Chính quyền Bắc Kinh yêu cầu China Evergrande Group ưu tiên xây xong những ngôi nhà đã bán trước đó để duy trì ổn định tài chính và xã hội.
Hiện tại các chủ nợ của China Evergrande Group khó có thể lấy lại được tiền vì cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc leo thang và ngày càng có nhiều công ty đòi tập đoàn bất động sản này trả nợ.
Công ty chìm sâu trong nợ nần không thể trả đúng hẹn, công bố kế hoạch tái cơ cấu hồi cuối tháng Bảy. Trong báo cáo gửi đến sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong hôm 29.7, Evergrande kỳ vọng sẽ chính thức thực hiện kế hoạch tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài trước cuối năm nay và cổ phần của công ty trong các đơn vị quản lý xe điện và bất động sản có thể được sử dụng để thế chấp cho những gói “nâng cấp tín dụng.”
Nhưng rất có thể tập đoàn phát triển bất động sản có trụ sở tại Thâm Quyến và nhà sáng lập Hứa Gia Ấn sẽ hạn chế nói về cách thực hiện quá trình tái cơ cấu vì chính phủ giám sát quá trình đó và đưa ra những ưu tiên yêu cầu tập đoàn thực hiện trước. Các công ty bất động sản tuyên bố vỡ nợ, bao gồm Evergrande, Kaisa, Sunac và những công ty khác, đã tạm ngưng xây dựng những căn nhà bán trước tại hơn 90 thành phố ở Trung Quốc.
Theo S&P Global Ratings, vì lo sợ những ngôi nhà mua trước có thể không bao giờ được xây xong, nhiều người mua nhà từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp, tăng nguy cơ cho các ngân hàng gánh nợ xấu lên đến 2,4 ngàn tỉ Nhân dân tệ (356 tỉ USD).
Những khó khăn tập đoàn bất động sản gặp phải trong triển khai dự án có nguy cơ tác động tiêu cực đến hệ thống tài chính vào thời điểm khi Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là sẽ tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tại đại hội Đảng toàn quốc sắp được tổ chức vào cuối năm nay.
Mặc dù Evergrande là tập đoàn kinh doanh thương mại nhưng Bắc Kinh sẽ giám sát quá trình tái cơ cấu để đảm bảo tập đoàn tuân thủ những ưu tiên hàng đầu mà chính quyền Bắc Kinh yêu cầu là duy trì ổn định tài chính và xã hội.
“Việc chính phủ Trung Quốc cần làm hiện tại là đảm bảo Evergrande xây xong hết những căn nhà tập đoàn đã bán,” Shen Chen, đối tác của Shanghai Maoliang Investment Management, cho biết. “Công ty dự kiến sẽ sử dụng các nguồn lực hạn chế để hoàn thành những dự án đó trước, sau đó mới thanh toán những khoản nợ còn lại.”
Trong các chủ nợ, có những người ủng hộ và có cả những người phản đối kế hoạch này, Shen Meng, giám đốc ngân hàng đầu tư quy mô nhỏ đặt tại Bắc Kinh – Chanson & Co, cho biết. Công ty – có lẽ thậm chí bản thân Hứa Gia Ấn – được kỳ vọng đóng góp vào quỹ sẽ được lập riêng để hoàn thành những dự án nhà đã bán trước.
Tuần trước, Reuters đưa tin Bắc Kinh đang xem xét thành lập một quỹ trị giá khoảng 44 tỉ USD để giúp đỡ những công ty bất động sản đang ngập chìm trong nợ. Trong khi đó, thành phố Trịnh Châu vừa thành lập một quỹ cứu trợ riêng cho các công ty tiếp tục thực hiện các dự án.
Trong khi các chủ nợ trong nước có thể tuân theo những ưu tiên chính phủ đưa ra và thậm chí đồng ý cho Evergrande thêm thời gian, những chủ nợ nước ngoài có khả năng cao bắt đầu kiện tập đoàn để đòi quyền lợi, Shen của Chanson nói.
Hiện tại, các công ty bất động sản không còn triển vọng để tăng trưởng trở lại. Thị trường bất động sản ở Trung Quốc đang lao dốc, tăng thêm khó khăn để công ty đạt được doanh số bán nhà. Ngoài ra, “công ty cung cấp dịch vụ bất động sản sử dụng sai khoản tiền mặt, kéo giảm thêm giá trị thu hồi của trái phiếu nước ngoài,” nhà phân tích tín dụng Iris Chen của Nomura, cho biết.
Một cuộc điều tra hồi tháng 7 cho thấy đơn vị được đề cập – Evergrande Property Services được niêm yết tại Hong Kong – đã sử dụng khoản tiền gửi ngân hàng trị giá gần 2 tỉ USD làm tài sản thế chấp để đảm bảo các khoản vay cho các bên thứ ba không nêu tên. Sau đó, khoản vay được chuyển trở lại công ty mẹ để chi cho những “hoạt động chung.”
Tuy nhiên, bên vay thứ ba không thanh toán được nợ nên ngân hàng thu giữ những tài sản thế chấp đó, khiến Evergrande không còn nhiều tiền mặt để trả nợ.
Một vài giám đốc điều hành tại công ty mẹ – bao gồm cả CEO lâu năm Xia Haijun và giám đốc tài chính Pan Darong – đã phải từ chức, nhưng điều đó không thể làm cho nhà đầu tư quốc tế bớt tức giận. Các chủ nợ đang nắm giữ tài sản bảo đảm của Evergrande Property Services yêu cầu giải thích làm thế nào để cam kết trả lại các khoản tiền đó mà không tiết lộ thông tin này cho các nhà đầu tư.
Chen của Nomura dự đoán Evergrande sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư quốc tế để kéo dài thời gian thanh toán. Bà cũng lưu ý nếu Evergrande bị buộc phải phát mãi thì các nhà đầu tư hiện giờ có thể chịu thêm khoản tổn thất lên đến 85% thay vì ước tính 75% trong năm ngoái.
Trong ngày 7.8, Evergrande cho biết trong một báo cáo khác công ty con ở thành phố Nam Xương, đông nam Trung Quốc đã được lệnh trả tiền bồi thường gần 1,1 tỉ USD cho người bảo lãnh và sẽ phải bán cổ phần sở hữu tại ngân hàng Shengjing ở đông bắc Trung Quốc để chi trả cho số tiền bồi thường đó. Shu Hui Woon, nhà phân tích tín dụng tại công ty nghiên cứu Lucror Analytics ở Singapore, cho biết sẽ còn nhiều yêu cầu trả nợ nữa.
“Không rõ công ty còn có những tài sản nào nữa không vì Evergrande có thể đã cung cấp các khoản đảm bảo chưa được tiết lộ hoặc chưa bị yêu cầu trong thời điểm hiện tại,” bà cho biết trong email. “Công ty có thể sẽ tìm cách thương lượng với các chủ nợ để ngăn họ kiện ra tòa, nếu không, có thể tiếp tục trì hoãn tiến độ tái cơ cấu.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
China Evergrande Group hoãn công bố báo cáo thu nhập
Chính quyền Quảng Đông giúp Evergrande xử lý khối nợ khổng lồ
Cổ đông lớn thứ hai của Evergrande muốn tư nhân hoá công ty của mình
1 năm trước
Nhóm BRICS mở rộng thêm thành viên