Blockchain

Danh sách Forbes: 11 tỉ phú tiền mã hóa 2021

20/11/2021

Thị trường chứng khoán đã cho các nhà đầu tư lý do chính đáng để cười thỏa mãn trong năm nay, nhưng không ai vui hơn những người nắm giữ tiền mã hóa. Giá trị tổng hợp của tất cả các đồng tiền kỹ thuật số tăng đến một ngàn tỉ đô la Mỹ, tăng gấp bốn lần so với con số 250 tỉ đô la Mỹ vào tháng 1.2020. Xét đến sự gia tăng này, Forbes đã tính toán tài sản của các nhà đầu tư và doanh nhân giàu có nhất, không chỉ tính giá trị tiền kỹ thuật số của họ mà còn tính toán số cổ phần của họ trong các doanh nghiệp liên quan và tài sản truyền thống. Tổng cộng, Forbes ghi nhận được 11 tỉ phú.

Share with

Thị trường chứng khoán đã cho các nhà đầu tư lý do chính đáng để cười thỏa mãn trong năm nay, nhưng không ai vui hơn những người nắm giữ tiền mã hóa. Giá trị tổng hợp của tất cả các đồng tiền kỹ thuật số tăng đến một ngàn tỉ đô la Mỹ, tăng gấp bốn lần so với con số 250 tỉ đô la Mỹ vào tháng 1.2020. Xét đến sự gia tăng này, Forbes đã tính toán tài sản của các nhà đầu tư và doanh nhân giàu có nhất, không chỉ tính giá trị tiền kỹ thuật số của họ mà còn tính toán số cổ phần của họ trong các doanh nghiệp liên quan và tài sản truyền thống. Tổng cộng, Forbes ghi nhận được 11 tỉ phú.

Brian Armstrong

Brian Armstrong
Tài sản: $6,5 tỉ
Công ty Coinbase của anh là một trong những nơi phổ biến nhất để mua bán tiền mã hóa, xử lý khoảng ba tỉ đô la Mỹ giao dịch mỗi ngày. Armstrong, 38 tuổi, đồng sáng lập sàn giao dịch vào năm 2012, sau khi làm việc tại Deloitte và Airbnb. Hiện đây là doanh nghiệp tiền mã hóa có giá trị nhất ở Hoa Kỳ. Armstrong sở hữu khoảng 20% cổ phần của Coinbase, công ty đã bí mật nộp hồ sơ niêm yết vào tháng 12. Khi được hỏi tại sao anh lại tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này, người doanh nhân ngại tiếp xúc báo giới nói với Forbes: “Tôi muốn thế giới có một hệ thống tài chính mở, toàn cầu, thúc đẩy sự đổi mới và tự do.”

Sam Bankman-Fried

Sam Bankman-Fried
Tài sản: $4,5 tỉ
28 tuổi, Bankman-Fried quản lý tài sản 2,5 tỉ đô la Mỹ thông qua Alameda Research, công ty kinh doanh tiền mã hóa định lượng mà anh thành lập năm 2017. Là sinh viên tốt nghiệp MIT và cựu giao dịch viên ETF của phố Wall, anh cũng ra mắt FTX, sàn giao dịch phái sinh tiền mã hóa, vào năm 2019. Phần lớn tài sản của anh là từ vốn chủ sở hữu của FTX và token (FTT).

