multi-media / Megastory

Thế giới bí mật của MEV

Những người tin thực sự vào tiền mã hóa cho rằng công nghệ này minh bạch hơn tài chính truyền thống. Tuy nhiên, chính tâm lý cởi mở đó cộng với cơ sở hạ tầng cồng kềnh và thiếu cơ chế quản lý lại làm cho những nền tảng giao dịch cá nhân sở hữu những con bot nhanh như điện xẹt săn mồi và trục lợi từ những nhà giao dịch cá nhân ngây thơ.

Có một câu nói nổi tiếng về đầu tư, rằng “Nếu không tìm được cách kiếm tiền khi đang ngủ, bạn sẽ phải làm việc suốt đời.” Kỹ sư phần mềm Nathan Worsley đã tìm ra cách kiếm tiền không chỉ trong giấc ngủ, mà còn cả khi ăn sáng, tập gym và thậm chí là thư giãn tại phòng tắm hơi bên trong ngôi nhà của anh ở London, Anh.

Nathan Worsley là người phát triển các bot giao dịch và kiếm được hàng triệu đô la Mỹ trong hơn hai năm qua,  từ việc huấn luyện thuật toán “săn mồi” trên thị trường mà hoạt động đầu cơ tiền mã hóa diễn ra tràn lan và lợi nhuận cao đến khó tin đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư nhẹ dạ.

Ví dụ, mùa thu 2021, người đàn ông 33 tuổi này nhắm vào Wonderland và Abracadabra, hai nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi). Hai nơi này hứa hẹn mức lợi nhuận khó tin, đến hơn 80.000% cho những nhà đầu tư vay loại coin có tên Magic Internet Money (MIM) và “khóa” (staked), tức lưu trữ chúng trong tài khoản tiết kiệm dạng tiền mã hóa.

Những người vay MIM phải cam kết thế chấp tài sản có giá trị tương đương với 110% khoản vay. Nhưng nếu giá trị thế chấp giảm, họ sẽ tự động bị thanh lý  bằng phần mềm hoặc “hợp đồng thông minh.”

Với Worsley và con bot giao dịch của anh, điều hấp dẫn nhất của “canh bạc” này nằm ở khoản thưởng 12,5% cho bất kỳ ai sẵn sàng hỗ trợ thanh lý tài sản thế chấp của những nhà đầu tư không còn đáp ứng các yêu cầu tối thiểu theo quy định.

Khác với tài chính truyền thống, quy trình thanh lý tài sản thế chấp trong lĩnh vực tiền mã hóa được tự động hóa. Chỉ vài giây sau khi ghi nhận giá trị tài sản thế chấp giảm quá thấp, nền tảng sẽ niêm phong và thanh lý tài sản, và nhà đầu tư thường chỉ còn lại số lượng MIM đã vay. Đây là điểm khác biệt rõ rệt với lệnh gọi ký quỹ trong đầu tư chứng khoán, khi nhà đầu tư nhận cuộc gọi từ công ty môi giới yêu cầu tăng lượng tài sản thế chấp hoặc thanh toán khoản vay.

Tại Abracadabra, tài sản thế chấp để vay được ghi nhận theo mệnh giá của “MIM” không cần dưới dạng hữu hình như tiền mặt hay tín phiếu kho bạc. Bất kỳ số lượng tiền mã hóa mang tính đầu cơ nào sẽ như vậy. 

Vì thế, mùa thu năm 2021, thời điểm thị trường tiền mã hóa bắt đầu lao dốc, Worsley phát triển loại bot cho trường hợp các nhà đầu tư MIM đột ngột bị thanh lý tài sản thế chấp do giá trị thất thường của token thế chấp những khoản vay bị giảm sâu.

Đó là những gì đã xảy ra vào tháng 1.2022. Hai loại tiền mã hóa dùng để thế chấp cho MIM là Wonderland và Wmemo (viết tắt cho cụm từ “Wonderful Memories”) lần lượt giảm 86% và 70%.

