Thị trường mỹ thuật Việt Nam gần đây trở nên sôi động với sự xuất hiện của nhiều triển lãm, không gian trưng bày tác phẩm và người sưu tầm tranh.
Vào trung tuần tháng 8.2023 cuộc triển lãm Mộng Viễn Đông trở thành một sự kiện đáng chú ý với giới chuyên môn và những người yêu thích mỹ thuật tại TP.HCM. Kéo dài bốn ngày, nhà đấu giá nổi tiếng thế giới Sotheby’s kéo những người tham quan quay ngược thời gian với 57 tác phẩm của các họa sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Sự kiện phi thương mại này đã chạm giới hạn 5.000 người đăng ký chỉ sau nửa ngày mở cổng đăng ký, theo thông tin từ ban tổ chức. Trước đó, vào tháng 7.2022, Sotheby’s cũng đã tạo nên một tiếng vang khác với Hồn Xưa Bến Lạ, cuộc triển lãm với 50 tác phẩm của “bộ tứ” họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm. Đây là hai triển lãm nghệ thuật về thời kỳ Đông Dương lớn nhất đã được tổ chức tại Việt Nam.
“Lần đầu tiên công chúng Việt Nam được tiếp xúc với số lượng lớn tác phẩm Đông Dương có giá trị lịch sử mỹ thuật, và được giám tuyển, thẩm định và trưng bày theo đúng chuẩn bảo tàng quốc tế,” ông Ace Lê, giám đốc điều hành của Sotheby’s tại thị trường Việt Nam nói.
Trong khoảng năm năm trở lại đây thị trường mỹ thuật Việt Nam trở nên sôi động với sự nở rộ của các không gian trưng bày, triển lãm nghệ thuật cùng các hoạt động đầu tư sôi động của giới đầu tư tư nhân vào thị trường tranh.
Sự xuất hiện mô hình triển lãm và nhiều sự kiện mỹ thuật đang mở rộng cơ hội cho công chúng tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật. Một trong số đó là Quang San Art Museum, bảo tàng nghệ thuật tư nhân do doanh nhân Nguyễn Thiều Quang xây dựng tại TP.HCM.
Ngoài ra, bên cạnh các cuộc triển lãm của những tổ chức phi lợi nhuận, các triển lãm của gallery thương mại cũng được công chúng quan tâm thời gian qua như triển lãm Thiên Khải của họa sĩ Đinh Quân do Bến Thành Art tổ chức, hay Galerie Quỳnh giới thiệu triển lãm White Blank với loạt tác phẩm mới của nghệ sĩ Việt kiều Pháp Trần Nữ Yên Khê, sau triển lãm Kìa non non, nước nước, mây mây của họa sĩ Hà Mạnh Thắng, hay triển lãm Awakening kỷ niệm 14 thành lập của Craig Thomas Gallery.
Được đánh giá là phòng tranh nghệ thuật đương đại hàng đầu Việt Nam, vào tháng 12.2023 Galerie Quỳnh tròn 20 năm hoạt động. Từ những ngày đầu thành lập, phòng tranh này được biết đến ở tầm quốc tế qua những chương trình triển lãm chất lượng và các dự án giáo dục góp một phần thúc đẩy thực hành nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.
Bà Quỳnh Phạm, người sáng lập và đồng điều hành của Galerie Quỳnh cho biết năm 2023 thực sự là năm bận rộn của phòng tranh, với bảy triển lãm và tham gia hội chợ nghệ thuật Frieze Seoul, Hàn Quốc. Bà Quỳnh cho biết công chúng trong nước đang quan tâm nhiều hơn tới nghệ thuật đương đại.
“Trung bình trong năm qua chúng tôi có khoảng 60 lượt khách tham quan một ngày, tăng cao hơn năm ngoái. Một phần có thể do tác nhân truyền miệng vì hầu như chúng tôi không thực hiện nhiều hoạt động tiếp thị, hoặc cũng có thể vì sự quan tâm và nhận thức của công chúng với công việc của chúng tôi đã tăng lên,” bà Quỳnh Phạm nói.
