Với tác động nặng nề từ những khó khăn hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc trong quý 2.2022 chỉ ghi nhận mức tăng trưởng GDP 0,4%.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 2.2022 chỉ đạt 0,4% so với cùng kỳ năm 2021, khi các lĩnh vực từ tiêu dùng cho đến bất động sản hứng chịu tác động nặng nề từ những lệnh hạn chế phòng COVID-19.
Tình hình kinh tế ảm đạm, được Cục Thống Kê Quốc Gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 15.7, đánh dấu tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 lần đầu bùng phát vào năm 2020 và dưới mức dự báo khoảng 1% từ các nhà phân tích. Trong đó, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thượng Hải và Bắc Kinh lần lượt giảm 13,7% và 2,9%, khi hai thành phố này tiến hành các lệnh phong tỏa diện rộng nhằm kiểm soát biến chủng omicron lây lan nhanh.
Đặc biệt là Thượng Hải, khi các nhà chức trách áp đặt lệnh phỏng tỏa trong 2 tháng kéo dài từ tháng 4-6.2022, buộc 25 triệu hộ dân tại trung tâm tài chính và ô tô phải ở yên tại chỗ và gây ra làn sóng giận dữ trong bối cảnh thiếu hụt đồ ăn, cũng như gián đoạn trầm trọng hoạt động logistics và sản xuất.
Việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược không khoan nhượng với COVID-19 cho đến nay, bao gồm tiến hành những đợt xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa một phần các thành phố như Tây An và Vô Tích, đang khiến mục tiêu tăng trưởng 5,5% GDP của nước này trở nên xa vời. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Thượng Hải dấy lên lo ngại về việc tái phong tỏa, khi người dân đổ xô tích trữ đồ ăn và nhu yếu phẩm hằng ngày.
“Vào tháng 6, chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa khẳng định về mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2022. Tuy vậy, chúng tôi nhận định Trung Quốc không có đủ dư địa phục hồi kinh tế trong quý 2.2022,” Heron Lim, nhà kinh tế của Moody’s Analytics viết trong báo cáo nghiên cứu, mặc dù gần đây ông đưa ra dự báo mức tăng trưởng lạc quan 4,3% cho năm 2022.
Nhóm các nhà kinh tế của Nomura đứng đầu là Lu Ting dự đoán tăng trưởng GDP hằng năm của Trung Quốc trong hai quý 3 và 4.2022 đạt 4%. Trong báo cáo nghiên cứu hôm 15.7, các nhà phân tích nhận định vẫn còn những khó khăn lớn, với nền kinh tế toàn cầu chững lại có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc và chính sách “Zero COVID” sẽ duy trì cho đến hết năm nay. “Chúng tôi cho rằng thị trường đã tỏ ra quá lạc quan về tốc độ tăng trưởng trong quý 2.2022,” các nhà kinh tế cho biết.
Bắc Kinh đã nhận ra cái giá mà Trung Quốc phải đánh đổi từ những chính sách phòng dịch nghiêm ngặt. Trong dữ liệu riêng cho GDP quý 2.2022, NBS cho biết quá trình phát triển kinh tế đối diện với “những tác động tiêu cực ngày càng tăng lên đáng kể và vô cùng phức tạp cũng như thách thức.” Đồng thời, cơ quan này cũng đưa ra dấu hiệu phục hồi tăng trưởng ở khắp các lĩnh vực từ công nghiệp đến bán lẻ vào tháng 6.2022, sau khi nới lỏng một phần lệnh hạn chế phòng COVID-19.
Tuy vậy, các vấn đề lại xuất hiện từ bất động sản, lĩnh vực được một số người ước tính có thể chiếm đến 1/4 GDP của Trung Quốc, đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng khi Bắc Kinh tiến hành chiến dịch hạ đòn bẩy tài chính và giảm giá nhà ở tăng “phi mã” đã gây tổn thất lên các tập đoàn bất động sản nợ nần chồng chất từ China Evergrande đến Shimao Group.
Sau khi các công ty đang gánh nợ này phải tạm ngưng xây dựng một số dự án căn hộ đã được mở bán, những người mua nhà Trung Quốc chỉ đồng ý thanh toán khoản vay thế chấp khi dự án khởi công trở lại. Trong báo cáo nghiên cứu vào ngày 14.7, nhóm các nhà phân tích của Jefferies đứng đầu là Chen Shujin ước tính những dự án trì hoãn triển khai có thể tăng nợ xấu trong những ngân hàng Trung Quốc lên đến 388 tỉ nhân dân tệ (57,5 tỉ USD).
Các nhà phân tích nhận định đây là mức trong tầm kiểm soát, khi nguồn tài chính liên quan đến những tòa nhà căn hộ này chỉ chiếm 1% trong tổng dư nợ. Song, họ đưa ra dự báo xuất hiện nhiều “sự kiện có mức độ rủi ro cao” trong tương lai từ các yếu tố, bao gồm tăng trưởng chậm lại, thu nhập của người dân sẽ thấp hơn cũng như giảm doanh số bất động sản.
Ví dụ như tỉnh Hà Nam ở miền Trung Trung Quốc, một cuộc khủng hoảng tài chính đã diễn ra khi các khách hàng từ tháng 4.2022 phát hiện số tiền gửi tổng cộng hàng chục tỉ nhân dân tệ của họ bị bóng băng tại bốn ngân hàng lớn. Đã có đoạn video lan truyền trên mạng xã hội về cuộc biểu tình của những khách hàng giận dữ và xảy ra xô xát, khiến cho nhiều người cảm thấy phẫn nộ hơn.
Các quan chức Trung Quốc cho biết sẽ hoàn trả cho từng người khoản tiền ký gửi 7.400 USD, khi cảnh sát gặp khó khăn trong việc điều tra những gì được mô tả như vụ lừa đảo ngân hàng từ Henan Xincaifu Group. Vào tuần trước, cảnh sát Trung Quốc cho biết đã tạm giữ một số nghi phạm, niêm phong tài sản và nguồn vốn liên quan đến vụ án trên. Các quan chức nước này cho biết sẽ xây dựng kế hoạch và chi trả số tiền cho những người còn lại theo thông báo tiếp theo.
Xem thêm: Trung Quốc thiệt hại 46 tỉ USD mỗi tháng vì chiến lược “Zero COVID”
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/trung-quoc-chi-dat-tang-truong-gdp-04-trong-quy-2-2022)
3 năm trước
FDI ngấm đòn COVID-19