Lập tức, bot của Worsley hoạt động. Trước thời điểm thị trường lao dốc, bot kiểm tra số dư trong tài khoản của nhà đầu tư và dự báo tài sản thế chấp nào sẽ bị thanh lý dựa trên số lượng giao dịch đang chờ xử lý, cũng như độ biến động của giá trị tiền mã hóa.

Sau khi tìm ra tài sản thế chấp có khả năng bị thanh lý, bot này sẽ gửi tin nhắn điện tử tới phần mềm DeFi của Abracadabra yêu cầu trở thành bên thanh lý. Nếu được chấp thuận, bot sẽ nhanh chóng thanh toán khoản vay ban đầu của nhà đầu tư, lấy số tiền có giá trị tương đương với tài sản thế chấp và nhận về khoản thưởng 12,5% giá trị khoản vay.

Toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong phần ngàn giây, bằng khoảng thời gian mà máy ảnh chớp nháy. Kết quả là hơn 1.000 giao dịch thanh lý và 200.000 đô la Mỹ cho Worsley.

Chào mừng bạn đến với thế giới kỳ lạ của MEV, nơi những kỹ sư phần mềm trở thành nhà giao dịch cố gắng vượt mặt (và đôi khi phá nhau) để kiếm tiền nhờ tận dụng mạng lưới giao dịch blockchain độc đáo nhưng chưa hiệu quả. Hãy hình dung hoạt động của Nathan Worsley như phiên bản tiền mã hóa của những quỹ phòng hộ có tần suất giao dịch cao, như Citadel Securities và Virtu Financial trên thị trường chứng khoán truyền thống.

“MEV như hình thức nghệ thuật. Tôi ví đó như kỹ sư của chiếc xe đua công thức một, ngày nào cũng cố gắng tối ưu sức mạnh của chiếc xe này để đua với những chiếc xe khác,” Nathan Worsley, người ban đầu thành lập sàn giao dịch tiền mã hóa sau đó trở thành “nhà nghiên cứu” MEV vào năm 2021, cho biết.

Các chuyên gia ước tính chỉ riêng blockchain Ethereum đã mang về ít nhất 675 triệu đô la Mỹ lợi nhuận từ MEV trong 2,5 năm qua. Nếu tính thêm những blockchain khác như Binance Smart Chain và Solana, lợi nhuận trên thị trường MEV có thể dễ dàng vượt mốc một tỉ đô la Mỹ.

Nhưng không phải nhà giao dịch MEV nào cũng mua đi bán lại tiền mã hóa như Worsley. Nhiều người trong số họ thu lợi nhuận từ việc thay đổi trình tự giao dịch trong blockchain. Với trường hợp Ethereum, thường mất 12 giây để hoàn tất giao dịch. Trong thời gian đó, bot có thể ghi nhận mọi giao dịch đang chờ xử lý, giao dịch chưa xác nhận, và do đó đoán trước tương lai và cho phép bot này đặt lệnh mua trước.

“99% những giao dịch này trông không khác với tài chính truyền thống,” Tarun Chitra, cựu lập trình viên tại quỹ phòng hộ D. E. Shaw và đồng sáng lập kiêm CEO của Gauntlet, công ty khởi nghiệp về tiền mã hóa giúp dự án tài chính phi tập trung đánh giá rủi ro.

Điểm khác biệt là các nhà giao dịch MEV gần như không chịu những quy định quản lý. Không giống như những nhà giao dịch ở thị trường chứng khoán, nhà giao dịch MEV không phải bận tâm về hành lang pháp lý và không chịu sự giám sát nghiêm ngặt.

Phần lớn nhà giao dịch MEV tập trung vào những sàn giao dịch phi tập trung như Uniswap, nơi gần đây ghi nhận khối lượng giao dịch đạt ngưỡng cao kỷ lục hơn một ngàn tỉ đô la Mỹ, chứ không phải các sàn giao dịch như Coinbase chịu sự quản lý sát sao.

Và cũng giống như việc các nhà giao dịch tần suất cao hoặc giao dịch định lượng trở nên nổi bật với phương thức giao dịch tạo ra nhiều lợi nhuận nhất trong số các quỹ phòng hộ tại phố Wall, các nhà giao dịch tiền mã hóa theo chiến lược MEV cũng kiếm lợi nhuận nhiều như vậy.