Cùng với Christie’s và Phillips, Sotheby’s là ba nhà đấu giá lớn thế giới. Ông Ace Lê cho biết tại Việt Nam, mỗi triển lãm của Sotheby’s chỉ diễn ra trong chưa đầy bốn ngày nhưng cả hai triển lãm đều đón nhận sự quan tâm lớn từ công chúng và truyền thông. Nhiều người đã bay từ các tỉnh thành và quốc gia khác tới TP.HCM để xem triển lãm. Chân dung người xem khá đa dạng, từ các nhà sưu tập và nghiên cứu tới cả giới viên chức, học sinh, sinh viên.
“Chúng tôi không dành ngân sách cho quảng cáo, tất cả đều là truyền thông hữu cơ. Sự xuất hiện của nhiều nhân vật nổi tiếng cũng góp phần lan tỏa tiếng vang cho sự kiện, mở rộng tệp khán giả tới cho giới trẻ, thậm chí với nhiều bạn, đây là lần đầu họ tới xem một triển lãm nghệ thuật,” ông Ace Lê chia sẻ.
Sự quan tâm của công chúng là vậy, còn người mua tác phẩm nghệ thuật là ai? Có thể chia ra làm các nhóm sưu tập mua vì sở thích cá nhân và mua vì thích nghệ thuật và đầu tư (“nhóm mua đầu tư mới” và “nhóm mua đầu tư cũ”). Với nhóm mua theo sở thích cá nhân, người mua thường ủng hộ các nghệ sĩ đương đại.
Họ kết giao với họa sĩ, nghệ sĩ, chia sẻ đam mê nghệ thuật, và đồng thời ủng hộ nghệ sĩ làm nghề. Một phong cách sưu tập như vậy có thể kể đến kiến trúc sư Trần Lê Quốc Bình, với hơn 20 năm sưu tập nghệ thuật. Bộ sưu tập của anh hướng vào các tác phẩm của các nghệ sĩ như Lê Quảng Hà, Hà Mạnh Thắng, Trần Hải Minh, Nguyễn Huy An.
Trần Lê Quốc Bình cho biết sưu tập vì sự yêu thích, anh chưa bao giờ cộng định giá bộ sưu tầm của mình. Là nhà thiết kế, tư vấn hơn 100 dự án kiến trúc tại các đô thị ở Việt Nam hơn 10 năm qua, anh thuyết phục hầu hết các khách hàng của mình đồng ý đưa tác phẩm nghệ thuật vào công trình và thành công, tiêu biểu có Q Spa, La Jolie Hotel, Imperial Apartment, Hide Away Ninh Bình, D-B Tower, Penthouse Vinh Trung, La Astoria, Ingennico…
Anh kể trước đây đa phần khách hàng chưa mua tranh, họ chỉ in hình ra đóng khung treo, sử dụng tranh chép rất nhiều. “Tôi đã có mục tiêu là làm sao tác động để họ sử dụng tranh thật của các họa sĩ. Đến 4-5 năm trở lại đây, gần như tất cả các khách hàng của tôi đều mua tranh thật và họ còn sưu tập thêm ngoài việc trưng bày không gian sống,” anh nói.
“Nhóm mua đầu tư mới” (dĩ nhiên họ cũng là người yêu nghệ thuật) nổi lên gần đây có một nhà sưu tầm được nhắc đến nhiều là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ của chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Giới kinh doanh miêu tả nhà đầu tư này là người có sức mua mạnh, bạo chi đã mua nhiều tranh theo trường phái trừu tượng và cũng sưu tập nhiều tranh của Trần Lưu Hậu, Trần Hải Minh và các họa sĩ thời Đông Dương. Hội sở chính của ngân hàng Techcombank Hà Nội và TP.HCM có treo các tác phẩm trừu tượng biểu hiện của họa sĩ Trần Hải Minh.
