Sàn giao dịch chứng khoán Mỹ Nasdaq sẽ tham gia lĩnh vực tiền mã hóa với sản phẩm tập trung vào yếu tố bảo mật cho khách hàng.
Nasdaq đang có những bước đi đầu tiên trong việc ra mắt dịch vụ tiền mã hóa tập trung vào yếu tố bảo mật với sản phẩm lưu ký dành cho bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH), hướng đến nhóm khách hàng là các nhà đầu tư tổ chức.
“Chúng tôi cảm thấy hình thức lưu ký là nền tảng cho bất kỳ dịch vụ nào khác mà Nasdaq đang phát triển. Khả năng lưu trữ tiền mã hóa của khách hàng cách an toàn, bảo mật, có thể mở rộng cũng như tiếp cận là khởi đầu quan trọng cho toàn bộ những gì chúng tôi sẽ thực hiện trong tương lai,” Ira Auerbach, cựu chủ tịch của sàn giao dịch tiền mã hóa Gemini và tân chủ tịch Nasdaq Digital Assets, cho biết.
Không chỉ riêng tham vọng về tài sản ảo của Nasdaq, dịch vụ lưu ký còn là trọng tâm cho toàn bộ lĩnh vực tiền mã hóa. Việc này đòi hỏi khách hàng phải có niềm tin rất lớn vào các đơn vị giám sát, điều mà những nhà đầu tư cá nhân còn tỏ ra e ngại và dẫn đến câu nói phổ biến “Không giữ chìa khóa thì không phải tiền của bạn”.
Câu nói này có nghĩa chìa khóa riêng tư (private key), tương tự như mật khẩu cho các tài khoản lưu ký tiền mã hóa, không thuộc quyền quản lý của bên trung gian. Với việc gần như không xây dựng cơ sở hạ tầng riêng phục vụ cho việc lưu trữ tài sản, các tổ chức cần phải lựa chọn đối tác có khả năng lưu ký tiền mã hóa theo quy mô tổ chức.
Khi được hỏi vì sao khách hàng lại thiên về tổ chức tài chính truyền thống thay vì công ty tiền mã hóa trong việc lưu ký tài sản ảo, Auerbach cho rằng vị thế độc nhất của Nasdaq nằm ở việc công ty am hiểu các khách hàng tổ chức cần gì để sử dụng sản phẩm tài chính.
Ông chia sẻ: “Chúng tôi đã có thời gian dài làm việc với các tổ chức này, nên hiểu rõ họ gặp phải những vấn đề gì và cung cấp sản phẩm tích hợp bên trong để giải quyết những vấn đề đó. Chúng tôi cho rằng mình có thể tạo điều kiện thúc đẩy các tổ chức áp dụng hệ sinh thái tiền mã hóa rộng rãi hơn nữa.”
Bên cạnh dịch vụ lưu ký, Nasdaq đang mở rộng công nghệ phòng chống tội phạm tài chính nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền, gian lận và thao túng thị trường về tài sản ảo. Valarie Bannert-Thurner, phó chủ tịch cấp cao của bộ phận phụ trách công nghệ phòng chống tội phạm tài chính của Nasdaq, cho biết công ty có lợi thế về khả năng phân tích hành vi gian lận có thể xảy ra ở cả thị trường tài chính truyền thống và tài sản ảo.
“Tội phạm tài chính không hoạt động theo chuỗi. Điều mà chúng tôi muốn làm là nhìn nhận nguy cơ và cố gắng xác định những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo hay thao túng thị trường và không bị giới hạn bởi dữ liệu on-chain (trong blockchain) hoặc off-chain (ngoài blockchain). Đó là nhìn vào khía cạnh của sự việc,” Bannert-Thurner cho biết.
Bannert-Thurner cho biết Nasdaq đang ứng dụng kinh nghiệm từ bộ phận phòng chống tội phạm tài chính vào lĩnh vực tiền mã hóa, ngay cả khi nền tảng công nghệ trong có vẻ khác biệt. “Các hành vi lừa đảo hiện nay gần như tương tự với trước đây khi hoạt động rửa tiền vẫn như vậy, nhưng khác nhau đôi chút về cách thức tiến hành vì phải tìm ra cơ chế thực hiện,” bà cho biết.
Nasdaq đang cung cấp công nghệ phòng chống tội phạm tài chính cho các khách hàng như sàn giao dịch tiền mã hóa. Là sản phẩm lưu trữ và bảo vệ độc lập, sản phẩm lưu ký mới của Nasdaq sẽ tích hợp công nghệ phòng chống tội phạm tài chính dành riêng cho tiền mã hóa, với các giải pháp bao gồm hiển thị thông tin về nguồn gốc và nơi tài sản ảo được gửi đến. Đặc biệt, người dùng có thể chuyển tiền mã hóa tới bất kỳ địa chỉ nào mà không cần phải có sự đồng ý của người nhận.
Tuy vậy, điều này tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các loại ví tiền mã hóa spam hay hành vi có tên gọi “tấn công rải bụi”, nổi lên từ sự việc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ xử phạt dịch vụ “trộn” tiền mã hóa Tornado Cash. Các nhà đầu tư cá nhân của Tornado Cash đã gửi một lượng tiền mã hóa nhỏ vào ví của những người nổi tiếng như Jimmy Fallon để phản đối lệnh trừng phạt trên. Do vậy, công cụ sàng lọc của Nasdaq sẽ đánh dấu lượng tiền mã hóa gửi từ ví bị xử phạt.
Việc Nasdaq tham gia lĩnh vực tài sản ảo diễn ra, khi các công ty khác gồm Blackrock và Fidelity đang phát triển dịch vụ hỗ trợ tiền mã hóa. Hồi tháng 8.2022, Blockrock hợp tác với Coinbase ra mắt dịch vụ ủy thác cá nhân cung cấp tiền mã hóa trực tiếp cho các nhà đầu tư tổ chức. Vào đầu tháng 9.2022, Charles Schwab Corp., Fidelity Digital Assets và Citadel Securities hợp tác ra mắt EDX Markets, với kế hoạch hỗ trợ giao dịch tiền mã hóa từ năm 2022. Ngày càng nhiều công ty rót vốn vào tài sản ảo, mặc cho thị trường tiền mã hóa vẫn đang biến động và bitcoin mất 59% giá trị cho đến nay.
“Các tập đoàn bắt đầu tham gia lĩnh vực tiền mã hóa, với nhiều cái tên vẫn trong giai đoạn thăm dò thị trường. Tuy vậy, nhiều công ty đã ‘rục rịch’ tiến vào lĩnh vực này. Một điều chắc chắn là chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy sản phẩm nào tập trung hoàn toàn vào khách hàng tổ chức,” Bannert-Thurner nhận định.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nasdaq-chinh-thuc-tham-gia-thi-truong-tien-ma-hoa)
2 ngày trước
1 năm trước
Niềm tin là yếu tố mấu chốt cho năm 202310 tháng trước
Công ty tiền mã hóa Hashkey Group trở thành kỳ lân12 tháng trước
Coinbase hưởng lợi khi Binance ngừng hoạt động tại Mỹ1 tháng trước
“Vương quốc” tiền mã hóa được nhà nước sở hữu ở Bhutan2 năm trước
Startup tiền mã hóa RockX huy động 6 triệu USD