multi-media / Megastory

Sao Ta – quán quân nuôi tôm

Năm 2024, Sao Ta gây ấn tượng với mức tăng trưởng doanh thu 36% và lợi nhuận sau thuế 40% bất chấp khó khăn của ngành nhờ quy trình nuôi tôm đặc biệt, lợi thế về nguồn cung tôm giống, thức ăn và chế biến sâu sản phẩm.

Bên bờ biển Đông lộng gió, vùng nuôi Vinafarm (nằm tại ấp Khóm Biển Trên, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) trải dài với những vuông tôm san sát, ngay ngắn. Tại đây, những con tôm nghịch vụ sau hơn một tháng thả nuôi đang sinh trưởng. Chỉ những doanh nghiệp chắc nghề mới dám xuống tôm kiểu này bởi những ngày cuối năm 2024, thời tiết thay đổi bất thường. Những cơn mưa trái mùa liên tục đổ xuống, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm tăng cao. Chỉ hai năm trước, vùng nuôi này từng bị bỏ hoang.

“Năm 2024, Vinafarm đã mang về 5.000 tấn tôm thương phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho 300 lao động,” ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta nói với Forbes Việt Nam vào một ngày cuối tháng 1.2025. Năm 2024, công ty thu được gần 12 ngàn tấn tôm thương phẩm từ các trại nuôi nằm tại tỉnh Sóc Trăng, giúp doanh nghiệp thủy sản này tự chủ 30% nguyên liệu trong bối cảnh ngành tôm toàn cầu có nhiều biến động giá cả và nguồn cung.

Doanh nghiệp có trụ sở chính tại Sóc Trăng này nằm trong tốp bốn đơn vị xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Kim ngạch của Sao Ta xếp sau Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) và Minh Phú nhưng lại có lợi nhuận vượt trội hơn trong một năm ngành tôm đối diện hàng loạt khó khăn. Sao Ta cũng là doanh nghiệp có tỉ lệ nuôi tôm thành công đạt 85% và tỉ lệ tự chủ nguyên liệu trên 20%, cao nhất ngành, theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng.

Báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán năm 2024 của Sao Ta ghi nhận, doanh thu công ty đạt hơn 250 triệu đô la Mỹ, tương đương hơn 6.900 tỉ đồng và hơn 422 tỉ đồng lãi ròng. Hai chỉ tiêu này tăng lần lượt tăng 36% và 40% so với năm 2023, cao nhất trong lịch sử 30 năm hoạt động của Sao Ta và quay lại chu kỳ tăng của những năm trước 2023 khi lợi thế về vùng nuôi và thế mạnh về chế biến sâu các sản phẩm tôm, nông sản tiếp tục được khai thác.

Ngành tôm Việt Nam nhiều năm qua đối diện với nhiều bài toán “nghịch” như thời tiết không thuận lợi, nhiều đối thủ cạnh tranh, giá tôm trên thị trường quốc tế ở mức trung bình thấp, các vụ kiện bán phá giá treo lơ lửng… khiến lợi thế cạnh tranh giảm so với Ecuador và Ấn Độ. Giá thành tôm nuôi tại Việt Nam ở mức 3,5–4,2 đô la Mỹ/kg cho loại tôm cỡ 50 con, cao hơn hai đối thủ là Ấn Độ (2,7–3 đô la Mỹ/kg) và Ecuador (2,2–2,4 đô la Mỹ/kg). Kết quả này là do ngành tôm Việt Nam vẫn chưa tự chủ được con giống (phần lớn tôm giống bố mẹ phải nhập khẩu với giá cao) và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tỉ lệ nuôi thành công thấp bởi chịu ảnh hưởng thời tiết, quy mô nuôi trồng nhỏ lẻ, chưa ứng dụng cơ giới hóa.

Công ty Chứng khoán FPT dẫn kết quả khảo sát của VASEP cho biết, tỉ lệ tôm sống sót sau mỗi vụ ở Việt Nam đạt bình quân khoảng 35%, thấp hơn đáng kể so với Ấn Độ và Ecuador với tỉ lệ lần lượt đạt 47% và 80%. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu thấp có tỉ lệ tự chủ nguyên liệu thấp, phải mua tôm ngoài với giá cao hơn, từ 20–25% khiến giá thành sản xuất tăng cao.