Dean Eigenmann, 24 tuổi, nhà nghiên cứu MEV người Thụy Sĩ nổi tiếng trên mạng xã hội với chiếc áo khoác da báo, đồng hồ thương hiệu Patek Philippe trị giá 50.000 đô la Mỹ và gần 40 hình xăm, cho biết: “Đội ngũ về MEV của tôi trong một ngày có thể kiếm nhiều tiền hơn quỹ đầu tư mạo hiểm.”

Chiến lược MEV có ba phương thức chủ đạo, trong đó loại hình “front-running” (tấn công chạy trước) mang tên “sandwich attack” là phương thức gây tranh cãi nhất. Theo đó, bot phát hiện một nhà đầu tư có ý định mua tiền mã hóa và sẽ đặt lệnh mua trước giao dịch đó (front-run) với mức chênh lệch nhỏ, sau đó bán lại đúng lượng tiền mã hóa đó cho nạn nhân.

Kế hoạch đơn giản là mua trước và sau đó bán lại với giá cao hơn để thu về lợi nhuận. Phương thức tấn công này gọi là “sandwich” bởi trên thực tế, giao dịch của nạn nhân sẽ bị kẹp giữa hai giao dịch của bên tấn công.

Không chỉ vô cùng hữu ích cho nhà giao dịch MEV, “front-running” còn mang lại khoản lợi nhuận béo bở cho những “người xác nhận” sử dụng phần mềm để xác thực giao dịch trong blockchain. Cũng giống như nhiều quỹ phòng hộ thanh toán theo dòng lệnh cho các công ty môi giới như Robinhood để có quyền thực thi lệnh mua bán của những nhà giao dịch cá nhân, phương thức cơ bản của nhà giao dịch MEV là tìm cách đặt lệnh mua đầu tiên. Nhờ đó, “người xác nhận” thu về nhiều lợi nhuận hơn từ “front-running” so với nhà phát triển bot.

Một phương thức giao dịch khác thông dụng hơn, và ít gây tranh cãi hơn là chênh lệch giá, trong đó nhà giao dịch tận dụng mức chênh lệch giá của cùng một loại tiền mã hóa trên các sàn giao dịch khác nhau. Nếu tính có hơn 500 sàn giao dịch đang được quản lý lỏng lẻo và hàng ngàn loại tiền mã hóa trên toàn thế giới, cơ hội thu lợi là vô kể. “Nhiều người cho rằng đây là phương pháp MEV có lợi – vì nó đưa thị trường về giá trị thực,” Vy Le, giám đốc hợp danh của Bain Capital Crypto và cựu nhân viên ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC), cho biết.

Phương thức giao dịch MEV cuối cùng là thanh lý, loại hình đã mang về lợi nhuận cho Worsley trong tháng 1.2022. Những nhà giao dịch thanh lý tập trung hoạt động trong các nền tảng DeFi, nơi họ chủ yếu dùng đòn bẩy tài chính.

Dễ hiểu là các nhà giao dịch MEV thường tránh tạo sự chú ý và giữ kín hoạt động. Symbolic Capital Partners (SCP), một trong những sàn giao dịch MEV hàng đầu do lập trình viên Lev Livnev (26 tuổi) với mái tóc đỏ bù xù đồng sáng lập, gần như không hiện diện trên không gian mạng, chỉ có một trang web với logo đơn giản và không phản hồi email gửi tới.

Có những tay “cá mập” sử dụng chiến lược MEV. Ví dụ, các nguồn tin cho biết Alameda Research – một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới trực thuộc FTX của Sam Bankman-Fried, áp dụng các chiến lược MEV trên các blockchain như Solana (Alameda Research từ chối trả lời phỏng vấn của Forbes). Wintermute, công ty hoạt động tại London giao dịch tài sản số có giá trị khoảng 100 tỉ đô la Mỹ/tháng có bộ phận chuyên về MEV.

