Hành trình 21 năm của hãng chip Mỹ, Qualcomm, tại Việt Nam đi cùng hệ sinh thái viễn thông di động đến chương trình “Make in Vietnam”.
Tháng 3.2023, tại Hội nghị Di động Thế giới (MWC 2023) ở Barcelona, Viettel cùng Qualcomm công bố nghiên cứu và sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC chuẩn Open RAN (mạng truy cập vô tuyến mở). Thành công này là nền tảng cho mục tiêu sản xuất thiết bị hạ tầng 5G của Viettel trong tham vọng từng bước xóa bỏ sự phụ thuộc vào chipset độc quyền của các nhà sản xuất khác.
Ngày 26.2.2024, tại MWC 2024, Viettel chính thức ra mắt cộng đồng công nghệ toàn cầu chipset 5G DFE do các kỹ sư Viettel làm chủ toàn trình về thiết kế, đáp ứng tiêu chuẩn 5G của Hiệp hội Các tổ chức phát triển giao thức viễn thông di động (3GPP), tiền đề cho việc sản xuất chip phục vụ nhiều lĩnh vực và là mũi nhọn của ngành bán dẫn.
“Viettel là một trong bốn đối tác toàn cầu của Qualcomm tham gia vào quá trình phát triển và ứng dụng dòng chipset 5G mới. Thành quả này vượt xa kỳ vọng của Qualcomm trong việc hợp tác với các nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị gốc trong nước,” ông Thiều Phương Nam – tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, nói với Forbes Việt Nam về một trong những cột mốc quan trọng của công ty bán dẫn Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Ông Nam diễn tả hành trình đó gắn liền với tiến trình thay đổi của ngành công nghiệp viễn thông và chính sách số hóa của Chính phủ trong tầm nhìn “Make in Vietnam” (sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất).
Năm 2003, Qualcomm bắt đầu vào thị trường hỗ trợ các công ty viễn thông triển khai mạng di động CDMA (công nghệ truy cập đa phân mã). Những đối tác thời điểm đó đặt cược vào tính ưu việt của công nghệ này như Saigon Postel, Hanoi Telecom, Viễn thông Điện lực (ETC)… Hai thập niên qua ngành viễn thông trải qua nhiều thách thức trước áp lực thay đổi công nghệ. Qualcomm đồng hành cùng hệ sinh thái ngành viễn thông di động qua nhiều thế hệ công nghệ, từ CDMA đến mạng di động thế hệ 3G, đến 4G, 5G.
Cột mốc quan trọng nhất đánh dấu sự mở rộng của Qualcomm là vào năm 2020, trung tâm R&D đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mở tại Hà Nội. Đội ngũ kỹ sư Việt Nam vận hành các phòng lab kiểm chuẩn sản phẩm cho các đối tác sản xuất thiết bị gốc trong nước đầu tiên ứng dụng công nghệ Qualcomm gồm VinSmart, BKAV và Viettel.
Để mở rộng hệ sinh thái, một hoạt động quan trọng khác tại Việt Nam, năm 2019 Qualcomm khởi xướng chương trình Thử thách đổi mới sáng tạo (QVIC), là một trong ba thị trường công ty triển khai chương trình. Hằng năm Qualcomm hỗ trợ tài chính, công nghệ và kỹ thuật để các startup phát triển ý tưởng công nghệ mới chú trọng vào các mảng 5G, AI và IoT.
Công ty sát cánh cùng các startup về chuyên môn cho đến việc đăng ký bản quyền sáng chế, kết nối với hệ sinh thái Qualcomm toàn cầu nhằm thương mại hóa sản phẩm. Năm 2020, Qualcomm cũng hợp tác với học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hỗ trợ các nghiên cứu về công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và phương tiện bay không người lái (UAV).
Năm 1989, từ đại học Bách khoa TP.HCM, ông Nam được chọn sang Liên Xô (cũ) theo chương trình hợp tác giáo dục của hai chính phủ. Tốt nghiệp kỹ sư công nghệ bán dẫn tại đại học Tổng hợp Kỹ thuật Điện quốc gia Saint Petersburg (nay là đại học Điện tử Leningrad), ông Nam theo đuổi chương trình thạc sĩ vật liệu bán dẫn và tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ về Network Protocols (giao thức mạng) tại Moscow Transport Institude (MTI).
Nhiều năm sau, ông hoàn thành chương trình thạc sĩ điều hành cao cấp (EMBA) tại đại học Virginia (Mỹ). Từ Nga về nước năm 1999, ông Nam gắn bó với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, tại IBM trong vai trò phó tổng giám đốc và trước đó là giám đốc kinh doanh Intel Việt Nam.
Ông trở thành lãnh đạo Qualcomm Việt Nam vào năm 2010, thời điểm 3G mới phủ sóng khoảng 10% dân số. “Trong vòng 10 năm lĩnh vực công nghệ Việt Nam tiến nhanh vượt bậc đã đưa Việt Nam thành trung tâm công nghệ quan trọng của thế giới,” ông Nam nói.
