multi-media / Megastory

DEEP C: Lập chuẩn mực mới cho kinh tế xanh

Hướng tới tiêu chuẩn xanh hơn để trở nên khác biệt, cung cấp địa điểm đầu tư bền vững và tin cậy cho khách hàng là mục tiêu theo đuổi của nhà đầu tư tổ hợp khu công nghiệp DEEP C.

Ngồi trên xe chạy tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cách hơn 3km, một tua bin điện gió lừng lững dần hiện ra bên phải, điểm đến đầu tiên của tổ hợp năm khu công nghiệp DEEP C với tổng diện tích hơn 3.400 héc ta nằm ở hai địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh.

Nhìn xa bên trái là bãi container nhiều sắc màu, dễ dàng nhận ra Đình Vũ – bến cảng thông thương hàng hóa sầm uất hàng đầu miền Bắc, sát cạnh là cảng hàng lỏng do DEEP C đầu tư và vận hành có thể tiếp nhận tàu 20.000DWT, đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của các nhà sản xuất hóa dầu.

Với chiều cao đến 100m và cánh quạt thiết kế dài hơn phiên bản gốc để tối ưu sức gió, tua bin này cấp 2,3MW điện trực tiếp vào lưới điện nội bộ DEEP C. Nhà đầu tư dành 10 triệu đô la Mỹ cho thiết kế này và đưa vào vận hành năm 2021, không chỉ mang lại năng lượng xanh mà còn làm thay đổi cảnh quan và trở thành biểu tượng mới của DEEP C, một trong những khu công nghiệp đầu tiên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ gió cho sản xuất công nghiệp.

Trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam tại văn phòng DEEP C Hải Phòng II, giám đốc vận hành và phát triển bền vững Eric Deruelle cho biết việc theo đuổi các sáng kiến sinh thái từ phát triển năng lượng tái tạo, tối ưu nguồn nguyên liệu và chất thải cũng như các hoạt động an sinh, các tiện ích chất lượng cao hơn cho nhà đầu tư thứ cấp đang được thúc đẩy nhất quán để đưa toàn tổ hợp thành nơi khác biệt chứ không chỉ đơn thuần cho thuê đất.

“Chúng tôi tiên phong mở ra điểm đến đầu tư bền vững và tin cậy để thu hút khách hàng, phát triển bền vững là xu thế không thể khác được,” nhà điều hành người Pháp này nói.

Kể từ năm 2020, tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên áp trên mái nhà xưởng 20.000m2 đưa vào vận hành có công suất 3MWp, họ tiếp tục thu hút các công ty khác cho thuê lại mái nhà xưởng, dự kiến đến năm 2023 nâng công suất lắp đặt lên hơn 20MWp. Nhiều dự án được thực thi như hệ thống pin năng lượng mặt trời trên các khu đất trống, chuyển hóa chất thải thành năng lượng, lưu trữ và sản xuất năng lượng tái tạo; mở rộng nghiên cứu lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên bãi rác Đình Vũ nhằm giảm thiểu tác động môi trường…

Ông Eric Deruelle, giám đốc điều hành và phát triển bền vững tổ hợp khu công nghiệp DEEP C, tại khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II. Ảnh: Lê Lai chụp cho Forbes Việt Nam.

Ông Eric kể trước đây họ sử dụng 100% điện từ lưới quốc gia. Nay DEEP C hướng đến năm 2030 tự chủ 50% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo, song song đó nghiên cứu công nghệ mới để thực hiện tham vọng tự chủ 100%. Chỉ lên bản đồ quy hoạch đến năm 2030, ông diễn giải chiến lược năng lượng tái tạo đầy tham vọng: phát triển công ty điện chuyên nghiệp vận hành và cung cấp năng lượng tái tạo gồm các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và điện khí hóa lỏng LNG.

“Tự chủ và bền vững là hai yếu tố song hành, phải biến DEEP C thành điểm lựa chọn đầu tiên cho bất kỳ đối tác nào, đặc biệt những công ty có cùng tầm nhìn vừa kinh doanh vừa giảm thiểu tác động đến môi trường,” ông nói với Forbes Việt Nam.