Dean Eigenmann vận hành một nhóm MEV gồm ba thành viên thuộc Dialectic, công ty đầu tư Thụy Sĩ do anh đồng sáng lập với Ryan Zurrer, cựu giám đốc của quỹ phòng hộ tiền mã hóa Polychain. Tuy cả hai không đưa ra thu nhập cụ thể từ MEV, song Zurrer đã hé lộ một vài thông tin về thị trường. Ông ước tính, có đến 50 nhóm về MEV cạnh tranh lẫn nhau, với 10 nhóm trong số đó thu về nhiều lợi nhuận nhất.

Theo Zurrer, mỗi tháng, các nhóm hiệu quả nhất đem về lợi nhuận từ “hàng chục ngàn đến gần 700.000 ngàn đô la Mỹ” và hằng tháng thu về hàng triệu đô la Mỹ trong giai đoạn tốt nhất của thị trường, đặc biệt vào giữa năm 2021 và giai đoạn trước đó. Tuy vậy, sự cạnh tranh và “mùa đông” tiền mã hóa sau đó đã kéo lợi nhuận xuống thấp.

Môi trường cạnh tranh rất gay gắt. Worsley cho biết, từng có một công ty MEV triển khai cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DoS) khi biết anh phải đi chuyến bay dài 11 giờ. Khi ấy, máy chủ giao dịch của Worsley bị sập trong nhiều giờ, khiến anh mất ít nhất 100.000 đô la Mỹ lợi nhuận. “Bạn có thể gọi bất kỳ ai là bạn, nhưng tất cả đều đang tìm mọi cách để tiêu diệt người khác,” anh nói.

Worsley cho biết anh sẽ không dùng Sandwich Attack và cảm thấy khó chịu vào đầu năm 2021, khi biết được Ethermine, công ty của Áo chiếm 20% thị phần đào Ethereum (theo thông tin từ CryptoCompare), đã áp dụng loại hình này lên các nhà giao dịch. Việc đó cứ như là sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đặt lệnh mua trước số cổ phiếu mà họ đang xử lý cho các nhà đầu tư.

“Ethermine đã thực sự đào và giữ blockchain cho riêng mình. Tôi cho rằng điều này thực sự xúc phạm các nhà đầu tư Ethereum,” Worsley nói.

Kỹ sư phần mềm Nathan Worsley của MEV

Nhằm đối phó với hình thức “sandwich attack” của Ethermine, Worsley tạo ra một loại tiền mã hóa giả với “bẫy” bên trong mã code. Như thế, bạn có thể mua tiền mã hóa này nhưng không thể bán lại. Worsley đặt tên loại tiền này là “Salmonella,” lý do là khuẩn Salmonella là thứ tồi tệ nhất trong bánh sandwich. Sau đó, Worsley dùng Salmonella để gài bẫy Ethermine bằng giao dịch mà anh cho rằng bot MEV của công ty này sẽ đặt lệnh mua.

Tháng 3.2021, Ethermine mua loại tiền mã hóa này và không thể bán lại. Theo Nathan Worsley, anh thu về khoảng 150.000 đô la Mỹ từ việc “bẫy” Ethermine. Ethermine không phản hồi yêu cầu bình luận. “Kết quả này khá tốt,” Worsley nói.

Kể cho cộng đồng tiền mã hóa tìm ra giải pháp trừng phạt các chiến lược MEV thực ra lại là khích lệ cách hành xử không đàng hoàng này. Startup Flashbots thành lập năm 2020, phát triển phần mềm giúp phổ biến công cụ MEV tới các nhà đầu tư cá nhân. Flashbots tin rằng việc này sẽ mang đến sự công bằng cho thị trường, giảm lợi nhuận MEV và hạn chế quyền lực tập trung.

Đồng sáng lập của Flashbots là Phil Daian, 28 tuổi, nhà nghiên cứu về tiền mã hóa đã đồng xuất bản bài báo có tiêu đề “Flash Boys 2.0: Front-running, Transaction Reordering, and Consensus Instability in Decentralized Exchanges” (Flash Boys 2.0: Front-running, Thay đổi trật tự giao dịch tiền mã hóa và Sự thiếu ổn định trong đồng thuận giao dịch phi tập trung) vào năm 2019, mô tả cách bot tấn công những nhà giao dịch tiền mã hóa mới trong Ethereum.