Một thế hệ công nghệ di động mất khoảng mười năm phát triển từ R&D, thiết lập chuẩn thống nhất toàn cầu, nhà mạng triển khai, đưa các dịch vụ ứng dụng đến người dùng. Chiến lược của Qualcomm là sát cánh với các nhà mạng trong tiến trình đó để hiện thực hóa công nghệ mới.
Với vai trò nhà cung cấp chipset lớn nhất thế giới cho smartphone và các thiết bị đầu cuối, các chuyên gia Qualcomm đồng hành từ khi nhà mạng lên chiến lược xây dựng hạ tầng, thiết kế, tối ưu mạng lưới… cho đến việc tạo lập hệ sinh thái thiết bị, thúc đẩy ứng dụng và các mô hình kinh doanh tiếp theo.
“Trung bình mười năm công nghệ viễn thông thế giới chuyển sang thế hệ mới, chúng tôi tập trung nguồn lực cho mục tiêu này, từ chính sách đến các giai đoạn kế tiếp để Việt Nam triển khai thành công hệ thống mạng mới,” ông Nam nói.
Các chuyên gia đánh giá cao việc quy hoạch tần số của Việt Nam, đặc biệt là mạng 5G. Ông Nam diễn tả bằng khái niệm kỹ thuật “băng tần hài hòa” là một trong những thành công của Việt Nam. Đây là nền tảng cho các nhà sản xuất thiết bị dễ dàng tối ưu công nghệ 5G cho tốc độ vượt trội, độ trễ thấp và độ phủ cao, làm nền tảng cho các hệ thống kết nối khổng lồ mà trong tương lai “mỗi cái đèn đường cũng phải thông minh,” ông Nam ví von và cho biết: “Việt Nam là một trong số ít quốc gia tự sản xuất được thiết bị hạ tầng cho 5G, đó là một trong những thành quả hợp tác rất quan trọng của Qualcomm.”
Qualcomm là công ty bán dẫn toàn cầu chuyên thiết kế và tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ viễn thông không dây hàng đầu thế giới. Công ty đứng 180 trong danh sách Global 2000 năm 2023 của Forbes với doanh thu hơn 41 tỉ đô la Mỹ và lợi nhuận ròng 10,54 tỉ đô la Mỹ, xếp trên một số tập đoàn bán dẫn có hoạt động tại Việt Nam như Intel (422), Infineon (452), Renesas (685)…
Với khoảng 85 tỉ đô la Mỹ đầu tư trong 20 năm qua, Qualcomm là một trong các công ty dành ngân sách đầu tư R&D cao nhất ngành công nghệ toàn cầu. Khi nói đến Qualcomm, thị trường nhận diện những con chip dẫn dắt lĩnh vực di động toàn cầu nhưng hai thập niên qua, danh mục dịch vụ Qualcomm đã chuyển đổi đa dạng, xoay quanh tầm nhìn cung cấp nền tảng kết nối cho tất cả các thiết bị thông minh.
Tầm nhìn này đã tiếp cận được các cơ hội từ chiến lược “Make in Vietnam” mang lại. Vai trò kiến tạo của Qualcomm gắn kết với hầu hết các tập đoàn công nghiệp lớn tại Việt Nam như Viettel, VNPT, Vingroup, Phenikaa… Qualcomm hợp tác từ chuyển giao công nghệ (bao gồm các phát minh, bản quyền, nền tảng phần cứng và phần mềm) cho đến trung tâm R&D và đội ngũ kỹ sư tại Việt Nam hỗ trợ trực tiếp quá trình thiết kế sản phẩm đến khi sản xuất, kiểm định chất lượng, hoàn thiện và thương mại hóa.
Sự lớn mạnh của các công ty công nghệ trong nước là cơ hội mở rộng của Qualcomm. Ông Nam cho biết các đối tác của công ty ngày càng đa dạng, không chỉ trong mảng viễn thông mà trong các hệ thống đô thị thông minh, công nghệ ô tô và nhiều lĩnh vực khác. Tháng 1.2024, tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES 2024), VinAI công bố tích hợp thành công giải pháp di chuyển thông minh với Hệ thống giám sát tài xế và hành khách (DOMS) và Hệ thống quan sát toàn cảnh (ASVM) sử dụng nền tảng Qualcomm Snapdragon Cockpit.
Ông Cao Thanh Vương, giám đốc mảng Di chuyển Thông minh VinAI, chia sẻ trong thông cáo “việc hợp tác đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô, góp phần định hình tương lai của các phương tiện thông minh và nâng cấp các tiêu chuẩn an toàn.”
Ông Nam lý giải, ngành công nghiệp ô tô đang tạo ra một hệ thống kết nối thông minh và khổng lồ, tương tự các cuộc cách mạng máy tính hay Internet trong quá khứ, trở thành trọng tâm phát triển công nghệ và thị trường. “Hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đều là đối tác của chúng tôi. Tất cả các kết nối xe VinFast trên nền tảng Qualcomm,” ông Nam tự hào nói.
