Thị trường Việt Nam mang lại sự tăng trưởng khởi sắc cho Bayer bất chấp những khó khăn trên toàn cầu.
“Thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, được chúng tôi ví như một ốc đảo, là khu vực hiếm hoi Bayer có được sự tăng trưởng mạnh mẽ và vững chắc,” tổng giám đốc Bayer Việt Nam Ingo Brandenburg nói trong cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam tại trụ sở công ty ở tòa nhà Centre Point (TP.HCM).
Vị CEO người Đức thường khiến khách hàng và đối tác ngạc nhiên bởi hiếm khi ông có mặt ở văn phòng, không có phòng làm việc riêng cũng không ngồi chỗ cố định, mà thường ưa thích “la cà” mỗi ngày một góc, ngồi cùng nhân viên trong không gian làm việc chung.
Khuôn mặt đỏ lựng sau gần tuần bị sốt xuất huyết, Ingo nói: “Tôi thích gần gũi nhân viên, đặc biệt là được làm việc với những người trẻ. Mọi ý tưởng mới mẻ trong thời đại thay đổi nhanh chóng này rất quan trọng với một công ty như Bayer”. Ông cho biết Bayer Việt Nam là thành viên hiếm hoi của tập đoàn đạt được tăng trưởng hai con số, là thị trường đang phát triển nhanh chóng mà công ty này đang cố gắng mở rộng đội ngũ.
Bayer AG là một trong những doanh nghiệp đa ngành lớn nhất nước Đức, nằm trong tốp 300 công ty có doanh thu lớn nhất toàn cầu, với mảng dược phẩm đứng trong tốp 10 thế giới và mảng khoa học cây trồng ở tốp hai. Năm năm qua, biến động từ thương vụ mua lại hãng Monsanto, tập đoàn công nghệ sinh học gây tranh cãi, hệ quả của đại dịch COVID-19 và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng buộc Bayer AG phải cải tổ mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu.
Ingo Brandenburg đảm trách vai trò tổng giám đốc kiêm giám đốc ngành hàng dược phẩm của Bayer Việt Nam từ đầu năm nay dựa trên những hiểu biết của ông tại thị trường địa phương. Ông đến Việt Nam từ năm 2011 để giữ vai trò giám đốc quốc gia của tập đoàn dược quốc tế, công ty nằm trong tốp 20 toàn cầu về dược phẩm.
Ông cũng đảm nhiệm vị trí chiến lược phát triển vùng cho tập đoàn Bayer AG, thường xuyên đi về giữa Việt Nam và Singapore, theo sát tình hình phát triển của thị trường và đội ngũ người Việt. “Thực ra hơn mười năm nay tôi chưa bao giờ thực sự rời khỏi Việt Nam, rất mừng khi tôi ở đây trong vai trò mà tôi ưa thích, đó là xây dựng thị trường địa phương,” vị CEO có vóc người vạm vỡ, luôn hòa nhã trong suốt buổi phỏng vấn nói.
Chuyển từ vị trí giám đốc chiến lược của một thị trường quốc tế về quản lý Bayer Việt Nam, ông Ingo Brandenburg triển khai các kế hoạch của tập đoàn mẹ: xoay trục chuyển dịch đầu tư về khu vực Đông Nam Á. Trong sự biến động của tập đoàn này trên toàn cầu, thị trường Việt Nam thành “nơi tránh bão” với nhiều tiềm năng phát triển và được xác định là động lực phát triển của tập đoàn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), trừ Trung Quốc và Nhật Bản. Ông cho biết trọng trách hiện tại là xây dựng đội ngũ bản địa theo hướng sáng tạo, đa dạng và đề ra sách lược phát huy tiềm năng thị trường địa phương.
Để hiểu rõ hoạt động của Bayer Việt Nam cần lùi xa nhìn bức tranh kinh doanh của tập đoàn này trên toàn cầu. Năm 2016, Bayer chi 66 tỉ đô la Mỹ thâu tóm Monsanto tập đoàn kinh doanh hóa chất nông nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ngay sau đó, tại thị trường Âu Mỹ, việc kinh doanh của Bayer bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi làn sóng kiện tụng liên quan đến thuốc diệt cỏ. Hãng dược Đức đã phải chi đến 10 tỉ đô la Mỹ để dàn xếp hơn 100 ngàn đơn kiện. Xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng phát cũng đẩy Bayer AG vào thế khó do phải gấp rút tích lũy nguyên vật liệu và bổ sung ngân hàng hạt giống ở châu Âu.
Vài năm trở lại đây, Trung Quốc – thị trường quan trọng nhất nhì của Bayer, trở nên đặc biệt khó khăn. Tháng 9.2021, Trung Quốc áp quy định siết chặt đối với sản phẩm bảo vệ thực vật. Mảng dược phẩm gặp thách thức bởi chính sách “Zero COVID” và các quy định đấu thầu mới của quốc gia 1,4 tỉ dân. Bên cạnh đó, những đứt gãy về chuỗi cung ứng toàn cầu kéo doanh thu mảng khoa học cây trồng của Bayer AG giảm nhẹ.