Trang trại VinAfarm rộng 203 héc ta được Công ty TNHH Vĩnh Thuận, công ty con của Sao Ta, bắt đầu thả nuôi trên toàn bộ diện tích từ tháng 6.2023 sau hơn nửa năm công ty hoàn thành việc chuyển nhượng từ chủ đầu tư cũ và cải tạo vùng nuôi, đầu tư hệ thống ao mới.

Tại Vinafarm, Sao Ta tiếp tục ứng dụng quy trình nuôi tôm bằng vi sinh (probiotics) như đã áp dụng với các trại nuôi đạt chuẩn ASC, BAP khác. Quy trình này sử dụng hai loại vi sinh: loại thứ nhất chiếm lĩnh dưới đáy ao, đóng vai trò như “lính gác” không cho những vi khuẩn gây hại chiếm chỗ; loại thứ hai là lợi khuẩn, kích thích tiêu hoá cho tôm. Đây là quy trình nuôi Sao Ta thử nghiệm trên trại nuôi Tanafarm (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) từ năm 2018, sau đợt dịch bệnh kinh hoàng của ngành tôm kéo dài từ 2010–2015. Lúc bấy giờ, tôm cứ được tháng tuổi là “lăn ra chết đột ngột” khiến người nuôi ngao ngán, phá sản… Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, giảng viên Đại học Nông Lâm TP.HCM sau đó đã tìm ra tác nhân của dịch bệnh này là do hội chứng tôm hoại tử gan tụy cấp tính và đưa “phác đồ điều trị.”

Kinh nghiệm của Sao Ta là phải luôn đảm bảo chất lượng nước nuôi ở các trại, chấp nhận đầu tư chi phí lớn để xử lý diệt khuẩn, để nước lắng thật kỹ, hạn chế vi bào tử trùng. Đi liền với đó là an toàn sinh học: không chỉ sạch tôm, sạch nước, người nuôi sạch mà còn phải sạch cả dụng cụ, phương tiện và sạch bóng ngoại vật (chim, giáp sát, bò sát…) thâm nhập khu nuôi tôm. Diện tích thả nuôi chiếm 25%, còn lại là hệ thống xử lý nước nuôi, nước thải… Việc kiểm soát bằng quan trắc phải diễn ra hằng ngày. Đồng thời công ty phải có số liệu cụ thể hằng tuần về tiến trình tôm phát triển.

Trong các yếu tố, quan trọng hàng đầu là con giống phải được mua từ “nguồn đảm bảo”. Sao Ta đã giải bài toán này bằng thương vụ chào bán riêng lẻ hơn 6,5 triệu cổ phiếu cho Công ty cổ phần Thực phẩm C.P Việt Nam – đơn vị bán con giống cho Sao Ta – vào tháng 10.2021 đưa C.P sở hữu lên 24,9% vốn, đồng thời Sao Ta có thêm gần 330 tỉ đồng, giải quyết được một phần tài chính để công ty mua lại trại nuôi Vinafarm.

Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch Công ty Sao Ta

Tỉ lệ nuôi tôm thành công tại trại Sao Ta trên 85%, thậm chí có mùa còn cao hơn, thể hiện qua việc ao bị thiệt hại thấp, hệ số thu hồi đầu con giống cao và tốc độ phát triển nhỉnh hơn. Trả lời cho câu hỏi, vì sao các trại khác cũng áp dụng các giải pháp như vậy nhưng kết quả lại không tương đồng, ông Lực lý giải, “do sự biến động trong nuôi tôm là vô chừng.” Ông cho biết, tổng hòa của chất lượng con giống, thời tiết, chất lượng nước và nhiều yếu tố khác, nhất là người chăm sóc sẽ tạo ra nhiều ẩn số khác nhau. “Hơn nhau ở chỗ cái đầu của người điều hành trại. Người đó phải linh hoạt, nhạy bén, ham tìm tòi học hỏi, biết lựa chọn giải pháp phù hợp,” ông Lực nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản cho biết bà rất ấn tượng với việc áp dụng công nghệ vi sinh vào đầm nuôi của Sao Ta. Sản lượng 12 ngàn tấn tôm thương phẩm trên diện tích gần 550 héc ta, tính bình quân đạt khoảng 20 tấn/héc ta/ hai vụ là kết quả ấn tượng của công nghệ này. “Sao Ta có lẽ là công ty đạt sản lượng tôm nuôi vào hàng lớn nhất cả nước,” bà Minh nhận xét.

