Bất chấp những khó khăn của thị trường bất động sản, tỉ phú Hong Kong Vincent Lo đang lập kế hoạch lâu dài cho tập đoàn Shui On của mình, đặt cược lớn vào bất động sản ở Thượng Hải và chuẩn bị cho con gái Stephanie làm người kế thừa sự nghiệp.
Dẫu thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn còn khó khăn, tỉ phú phát triển bất động sản Vincent Lo tại Hong Kong vẫn nhìn thấy tia sáng giữa mây mù.
Người sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Shui On cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền tại Hong Kong vào tháng 12.2022: “Rõ ràng là thị trường đang đi xuống, rất nhiều nhà phát triển bất động sản đã mở rộng quá mức. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để mua ở mức giá thấp lần đầu tiên sau nhiều năm.”
Nhận xét này được đưa ra vào thời điểm Shui On Land, công ty hàng đầu của tập đoàn, đã hiện thực hóa quan điểm của ông: một ngày trước đó, họ thông báo vừa mua lô đất rộng 17.000m2 ở Thượng Hải với giá khoảng 2,4 tỉ nhân dân tệ (350 triệu đô la Mỹ).
Việc mua lại được thực hiện thông qua liên doanh với công ty nhà nước Shanghai Yangshupu, trong đó Shui On Land sở hữu 60%. Động thái này là cách làm điển hình của Lo, người nổi tiếng nhờ tầm nhìn dài hạn, nghiên cứu chuyên sâu và lập kế hoạch tổng thể tỉ mỉ cho các dự án của mình.
Đối với những người nghi ngờ cách tiếp cận của mình, Lo có thể chứng minh bằng thành công từ thương vụ đặt cược táo bạo tương tự mà ông đã thực hiện gần 1/4 thế kỷ trước ở Thượng Hải: dự án Xintiandi (Tân Thiên Địa).
Thời điểm đó, khu vực này có các tòa nhà có tính lịch sử bị xuống cấp nhưng không được tái phát triển. Hei-Ming Cheng, chủ tịch KaiLong, công ty bất động sản đã đầu tư hơn bốn tỉ đô la Mỹ vào hơn 50 dự án ở Trung Quốc, cho biết: “Lúc đó là thời điểm ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.”
Từ 1998 đến 2004, Cheng là tổng giám đốc của Shui On Land ở Thượng Hải. “Vincent đã rất mạo hiểm. Và ông ấy thực sự có tầm nhìn xa trông rộng. Ông ấy muốn làm một điều gì đó độc đáo, và đây là một dự án phức tạp, được lên kế hoạch kỹ càng, điều mà không ai làm ở Trung Quốc,” ông kể. “Đó là cuộc cách mạng đã thay đổi sự phát triển ở Thượng Hải và ở Trung Quốc.”
Thượng Hải những ngày đó chìm trong u ám. “Thị trường ảm đạm, ngay cả ở khu trung tâm và dọc theo bến Thượng Hải,” Lo nhớ lại. Shui On vẫn còn là một công ty nhỏ của Hong Kong khi Lo được các quan chức Thượng Hải thuê để tư vấn về cách bảo vệ khu vực lịch sử.
Lo thuê kiến trúc sư người Mỹ Ben Wood, nổi tiếng với công trình hồi sinh hội trường Faneuil lịch sử của Boston. Wood đưa ra kế hoạch bảo tồn các tòa nhà bằng cách biến chúng thành các nhà hàng, cửa hàng và địa điểm giải trí cao cấp.
Khai trương vào năm 2002, Tân Thiên Địa ngay lập tức gây tiếng vang và vẫn còn nổi tiếng cho đến ngày nay. Đây vừa là một trong những dự án phát triển bất động sản có lợi nhuận cao nhất ở Trung Quốc vừa là dự án có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của Shui On.
Danh mục đầu tư tại Thượng Hải của Shui On Land đóng góp khoảng 3/4 tổng lợi nhuận cho thuê và phần lợi nhuận có liên quan, với phần lớn trong đó đến từ dự án từng đoạt giải thưởng này. Có thể khẳng định, Tân Thiên Địa là viên ngọc quý trong sự nghiệp bất động sản lâu dài của Lo.