Chris Larsen

Chris Larsen
Tài sản: $2,9 tỉ
Là doanh nhân khởi nghiệp liên tục, Larsen, 60 tuổi, đồng sáng lập công ty cho vay trực tuyến eLoan vào năm 1997 và tám năm sau, sáng lập công ty cho vay ngang hàng Prosper. Lần cược thứ ba có giá trị nhất – và cũng gây nhiều tranh cãi: Ông đồng sáng lập Ripple với Jed McCaleb vào năm 2012 để thúc đẩy các khoản thanh toán quốc tế cho các ngân hàng thông qua công nghệ blockchain và token XRP. Vào tháng 1.2018, bong bóng tiền mã hóa đẩy tài sản của ông lên hơn 17 tỉ đô la Mỹ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, XRP đã sụp đổ cùng thị trường khi bong bóng vỡ vào cuối năm đó. Larsen là bị đơn trong một vụ kiện vào tháng 12.2020 do ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đệ trình, với cáo buộc rằng Ripple đã bán XRP cho công chúng trong đợt chào bán chứng khoán chưa đăng ký. “SEC hoàn toàn sai về sự thật và luật pháp,” Ripple tuyên bố.

Michael Saylor

Michael Saylor
Tài sản: $2 tỉ
Là CEO của công ty phần mềm MicroStrategy, ông là một trong những giám đốc điều hành nổi tiếng nhất của bong bóng Internet – thậm chí còn lọt vào danh sách Most Eligible Bachelors của tạp chí People. Nhưng kế toán có vấn đề dẫn đến việc báo cáo lại kết quả tài chính, và bong bóng dot-com vỡ đã khiến cổ phiếu của ông tụt giá sâu. Ông lọt vào danh sách này nhờ hai hành động: Tháng 12.2020, MicroStrategy thông báo họ sử dụng tiền mặt của mình và vay 650 triệu đô la Mỹ để mua 70.784 Bitcoin với giá 1,1 tỉ đô la Mỹ (hiện trị giá 2,5 tỉ đô la Mỹ), giúp thúc đẩy cổ phiếu tăng hơn 300%. Thêm vào đó, Saylor cho biết cá nhân ông kiếm được 17.732 Bitcoin với giá khoảng 175 triệu đô la Mỹ (hiện nay trị giá khoảng 650 triệu đô la Mỹ).

Changpeng Zhao (“CZ”)

Changpeng Zhao (“CZ”)
Tài sản: $1,9 tỉ
Nhà cựu phát triển phần mềm đã bán ngôi nhà của mình ở Thượng Hải vào năm 2014 để đầu tư toàn bộ vào Bitcoin. Ông ra mắt Binance vào mùa hè năm 2017 và trong vòng chưa đầy một năm, sàn này trở thành nơi giao dịch tiền mã hóa phổ biến nhất. Kể từ đó, sàn này tham gia các hoạt động kinh doanh khác nhau, từ quỹ đầu tư mạo hiểm và hoạt động khai thác Bitcoin đến thẻ ghi nợ cho phép bạn chi tiêu tiền mã hóa của mình ở châu Âu. Có cha là giáo sư lưu vong khỏi Trung Quốc, ông từng làm thêm tại McDonald’s và làm việc theo ca qua đêm tại trạm xăng để trang trải các chi phí trong gia đình.


Tyler & Cameron Winklevoss

Tyler & Cameron Winklevoss
Tài sản: $1,6 tỉ mỗi người
Cặp vận động viên chèo thuyền Olympic nổi tiếng với vụ kiện Mark Zuckerberg ăn cắp ý tưởng của họ cho mạng xã hội Facebook. Họ đã sử dụng một phần tiền từ khoản thanh toán hợp pháp trị giá 65 triệu đô la Mỹ năm 2012 với CEO Facebook để bắt đầu tích trữ Bitcoin. Họ vẫn sở hữu khoảng 70.000 Bitcoin, ngoài các tài sản kỹ thuật số khác. Vào năm 2014, họ đồng sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa Gemini; hiện xử lý khoảng 200 triệu đô la Mỹ giao dịch mỗi ngày.