Sự sôi động của thị trường mỹ thuật kéo theo sự xuất hiện nhóm nhà đầu tư tạm gọi là “nhóm đầu tư nghệ thuật nổi bật trên mạng xã hội”. Họ thường cập nhật các bức tranh sở hữu lên trang cá nhân, treo tác phẩm trong không gian sống và làm việc, viết sách để chia sẻ về triết lý kinh doanh gắn liền với sưu tập nghệ thuật. Họ mua để đầu tư và cũng thưởng thức tác phẩm trong suốt hành trình đó, sẵn sàng sang nhượng tác phẩm khi có người trả giá cao hơn.
“Nhóm mua đầu tư mới” dù gia nhập thị trường chưa lâu nhưng họ cũng gây ấn tượng vì số lượng lớn tác phẩm sở hữu. Họ thường là chủ doanh nghiệp, có đội – nhóm tư vấn riêng, thường giao dịch qua các phòng tranh, mua tranh có hóa đơn và hạch toán vào chi phí hoạt động của công ty.
“Nhóm mua đầu tư cũ” không thể không nhắc đến hai “sóng ngầm” nhưng cực kỳ nổi tiếng trong thị trường giao dịch hội họa là nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn (quận Phú Nhuận) và nhà sưu tập Đức Minh (quận 3, TP.HCM). Với bề dày sưu tập nhiều năm, họ sở hữu hàng ngàn bức tranh nổi tiếng từ thời kỳ Đông Dương đến hiện đại. Các giao dịch của nhóm nhà đầu tư này luôn là các giao dịch kín được giới yêu nghệ thuật rỉ tai nhau về những vụ chuyển nhượng với con số khủng có thể đến “hàng triệu đô la Mỹ.”
Nếu phân chia theo trường phái sưu tập trên thị trường, những người sưu tập hoặc đầu tư nghệ thuật theo hai dòng gồm dòng nghệ thuật thời kỳ Đông Dương và dòng nghệ thuật của các nghệ sĩ đương đại. Mỗi lần tác phẩm thời Đông Dương phá kỷ lục giá là một lần truyền thông lại đưa tin rầm rộ, càng tạo thêm hiệu ứng cho phân khúc này, củng cố ham muốn được sở hữu chúng trong tệp khách hàng giàu có. Sự khan hiếm về nguồn tác phẩm cùng sự săn lùng của nhà đầu tư đã liên tục đưa các tác phẩm giai đoạn này bứt phá mức giá kỷ lục.
Lý giải điều này ông Ace Lê nhận xét phân khúc Đông Dương, chủ yếu là các họa sĩ tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1924-1945 các tác phẩm ấy đã trải qua phép thử thời gian nên giá trị đã được chứng thực. “Xét theo khía cạnh đầu tư, tác phẩm và tác giả Đông Dương cũng tương đương như các mã “bluechip” trên sàn chứng khoán, nghĩa là có độ an toàn lớn và tính thanh khoản cao.
Tất nhiên, điều này chỉ đúng với những tác phẩm có độ tin cậy cao, được chứng thực rõ ràng bởi các chuyên gia, tổ chức uy tín,” ông nói. Bên cạnh giới đầu tư có tiềm lực tài chính dòng tranh này được nhiều nhà sưu tập ưa thích vì tính khan hiếm và có thể giữ gìn để thưởng lãm lâu dài.
“Câu hỏi ở đây là, giá sẽ tăng đến mức nào thì chững? Đó là khi ta cần đặt mình vào hệ quy chiếu trong khu vực. So với mặt bằng Đông Nam Á, tranh Đông Dương vẫn còn cơ hội,” ông Ace Lê đánh giá.
Trong số các họa sĩ đương đại một số tên tuổi được giới đầu tư mỹ thuật ưa chuộng như Bùi Thanh Tâm, Trần Hải Minh, Lương Lưu Biên, Liêu Nguyễn Dướng Dương, Bùi Tiến Tuấn… Các tác phẩm của họ có giá dao động từ ba ngàn đô la đến vài chục ngàn đô la Mỹ. Một số giao dịch ấn tượng gần đây có thể kể đến như trong triển lãm tranh trừu tượng vào tháng 7.2023 khi 2/3 số tranh của họa sĩ Trần Hải Minh được bán hết trong số 50 tác phẩm trưng bày, giá trị ước tính trên hàng trăm ngàn đô la.