Deep C là một trong những nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm trong lĩnh vực này tại Việt Nam, từ năm 1997. Khi đó bán đảo Đình Vũ còn là khu vực đầm lầy hoang hóa. Song Rent-A-Port, tập đoàn Vương quốc Bỉ chuyên phát triển các khu công nghiệp gắn liền cảng và các dự án năng lượng tái tạo ở nhiều nơi trên thế giới, đã nhìn thấy vị trí chiến lược của bán đảo này sẽ trở thành trung tâm logistics khu vực trong tương lai.

25 năm qua, nhà đầu tư dần biến bán đảo đầm lầy hoang hóa thành một khu công nghiệp mũi nhọn, tạo nền móng hình thành tổ hợp hiện tại với hệ thống năm khu công nghiệp và cầu cảng, thu hút 120 nhà đầu tư với tổng vốn 4 tỉ đô la Mỹ, tạo hơn 30 ngàn việc làm.

Năm 2021, DEEP C là một trong năm khu công nghiệp đầu tiên được bộ Kế hoạch Đầu tư và tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) chọn thí điểm chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Ông Eric nói điều này giúp DEEP C dễ dàng hơn trong việc thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Từ khá sớm, Rent-A-Port đã ký ghi nhớ hợp tác trong các dự án đồng hành cùng tầm nhìn Hải Phòng là thành phố xanh đồng thời là một trung tâm công nghiệp bền vững và đa dạng. Họ nghiên cứu phát triển cụm công nghiệp xanh bao gồm cơ sở năng lượng sạch, sản xuất nước sạch bằng năng lượng xanh, thu gom và xử lý rác thải tiêu chuẩn quốc tế; nghiên cứu xử lý nước bằng điện gió tại Cát Hải để cung cấp nước sạch cho bốn ngàn hộ dân trên đảo, kỳ vọng có thể nhân rộng dự án này sang tỉnh thành khan hiếm nước khác.

DEEP C
Vườn ươm cây xanh được tưới tiêu từ nguồn nước của nhà máy xử lý nước thải chuẩn ISO 9001&14001, cung cấp cây xanh cho toàn khu công nghiệp DEEP C.

Ông Eric điểm lại: một năm sau thành lập, năm 1998, DEEP C có khách hàng đầu tiên là hãng dầu nhờn Chevron thuê 64 héc ta, đã tạo nền tảng thuận lợi để phát triển. Việc chọn khu công nghiệp do doanh nghiệp châu Âu quản lý giúp Chevron hạn chế rủi ro và trở ngại trong giai đoạn đầu. Quá trình Chevron tăng gấp đôi năng lực sản xuất tại Việt Nam cũng gắn liền với việc phát triển của DEEP C, nhất là cung cấp nguồn điện tin cậy và cầu cảng hàng lỏng.

Ngày nay những tên tuổi sản xuất lớn trên toàn cầu đang cộng sinh tại đây như Bridgestone, BW Industrial, DK, Heawon, Nakashima, Pegatron, Nippon Express, Puma… Eric tin rằng giá trị chính của nhà vận hành khu công nghiệp không đơn thuần cho thuê đất mà đến từ các tiện ích và dịch vụ tối ưu dịch vụ cho nhu cầu của mọi nhà đầu tư. “Muốn có lợi nhuận thường xuyên từ tất cả dịch vụ, không có cách nào tối ưu hơn là việc vận hành phải hướng tới phát triển bền vững,” ông nói.


Khi Eric đến Việt Nam đảm nhận vai trò vận hành DEEP C một năm trước, ngay giai đoạn đại dịch, chức danh ông được thêm vào “giám đốc vận hành và phát triển bền vững”. “Mỗi nhân viên phải là đại sứ truyền tải thông điệp về phát triển bền vững,” ông nói và “khoe” mô hình cộng sinh công nghiệp phát triển ở thị trấn Cát Hải – khu vực dân cư DEEP C đang bảo tồn, có thể kết nối mọi người dân để phát triển hài hòa với thiên nhiên, với các khu đô thị cũng như các ngành nghề đã phát triển trong khu vực.