Giờ đây, ông đang chuẩn bị thực hiện kế hoạch quan trọng nhất của mình, chuyển giao cho thế hệ tiếp theo. Đây cũng là kết quả của quá trình nghiên cứu và lập kế hoạch cẩn thận. Lo, bước sang tuổi 75 vào tháng 4.2023, đã nói về việc tìm kiếm người kế nhiệm từ năm 2011.
Ông ngụ ý rằng con gái mình, Stephanie Lo, 40 tuổi, sẽ là người kế thừa ông tiếp quản tập đoàn khi bổ nhiệm cô làm giám đốc điều hành tại Shui On Land năm 2018 (cô bắt đầu làm việc tại Shui On từ năm 2012).
Cô hiện là giám đốc điều hành của Shui On Land, đồng thời là phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Shui On Xintiandi, chi nhánh của Shui On giám sát Tân Thiên Địa.
Cùng làm việc với cô tại Shui On là em trai Adrian Lo, 34 tuổi, hiện là giám đốc phát triển doanh nghiệp tại Socam, chi nhánh xây dựng của Shui On ở Hong Kong. Anh gia nhập công ty vào năm 2018 sau khi điều hành công việc kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống của riêng mình tại Hong Kong trong năm năm.
Đến giữa năm 2022, Lo và các con của ông nắm giữ phần lớn cổ phần của Shui On Land và Socam, đồng thời hai chị em dường như có mối quan hệ công việc vững chắc.
Lo nói: “Thành công không bao giờ là việc dễ dàng.” Mấu chốt của quá trình này là việc tham khảo ý kiến con cái và sự quản lý. Stephanie cho biết họ luôn thảo luận cùng nhau. Cô kể: “Tất cả chúng tôi đã ngồi lại thảo luận về trách nhiệm, những gì chúng tôi mong đợi và cách tốt hơn để tạo nên di sản của cha.”
Họ cùng làm việc để xây dựng gia quy, mà theo Stephanie mô tả là kim chỉ nam cho công ty và là nét văn hóa mà gia đình muốn truyền lại cho các thế hệ sau. Adrian nói: “Chúng tôi đã thảo luận rất lâu về tương lai. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng các giá trị của chúng tôi phù hợp.”
Lo có động lực để quyết tâm duy trì sự ổn định của Shui On. Cha của ông, Lo Ying-Shek, thành lập công ty bất động sản và khách sạn Great Eagle cách đây 60 năm.
Ông Lo Ying-Shek qua đời năm 2006, để lại chín người con vẫn đang vướng vào tranh chấp kéo dài. Mẹ của Lo, 103 tuổi, cùng hai anh trai và một em gái của ông, đang xung đột với một người em trai khác, Lo Ka Shui, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Great Eagle.
Vincent, giám đốc không điều hành tại Great Eagle, cho biết cha ông rõ ràng đã chỉ định Ka Shui điều hành công ty. Ông than thở rằng vì hàng loạt vụ kiện kéo dài, ông đã không đến thăm mẹ mình trong nhiều năm. “Thật là bi kịch,” ông nói, và khẳng định điều đó sẽ không xảy ra ở Shui On.
Stephanie cho biết trọng tâm của công ty sẽ vẫn là đại lục và Hong Kong, nơi “thương hiệu và khả năng quản lý cũng như khả năng thực thi của chúng tôi mạnh mẽ hơn nhiều.” Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của Thượng Hải như một điểm đầu tư, và nơi này “đang trên đà trở thành thành phố toàn cầu.”
Stephanie cho hay khu đất rộng 17.000m2 trên đường Pingliang ở quận Yangpu, thương vụ mua lại mới nhất của công ty, sẽ được phát triển thành khu phức hợp, kết hợp bảo tồn các tòa nhà lịch sử nhưng sẽ không cao cấp như Tân Thiên Địa.
Stephanie đang dẫn đầu chiến lược phát triển ở Trung Quốc với sự hướng dẫn của cha cô. Nhìn chung, các nhà phân tích hoan nghênh thương vụ mua lại, vì dự án này sẽ giúp Shui On tạo dựng danh tiếng mạnh mẽ tại Thượng Hải.
Wood, hiện sống ở Thượng Hải, nói: “Thách thức lớn đối với Shui On không phải là ai sẽ điều hành công ty, mà là làm thế nào để họ tồn tại ở một đất nước Trung Quốc hiện nay đã rất khác.” Ông giải thích cạnh tranh ngày càng gay gắt và các dự án chất lượng như Tân Thiên Địa rất đắt đỏ.