Tháng 11.2023 họa sĩ Bùi Văn Tuất lần đầu tiên trưng bày 46 tác phẩm trong triển lãm Nhìn Lại diễn ra tại Đà Lạt. Anh đã bán hết các tác phẩm chỉ trong một tuần sau ngày khai mạc. Họa sĩ Bùi Văn Tuất chia sẻ: “Với tôi thành công của một triển lãm không phải là bán được nhiều tranh hay ít tranh, mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên không thể phủ nhận việc bán tác phẩm tạo nên sự thành công cho triển lãm.”
Anh cho biết khi sáng tác luôn tâm niệm là sáng tác cho bản thân, thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và không ảnh hưởng bởi xu hướng hay nhu cầu của thị trường. Khi triển lãm được sự quan tâm, đón nhận của những người yêu nghệ thuật và các nhà sưu tập đó là điều bất ngờ, cũng là niềm hạnh phúc của phần lớn các nghệ sĩ.
Giới kinh doanh hội họa cho rằng một triển lãm muốn nắm chắc thành công về doanh thu thì 50% tác phẩm được giao dịch trước đó (đã có người mua từ trước), buổi triển lãm chỉ là thời gian giới thiệu cho công chúng đến tham quan.
Tuy nhiên họa sĩ Bùi Văn Tuất nói: “Việc bán một số tác phẩm trước cũng có hiệu ứng tốt, nhưng bán hết rồi mới trưng bày theo cá nhân tôi cũng không nên vì sự hấp dẫn bị giảm đi nhiều.” Anh cho biết trong triển lãm Nhìn Lại trưng bày 46 bức tranh, anh mượn lại tám bức của các nhà sưu tập và giao dịch trước khai mạc ba bức, số còn lại được bán trong triển lãm.
Người quan tâm đến mỹ thuật bắt đầu sưu tập tranh nên nhập môn với giá bao nhiêu? Kiến trúc sư Trần Lê Quốc Bình kể, bức tranh đầu tiên anh mua có giá 180 đô la Mỹ tại một gallery nhỏ ở gần trường Kiến trúc, khi anh ra trường đi làm 1-2 năm có lương tháng là 120 đô la Mỹ.
Hiện tại với những người ban đầu và chưa bao giờ tiếp xúc với tranh, anh sẽ tư vấn “những bức nhẹ nhàng dễ thương, giá thấp, giúp quen dần với tranh,” tầm giá 1.000–2.500 đô la Mỹ và cao hơn khi đã làm quen với mỹ thuật có thể là 7–10 ngàn đô la Mỹ, “những bức chính treo ở vị trí trang trọng và trung tâm của các công trình thiết kế.”
Bà Quỳnh Phạm, sáng lập Galerie Quỳnh chia sẻ trong quá khứ phần lớn khách hàng của phòng tranh đến từ nước ngoài nhưng khách hàng Việt Nam có sự phát triển đều đặn từ sau đại dịch. “Rất nhiều người cho rằng phòng tranh chỉ làm việc với những nghệ sĩ đã có tên tuổi và mức giá cho tác phẩm nghệ thuật là rất cao. Thực tế, chúng tôi trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ trong một phổ khá rộng, từ các nghệ sĩ trẻ đến các nghệ sĩ đã có tên tuổi. Vẫn có những tác phẩm với giá cả phù hợp cho những nhà sưu tập trẻ mới bắt đầu xây dựng bộ sưu tập của chính mình.”
Theo bà Quỳnh Phạm, mức giá của các tác phẩm đến từ những nghệ sĩ trẻ này có thể bắt đầu từ dưới 1.000 đô la Mỹ, mặc dù với những nghệ sĩ thành danh, con số có thể lên đến sáu chữ số.
Trong khi đó ông Ace Lê cho rằng mục tiêu tăng cường tiếp cận của công chúng Việt Nam tới nghệ thuật là quan trọng nhất, và phần nào đã có thể gọi là tương đối thành công trong khuôn khổ những hạn chế về ngân sách, nhân lực và thời gian.