Cho đến hiện tại, quy trình nuôi vi sinh rất phổ biến, được áp dụng rộng rãi ở nhiều đồng nuôi. Trên thị trường cũng có cả trăm cơ sở sản xuất vi sinh các chủng khác nhau để phục vụ nuôi tôm. Tuy nhiên, Sao Ta đang tự sản xuất được vi sinh với số lượng lớn, có giá thành khoảng 15 ngàn đồng/lít, rẻ hơn hàng chục lần so với giá bán trên thị trường. Việc sản xuất tại chỗ giúp con vi sinh được tuyển chọn khỏe mạnh, phù hợp với vùng nuôi.

Thương vụ mua lại Vĩnh Thuận thời điểm năm 2022 đã giúp công ty tăng gần gấp đôi diện tích vùng nuôi và hoàn thành mục tiêu sớm hai năm so với kế hoạch. Hiện tại, Sao Ta có 540 héc ta vùng nuôi. Ông Lực cho biết, vùng nuôi mới thành công đã đóng góp vào kết quả tích cực của năm 2024, kéo giảm giá thành tôm cho Sao Ta, đồng thời củng cố niềm tin cho khách hàng do sản phẩm được kiểm soát tốt từ đầu vào.

Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT) đang tác động mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp. Trong đó, lĩnh vực nuôi tôm cũng đã có những công nghệ mới để quản lý trại nuôi, kiểm soát môi trường nước, ao nuôi để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả. Ví dụ như dùng công nghệ đo sóng âm để biết lúc nào con tôm đói, tôm no, cho ăn tự động; sử dụng đầu dò, chuyển các thông số của nước về trung tâm kiểm soát… Với một chiếc điện thoại thông minh, người nuôi có thể cho tôm ăn, kiểm tra độ kiềm, độ mặn, nhiệt độ của nước và đưa ra các quyết định xử lý. Mức đầu tư cho một héc ta ao nuôi có thể lên tới 5–7 tỉ đồng, bao gồm hạ tầng ao nuôi, xử lý nước đến các thiết bị.

Ông Lực, người có bằng tiến sĩ kinh tế nhấn mạnh, tất cả mô hình nuôi tôm mới, có tiếng tăm, Sao Ta đều có thử nghiệm ngay trong hơn chục năm qua, chưa hề “ngán ngại chi phí đầu tư, nếu thấy cần thiết, hợp lý.” Tuy nhiên, sau tất cả, Sao Ta trung thành với quy trình nuôi của mình có nhiều điểm khác biệt so với quy trình nuôi thâm canh phổ biến: nuôi vi sinh một giai đoạn và thu tỉa, tức thả nuôi mật độ tối đa 300 con/m2 mặt nước, sẽ thu hoạch nhiều lần khi đạt cỡ 70 con, 50 con, 40 con, 30 con/kg và thu cuối cùng cho số tôm còn lại. Các cổ đông của Sao Ta muốn hợp tác nuôi tôm. “Họ là cổ đông chiến lược nhưng cũng là ‘đối thủ’ của Sao Ta,” ông Lực nói nửa đùa, nửa thật.

Việc ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới được Sao Ta chủ động theo tinh thần “liệu cơm gắp mắm”, kết hợp với sức người “vì máy móc sao bằng con người, chưa kể kỹ sư giỏi mình nhiều quá trời”, ông Lực cho biết. Đơn cử, thay vì dùng đầu dò đặt trong từng ao nuôi dễ bị hư hại trong môi trường nước nhiễm mặn, Sao Ta để các kỹ sư lấy mẫu nước hằng ngày. Đây cũng là người sẽ quyết định lượng thức ăn rải xuống đồng nuôi, dựa trên kinh nghiệm.

“Ví dụ, hôm qua cho ăn mười ký nhưng hôm nay trời âm u, con tôm biếng ăn hơn thì lượng thức ăn phải giảm 20 – 30%,” ông Lực nói. Điều quan trọng nữa là phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng bằng lương, thưởng để giữ chân những kỹ sư giỏi. Hiện các trại nuôi của Sao Ta đều có kỹ sư túc trực, điều mà không phải đồng nuôi nào cũng làm được.

