Kinh doanh

Fosun sở hữu toàn bộ trung tâm Tài chính Bund sau khi doanh thu tăng

Fosun International chi 995 triệu USD mua lại 50% cổ phần của trung tâm Tài chính Bund để sở hữu toàn bộ khu phức hợp ven sông Thượng Hải.

Share
this:

Fosun International do tỉ phú Guo Guangchang điều hành đã đồng ý mua lại 50% cổ phần của trung tâm Tài chính Bund (BFC) với giá 6,34 tỉ nhân dân tệ (tương đương 995 triệu USD), sở hữu toàn bộ khu phức hợp ven sông Thượng Hải sau khi doanh thu của tập đoàn niêm yết tại Hong Kong tăng trở lại.

Thương vụ mua lại “tạo điều kiện cho tập đoàn xây dựng khu phức hợp thương mại phù hợp hơn với hệ sinh thái của tập đoàn”, chủ tịch Guo của Fosun cho biết trong thông cáo đầu tuần trước. Trong năm 2016, tập đoàn bán một nửa sở hữu của mình trong khu phức hợp bất động sản hỗn hợp để tăng tính thanh khoản và cải thiện tính linh hoạt tài chính.

Trung tâm Tài chính Bund nằm ở trung tâm Thượng Hải dọc theo bờ phía tây của sông Hoàng Phố. Ảnh: Frédéric Soltan/Corbis via Getty Images

Fosun cho biết BFC nằm bên sông Hoàng Phố là tòa nhà mang tính biểu tượng của Thượng Hải, tích hợp văn phòng, khu vực bán lẻ, khách sạn, dịch vụ ăn uống, giải trí, y tế, nghệ thuật và du lịch. Khu phức hợp rộng 420 ngàn m2, bao gồm trung tâm nghệ thuật (do kiến trúc sư người Anh Norman Foster thiết kế) nổi tiếng với tấm màn che bằng tre chuyển động xung quanh mặt tiền. Các thương hiệu quốc tế bao gồm nhà mốt Pháp thuê trung tâm mua sắm để mở cửa hàng trung tâm (flagship) hàng đầu ở Châu Á.

Fosun hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thời trang, khách sạn, bảo hiểm, khai thác mỏ, dược phẩm, bất động sản và sản xuất thép cho biết lợi nhuận ròng tăng 26% lên 10,1 tỉ nhân dân tệ vào năm 2021 so với năm trước, trong khi doanh thu tăng 18% lên 161,3 tỉ nhân dân tệ. Mức tăng trưởng này nhờ vào hoạt động kinh doanh tronh lĩnh vực công nghiệp.

“Trong bối cảnh đại dịch, những bất ổn chính trị và kinh tế toàn cầu gia tăng mạnh mẽ, tạo ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với thị trường vốn, quản lý chuỗi cung ứng, sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp,” Guo cho biết. “Để giải quyết những thách thức đó, Fosun tận dụng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, nhanh chóng chủ động điều chỉnh chiến lược cũng như chiến thuật.”

Bất chấp đại dịch, Fosun vẫn tiếp tục đầu tư trong nước và ở các nước khác, mua lại hãng giày cao cấp Sergio Rossi của Ý hồi tháng 6 và Bankhaus Lampe của Đức trong tháng 10. Tại Trung Quốc, tập đoàn này bắt đầu vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao do tư nhân sở hữu kết nối hai thành phố phía đông nam Hàng Châu và Thái Châu.

Trong ngày 23.3, tập đoàn Lanvin của Fosun đồng ý sáp nhập với công ty SPAC Primavera Capital Acquisition Corp. trong thỏa thuận định giá ở mức 1,9 tỉ USD. Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà mốt toàn cầu niêm yết ở New York và hỗ trợ công ty phát triển trong tương lai. Bên cạnh Lanvin và Sergio Rossi, tập đoàn còn sở hữu và quản lý các thương hiệu mang tính biểu tượng khác như trang phục nội y Wolford của Áo, thời trang nữ St. John Knits của Mỹ và thương hiệu thời trang nam Caruso của Ý.

Fosun niêm yết tại Hong Kong phát triển các thương hiệu quốc tế bao gồm Club Med. Công ty do Guo và ba bạn học từ Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải: Liang Xinjun, Wang Qunbin và Fan Wei thành lập vào năm 1992. Hiện nay, chỉ còn Guo và Wang vẫn làm việc tại Fosun, Liang rời khỏi công ty vào năm 2017 và Fan từ chức vào năm 2015.

“Sau gần 30 năm phát triển, Fosun đã phát triển thành một trong số ít doanh nghiệp trong nước có hoạt động kinh doanh toàn cầu, khả năng đầu tư cao, áp dụng công nghệ mạnh mẽ và tích cực đổi mới,” Guo nói.

Biên dịch: Gia Nhi