Ông đánh giá nền tảng kiến thức của Stephanie – bằng cử nhân kiến trúc từ đại học Wellesley, Massachusetts cùng kinh nghiệm làm việc cho các công ty thiết kế và kiến trúc New York – là một tài sản quý giá.
“Cô ấy hiểu biết về kiến trúc, là người biết lắng nghe, giống như cha mình, đặt câu hỏi và lắng nghe ý kiến của mọi người,” ông nói.
Stephanie cho biết phần quan trọng trong cách tiếp cận kinh doanh của cô là sẽ giúp Shui On Land phát triển theo hướng bền vững hơn.
Các chuyên gia tư vấn môi trường lưu ý rằng ngành xây dựng có lượng phát thải carbon rất lớn và có rất ít giải pháp giúp việc sản xuất thép và bê tông trở nên thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, Stephanie cam kết sẽ giảm 65% lượng phát thải carbon của công ty vào năm 2030.
Theo Eric Ricaurte, người sáng lập kiêm CEO của Greenview, công ty tư vấn về ESG ở Singapore, có nhiều công ty nói về giảm thiểu carbon, nhưng “Shui On đang thực sự cố gắng tạo sự khác biệt bằng cách cam kết thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng này và công khai các hoạt động đó.” Ông nói thêm: “Điều đó thực sự hiếm, đặc biệt là ở Trung Quốc.”
Một lĩnh vực khác mà Shui On Land cần cố gắng nhiều hơn nữa là nỗ lực tái lập Tân Thiên Địa ở các thành phố cấp hai của đại lục như Đại Liên, Hàng Châu và Vũ Hán.
Những dự án này đã cho ra các kết quả khác nhau. James Macdonald, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu của Savills Trung Quốc cho biết: “Shui On muốn thách thức giới hạn với những dự án rất phức tạp này.”
Tuy nhiên, theo ông, có thể họ đã chuyển hướng sang những thành phố đó quá sớm và thực hiện những bước phát triển quá tốn kém. Trong khi đó ở Thượng Hải, ngoài Tân Thiên Địa, Lo còn bổ sung thêm một cộng đồng lớn gồm một số khu dân cư và văn phòng đắt tiền nhất trong thành phố, công viên và hồ nhân tạo, với diện tích 52 héc ta (khoảng 80 dãy phố ở Hoa Kỳ) tại khu vực cầu Thái Bình.
Shui On, cần tái khởi động sau những biến động của thời kỳ COVID-19. Giá trị tài sản của Shui On lao dốc cùng với nền kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch, bị ảnh hưởng vì các đợt phong tỏa và vỡ bong bóng bất động sản đại lục sau khi chính phủ siết chặt khoản vay của các nhà phát triển bất động sản.
Theo cục Thống kê quốc gia, giá trị ước tính của lĩnh vực bất động sản đã giảm 5,1% vào năm 2022, trong khi đầu tư vào ngành này giảm 10%, mức giảm đầu tiên kể từ khi các số liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1999.
Cổ phiếu và lợi nhuận của Shui On Land đồng loạt giảm mạnh, khiến công ty này phải trì hoãn kế hoạch IPO tại Hong Kong cho Tân Thiên Địa vào tháng 3.2022. Công ty cho biết việc này có thể được xem xét lại nếu điều kiện thị trường được cải thiện.
Lợi nhuận phân bổ cho các cổ đông giảm hơn 50% trong nửa đầu năm xuống còn 450 triệu nhân dân tệ (65 triệu đô la Mỹ), trong khi doanh thu giảm 63% xuống còn 4,4 tỉ nhân dân tệ (636 triệu đô la Mỹ). Mặc dù doanh số bán hàng theo hợp đồng tăng 55% trong cùng kỳ, lên 18,7 tỉ nhân dân tệ (2,7 tỉ đô la Mỹ), nhưng chúng lại giảm 10% xuống 27,2 tỉ nhân dân tệ (3,9 tỉ đô la Mỹ) trong cả năm (công ty vẫn chưa công bố kết quả đầy đủ của năm 2022).
Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của công ty chạm đáy vào cuối tháng 10.2022 nhưng sau đó đã phục hồi, đưa Lo lên vị trí thứ 43 trong danh sách 50 người giàu nhất Hong Kong với giá trị tài sản ròng ước tính 1,7 tỉ đô la Mỹ. “Chúng tôi đang có vị thế rất vững chắc,” Lo nói. “Tôi rất phấn khích trước những cơ hội.”