Bài báo đó bắt đầu bằng một phản bác thẳng thừng đối với những người theo chủ nghĩa lý tưởng về tiền mã hóa: “Blockchain, đặc biệt là hợp đồng thông minh, từng hứa hẹn tạo hệ sinh thái giao dịch công bằng và minh bạch. Nhưng thật tiếc, lời hứa đó không thành hiện thực.”

Phần mềm của Flashbots cho phép nhà giao dịch gộp các trình tự giao dịch lại và ghi rõ chỉ muốn tiến hành giao dịch nếu có thể đặt lệnh trước người khác. Phần mềm thực hiện điều này bằng cách yêu cầu các nhà giao dịch trả phí cho “người xác nhận” để đặt lệnh trước. Flashbots cũng sẽ bảo vệ nhà giao dịch khỏi “front-running.” Nếu Daian và những người khác thành công, giao dịch MEV sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với nhà đầu tư mới cũng như các tổ chức lớn.

Vào tháng 9.2022, Skip Protocol gọi vốn vòng hạt giống 6,5 triệu đô la Mỹ từ một số công ty, trong đó có Bain Capital Crypto để thực hiện điều tương tự cho blockchain Cosmos, như những gì Flashbots đã làm với Ethereum: giúp MEV dễ dàng tiếp cận hơn và hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao dịch do bot gây ra.

Các dịch vụ khác như BloXroute, Jito Labs và Rook cũng đang nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của MEV theo nhiều cách khác nhau, như hoàn lại một số lợi nhuận MEV cho nhà giao dịch. Trong khi đó, nền tảng DeFi Uniswap có thêm tính năng cảnh báo nhà giao dịch khi chuẩn bị tiến hành giao dịch có thể bị “front-running.”

Tuy nhiên, hiện nay, các chuyên gia kỳ vọng thị trường MEV tiếp tục phát triển, đồng thời các giao dịch phi tập trung được ứng dụng nhiều hơn nữa.

Tại sao các cơ quan quản lý không can thiệp? Giáo sư Maureen O’Hara của đại học Cornell lý giải rằng phương thức “front-running” (hoặc loại hình “sandwich attack”) của chiến lược MEV không phạm pháp như khi hoạt động trong thị trường chứng khoán, vì thông tin về giao dịch đang chờ xử lý mà các nhà giao dịch MEV sử dụng không phải thông tin bảo mật. Chúng được công khai trên blockchain.

Nhưng buộc tội một người có hành vi thao túng thị trường và lừa đảo lại là vấn đề khác. “Các cơ quan quản lý luôn có thể làm điều đó,” O’Hara cho biết, lưu ý rằng luật về gian lận điện tín rất rộng. Ví dụ, hồi tháng 9.2022, anh trai của cựu giám đốc sản phẩm Coinbase đã thừa nhận hành vi gian lận điện tín, một phần trong âm mưu mà chính phủ Mỹ gọi là “giao dịch nội gián” từ việc lợi dụng thông tin bảo mật về các dự án tiền mã hóa sắp được niêm yết trên Coinbase.

Theo các công tố viên, điểm mấu chốt trong trường hợp này là Coinbase bảo mật thông tin vô cùng nghiêm ngặt và nghiêm cấm nhân viên giao dịch hoặc tiết lộ cho người khác. Do vậy, khó mà áp dụng lập luận tương tự với thông tin công khai trên blockchain và được người khác sử dụng.

Hiện tại, chỉ cần đếm số lượng bot giao dịch MEV thì phần lớn các nhà đầu tư nên có cái nhìn rõ ràng với tiền mã hóa. “Không có thị trường nào thành công nếu bị xem là thiếu công bằng. Đơn giản vậy thôi,” O’Hara cho biết.

Biên dịch: Quỳnh Anh

Theo Forbes Việt Nam số 116, tháng 4.2023

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/the-gioi-bi-mat-cua-mev)