Trước đó, năm 2023, VinAI đã hợp tác với Qualcomm phát triển giải pháp GuardPro trên nền vi xử lý Qualcomm Cloud AI 100 kết hợp phần mềm phân tích video do VinAI phát triển. Các mô hình AI và công nghệ thị giác máy tính tiên tiến cho khả năng phân tích dữ liệu hình ảnh từ 150 luồng camera trên mỗi vi xử lý. Vinhomes Smart City là khu đô thị đầu tiên triển khai GuardPro cho đô thị thông minh.
Tương tự, mô hình đô thị thông minh hợp tác với nhà phát triển bất động sản SonKim Land, gia tăng dịch vụ trải nghiệm ở dự án The 9 Stellars, trong tương lai nối vào hệ thống metro, với các hệ phần quan trọng như camera, chiếu sáng, ô tô tự lái…
Hợp tác ba bên Qualcomm – Viettel IDC – VinAI từ giữa năm 2023 với tham vọng tiến mạnh vào các mảng công nghệ mới, đặc biệt là AI. Viettel IDC tích hợp giải pháp do VinAl phát triển trên nền tảng của Qualcomm vào danh mục sản phẩm để cung cấp giải pháp camera AI cho khách hàng.
Ở mảng giáo dục, Qualcomm kết hợp với Viettel Networks cung cấp nền tảng AI và 5G để thiết kết tiểu đô thị đại học thông minh tại đại học Phenikaa (Hà Nội). Trong hợp tác với Phenikaa, đội ngũ Phenikaa-X ứng dụng nền tảng Qualcomm để phát triển các sản phẩm công nghệ mới.
Đội ngũ Phenikaa-X hiện đang đặt kỳ vọng vào nhiều sản phẩm như phần mềm vận hành xe tự lái, bản đồ số, robot thông minh, thiết bị thực tế ảo (XR/VR), các thiết bị ứng dụng AI… “Các công ty công nghệ Việt Nam đóng vai trò ngày càng lớn không chỉ ở trong nước mà cả khu vực, Qualcomm muốn tăng cường vai trò của mình trong hệ sinh thái công nghệ này,” ông Nam nói.
Việt Nam công bố tầm nhìn trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các mô hình công nghệ mới. Năm 2024 này mạng 5G sẽ chính thức được triển khai trên toàn quốc để tạo hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp. Cụ thể, theo mục tiêu đến 2025 hạ tầng băng rộng cáp quang phải phủ trên 80% hộ gia đình và phổ cập dịch vụ di động 4G/5G. Đến 2030 phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang và di động 5G. Khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” đang tạo động lực thúc đẩy hệ sinh thái và khát vọng làm chủ công nghệ trong doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nam nói việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện đang tiếp sức hào hứng cho Qualcomm, khi thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt một trong những trọng điểm của hợp tác này là thúc đẩy công nghệ số, bao gồm việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo ông Nam, Việt Nam có triển vọng lớn để trở thành một trung tâm bán dẫn mới của thế giới khi có nguồn nhân lực khá phù hợp với đội ngũ sinh viên có năng lực về khoa học và toán học; các công ty đa quốc gia đã mở rộng trung tâm thiết kế tại Việt Nam, dần đào tạo nguồn nhân lực ở những khâu giá trị cao và nắm bắt các công nghệ mới; Chính phủ có quyết sách phát triển ngành.
Các công ty công nghệ trong nước ngày càng lớn mạnh, các đối tác quốc tế dịch chuyển dần hoạt động sản xuất về Việt Nam tạo ra sự đa dạng cho nền tảng công nghiệp bán dẫn. Cơ sở hạ tầng theo đó dần hoàn thiện và đáp ứng được cho ngành này. “Xây dựng ngành bán dẫn là chiến lược dài hơi, nhìn vào những quốc gia khác đều đi lên với tầm nhìn tính từ mười năm, nhưng tôi nghĩ tất cả những nền tảng Việt Nam đều đã có được. Điều quan trọng là kết nối được những mắt xích trong toàn hệ sinh thái,” ông Nam nói.
Năm 2023, ChatGPT làm bùng nổ sự quan tâm đến trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy chiến lược AI của Qualcomm đã công bố cùng các đối tác từ năm 2018 tiến nhanh hơn. Tập đoàn tiếp tục đưa những công nghệ mới vào để hiện thực hóa tầm nhìn áp dụng các ứng dụng AI trong công việc, giải trí, học tập, những công nghệ không chỉ trên smartphone mà laptop, ô tô, kết nối IoT trong các ngành công nghiệp…
Ông Nam nói Qualcomm làm việc chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác tìm kiếm cơ hội đi cùng những chương trình lớn như “Make in Vietnam” hoặc chiến lược xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn. “Gen AI làm thay đổi toàn bộ cách tiếp cận công nghệ và sản phẩm công nghệ, Qualcomm đã đầu tư rất sớm với DNA thiết kế ra những con chip năng lực lớn cho tầm nhìn ‘AI mọi lúc mọi nơi’ và thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội để chúng tôi hiện thực hóa tầm nhìn này,” ông Nam cho biết.