Kinh doanh

Bed Bath & Beyond nộp đơn xin phá sản

Ngày 23.4, nhà bán lẻ đồ gia dụng Bed Bath & Beyond công bố công ty nộp đơn xin phá sản theo chương 11 và đang chuẩn bị đóng các cửa hàng còn lại, sau nhiều tháng xuất hiện tin đồn về chuỗi bán lẻ đang gặp khó khăn sẽ khó tránh khỏi phá sản.

Share
this:

Trong thông cáo, Bed Bath & Beyond cho biết công ty nộp đơn xin phá sản ở New Jersey, và bắt đầu thực hiện “quá trình tiếp thị cũng như bán một số hoặc tất cả tài sản.”

Dự kiến thương hiệu ​​sẽ đóng 360 cửa hàng Bed Bath & Beyond và 120 cửa hàng buybuy BABY. Tuy nhiên, công ty cho biết nếu kiếm được nhà đầu tư mua lại thì công ty có thể “không đóng những cửa hàng này.”

Bảng hiệu cửa hàng Bed Bath & Beyond ở Queens, New York. Ảnh: UCG/Universal Images Group Via Getty Images/Forbes

Bed Bath & Beyond nhận được 240 triệu USD từ Sixth Street Specialty Lending, Inc. để có vốn duy trì hoạt động các địa điểm bán lẻ cũng như trang web trong quá trình phá sản.

Trong thông cáo gửi đến khách hàng, Bed Bath & Beyond cho biết công ty sẽ ngừng nhận phiếu giảm giá vào ngày 26.4 đồng thời sẽ xử lý hàng trả lại cho đến ngày 24.5 cũng như chấp nhận thẻ quà tặng cho đến ngày 8.5.

Đầu tháng này, giá cổ phiếu của Bed Bath & Beyond giảm xuống mức thấp kỷ lục 31 xu, khi đó công ty này cho biết trong hồ sơ gửi đến sở Giao dịch chứng khoán rằng gã khổng lồ bán lẻ “khó tránh khỏi phá sản” nếu cổ đông không thông qua đề xuất thực hiện quá trình “chia tách ngược” cổ phiếu.

Công ty từng vận hành hơn 1.500 cửa hàng bán lẻ.

Bed Bath & Beyond bắt đầu hoạt động vào năm 1971, và được niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 1992. Cổ phiếu của thương hiệu này đạt mức cao nhất 79,32 USD vào năm 2013. Nhưng cũng giống như nhà bán lẻ truyền thống khác, thương hiệu này phải thực hiện nhiều đợt sa thải nhân viên cũng như đối mặt khó khăn tài chính trong những năm tiếp theo.

Theo Wall Street Journal, trong năm 2019, lần đầu tiên công ty công bố doanh số bán hàng hằng năm giảm. Trong cuộc phỏng vấn trên Journal, nhà sáng lập Warren Eisenberg thừa nhận thương hiệu chậm triển khai hoạt động mua sắm trực tuyến cũng như thương mại điện tử, đồng thời nói rằng công ty đã “bỏ lỡ con tàu Internet.”

Nhà bán lẻ này cố gắng khôi phục hoạt động kinh doanh bằng cách thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến cũng như giới thiệu nhiều nhãn hiệu riêng, nhưng cuối cùng những nỗ lực đó vẫn không cứu được công ty.

Kết quả Mark Tritton—cựu CEO, người giới thiệu kế hoạch giúp cứu vãn tình thế đó— không còn làm ở công ty vào năm ngoái. Hồi tháng 1, Journal đưa tin rằng công ty chuẩn bị nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản theo chương 11 trong vài tuần tới. Cùng tháng đó, thương hiệu này vỡ nợ, đồng thời cảnh báo rằng công ty không có đủ tiền để trả một số khoản nợ.

Mặc dù công ty lên kế hoạch cắt giảm chi phí cũng như đóng nhiều cửa hàng, nhưng công ty thừa nhận những biện pháp đó “có thể không thành công.” Vào tháng 3, Bed Bath & Beyond công bố kế hoạch bán đến 300 triệu USD cổ phiếu xem như nỗ lực cuối cùng để tránh phá sản.

Bed Bath & Beyond thông báo đóng hàng trăm cửa hàng hoạt động kém hiệu quả trong những tháng gần đây. Công ty sa thải khoảng 1.300 nhân viên vào đầu tháng này, sau khi cắt giảm 20% nhân viên hồi tháng 8. Tính đến tháng 2.2022, công ty từng tuyển dụng khoảng 32.000 nhân viên, bao gồm 26.000 nhân viên cho các cửa hàng.

Biên dịch: Gia Nhi

———————-

Xem thêm:

Giá cổ phiếu Bed Bath & Beyond giảm hơn 40%
Cổ phiếu Bed Bath & Beyond tăng 40%, cảnh báo cơn sốt cổ phiếu meme quay lại