Ngành lương thực vươn lên dẫn đầu trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn Lộc Trời, đóng góp đến 46% tổng doanh thu và tăng trưởng đến 260%.
Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) – tập đoàn nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam sáng nay 4.11 công bố báo cáo tài chính chín tháng đầu năm với doanh thu 7.114 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 262 tỉ đồng, tăng 28% và đạt 66% kế hoạch năm 2021.
Doanh thu 3.249 tỉ đồng của ngành lương thực trong chín tháng tăng trưởng đến 260% so với con số xấp xỉ 900 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, mảng lương thực đã vươn lên dẫn đầu trong cơ cấu tổng doanh thu chín tháng của Lộc Trời.
Dù vậy, ở mảng kinh doanh này công ty vẫn ghi nhận mức lỗ 124 tỉ đồng, tăng khoảng 20% so với mức lỗ năm ngoái, chủ yếu do giá lúa vụ Đông Xuân 2021 tăng cao nhất mười năm qua trong khi chi phí sản xuất và vận tải bị đội lên do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy vậy, Lộc Trời vẫn giữ vững vị thế doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu gạo sang EU nhờ lợi thế từ hiệp định EVFTA, chiếm gần 70% lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường này.
Trong khi đó, vật tư nông nghiệp đóng góp 43% trong cơ cấu tổng doanh thu của tập đoàn với 3.016 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi gộp tăng gần 40%, là mảng đóng góp lớn nhất vào cơ cấu lợi nhuận chín tháng.
Trong ngành vật tư nông nghiệp, trụ cột chính về doanh thu đến từ mảng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hiện đang chiếm khoảng 20% thị phần trên cả nước và đóng góp khoảng 60% tổng doanh thu toàn tập đoàn, theo báo cáo phân tích từ công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS).
Doanh thu từ sản xuất và cung cấp các loại giống cây trồng, chủ yếu là lúa, ngô, ghi nhận tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 600 tỉ đồng và đóng góp 20% tổng doanh thu ngành vật tư nông nghiệp. Mảng sản xuất giống cây trồng của Lộc Trời dự kiến có công suất 62.000 tấn/năm, đứng thứ hai về thị phần tại Việt Nam. Tập đoàn cung cấp các loại hạt giống lúa, ngô, rau màu chủ yếu cho khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, theo báo cáo từ PHS.
Dịch vụ nông nghiệp – mảng mới nhất vừa được thành lập năm 2020 được kỳ vọng là mấu chốt kỹ thuật quan trọng trong việc hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp của Lộc Trời. Tập đoàn tăng diện tích vùng trồng, thêm sản phẩm thức ăn gia súc với các đơn hàng lớn trong trung hạn, dù vậy dịch bệnh khiến việc đi lại, tiếp xúc bị hạn chế nên doanh thu ngành này giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức lỗ giảm nhẹ 20% so với cùng kỳ, khoảng 14 tỉ đồng nhờ tối ưu chi phí sản xuất, theo báo cáo.
Ngành cũng có một số bước tiến: triển khai thêm một số sản phẩm mới như bắp sinh khối làm thức ăn gia súc, các loại rau màu và trái cây đặc sản…. “Các sản phẩm này nếu thành công trên diện rộng sẽ mở thêm hướng đi mới cho tập đoàn và cũng là bước đột phá trong thị trường thức ăn gia súc vốn đang phải nhập khẩu hơn 3 tỉ USD trong tám tháng đầu năm,” thông cáo công ty nêu rõ.
Tính riêng quý 3, báo cáo tài chính hợp nhất ghi nhận 1.992 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 12,42% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí tài chính lẫn chi phí hoạt động trong quý tăng lên đã kéo lợi nhuận sau thuế giảm xấp xỉ 65% so với cùng kỳ, đạt hơn 31 tỉ đồng.
Báo cáo phân tích từ công ty chứng khoán Mirae Asset dự báo Lộc Trời đạt 11.150 tỉ đồng doanh thu và 565 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021, tương ứng tăng 48,6% và 54,4% so với cùng kỳ. Riêng mảng thuốc bảo vệ thực vật đạt 5.227 tỉ đồng trong kỳ vọng thị trường phục hồi mạnh trong hai quý cuối năm.
Mảng gạo sẽ tiếp tục tăng trưởng và đóng góp 4.694 tỉ đồng doanh thu, theo báo cáo. Lộc Trời được đánh giá là doanh nghiệp tiên phong xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững tại Việt Nam, chủ yếu sản xuất gạo thương hiệu, với tỷ trọng doanh thu hơn 30%. Thương hiệu gạo “Hạt Ngọc Trời” luôn nằm trong top 3 gạo thương hiệu bán chạy nhất và chiếm thị phần 12%, theo đánh giá của PHS.
Mirae Asset nhận xét việc đẩy mạnh phát triển công nghệ ở Lộc Trời với ứng dụng QR Code xuất xứ thể hiện đặc tính gạo, vận hành thiết bị không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật trên diện rộng, ứng dụng ERP trong quản lý doanh nghiệp sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững cho tập đoàn nông nghiệp này trong tương lai.
Lộc Trời tiền thân là công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang được thành lập năm 1993 chuyên về giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật. Từ năm 2915, đổi tên thành Lộc Trời và thực thi chiến lược chuỗi giá trị nông nghiệp từ nghiên cứu sản xuất, tiêu thụ nông sản, cung cấp dịch vụ nông nghiệp song song với vai trò nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hàng đầu cả nước.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/mang-luong-thuc-but-pha-thanh-tru-cot-doanh-thu-cua-loc-troi)
10 tháng trước
Các nhà khoa học Ấn Độ phát triển giống lúa sạch11 tháng trước
2 năm trước
“Chia tay” Lộc Trời, Syngenta bắt tay VFC