Trung Quốc đưa ra các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản vào tháng 11.2022, nhưng Lo và những người khác trong lĩnh vực này tin rằng với việc các công ty lớn của đại lục như China Evergrande Group và Shimao Group đối mặt với tình trạng vỡ nợ, thì việc thanh lý là không thể tránh khỏi.
“Sau đó, sẽ có một đợt bán tháo,” ông nói thêm, đồng thời lưu ý Shui On Land có số tiền mặt lên tới 15 tỉ nhân dân tệ (2,1 tỉ đô la Mỹ), sẵn sàng mua lại các bất động sản đang gặp khó khăn. Hei-Ming Cheng của công ty KaiLong cho biết giá bất động sản ở các thành phố lớn đã giảm khoảng 30% và một số tòa nhà được bán với giá bằng năm 2018.
Shui On vẫn trụ vững. Tính đến giữa năm 2022, quỹ đất của Shui On Land là 9,4 triệu m2, trong đó có 6,9 triệu m2 để bán hoặc cho thuê. Công ty có 13 dự án đang được xây dựng tại các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc. Shui On cũng có quỹ đất ở Hong Kong, nơi Lo thành lập công ty vào năm 1972 với khoản vay 100.000 đô la Mỹ từ cha mình.
Ngoài việc bán và cho thuê bất động sản, công ty còn có nguồn thu từ hoạt động cho thuê bán lẻ, bao gồm hơn 600 cửa hàng ăn uống.
Lo cũng phấn khích trước cảm giác mới về cơ hội ở Hong Kong. Dù bất ổn xã hội và phong tỏa do đại dịch đã đẩy trung tâm tài chính này vào suy thoái hai lần kể từ năm 2020, các nhà phân tích kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm nay. Lo cho biết thành phố “đã lấy lại được cảm giác ổn định.”
Dự án Greater Bay Area (Vùng Vịnh lớn) là điểm sáng, nhằm hợp nhất chín thành phố ở miền nam Trung Quốc với hai đặc khu kinh tế Hong Kong và Macau. Theo chính phủ Hong Kong, khu vực này có dân số 86 triệu người và GDP gần 1,7 ngàn tỉ đô la Mỹ. Là một nền kinh tế độc lập, Hong Kong sẽ đứng thứ tám trên thế giới, Lo cho biết.
“Bắc Kinh muốn Hong Kong trở thành trung tâm đổi mới và công nghệ,” Lo nói. Thành phố này sẽ đóng vai trò là trung tâm tài chính quốc tế cho khu vực Vùng Vịnh lớn với hệ thống pháp luật và ngân hàng lâu đời. “Vì vậy, đó sẽ là thung lũng Silicon cộng với New York,” ông cho biết. “Tôi nghĩ đây là triển vọng rất tươi sáng cho Hong Kong.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng Shui On Land rất có lợi thế. Bên cạnh nền tảng vững chắc ở Hong Kong, công ty còn có dự án phức hợp ở Phật Sơn, một trong những thành phố thuộc Vùng Vịnh lớn, sẽ giúp công ty tạo dựng sự hiện diện và bản sắc mạnh mẽ trong khu vực.
Với việc các cơ hội đang rộng mở lần nữa khi Trung Quốc đại lục quay trở lại kinh doanh sau giai đoạn trì hoãn trong thời gian dài bị phong tỏa do đại dịch COVID-19, Lo cảm thấy khó mà chậm lại, thậm chí cả khi chuẩn bị cho người kế nhiệm Stephanie và giao cho Adrian nhiều trách nhiệm hơn.
“Ông ấy có nói với anh rằng ông ấy đang nghỉ ngơi không?” Stephanie cười hỏi. “Tôi hi vọng được nghỉ hưu phần nào,” Lo chia sẻ, nhưng thừa nhận điều đó vẫn chưa thành hiện thực.
Con gái ông nói: “Tôi nghĩ nguyên nhân là do ông ấy thực sự yêu thích công việc. Vì vậy, nếu hỏi liệu ông ấy có dành thời gian nghỉ ngơi để làm những gì mình yêu thích hay không, thì câu trả lời là ông ấy yêu công việc của mình.”
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43