Tại sự kiện công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 hôm qua 9.8, các chuyên gia cho rằng việc duy trì sản xuất lượng gạo lớn hàng năm hiện nay là “không khôn ngoan”.
Các tác giả thực hiện báo cáo đưa ra quan điểm rằng, an ninh lương thực không nhất thiết đồng nghĩa với việc phải giữ một lượng lớn đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Việc chuyển đổi nông nghiệp cách toàn diện mới là lời giải giúp ĐBSCL cải thiện năng suất và gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp trong khi vẫn dành được đất đai cho phát triển công nghiệp và hạ tầng.
Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL lần thứ hai với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) phối hợp với các bên thực hiện, vừa công bố đầu tháng 8.2022.
Dữ liệu ghi nhận điểm sáng lớn nhất của kinh tế ĐSBCL trong hai năm đại dịch 2020-2021 đến từ nông nghiệp. Bất chấp tác động của dịch bệnh, khu vực nông nghiệp vẫn tăng trưởng 3,4% trong năm 2021, cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, mỗi ngành nông nghiệp không đủ sức kéo nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ vốn chiếm tới hơn 70% GRDP vùng đều tăng trưởng âm (ước tính lần lượt âm 0,8% và âm 1,8%).
Vấn đề an ninh lương thực càng được chú ý nhiều hơn trong giai đoạn nền kinh tế sau đại dịch phải đối mặt với lạm phát. Trình bày báo cáo, chuyên gia Vũ Thành Tự Anh – trưởng nhóm nghiên cứu, giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) cho rằng mối lo ngại đặt ra với ĐBSCL bởi đây là vựa lúa của Việt Nam và thế giới, nơi chiếm đến 52% diện tích trồng lúa trên cả nước.
“ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chính sách kiên quyết giữ đất lúa đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu nhưng lại không giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng. Việc duy trì sản xuất lượng gạo lớn là điều không khôn ngoan,” ông Tự Anh nói.
Các tác giả thực hiện báo cáo đưa ra bốn yếu tố Việt Nam nên giảm diện tích trồng lúa hàng năm:
Thứ nhất, Việt Nam là một trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nên có thể tác động về giá. Khi giảm sản lượng theo quy luật cung cầu, giá bán sẽ tăng và ngược lại.
Thứ hai, nếu giảm diện tích gieo trồng, nông dân có thể tập trung vào nâng cao chất lượng thay vì chọn hình thức quảng canh như hiện nay.
Thứ ba, áp lực tăng sản lượng cũng kéo theo việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kéo theo đó là đất đai bị bạc màu.
Thứ tư, việc giảm diện tích trồng lúa có thể giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính. Tại Việt Nam, khí thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm 25- 30% tổng lượng khí thải và một nửa trong số đó đến từ các hoạt động sản xuất lúa gạo.
“Nếu muốn thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì khó thể giữ diện tích trồng lúa lớn như hiện tại. Từ góc độ về chiến lược cho cây lúa cũng như về kinh tế và môi trường đều cho thấy xu hướng là phải giảm diện tích trồng lúa,” ông Tự Anh chia sẻ.
Theo bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích trồng lúa và trồng lúa kết hợp cây lương thực khác trên cả nước đến năm 2030 vào khoảng 3,5 triệu ha, giảm 349.000 ha so với hiện nay.
Ngoài việc giảm diện tích trồng lúa, nền nông nghiệp ĐBSCL nhìn chung mức độ hiện đại hóa thấp, vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế nông hộ với diện tích đất canh tác nhỏ và manh mún. 50% hộ nông dân ở khu vực này có diện tích đất canh tác nhỏ hơn 0,5 hecta, điều này là rào cản lớn cho việc chuyển trọng tâm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
“Tình trạng thâm canh lúa kéo dài, không được chuyển đổi đất trồng sang mục đích khác khiến cơ hội tăng trưởng và phát triển kinh tế ĐBSCL suy giảm,” báo cáo nêu.
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP và Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Quyết sách này được xem là cơ hội lớn cho ĐBSCL phát triển, giúp cấu trúc lại mô hình kinh tế vùng đang còn manh mún, bị chi phối bởi quan điểm phát triển và cách tiếp cận trong hoạch định tăng trưởng của từng địa phương.
Để phù hợp chung với quy hoạch vùng, các nhà nghiên cứu trong báo cáo cho rằng, các địa phương trong vùng cần định hình lại mô hình phát triển trong bối cảnh mới, tránh “cạnh tranh xuống đáy” mà tập trung phát triển dựa trên chức năng và lợi thế của mỗi địa phương, tổ chức lại không gian kinh tế và phân bố tài nguyên hợp lý…
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/bon-nguyen-nhan-khien-viet-nam-can-giam-dien-tich-trong-lua-tai-dbscl)
11 tháng trước
3 năm trước
Masan và De Heus hợp tác chiến lược9 tháng trước
1 năm trước
9 tháng trước