Barry Silbert

Barry Silbert
Tài sản: $1,5 tỉ
Sau khi bán nền tảng giao dịch chứng khoán khởi nghiệp SecondMarket cho Nasdaq vào năm 2015, sinh viên tốt nghiệp ĐH Emory đã thành lập Digital Currency Group, tập đoàn gồm năm công ty. Công ty tạo ra doanh thu lớn nhất của tập đoàn này: nhà quản lý tài sản kỹ thuật số Grayscale, giám sát 28 tỉ đô la Mỹ Bitcoin, Ether và các tài sản khác. Tận dụng lợi thế người đi trước, Grayscale là công ty đầu tiên được cấp phép theo quy định để bán chứng khoán được Bitcoin hỗ trợ cho các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư được công nhận. Hiện tại, việc này tạo ra doanh thu ước tính 590 triệu đô la Mỹ hằng năm.

Jed McCaleb

Jed McCaleb
Tài sản: $1,4 tỉ
Một người tiên phong giai đoạn đầu, McCaleb, 46 tuổi, đã giúp khởi chạy ba công ty tiền mã hóa. Năm 2010, ông tạo ra Mt. Gox, sàn giao dịch Bitcoin lớn đầu tiên, được bán một năm sau đó. Vào năm 2012, ông đồng sáng lập Ripple, nhưng lại nhanh chóng rời đi vì bất đồng với những người đồng sáng lập. Năm 2014, ông đồng sáng lập Stellar, đối thủ cạnh tranh của Ripple trị giá 4,8 tỉ đô la Mỹ (giá trị tài sản) nhằm mục đích tăng tốc thanh toán xuyên biên giới. Phần lớn tài sản của McCaleb đến từ khoảng 3,4 tỉ XRP mà ông nắm giữ, xuất phát từ chín tỉ XRP ban đầu mà ông nhận được khi sáng lập Ripple. Trước khi tham gia vào tiền mã hóa, McCaleb nổi tiếng với việc tạo ra dịch vụ chia sẻ tập tin eDonkey2000, có một vụ kiện được dàn xếp năm 2006 với các công ty thu âm về việc vi phạm bản quyền với số tiền 30 triệu đô la Mỹ.

Tim Draper

Tim Draper
Tài sản: $1,1 tỉ

Tim Draper thuộc một dòng họ chuyên đầu tư ở thung lũng Silicon và là đối tác sáng lập của công ty đầu tư mạo hiểm Draper Fisher Jurvetson đã thực hiện hàng trăm khoản đầu tư mạo hiểm vào các công ty như Tesla và Theranos. Vào năm 2014, ông mua 29.656 Bitcoin, bị văn phòng Thống chế Hoa Kỳ tịch thu sau sự việc đóng cửa chợ đen ma túy Silk Road, với giá 18,7 triệu đô la (giá 632 đô la Mỹ cho mỗi đồng – coin). Hiện chúng trị giá 1,1 tỉ đô la Mỹ. “Tôi đã mua thêm một ít, nhưng không đủ để vượt qua Winklevii,” ông viết trong thư điện tử gửi cho Forbes, nhưng không tiết lộ chi tiết về tài sản của mình.

Matthew Roszak

Matthew Roszak
Tài sản: $1 tỉ

Là một người truyền bá về tiền mã hóa lâu năm, Roszak từng làm việc trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và là một doanh nhân (ông cũng dính đến cáo buộc về giao dịch nội gián và đã dàn xếp vào năm 2006) trước khi tích lũy danh mục đầu tư tiền mã hóa từ năm 2012. Hiện tại, ông là đồng sáng lập và chủ tịch của Bloq, một công ty khởi nghiệp công nghệ blockchain ở Chicago, tư vấn về các dự án như giúp các ngân hàng lưu trữ tài sản kỹ thuật số một cách an toàn. Gần đây, Roszak đồng lãnh đạo sáng kiến cung cấp cho mỗi thành viên Quốc hội số tài sản kỹ thuật số trị giá 50 đô la Mỹ; một số thành viên chấp nhận, nhưng một số lại từ chối.

Xem thêm: Doanh nghiệp lớn và cơn cuồng mã hóa.


Biên dịch: Quỳnh Anh
(Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam tháng 5.2021)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/forbes-11-ti-phu-tien-ma-hoa-2021)