Quốc tế

Twitter, Facebook có thể để Taliban kiểm soát các tài khoản mạng xã hội của chính phủ Afghanistan

2 năm trước
Tác giả Abram Brown

Share
this:

Twitter, Facebook có thể cho phép Taliban kiểm soát các tài khoản mạng xã hội của Chính phủ từng được bầu cử dân chủ của Afghanistan.

Taliban chiếm lĩnh toàn bộ 34 tỉnh ở Afghanistan, Kabul, thủ đô, dinh tổng thống – và sắp tới có thể sẽ kiểm soát một loạt tài sản kỹ thuật số có giá trị: tài khoản Twitter và Facebook của chính phủ từng được bầu cử dân chủ của Afghanistan.

Các công ty truyền thông xã hội cho biết có thể họ sẽ cho phép Taliban điều hành các kênh đó (tổng cộng hơn 20 kênh trên cả hai trang). Như thế, gần như chắc chắn tổ chức này sẽ có nền tảng hữu ích để tuyên truyền và đưa ra thông tin sai lệch, và bất kể hai trang mạng xã hội có quyết định như thế nào, việc này cũng có khả năng khơi lại các cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài về những gì nên có trên Internet và ai sẽ có quyền quyết định những gì nên xuất hiện trên đó.

Twitter không bình luận về việc này với Forbes. Trước đây, Twitter đã cho phép các tài khoản Taliban khác nhau hoạt động trên trang của mình và phát ngôn viên của tổ chức này, Zabihullah Mujahid, vẫn đăng tweet thường xuyên cho 293.400 người theo dõi.

Năm 2021, Mujahid tiếp tục đăng các nội dung cập nhật về cuộc xung đột mới nhất ở Afghanistan, bao gồm một thông báo được gửi hôm 23.08 nói rằng: “Tình hình ở Kabul đang được kiểm soát.”

Facebook đã chính thức khóa tài khoản của Taliban. Nhưng ngay cả đưa ra lệnh cấm này, Facebook cho biết họ vẫn chưa thể quyết định phải làm gì với các tài khoản của chính phủ Afghanistan cho đến khi tình hình ở quốc gia này trở nên rõ ràng hơn.

Các tài khoản của chính phủ Afghanistan gồm trang Facebook dành riêng cho đại sứ quán Afghanistan ở Washington và trang Twitter của bộ Quốc phòng Afghanistan. Những tài khoản này có lượng người theo dõi khá lớn, tổng cộng khoảng hơn một triệu người đăng ký.

Điều quan trọng nhất là các tài khoản này có thể giúp bài đăng trên mạng xã hội của Taliban tăng thêm uy tín và tính hợp pháp. Một bài đăng xuất phát từ tài khoản bộ Quốc phòng của một quốc gia sẽ khác với tài khoản của một chỉ huy Taliban, đặc biệt là trong thời đại mà người dùng Internet ít có khả năng phân tích rõ những gì được chia sẻ trực tuyến.

Twitter và Facebook từ lâu đã gặp khó khăn khi quyết định loại nội dung nào họ sẽ tuýt còi và xóa. Hai trang mạng xã hội này thường xuyên gỡ bỏ một lượng lớn nội dung khủng bố. Facebook cho biết họ gỡ bỏ chín triệu thông tin như vậy trong quý đầu tiên, trong khi Twitter cho biết họ đã làm điều tương tự với gần 60 ngàn tài khoản trong nửa cuối năm 2020.

Nhưng tình huống hiện nay đã trở nên phức tạp hơn một chút: Taliban không phải là những kẻ khủng bố chính thức. Hoặc ít nhất họ không xuất hiện trong danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Vì thế, có lẽ Twitter có đủ lý do để giao tài khoản chính phủ cho Taliban.

Tuy nhiên, họ sẽ phải đối mặt với áp lực khi gắn nhãn xác minh và cảnh báo cho các bài đăng gây hiểu lầm, cũng như những phàn nàn từ các nhà lập pháp bảo thủ của Hoa Kỳ vốn đã phẫn nộ khi thấy tổng thống Trump không thể sử dụng Twitter, nhưng Taliban thì vẫn có thể.

Về phía Facebook, vì đã công khai cấm tài khoản của Taliban, nên chưa rõ họ sẽ viện dẫn lý do nào để cấp tài khoản cho tổ chức này. Facebook có thể dùng lại ý tưởng cũ: Có một số tài khoản là nguồn thông tin rất quan trọng, nên Facebook không thể cấm – đây là lý do khó có thể bác bỏ.

Matt Perault, giám đốc trung tâm Khoa học & Công nghệ của ĐH Duke, đồng ý với điều này: “Tôi nghĩ điều quan trọng là các tổ chức chính trị điều hành một quốc gia có thể lên tiếng để mọi người thấy được tư tưởng của họ. Các công ty truyền thông xã hội sẽ rơi vào tình thế thực sự khó khăn, nhưng cuối cùng, điều quan trọng là mọi người có thể hiểu được suy nghĩ của một tổ chức quản lý.”

Trong những năm trước, Facebook đi theo hướng này, nhưng gần đây đã có dấu hiệu thay đổi: Vào tháng 6.2021, họ cho biết sẽ không còn đối xử đặc biệt với các chính trị gia và cho họ quyền ngoại lệ với những quy định của Facebook. Không rõ liệu việc chuyển đổi chính sách sẽ áp dụng cho những tài khoản đại sứ quán hoặc bộ, hay chỉ áp dụng cho các tài khoản của các quan chức được bầu.

Nhưng ngay cả khi các trang mạng xã hội cho phép Taliban điều hành các tài khoản, hiển nhiên họ cũng không để tổ chức này tiếp tục làm như vậy mãi mãi. Có một cách làm khác, chậm hơn: Cho phép Taliban truy cập vào các tài khoản, sau đó từ từ lập danh mục các quy tắc mà họ vi phạm – rồi ban hành lệnh cấm.

Điều này đòi hỏi phải thực thi liên tục và chủ động giám sát – việc mà các công ty không làm từ lâu. Và chắc chắn, việc trao quyền quản lý các tài khoản cho Taliban vào bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ tạo cơ hội cho họ sử dụng chúng sai mục đích.

Jeremy Blackburn, giáo sư khoa học máy tính tại ĐH Binghamton, người đã nghiên cứu về ngôn từ kích động thù địch và những kẻ cực đoan trên mạng, cho biết: “Điểm mấu chốt là, họ sẽ có thêm ảnh hưởng và tăng phạm vi tiếp cận. Khi có nhiều người chú ý hơn, bạn có thể truyền bá thông tin dễ dàng hơn và xa hơn.”

Biên dịch: Quỳnh Anh