Quá trình phát triển được Eric mô tả “khó khăn lúc nào cũng có, luôn phải đối mặt và vượt qua, bây giờ và kể cả sau nữa.” Điều tích cực theo ông là các chính sách của Việt Nam có nhiều thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi hơn, giúp họ tạo ra sự thay đổi lớn và nhanh hơn cho quá trình phát triển. Họ chủ động lựa chọn dự án phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển của mình, với những khách hàng có cùng mục tiêu, đi cùng nhau để tạo thành hệ sinh thái và phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Việc tạo dựng hệ sinh thái cộng sinh công nghiệp, các hộ gia đình sẽ phát triển cùng, xây dựng những khu bếp ăn cung cấp cho các công ty trong khu công nghiệp, để họ cải thiện điều kiện sống và thu nhập. Họ cũng dành 47 héc ta phát triển các khu nhà ở xã hội để công nhân thuận tiện đi làm. Ông nói hệ sinh thái cộng sinh công nghiệp bền vững luôn đặt ra thách thức kết nối tất cả nhà đầu tư, người lao động và cộng đồng, đòi hỏi đảm bảo tổng hòa các vấn đề môi trường xã hội và quản trị khu công nghiệp.

DEEP C
Ông Eric Deruelle tại con đường nhựa tái chế đầu tiên tại DEEP C. Ảnh: Lê Lai chụp cho Forbes Việt Nam

Pegatron – nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới sau Foxconn, đặt cứ điểm tại DEEP C II trên diện tích 34 héc ta. Trước khu sản xuất là hồ nước dài, những ụ đất tự nhiên được giữ lại như những đảo nhỏ, dành không gian bảo tồn sinh thái và là hồ đệm khi mưa lũ. Giới thiệu với Forbes Việt Nam, cô Bùi Thị Thùy Dung, phụ trách marketing, chỉ tay về hướng đối diện, một con đê nội bộ do DEEP C đầu tư đi cùng hệ thống thoát nước, xa hơn là con đê của thành phố đang được xây dựng.

Trên đường nội khu thi thoảng xe nhặt rác tự hành đi qua. Ở khu xử lý nước thải tập trung cho DEEP C I và II công suất 6.000m3 có thể mở rộng gấp đôi, robot lấy nước tưới tiêu cho vườn ươm cung cấp cây xanh cho toàn khu công nghiệp. Tại nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn ISO 9001 và ISO 14001 này, nước thải được thu gom từ nhà máy khách hàng, xử lý theo quy trình nghiêm ngặt để đạt tiêu chuẩn trả lại môi trường.

Đoạn khác, một con đường dài 1,2km được xây dựng từ nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam do DEEP C hợp tác cùng Dow Chemical hoàn thành năm 2019. Dù hiện chưa được cấp tiêu chuẩn vì còn liên quan đến vật liệu mới nhưng nhà đầu tư tự tin sẽ có nhiều con đường sử dụng rác thải nhựa nhân rộng tại DEEP C, bởi rất cần những giải pháp sáng tạo về rác thải nhựa vốn nan giải hiện nay để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Là nhà chiến lược về phát triển bền vững, ông nghĩ thế nào về tầm nhìn zero phát thải của Việt Nam vào năm 2050? Eric nói điều đó quả dễ nhưng để đạt được mục tiêu to lớn chắc chắn phải rất tham vọng. Theo ông cần sự hợp tác của nhiều đối tác và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên cũng không quá bi quan khi công nghệ đang phát triển rất nhanh, giúp doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn để đạt được mục tiêu và giải quyết những thách thức lớn hiện nay.

Ông nói tầm nhìn phát triển bền vững hay lối sống xanh thay đổi tích cực chỉ sau một năm ông đến Việt Nam. Điều đó thôi thúc nhà vận hành DEEP C nỗ lực đưa công ty hướng tới mục tiêu, các tiêu chí về môi trường xã hội cũng như về quản trị để thu hút được nhóm khách hàng chuyển đổi.

Chiến lược phát triển bền vững của DEEP C còn nằm ở kế hoạch bảo tồn rừng ngập mặn hướng phát triển công nghiệp song hành với bảo tồn tự nhiên. Trong quá trình phát triển cảng biển tại DEEP C Quảng Ninh, rừng ngập mặn được gìn giữ để thay thế khu vực cây xanh, khu vực giải trí, làm rừng đệm phòng hộ, giảm nhu cầu thiết kế đê biển.

