Tỉ phú Hong Kong Lui Che-woo lạc quan nhận định đây là cơ hội “tuyệt vời” để đầu tư vào thị trường bất động sản ở Thượng Hải.
Tỉ phú Hong Kong Lui Che-woo đầu tư thành công vào bất động sản ở Thượng Hải từ những năm 1980, chẳng hạn như trung tâm K.Wah nằm dọc theo con đường xa hoa Hoài Hải của thành phố.
Đây là dự án mới sắp ra mắt trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt chính sách “Zero-COVID” mặc dù gây ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế, sau khi tập đoàn chính K.Wah International Holdings của ông thắng thầu dự án phát triển đất ở phía tây thành phố trị giá 4,18 tỉ HKD, tương đương 532 triệu USD.
Thông qua công ty con, K.Wah, sẽ nắm giữ 60% cổ phần trong liên doanh với hai công ty nhà nước để phát triển dự án bất động sản nhà ở kết hợp thương mại trong khu vực được quy hoạch cho những hoạt động kinh doanh liên quan đến trí tuệ nhân tạo lẫn chăm sóc sức khỏe, theo công bố của công ty.
K.Wah cho biết dự án “đưa ra một cơ hội đầu tư tuyệt vời để tập đoàn phát triển đô thị dựa theo định hướng giao thông nhằm mở rộng quy mô hoạt động trong thị trường bất động sản ở Thượng Hải, tăng quỹ đất và phù hợp với quy hoạch cũng như chiến lược phát triển kinh doanh của tập đoàn.”
Công ty công bố dự án này sau khi GDP của Trung Quốc giảm xuống còn 0,4% trong quý hai so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Thượng Hải, nơi hàng triệu người dân trải qua nhiều đợt phong tỏa khác nhau từ tháng 4 đến tháng 6, GDP đã giảm khoảng 5,7%.
Sinh ra ở Quảng Đông, Lui cùng gia đình di cư sang Hong Kong từ lúc 4 tuổi, hiện sở hữu khối tài sản trị giá 12,1 tỉ USD theo danh sách Tỉ phú của Forbes cập nhật trong ngày 24.9.
Mặc dù chỉ học hết tiểu học nhưng khi là một thiếu niên, ông đã giúp bà điều hành một cửa hàng bán lẻ thực phẩm ở Hong Kong. Vào cuối những năm 1940, ông tái xuất những đồ dùng dư thừa của quân đội sang các nước khác.
Đến năm 1950 ông mua thiết bị thi công xây dựng từ Nhật Bản và bán lại cho những nước ở Đông Nam Á.
Vào năm 1964, công ty của ông là công ty tư nhân đầu tiên có được quyền khai thác đá ở Hong Kong nhờ giá thầu kỷ lục.
Sau đó, Lui bắt đầu thực hiện những dự án bất động sản nhà ở tại đó. Lui cũng là nhà đầu tư đầu tiên ở Trung Quốc, mua mỏ đá ở Thâm Quyến vào năm 1980 và sau đó mua lại một quỹ đất ở Quảng Châu.
Trung tâm K.Wah khai trương tại Thượng Hải vào tháng 4.2005; bên cạnh bất động sản, một phần tài sản của ông còn đến từ tập đoàn kinh doanh casino Galaxy Entertainment Group ở Macau.
Một công ty phát triển bất động sản khác ở Thượng Hải, Shui On Land, do tỉ phú Vincent Lo điều hành, cũng lạc quan nhìn thấy “kỷ nguyên vàng” để đầu tư dài hạn những dự án mới.
Trong báo cáo hồi tháng trước, công ty lưu ý triển vọng kinh doanh ngắn hạn ở Trung Quốc đang bất ổn. “Kinh tế Trung Quốc đối mặt với những khó khăn đáng kể trong bối cảnh môi trường địa chính trị không ổn định, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng cũng như chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển.”
Theo công ty, Trung Quốc còn đối mặt với các vấn đề khác nữa do nhiều công ty bất động sản đang chìm trong nợ. “Chính phủ sẽ phải mất nhiều thời gian để giải quyết. Tuy nhiên, chính phủ đã đưa ra chính sách cũng như có kinh nghiệm để xử lý quá trình tái cơ cấu nợ của những công ty bất động sản này và giải quyết nhiều dự án tạm ngưng triển khai.”
Tuy nhiên, Shui On, mhepego đang thực hiện các dự án tại Thượng Hải bao gồm khu mua sắm và cuộc sống về đêm Tân Thiên Địa mang tính biểu tượng của thành phố, vẫn lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn ở đó.
“Mặc dù triển vọng trước mắt ít thuận lợi hơn, nhưng điều chỉnh thị trường sắp xảy ra sẽ giúp chúng tôi có được tài sản ở những vị trí đắc địa với mức giá hấp dẫn trong thời kỳ có thể là kỷ nguyên vàng để đầu tư mới,” công ty cho biết.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Thượng Hải nới lỏng lệnh phong tỏa khi tình hình COVID-19 “hạ nhiệt”
Lợi nhuận của công ty tỉ phú Chung Thiểm Thiểm tiếp tục tăng 15% dù kinh tế Trung Quốc khó khăn
Chủ nợ của Evergrande còn vài lựa chọn sau khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra lịch thanh toán nợ
Những công ty của ông trùm Dennis Uy phải đàm phán gia hạn nợ do thua lỗ nặng
2 năm trước
Pan Sutong cố gắng thoát khỏi nguy cơ phá sản