên, danh sách nhà đầu tư của anh bao gồm các công ty tại khu vực Bay Area như Tribe Capital, Soma Capital, Ridge Ventures và Sand Hill Angels.

Một cựu nhân viên của Bolt nói trong những ngày đầu, một số đội ngũ bán hàng thổi phồng doanh thu và giá trị giao dịch để hưởng hoa hồng cao hơn. Breslow thừa nhận việc này. “Một số nhân viên bán hàng và một số thương nhân đã thổi phồng số liệu. Chúng tôi đã xử lý việc này siêu nhanh, kết thúc hoạt động tự báo cáo và thành lập ủy ban kiểm toán để xem xét dữ liệu và số liệu. Chúng tôi không bao giờ trình bày sai số liệu cho cổ đông hoặc trong quá trình gây quỹ.”

Thực tế, Breslow đang thực hành phương thức kinh doanh có từ lâu nay trong một ngành công nghiệp dối trá, đầy những tuyên bố “trên giời”, những lịch trình kỳ quặc và sùng bái cá nhân. Xét cho cùng, đây là ngành gắn liền với biohacking (thay đổi lối sống để tối ưu hóa cách thức hoạt động của cơ thể), microdosing (sử dụng liều lượng nhỏ chất gây ảo giác với mục đích rèn luyện trí não), những mối quan hệ đa ái và lễ hội Burning Man. So với nhiều người khác trong ngành, anh có vẻ như không liên quan đến những tính chất này.

Có CEO mới điều hành hoạt động hằng ngày của Bolt, Breslow có thể tập trung vào việc chốt những thương vụ lớn. Theo nhiều nguồn tin, anh đang huy động thêm vốn với mức định giá 14 tỉ đô la Mỹ. Anh cũng đang tuyển dụng những lập trình viên ngôi sao gây ồn ào hơn. Anh chắc chắn không muốn yên lặng. “Nếu bạn không cho phép tôi nói ra sự thật của mình thì những điều như thế sẽ còn xảy ra nhiều hơn nữa, có thể bạn không nên đầu tư vào tôi.”

Quỳnh Anh biên dịch
Theo Forbes Việt Nam số 105, tháng 5.2022

——————————-

Xem thêm:
Hồ sơ: Tỉ phú Leong gầy dựng tương lai
Tỉ phú bất động sản Kwek Leng Beng đầu tư vào metaverse
Tỉ phú Otto Toto Sugiri tiên phong kỹ thuật số
Hồ sơ: ESR – đối thủ mới của ngành bất động sản
Con đường Petersen trở thành đối thủ đáng gờm của ngành vận tải

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ho-so-ryan-breslow-ti-phu-the-he-millennials)