“Nghệ thuật là thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn. Hãy tạo thói quen đi thăm một triển lãm mỗi tháng cùng bạn bè. Và thay vì mua thêm một chiếc túi hiệu hay may thêm một bộ đồ mới, hãy dành số tiền đó để mua bức tranh đầu tiên – một bức tranh thật, có chứng nhận từ họa sĩ hoặc phòng tranh,” ông nói.
————————————————————-
HẠ TẦNG CƠ SỞ CHO NGHỆ THUẬT
Ace Lê là một giám tuyển và nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam. Anh là giám đốc điều hành đầu tiên của Sotheby’s cho thị trường Việt Nam, và giám tuyển chuỗi triển lãm tiên phong Hồn Xưa Bến Lạ và Mộng Viễn Đông. Ace Lê cũng là giám đốc sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận Lân Tinh Foundation, thành viên ban cố vấn của Kho Dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam (VCAD) và trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA).
Nhà đầu tư hay người yêu tranh trong khu vực đánh giá về họa sĩ đương đại Việt Nam như thế nào?
Ace Lê: Điều hạn chế nhất với nghệ sĩ Việt Nam để bước ra thế giới có lẽ là rào cản kiến thức về cách thị trường vận hành. Đơn giản là vì không có một trường lớp nào ở Việt Nam dạy cho nghệ sĩ những kiến thức ấy.
Những câu hỏi căn bản như: Hệ sinh thái nghệ thuật bao gồm những gì, ai đóng vai trò nào, định giá tác phẩm cho mình ra sao, quy tắc làm việc với giám tuyển, phòng tranh và nhà sưu tập như thế nào… đều chưa được hình dung rõ ràng với đa số nghệ sĩ và cả những người tham gia thị trường.
Với các nghệ sĩ trẻ, việc đầu tiên có thể làm đó là tìm hiểu rõ cách vận hành của thị trường – trước hết để tự bảo vệ mình không rơi vào thế bị động trong dòng xoáy đó, và sau là để định vị rõ mình muốn phát triển theo hướng nào, và cần phải hợp tác, tiếp xúc với những nhân tố nào. Một ví dụ nhỏ về lỗi phổ biến của nghệ sĩ trẻ Việt Nam: rất nhiều nhà sưu tập và môi giới trong khu vực phàn nàn với tôi là giá tác phẩm nghệ sĩ đương đại Việt Nam đang quá cao.
Nhiều nghệ sĩ chỉ tham chiếu giá của mình với đồng nghiệp cùng lứa trong nước, chứ không hề hay biết có nhiều nghệ sĩ khác với lý lịch rất mạnh trong Đông Nam Á đang cơ cấu giá của họ ở mức vừa phải hơn nhiều. Điều này gây khó cho các phòng tranh trong khu vực muốn đại diện cho nghệ sĩ Việt Nam, bởi một khi giá đã niêm yết cao trong một thời gian thì việc lùi bước giá xuống là điều đại kỵ.
Ngoài bảo tàng mỹ thuật hoạt động theo cách truyền thống, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM không có hoặc rất ít “trung tâm nghệ thuật đương đại.” Điều này do chúng ta thiếu nghệ sĩ sáng tác đương đại hay chúng ta thiếu các tổ chức đầu tư không gian trưng bày?
Ace Lê: Tất nhiên là thiếu các nhà tổ chức. Nhưng đó chỉ là phần nổi của vấn đề – còn phần chìm chính là chúng ra thiếu hạ tầng cơ sở cho nghệ thuật để làm nền tảng vững chãi cho một thị trường lành mạnh và sôi động. Hạ tầng cơ sở đó trước hết bao gồm khung chính sách, luật pháp để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia. Thứ đến là hệ thống giáo dục, cần có bộ môn tiếp cận tới mỹ thuật và lịch sử mỹ thuật cho trẻ em từ tấm bé; đi kèm với hệ thống bảo tàng, kinh viện công để đưa nghệ thuật đến gần với công chúng hơn.
