Thị Trường

Keppel và SembCorp Marine sáp nhập thành công ty xây dựng giàn khoan lớn nhất thế giới

Công ty thành viên của tập đoàn Keppel Corp. và Sembcorp Marine — đều do quỹ đầu tư Singapore Temasek điều hành — đồng ý sáp nhập để phát triển thành nhà xây dựng giàn khoan dầu lớn nhất thế giới.

Share
this:

Giao dịch được hoàn tất sau gần một năm các công ty niêm yết ở Singapore thông báo thảo luận về khả năng kết hợp các hoạt động kinh doanh kỹ thuật hàng hải và công trình biển ngoài khơi (O&M) hồi tháng 6.2021 do cả hai công ty đều tìm cách hưởng lợi từ việc chuyển hướng sang nguồn năng lượng tái tạo và sạch hơn.

Công nhân tại Floatel Triumph, giàn khoan lưu trú nửa chìm nửa nổi do Floatel International Ltd. vận hành và Keppel Offshore & Marine Ltd. phát triển. Ảnh: Nicky Loh/Bloomberg © 2016/ Forbes

“Ký kết thỏa thuận có lợi cho cả hai Keppel O&M lẫn Sembcorp Marine khi hợp nhất mở ra bước ngoặc quan trọng trong lĩnh vực hàng hải ngoài khơi,” Loh Chin Hua, CEO Keppel, cho biết trong thông cáo chung.

“Hai công ty O&M hàng đầu ở Singapore hợp nhất với nhau để phát triển thành một công ty mạnh hơn có thể hợp lực cũng như cạnh tranh hiệu quả hơn trong quá trình chuyển đổi năng lượng.”

Sau khi hoàn tất giao dịch, được các cổ đông lẫn cơ quan quản lý chấp thuận, Temasek sẽ sở hữu 33,5% cổ phần của công ty hợp nhất. Temasek sẽ không tham gia bỏ phiếu về thương vụ này.

Theo thỏa thuận, Keppel O&M sẽ ngưng hoạt động kinh doanh giàn khoan dầu và các khoản phải thu liên quan đến công ty riêng mà sẽ thuộc sở hữu của các nhà đầu tư bao gồm Keppel Corp cùng với một công ty của Temasek.

Hoạt động kinh doanh O&M của Keppel và Sembcorp Marine đều bị ảnh hưởng nặng nề do các hoạt động thăm dò dầu khí giảm mạnh trong những năm gần đây khi các công ty năng lượng chuyển sang sản xuất năng lượng tái tạo và sạch hơn.

Đại dịch COVID-19 làm tình hình trở nên thêm trầm trọng, khiến giá cổ phiếu của cả hai công ty giảm mạnh hồi năm ngoái, với khoản lỗ ròng tổng cộng 1,3 tỉ SGD (937,5 triệu USD) do nhu cầu giảm cũng như giá dầu lao dốc.

Thông qua việc sáp nhập, công ty mới này sẽ tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

“Ngày càng có nhiều chính phủ và công ty trên thế giới cam kết triển khai các biện pháp giảm phát thải nhà kính để đạt mức phát thải carbon ròng bằng không, thúc đẩy nhu cầu ngày càng cao đối với các giải pháp năng lượng tái tạo và sạch,” các công ty cho biết.

“Chúng bao gồm các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydro và amoniac, trong đó cả Keppel O&M và Sembcorp Marine đều có năng lực và chuyên môn tương ứng trong vài năm qua.”

Công ty sáp nhập này hướng tới kinh doanh năng lượng sạch hơn dự kiến trong vài năm tới sẽ gia tăng số lượng đơn đặt hàng, vốn đạt mức 6,4 tỉ SGD (4,6 tỉ USD) vào năm 2021.

Đầu tư toàn cầu vào các giải pháp năng lượng tái tạo và sạch hơn ở ngoài khơi dự kiến sẽ vượt quá 500 tỉ SGD (360,8 tỉ USD) từ năm 2021 đến năm 2030, các công ty trích dẫn nghiên cứu thị trường của nhà tư vấn hàng đầu thế giới cho biết.

“Chúng tôi rất vui khi Keppel và Sembcorp Marine đạt được thỏa thuận sáp nhập có ích cho các công ty thực hiện chuyển đổi,” Nagi Hamiyeh, trưởng nhóm phát triển danh mục đầu tư tại Temasek, cho biết.

“Chúng tôi tin doanh nghiệp mới này sẽ có chuyên môn lẫn năng lực để đẩy nhanh việc chuyển đổi giúp nắm bắt cơ hội ngày càng tăng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sạch, đồng thời tiếp tục thực hiện các dự án hữu ích trên khắp thế giới nhằm giải quyết nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp năng lượng xanh cũng như sạch hơn.”

Biên dịch: Gia Nhi