Tiêu điểm

WB: GDP Việt Nam 2022 tăng 7,5%, áp lực lạm phát và thiếu hụt lao động

1 năm trước
Tác giả Tuyết Ân

Đây là lần thứ ba trong năm Ngân hàng Thế giới (WB) thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam (GDP). Hồi tháng 6, WB dự báo mức tăng 5,8% và trong báo cáo tổng quan Việt Nam hồi tháng 4, mức dự báo là 5,5%.

Share
this:

Báo cáo tháng 8 vừa công bố hôm 9.8 với chủ đề “Điểm lại: Giáo dục để tăng trưởng”, định chế tài chính quốc tế này đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 7,5% – cao hơn mục tiêu chính phủ đề ra năm 2022 là 7%.

Dự báo của WB trên cơ sở nhận định quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam trong sáu tháng qua được sự hậu thuẫn của khu vực chế tạo chế biến hoạt động ổn định và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ.

“Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,1% trong quý 1 nhưng tăng đến 7,7% trong quý 2.2022, khi người tiêu dùng thỏa mãn những nhu cầu dồn nén trước đó và lượng du khách quốc tế gia tăng,” báo cáo nhận định.

Bà Carolyn Turk, giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam tiếp tục khả quan trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023. Tuy nhiên Việt Nam phải đối mặt với các rủi ro gia tăng có thể cản trở sự hồi phục cả trong nước và trên thế giới.

GDP 2022
Bà Carolyn Turk, giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, tại cuộc họp báo công bố báo cáo “Điểm lại: Giáo dục để tăng trưởng” ngày 9.8 tại Hà Nội. Ảnh: WB cung cấp

Ở thị trường toàn cầu, các yếu tố thách thức triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam như tốc độ tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa kéo dài và chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, hoặc các biến chủng COVID-19 mới xuất hiện.

“Nếu các nền kinh tế lớn và các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, khu vực đồng euro và Trung Quốc suy giảm mạnh hơn so với dự kiến hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp tục bị ảnh hưởng,” bà phân tích thêm.

Những thách thức trong nước bao gồm thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng và các rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính.

WB dự báo mức lạm phát tăng trung bình năm 2022 ở mức 3,8%, nhưng thị trường trong nước chỉ mới bắt đầu hồi phục, nếu triển vọng nhu cầu trên toàn cầu yếu đi sẽ khiến rủi ro lạm phát gia tăng.

Sản xuất công nghiệp dự kiến sẽ chững lại do sức cầu bên ngoài yếu đi, dự báo sẽ tăng đến 4% vào năm 2023 trước khi chững lại còn 3,3% trong năm 2024.

“Khi lạm phát cơ bản tăng nhanh và chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu của chính phủ ở mức 4%, ngân hàng Nhà nước nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền,” báo cáo khuyến nghị.

Theo đó chính phủ cần chủ động quản lý khu vực tài chính khi hệ thống ngân hàng đối mặt với những rủi ro tài chính phát sinh như nợ xấu và chất lượng tài sản; an toàn nợ; tái vốn hóa các ngân hàng với các ràng buộc thời gian cụ thể hoặc có cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ của doanh nghiệp…

Thiếu vốn nhà nước ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo


Nguồn: WB

Báo cáo đặc biệt đưa ra những khuyến nghị chi tiết nhằm cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục đại học, nâng cao chất lượng và sự phù hợp trong giảng dạy đồng thời với nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo phân tích, để đạt tỷ lệ nhập học đại học bình quân tương đương ở các nền kinh tế thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần tuyển sinh 3,8 triệu sinh viên, gần gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019.

Chi phí tài chính cho việc học đại học ngày càng cao và các nhận định về lợi suất kinh tế giảm dần nếu theo đuổi bậc đại học là những lý do khiến cho nhu cầu trở nên yếu đi. Hệ thống còn nhiều bất cập trong đào tạo kỹ năng nhân lực phù hợp thị trường lao động, thiếu ngân sách đầu tư cũng như thể chế quản trị giáo dục đại học còn yếu và manh mún.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của các gói đầu tư và cải cách dài hạn. “Để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm,” theo bà Carolyn Turk.