Điện mặt trời áp mái trên các khu sản xuất….
và các trang trại điện mặt trời mini tại DEEP C Hải Phòng II.

Trang trại hữu cơ DEEP C Farm cũng là một trong những dự án DEEP C triển khai. Dự án cộng đồng này cung cấp thực phẩm an toàn với giá cả cạnh tranh cho người lao động trong khu công nghiệp. Trang trại 3,6 héc ta ở vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi, giáp sông Chanh Diếc có nguồn nước tưới tiêu dồi dào. Điều này nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, ngăn chặn các tác động xấu đến môi trường và đảm bảo cuộc sống nông dân địa phương thông qua chuyển giao công nghệ và kỹ thuật canh tác.

Chuyên gia Lê Huy Đông, giám đốc cấp cao bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills nhận xét, là đơn vị đầu tư đến từ Bỉ, các quy trình quản lý của DEEP C theo tiêu chuẩn châu Âu. DEEP C cũng chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ và chất lượng cao, trở thành một trong những đơn vị tiên phong áp dụng năng lượng mới tại Việt Nam.

Bình luận về nền kinh tế xanh cần thực thi trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, theo ông Đông, thực tế cho thấy các doanh nghiệp đang ngày càng chú trọng đến yếu tố môi trường. Các chủ đầu tư hướng tới đạt các chứng chỉ xanh, tiêu biểu như VSIP hay DEEP C. “Họ thường yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ về quy trình sản xuất và nguyên vật liệu đầu vào, từ đó đánh giá được mức độ phù hợp của ngành sản xuất tại khu công nghiệp mình.”

Còn theo bà Trần Thị Chinh, giám đốc phát triển bền vững JLL Việt Nam, lĩnh vực này có cơ hội thực thi nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững. Từ xây kho xưởng theo tiêu chuẩn công trình xanh, phát triển hệ thống xử lý nước, rác thải để giảm gánh nặng cho môi trường, nhà ở cho công nhân, sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn trong việc quy hoạch và phát triển.

Tuy nhiên rào cản lớn là chi phí, khi hầu hết nhà đầu tư e ngại việc phát triển xanh sẽ làm tăng mức đầu tư khi lợi nhuận chưa chắc cao hơn. Vì vậy họ chưa muốn đầu tư xanh triệt để vì có thể khiến dự án trở nên kém cạnh tranh. “Biên lợi nhuận của loại hình này được đánh giá mỏng hơn các loại hình bất động sản khác nên bất kỳ chi phí bổ sung nào được đánh giá không cần thiết thường bị loại bỏ trong quá trình cân nhắc khoản đầu tư,” theo bà Chinh.

Trụ điện gió được thiết kế thành biểu tượng của tổ hợp khu công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng

Tương tự, theo ông Đông, “cách đầu tư này sẽ yêu cầu mức vốn ban đầu cao hơn. Vậy, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào những lợi ích Việt Nam đem lại so với những môi trường đầu tư khác.”

Dẫu vậy, Eric cho rằng các mô hình kinh doanh đang thay đổi rất nhanh và khách hàng cũng đang thay đổi. Việc của DEEP C là đáp ứng cho họ những tiện ích, tiêu chuẩn và yêu cầu, trong ngôi nhà chung của hơn 120 doanh nghiệp DEEP C tin họ cùng có trách nhiệm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và nỗ lực đóng góp vào sự phát triển bền vững.

“Chúng tôi cam kết tiên phong xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái với những tiêu chuẩn về bền vững nghiêm ngặt vì sẽ không có lựa chọn nào khác là thế giới phải hướng tới lối sống xanh. Chúng ta chỉ có một hành tinh và hành tinh đó không chỉ dành cho riêng mình mà còn dành cho các thế hệ mai sau,” ông nói.

Theo Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022, chuyên đề Kinh tế tuần hoàn

——————————–

Xem thêm
Kinh tế tuần hoàn – giải pháp cho biến đổi khí hậu
SolarBK: Khát vọng năng lượng mặt trời
Chiến lược xây những “cỗ máy xanh” khổng lồ của Cummins
Tỉ phú Philippines xây trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới
Net-zero ở Việt Nam và vai trò của năng lượng tái tạo

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/deep-c-hanh-trinh-thiet-lap-chuan-muc-moi)