Cổ phiếu Carnival giảm gần 15% khi ngân hàng đầu tư và công ty đầu tư chứng khoán Morgan Stanley cảnh báo về khả năng thua lỗ nặng do giá có thể giảm xuống 0 USD/cổ phiếu.
Cổ phiếu của hãng du thuyền giảm trong ngày 29.6 sau khi công ty đầu tư chứng khoán lớn ở Phố Wall cảnh báo nhu cầu thấp trong khi chi phí hoạt động lại cao hơn có thể làm giảm lợi nhuận của ngành, tạo nên cú sốc cầu khác. Ngoài ra Morgan Stanley cảnh báo cổ phiếu Carnival có thể mất toàn bộ giá trị nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Giá cổ phiếu của Carnival trong ngày 29.6 thấp hơn 9 USD/cổ phiếu, giảm 14% sau khi Morgan Stanley cảnh báo có thể thua lỗ nặng trong bối cảnh nhu cầu suy giảm và chi phí tăng cao hơn.
Ngân hàng đầu tư đã giảm giá mục tiêu của cổ phiếu từ mức 13 USD/cổ phiếu xuống 7 USD/cổ phiếu, một trong những mức dự báo thấp nhất ở Phố Wall, đồng thời cũng cảnh báo lợi nhuận của Carnival trong năm 2022 và 2023 có khả năng bị ảnh hưởng.
Morgan Stanley đã cắt giảm ước tính EBITDA cả năm cho công ty từ lợi nhuận gần 1 tỉ USD xuống mức thua lỗ 900 triệu USD, “do công suất phòng thấp hơn kỳ vọng, giá cả suy giảm, chi phí vận hành đơn vị leo thang cũng như chi phí nhiên liệu cao hơn.”
Hơn nữa, công ty cảnh báo trong trường hợp xấu nhất, cổ phiếu của Carnival có thể giảm xuống 0 USD/cổ phiếu và mất hết giá trị nếu nền kinh tế suy thoái làm cho công ty gặp phải một “cú sốc cầu” khác.
Theo các nhà phân tích của Morgan Stanley, Carnival đang gánh khoản nợ cao (hơn 35 tỉ USD) nhưng công ty chỉ còn 7,5 tỉ USD tiền mặt đến cuối quý hai, khiến tính thanh khoản có thể “nhanh chóng thu hẹp” nếu số lượng đặt phòng thấp hoặc nhiều khách hàng hủy đặt cọc.
Tin xấu này cũng kéo giá cổ phiếu của các hãng tàu đối thủ giảm theo, chẳng hạn như giá cổ phiếu của Norwegian Cruise Line và Royal Caribbean đều giảm khoảng 10% trong ngày 29.6.
Morgan Stanley dự báo triển vọng ảm đạm mặc dù các hãng du thuyền như Carnival đang chuẩn bị cho một mùa hè bận rộn. Carnival khởi hành toàn bộ đội tàu hồi tháng 5 và dự kiến sẽ hoạt động 110% công suất trong quý 3. Điều này sẽ giúp tăng trưởng doanh thu, CEO Arnold Donald cho biết trong tuần trước.
Giống như những hãng khác trong ngành, Carnival cũng bị tác động lớn từ những đợt phong tỏa để ngăn chặn đại dịch trong năm 2020 buộc phải hoãn những chuyến du lịch trong một khoảng thời gian dài. Vì vậy, nhiều hãng tàu lớn phải gánh một khoản nợ khổng lồ để duy trì hoạt động kinh doanh.
Mặc dù hoạt động du lịch tăng trở lại nhưng các hãng du thuyền vẫn chưa hoạt động hết công suất do lạm phát cao và giá dầu tăng tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Đại dịch COVID-19, lạm phát gia tăng và giá nhiên liệu cao hơn đều “tác động đáng kể” đến hoạt động kinh doanh của Carnival, ban quản lý cho biết trong hội thảo báo cáo lợi nhuận trực tuyến trong tuần trước.
Hiện tại công ty dự kiến lỗ ròng trong thời gian còn lại của năm 2022, mặc dù lợi nhuận được dự báo sẽ tăng khi hoạt động du thuyền đạt lại được mức kỷ lục vào năm tới.
Cổ phiếu của Carnival tăng sau khi công ty công bố lợi nhuận quý hai tăng mạnh trong ngày 24.6 nhờ vào doanh thu và số lượng khách đặt phòng trên du thuyền đều tăng mạnh so với đầu năm.
Doanh thu đạt 2,4 tỉ USD – tăng gần 50% so với quý 1, trong khi tiền đặt cọc của khách hàng tăng lên hơn 5 tỉ USD và công suất phòng trên các tàu du lịch của Carnival tăng từ 54% lên 69%.
Mặc dù kết quả kinh doanh khả quan nhưng cổ phiếu vẫn giảm sau khi một số công ty bao gồm Stifel và Wells Fargo đều cắt giảm giá mục tiêu của cổ phiếu trong những ngày gần đây.
Cổ phiếu của Carnival giảm gần 60% trong năm nay, so với mức giảm khoảng 20% của nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Tỉ phú Lim Kok Thay ra mắt du thuyền mới tại Singapore
Siêu du thuyền Octopus sẵn sàng cho thuê lần đầu tiên
Trải nghiệm du thuyền siêu sang Celebrity Beyond
Du thuyền của Disney dời lịch khởi hành chậm sáu tuần
Siêu du thuyền của Heesen Yachts khiến người Hà Lan tò mò
Hãng tàu Royal Huisman ra mắt siêu du thuyền PHI theo tỉ lệ vàng
1 năm trước
Cổ phiếu Roblox giảm hơn 20%