Chuyển đổi số

Việt Nam sẽ đóng góp 20% giá trị kinh tế số Đông Nam Á vào năm 2030

2 năm trước
Tác giả Linh Chi

Tổng giá trị hàng hoá (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 220 tỉ USD vào năm 2030, vươn lên vị trí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek, Bain & Company vừa công bố.

Share
this:

Kinh tế số Việt Nam có thể tăng trưởng gấp 11 lần so với giá trị hiện tại để đạt tới mốc 220 tỉ USD vào năm 2030, theo báo cáo. Với tốc độ tăng trưởng kép khoảng 29% mỗi năm, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt giá trị 57 tỉ USD vào năm 2025. Riêng trong năm 2021, kinh tế số Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 31% so với cùng kỳ, đạt giá trị 21 tỉ USD.

Dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong năm nay ở khu vực là Philippines với mức tăng 93% so với cùng kỳ, tổng GMV của quốc gia này dự tính đạt 17 tỉ USD vào cuối năm nay. Indonesia vẫn tiếp tục là quốc gia đứng đầu về tổng GMV của kinh tế số khi dự kiến đóng góp tới 40% vào GMV toàn khu vực.

Kết thúc năm 2021, dự kiến GMV toàn Đông Nam Á đạt 174 tỉ USD và đạt tới 360 tỉ USD vào năm 2025, nghĩa là cao hơn nhiều so với mức dự báo trước đó, khoảng 300 tỉ USD. Báo cáo nhấn mạnh Đông Nam Á đang trở thành nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1.000 tỉ USD vào năm 2030, riêng Việt Nam sẽ chiếm khoảng hơn 1/5 tổng giá trị GMV toàn khu vực.

Mức độ tăng trưởng kép hàng năm và tổng giá trị GMV của một số ngành trụ cột trong nền kinh tế số. Nguồn: Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á từ Google, Temasek, Bain & Company.

Từ khi đại dịch bắt đầu, riêng Đông Nam Á đã có thêm 60 triệu người dùng số mới, trong đó 1/3 tham gia trong nửa đầu năm 2021. Người dùng số có xu hướng chi tiêu nhiều hơn trong các dịch vụ trực tuyến, cũng như tăng tần suất sử dụng và chi tiêu trên hầu hết các ngành dịch vụ.

“Qua đại dịch, chúng tôi thấy người tiêu dùng Việt Nam rất nhanh chóng tiếp nhận công nghệ mới. Những điều chỉnh mới về dự báo kinh tế số tới năm 2030 chỉ ra tiềm năng lớn khi Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi số,” bà Trâm Nguyễn, giám đốc Google phụ trách thị trường  Lào, Cambodia và Việt Nam cho biết. 

Thương mại điện tử, tạp hóa trực tuyến trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho GMV khu vực. Giao thông vận tải và thực phẩm cũng như như phương tiện truyền thông trực tuyến sẽ mở ra làn sóng giá trị tiếp theo và đóng góp nhiều như thương mại điện tử hiện nay nếu nhu cầu phát triển vượt ra ngoài thị trường thành thị, báo cáo cho biết.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử tăng trưởng khoảng 53% so với cùng kỳ, đưa GMV ngành đạt 13 tỉ USD vào cuối năm nay. Con số này có thể tăng lên gấp ba lần, đạt 39 tỉ USD vào thời điểm năm 2025.

Tổng giá trị GMV và tốc độ tăng trưởng kép của kinh tế số Việt Nam trong giai đoạn 2019 -2025. Nguồn: Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á từ Google, Temasek, Bain & Company.

Trái ngược với du lịch trực tuyến là lĩnh vực đang ghi nhận giảm sút vì ảnh hưởng của dịch bệnh, vận tải và thực phẩm, nội dung nghe nhìn trực tuyến là hai nhóm ngành được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong vòng 5 năm sắp tới. Vận tải và thực phẩm đã tăng trưởng 35%, trong khi nội dung nghe nhìn trực tuyến tăng 30% so với năm 2020.

Ở khu vực Đông Nam Á, tổng giá trị hàng hoá thương mại điện tử có thể vượt mốc 120 tỉ USD vào cuối năm nay, nghĩa là gần gấp đôi so với năm 2020, hướng tới mốc 234 tỉ USD vào năm 2025.

Báo cáo này ước tính, khoảng 71% người dùng Internet có đặt bữa ăn trực tuyến ít nhất là 1 lần, khiến lĩnh vực giao hàng thực phẩm trở thành điểm sáng mới, với mức tăng 33% so với năm ngoái, đóng góp 12 tỉ USD vào tổng GMV của toàn khu vực Đông Nam Á.

Truyền thông trực tuyến với mức tăng trưởng khoảng 32%, đưa GMV lên 22 tỉ USD vào cuối năm nay. Đặc biệt, đại dịch cho thấy có một thế hệ game thủ mới sẵn sàng chi tiêu hơn.

“Nền kinh tế số Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn toàn cầu nhờ các nền tảng: người dùng kỹ thuật số tương tác cao, hệ sinh thái số đang phát triển mạnh mẽ,” ông Rohit Sipahimalani, trưởng bộ phận đầu tư chiến lược, phụ trách chung và Đông Nam Á của Temasek nhận xét.

Ông Florian Hoppe, đối tác và trưởng bộ phận Thực hành kỹ thuật số tại châu Á – Thái Bình Dương, Bain & Company đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai trong khu vực với sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư và những người dân ngoại thành sử dụng Internet. Dù vậy, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong thập niên kỹ thuật số sắp tới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục đầu tư vào các nền tảng hỗ trợ quan trọng như thanh toán kỹ thuật số và phát triển nhân tài.