Đầu tư công nghệ cho nuôi tôm là đúng nhưng đồng thời phải khôn khéo và linh hoạt. Lãnh đạo của Sao Ta phân tích, việc áp dụng các công nghệ sẽ phát huy hiệu quả nếu môi trường ngoại cảnh ít bị tác động, quy mô lớn để cho ra dữ liệu lớn làm đầu vào cho AI phân tích. Với con tôm, bệnh mới liên tục xuất hiện, dễ chịu tác động bởi những điều kiện ngoại cảnh thay đổi liên tục như sức gió, hướng gió, độ ẩm, độ mặn của nước… và các đồng nuôi ở Việt Nam đa phần nhỏ lẻ, manh mún. Việc đầu tư với chi phí lớn sẽ đẩy giá thành sản xuất tôm lên cao, không còn lợi thế cạnh tranh. Chưa kể, nếu đầu tư không đồng bộ sẽ dễ rơi vào tình trạng “đốt tiền”.

Trang trại nuôi tôm Tanafarm của Sao Ta.

Theo bà Hồng Minh, từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp đã áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong nuôi tôm và chế biến tôm. Trong số này có thể kể đến công nghệ Biofloc, được ứng dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản với việc kích thích phát triển các vi sinh vật có lợi trong nước để tạo ra các hạt biofloc giàu protein, lipid và các hợp chất hữu cơ thiết yếu, tạo nên nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, cá. Hay công nghệ nuôi thâm canh áp dụng mật độ nuôi cao, sử dụng hệ thống sục khí, lọc nước tự động để nâng cao năng suất…

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin như dùng cảm biến để giám sát từ xa các thông số môi trường như oxy, độ mặn, nhiệt độ… mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, việc áp dụng những công nghệ mới hiện chỉ được áp dụng ở những công ty lớn, có diện tích nuôi lớn và sở hữu tiềm lực về kỹ thuật, tài chính, chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông, Nam Trung Bộ.

Ở tuổi gần 70, anh hùng lao động Hồ Quốc Lực, em trai kỹ sư Hồ Quang Cua (cha đẻ của gạo ST25) vẫn tràn đầy năng lượng, giọng nói to, vang đúng chất miền Tây. Làm việc với Forbes Việt Nam, có bữa giữa trưa ông gọi vì “nói để quên cơn đau bao tử đang hành.”

Được điều chuyển rồi dẫn dắt Sao Ta, tiền thân là Công ty Thực phẩm Xuất Nhập khẩu Tổng hợp Sóc Trăng (Fimex), doanh nghiệp thuộc Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Sóc Trăng ngay từ ngày đầu thành lập, ông Lực đã đi cùng 30 năm phát triển của Sao Ta, qua những cột mốc quan trọng như: cổ phần hóa (2003), niêm yết trên sàn chứng khoán (2006) hay những lần biến động cổ đông lớn (2012 và 2017). Lần thứ nhất, năm 2012, Hùng Vương, công ty thủy sản dẫn dắt bởi doanh nhân Dương Ngọc Minh mua kiểm soát Sao Ta, sau đó hỗ trợ giúp công ty phát triển mở rộng vùng nguyên liệu. Lần thứ hai, Pan Group thế chân Hùng Vương trở thành cổ đông chi phối, đưa công ty vào hệ sinh thái nông nghiệp trải dài ở nhiều mặt hàng mang đến những lợi thế mới cho Sao Ta.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt gần 3,9 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 15% so với năm 2023, theo VASEP. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm vẫn giữ được chỗ đứng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU nhờ vào uy tín và chất lượng sản phẩm cũng như lợi thế của hàng chế biến giá trị gia tăng từ tôm.

Theo nghiên cứu từ Boston Consulting Group, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tốn bình quân khoảng 1,7 kg tôm nguyên liệu để sản xuất một ký tôm chế biến, trong khi các doanh nghiệp Ấn Độ tiêu tốn khoảng 2,1 kg. Giá thành nuôi tôm cao nhưng nhờ có lợi thế chế biến đến từ nguồn lao động giá rẻ có tay nghề tỉ mỉ, nên tôm chế biến của Việt Nam vẫn có được giá cạnh tranh so với các thị trường khác.