Nhưng thị trường Việt Nam vẫn như ốc đảo yên bình. Ông Ingo Brandenburg cho biết thị trường vẫn tăng trưởng ở mức cao so với khu vực trong vòng năm năm qua. Sức bật này gần như tiệm cận với thị trường quan trọng nhất APAC của tập đoàn ở Ấn Độ. Nhưng năm 2021, doanh thu của Bayer Việt Nam đi ngang do ảnh hưởng giãn cách xã hội, đã bật tăng trở lại 30% trong 11 tháng đầu năm 2022. Phần đóng góp của mảng dược trở nên quan trọng do nhu cầu về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe hồi phục mạnh sau đại dịch.
Theo số liệu tự bạch, doanh thu dược phẩm của toàn khu vực APAC (trừ Trung Quốc, Nhật Bản) chiếm một phần ba tổng doanh thu của tập đoàn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của các thị trường phát triển chỉ 1–2%, còn sức bật chính nằm ở nhóm 6 nước Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Philippines, trung bình ở mức 9%.
Theo Ingo Brandenburg, Việt Nam ở tốp bốn về doanh thu nhưng chênh lệch không nhiều với vị trị số hai và số ba và còn khoảng cách đáng kể với Thái Lan, thị trường lớn nhất. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Bayer Việt Nam đang dẫn đầu nhóm Đông Nam Á.
Ở khối sản xuất,nhà máy duy nhất của Bayer ở Đồng Nai chủ yếu đóng chai thành phẩm các loại thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng. Công ty từng có nhà máy thuốc thú y và thủy sản ở Bình Dương trước khi mảng này tách khỏi cơ cấu doanh nghiệp năm 2020.
Ingo Bradenburg cho biết đã suy nghĩ về việc Bayer Việt Nam hiện vẫn thiếu vắng một nhà máy sản xuất dược phẩm xứng tầm. “Tôi nhận thấy tiềm năng mọi mặt ở đây đều đã sẵn sàng nhưng việc đầu tư một nhà máy dược phẩm đẳng cấp thế giới ở Việt Nam tạm thời vẫn nhường cho những ưu tiên khác,” ông nói.
Hiện tại, cơ cấu doanh thu của Bayer Việt Nam vẫn đóng góp chủ yếu từ mảng khoa học cây trồng với sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống làm chủ đạo, nhưng Ingo kỳ vọng mảng dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe có vị thế lớn hơn hiện tại.
Ông nói về sự nâng cấp tư duy kinh doanh dược phẩm: “Bạn thấy đấy, nguy cơ dịch bệnh sẽ đến liên tục và khó phòng bị, ngay cả quốc gia tiên tiến hàng đầu về dịch tễ như Singapore cũng vướng vào dịch sốt xuất huyết. Chỉ cần lơi lỏng thì số người chết vì sốt xuất huyết có thể nhiều hơn cả vì COVID-19”.
Nổi tiếng toàn cầu với thuốc giảm đau Aspirin hơn trăm năm qua, nay Bayer AG đang trong giai đoạn cải tổ, theo hướng thu thập và sử dụng dữ liệu theo hành trình bệnh nhân.
Dữ liệu được dùng để tinh gọn danh mục sản phẩm, chỉ giữ lại những đầu thuốc có hiệu quả và tương thích xuyên suốt từ chẩn đoán, điều trị đến phục hồi. Sự tinh gọn giúp tăng năng lực sản xuất, giảm chi phí vận chuyển, lưu kho, phân phối.
Ý tưởng không xa lạ, nhưng Bayer Việt Nam đang thực hiện ra sao? Ingo cho biết: Khi có chiến lược mới, công nghệ mới, cần thêm những người trẻ, giỏi. Thế hệ trẻ hiện nay được giáo dục tốt, có năng lực và chính kiến, yêu cầu cao hơn về môi trường làm việc. “Việc hiện thực hóa chiến lược thường đến từ những người trẻ sẵn sàng thử thách trước những mới mẻ,” ông nói.
Từ khi Ingo quay lại vị trí lãnh đạo, Bayer Việt Nam có thiên hướng coi trọng sự phát triển của đội ngũ đa dạng hóa và sáng tạo hơn. Dưới áp lực kinh doanh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, nhân sự khối văn phòng cũng có những sắp xếp lại. Bayer Việt Nam khẳng định giữ nguyên số lượng nhân sự, khối nhà máy giữa làn sóng cắt giảm của khu vực sản xuất.
Ông Ingo Brandenburg nói: “Tổ chức của chúng tôi sẽ trở nên toàn diện hơn với tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Giải pháp chỉ tốt khi bạn có một nhóm tinh gọn nhưng đa dạng, từ nhân viên trẻ đến người có kinh nghiệm. Những sự khác biệt quan điểm trên tinh thần tôn trọng sẽ làm bật ra những ý tưởng, giải pháp tốt hơn nhiều”.
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43