Kinh doanh

Hari Krishan Agarwal thành tỉ phú nhờ bán giày

1 năm trước
Anu Raghunathan

Thương vụ IPO của Campus Activewear, công ty bán nhiều giày hơn Nike và Adidas ở Ấn Độ, góp phần đưa người sáng lập bước vào hàng ngũ tỉ phú.

Share
this:

Trong tuần lễ đầy biến động đối với thị trường chứng khoán, một tỉ phú mới xuất hiện tại Ấn Độ. Hari Krishan Agarwal, 66 tuổi, người sáng lập Campus Activewear có trụ sở tại Delhi, gia nhập câu lạc bộ tỉ phú sau đợt IPO thành công của công ty giày thể thao này. Cổ phiếu của Campus Activewear được niêm yết ở mức cao 23% so với giá phát hành. 74% cổ phần của Agarwal hiện trị giá khoảng 1 tỉ đô la Mỹ.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp giày dép trị giá 9 tỉ đô la Mỹ của Ấn Độ sản sinh ra ba tỉ phú: Hai anh em sống tại Delhi là Mukand Lal Dua và Ramesh Kumar Dua, những người điều hành công ty Relaxo Footwear có doanh thu 350 triệu đô la Mỹ, chuyên bán mọi thứ từ dép bình thường đến giày trang trọng; và Rafique Malik, người vừa niêm yết thương hiệu Metro Brands có trụ sở tại Mumbai với doanh thu 107 triệu đô la Mỹ vào tháng 12 năm ngoái (cổ phiếu Metro niêm yết ở mức giá giảm 13%.)

Agarwal bắt đầu kinh doanh vào năm 1983 khi ông thành lập thương hiệu giày thể thao Action. Năm 2005, ông cho ra mắt giày thể thao Campus với giá dưới 10 đô la Mỹ. Mức định giá hợp lý giúp Campus đạt được những bước tiến đủ lớn để cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu như Nike, Adidas và Puma thường bán giày thể thao với giá từ 35 đô la Mỹ trở lên.

Giám đốc tài chính Raman Chawla của Campus cho biết: “Ông ấy đã tận dụng được khoảng trống khổng lồ trên thị trường giày thể thao Ấn Độ – trong khoảng giá từ 10-40 đô la Mỹ.”

Hari Krishan Agarwal ra mắt giày thể thao Campus năm 2005, con trai Agarwal là Nikhil Aggarwal bắt đầu làm việc tại Campus năm 2008 và trở thành CEO chín năm sau đó.

Báo cáo tháng 4.2022 của công ty tư vấn Technopak lưu ý rằng trong năm tài chính 2021, Campus là công ty lớn nhất của Ấn Độ trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm thể thao có thương hiệu và sản phẩm thể thao dùng hằng ngày, xét cả về giá trị lẫn số lượng giày. Công ty chiếm 17% thị phần theo giá trị và gần 25% theo số lượng.

Campus bán được 13 triệu đôi giày vào năm 2021, đạt doanh thu 94 triệu đô la Mỹ, giảm nhẹ so với doanh thu 95 triệu đô la Mỹ của năm trước do đại dịch, nhưng doanh số đang tăng trở lại: Campus ghi nhận doanh thu 111 triệu đô la Mỹ trong chín tháng kết thúc vào tháng 12.2021.

Các nhà phân tích kỳ vọng Campus sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nữa vì giày thể thao là phân khúc phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực giày dép. Họ cho rằng nhu cầu đối với những đôi giày như vậy chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Theo Technopak, chi tiêu bình quân đầu người cho các sản phẩm thể thao dùng hằng ngày và thể thao chuyên dụng ở Ấn Độ chỉ là 1,9 đô la Mỹ so với 33,8 đô la Mỹ ở Trung Quốc và 227,3 đô la Mỹ của Hoa Kỳ.

Tiềm năng tăng trưởng này đã thu hút công ty cổ phần tư nhân TPG và tỉ phú Anil Rai Gupta, người kiểm soát hãng sản xuất đồ điện Havells. Họ đầu tư vào Campus năm 2018 và vẫn tiếp tục nắm giữ lượng cổ phần lần lượt là 7,6% và 2%, sau khi bán một số cổ phần của họ trong đợt IPO.

“Sản phẩm thể thao dùng hằng ngày là phân khúc chưa được khai thác sâu,” Sneha Poddar, nhà phân tích nghiên cứu tại công ty đầu tư Motilal Oswal ở Mumbai, cho biết. “Campus cũng đang mở rộng phạm vi tiếp cận của mình về mặt địa lý.” Thị trường chính của Campus bao gồm các thành phố nhỏ hơn ở miền bắc và miền đông Ấn Độ, nhưng giờ đây họ đang xem xét các đô thị lớn hơn và thiết lập dấu ấn trên toàn quốc. Poddar nói thêm: “Ngoài ra, hãng cũng đang mở rộng phạm vi sản phẩm từ giày thể thao sang giày đi hằng ngày.”

Dù được niêm yết, Campus vẫn là công ty gia đình. Con trai của Agarwal là Nikhil Aggarwal, 37 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư công nghiệp từ đại học Purdue, bắt đầu làm việc tại Campus vào năm 2008 và trở thành CEO chín năm sau đó. Vợ của Nikhil, Prerna, là giám đốc tiếp thị. Vợ của nhà sáng lập, Vinod Agarwal, từng lãnh đạo các sáng kiến chuỗi cung ứng và mạng lưới các nhà sản xuất giày thể thao của Campus, ngồi trong hội đồng quản trị cho đến tháng 9.2021.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 106, tháng 6.2022

———————————

Xem thêm:
Dệt may tìm đường vượt bão
Reliance Industries rút lại đề nghị thâu tóm Future Retail
Uniqlo Việt Nam: Thời của trang phục thiết thực
Xu hướng: NFT cùng “vũ trụ ảo” metaverse thay đổi ngành kinh doanh thời trang