VASEP đánh giá, con số giá trị xuất khẩu 3,9 tỉ đô la Mỹ của tôm Việt Nam trong năm ngoái là một thành tích đáng tự hào khi các doanh nghiệp phải đối mặt với “muôn trùng thách thức.” Đó là tình trạng dịch bệnh ở nhiều trại nuôi do chất lượng tôm giống không ổn định và nguồn nước nuôi đang có xu hướng xấu đi. Nguồn cung giảm đã khiến giá tôm thương phẩm trong nước tăng khá mạnh từ giữa quý 3.2024, tác động lớn đến các doanh nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, khó khăn từ hai vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) ở thị trường Mỹ, một trong những thị trường chính, khiến các doanh nghiệp phải trích lập thuế dự phòng.

Theo ông Lực, Sao Ta cũng phải đối mặt với những khó khăn này. Các vùng nuôi của Sao Ta dù đạt sản lượng tốt nhưng kích cỡ tôm nhỏ, giá thấp và chi phí tăng do phải chăm sóc kỹ lưỡng hơn để ngăn ngừa dịch bệnh. Công ty cũng đã phải trích lập thuế dự phòng hàng chục tỉ đồng khiến lợi nhuận bị mất một phần.

Bù lại, lợi nhuận của Sao Ta được bù đắp từ mảng chế biến sâu, gia tăng giá trị cho con tôm. Trong đó, Khang An, công ty con của Sao Ta, thành lập năm 2021 chuyên mảng chế biến tôm và nông sản với những sản phẩm chỉ cần bỏ vào lò vi sóng vài phút là ăn được (ready to eat) đã trở thành động lực tăng trưởng mới cho Sao Ta.

Sao Ta có lợi thế chế biến sâu, các sản phẩm được khách hàng Nhật Bản, Mỹ, châu Âu ưa chuộng.

Năm 2024, Khang An đã có “trái bói đầu mùa” với doanh thu 82 triệu đô la Mỹ, trong đó nông sản đạt sáu triệu đô la Mỹ, tăng một nửa so với năm 2023, theo ông Lực. Tính chung, Khang An đóng góp phân nửa vào tổng lợi nhuận của Sao Ta. “Công ty thành viên là Khang An đã có những mặt hàng mới có giá bán rất tốt và đẩy mạnh doanh số bán ở Q4.2024 góp phần làm tăng lợi nhuận sau thuế hợp nhất,” báo cáo tài chính hợp nhất của Sao Ta giải thích cho việc lợi nhuận sau thuế tăng 111% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với Khang An, Sao Ta còn có năm nhà máy chế biến các sản phẩm tôm từ đông lạnh thông thường (tôm IQF, tôm ép duỗi) đến tôm chế biến (tôm hấp, tôm tẩm bột, tôm chiên). So với các doanh nghiệp tôm khác, FMC có lợi thế cạnh tranh về chế biến các sản phẩm tôm chiên (tôm tempura và nông thủy sản phối chế chiên).

Khang An đang khai thác thế mạnh chế biến sâu mà Sao Ta đã tập trung nhiều năm trước, hướng vào những thị trường cao cấp, liên tục giới thiệu sản phẩm mới để có giá bán sản phẩm tốt, biên lợi nhuận cao. Trong đó, ở mặt hàng tôm, thị trường Mỹ hiện chiếm tỉ trọng 40%, Anh chiếm 47%. Ở mặt hàng nông sản, thị trường Nhật dẫn đầu với 75%. Để hỗ trợ công ty con, Sao Ta không chỉ đứng sau lưng bảo lãnh vay mà còn tận dụng và khai thác hệ thống khách hàng “song trùng”.

“Con số tuyệt đối của Khang An ở phần nông sản chưa cao nhưng đây là tương lai của Sao Ta,” ông Lực thừa nhận doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận gia công cho đối tác nước ngoài do chưa có thương hiệu, không đủ năng lực tài chính xây dựng hệ thống phân phối riêng cũng như thực hiện tiếp thị, quảng bá sản phẩm ở thị trường ngoài nước.

Nội dung đã được đăng tải trên Tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 3.2025

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/sao-ta-quan-quan-nuoi-tom)