Dựa trên hạ tầng cơ sở đó ta mới xây được thượng tầng kiến trúc – bao gồm các bên mua (nhà sưu tập, quỹ đầu tư, kinh viện công & tư), bên bán (nghệ sĩ), bên môi giới (nhà đấu giá, phòng tranh, nhà môi giới độc lập) và các dịch vụ liên quan trong hệ sinh thái (nghiên cứu, phê bình, giám tuyển, hậu cần, bảo hiểm…).
Sự định giá một tác phẩm nghệ thuật dựa trên yếu tố nào?
Ace Lê: Giá trị của một tác phẩm là một phương trình phức tạp với nhiều biến số. Trong đó biến số lớn nhất là giá trị lịch sử nghệ thuật và văn hóa được gán cho tác phẩm đó. Bên cạnh đó còn những yếu tố khác như lý lịch tác giả, hiện trạng tác phẩm, lai lịch (provenance) của tác phẩm, lịch sử giao dịch trong quá khứ…
Với một nhà sưu tập mới tham gia, họ làm cách nào để chọn lựa tác phẩm tốt?
Ace Lê: Nếu muốn đầu tư, thì lời khuyên thật lòng của tôi là đừng kỳ vọng nhiều vào phân khúc đương đại, bởi con đường còn rất dài và có nhiều biến số. Hãy sưu tập những gì mình yêu thích. Hãy ủng hộ những nghệ sĩ mình mến mộ. Hãy nghiên cứu thấu đáo về thể loại mình quan tâm.
——————————————————
Thị trường nghệ thuật nội địa
Quỳnh Phạm, nhà sáng lập Galerie Quỳnh
Tôi nghĩ rằng thị trường nghệ thuật nội địa vẫn sẽ phát triển dù cho nền kinh tế hiện tại có chững lại và số lượng tham quan của thế hệ nhà sưu tập tương lai vẫn sẽ tiếp tục tăng lên.
Kiến thức nền tảng về nghệ thuật và khả năng phân biệt giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật trang trí đang cải thiện rất nhanh (đặc biệt là với thế hệ trẻ), làm nền tảng vững chắc cho tương lai.
Trong những lượt tham quan tại Galerie Quỳnh, thật sự chỉ có một số ít trở thành người mua tranh, nhưng đó không phải là cách chúng tôi đo lường thành công.
Mục đích chính của phòng tranh vẫn luôn là trở thành nguồn tư liệu giáo dục và làm một nền tảng quan trọng cho nghệ sĩ trưng bày tác phẩm cũng như có thu nhập từ tác phẩm của mình.
Trần Lê Quốc Bình, kiến trúc sư – nhà sưu tầm
Tôi ấp ủ ý tưởng đưa tranh hay ảnh vào công trình tôi thiết kế, được như thế, tác phẩm kiến trúc ấy sẽ đẹp và hoàn thiện hơn. Ước muốn này càng mãnh liệt bao nhiêu, tôi càng muốn nó diễn ra tự nhiên bấy nhiêu.
Bản thân tôi không muốn ép buộc khách hàng vì tạo dựng cho họ sở thích yêu tranh mới là mục tiêu quan trọng nhất. Và để yêu cái gì đó, ta cần nhiều thời gian và nỗ lực.
Tôi yêu tranh và mua tranh, nhưng tôi không thích gọi là nhà sưu tập. Tôi sợ “cái ghế” mà người ta bắt mình ngồi lên và phải ngồi vừa vặn với nó.
Tôi không ước tính giá trị bộ tranh, mỗi người có mỗi quan điểm khác nhau, tôi chưa bao giờ cộng giá trị bộ tranh của mình. Bởi vì như thế nó làm cho tôi mất vui, giống như ta đang vui với trò chơi đó, cứ thưởng thức thôi, không cần tính toán.
Tôi đi mua tranh cho chính mình nên tôi không bao giờ hỏi: Tranh tên gì? Họa sĩ vẽ cái gì? Mình đừng biết rõ về bức tranh quá. Tôi cần khoảng trống để tưởng tượng về bức tranh đó, có thể nó sai với ý tác giả nhưng tôi thấy điều đó thú vị.
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43