Các doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết mong muốn tìm kiếm những doanh nghiệp cũng như startup Việt Nam để liên doanh cùng khai thác thị trường hai nước.
Tại ngày hội doanh nghiệp kết nối giao thương Hàn – Việt diễn ra ở TP.HCM (Mega Us Expo 2022), các doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ thông tin, chế tạo cũng như nông nghiệp ở Việt Nam. Đặc biệt Hàn Quốc muốn phát triển dữ liệu lớn nhưng lại thiếu nguồn nhân lực trẻ quan tâm đến công nghệ thông tin do dân số giảm.
Sự kiện diễn ra trong hai ngày 21 và 22.9 tại TP.HCM, thu hút 120 doanh nghiệp Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực như sức khỏe, mỹ phẩm, công nghệ… Us Expo 2022 do Trung tâm Đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk – Hàn Quốc, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh (Sihub), Trung tâm Xúc tiến thương mại Koretoviet và JYGlobal phối hợp tổ chức.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, ông Choi Jae-young, đại diện Trung tâm Đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk, Hàn Quốc, cho biết những startup và doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia ngày hội với mục tiêu tìm kiếm đối tác phù hợp để liên doanh khai thác thị trường hai nước.
Việt Nam có lợi thế trong ngành công nghệ thông tin nhờ có nhiều nhân tài trong lĩnh vực này cùng với nguồn nhân lực trẻ yêu thích công nghệ. Ông Choi đánh giá những yếu tố này tạo tiềm năng cho Việt Nam phát triển thuận lợi các lĩnh vực như IT, chế tạo sản xuất thiết bị, thủy sản…
Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Sihub, nói với Forbes Việt Nam nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang muốn tìm kiếm những mảnh ghép trong toàn chuỗi.
Hàn Quốc hiện nằm trong tốp 5 quốc gia đầu tư tài chính vào lĩnh vực khởi nghiệp ở Việt Nam. Theo ông Tước, tầm nhìn của chính phủ Hàn Quốc về khởi nghiệp cũng như các tập đoàn Hàn Quốc liên quan đến khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Điều này thể hiện qua các tên tuổi có mặt ở Việt Nam như Shinhan Bank, Lotte, LG, Samsung…
Theo ông Tước, những công ty này có chính sách rõ ràng về đầu tư đổi mới sáng tạo. Không giống với các quốc gia khác tập trung phần lớn vào đầu tư tài chính ở Việt Nam, Hàn Quốc đưa cả hệ sinh thái gồm cơ quan nhà nước, tổ chức ươm tạo, đại học và cả startup vào Việt Nam.
Theo ông Tước, Hàn Quốc có hai mục tiêu muốn vào Việt Nam. Thứ nhất, nhiều startup Hàn Quốc trong những lĩnh vực như sức khỏe, mỹ phẩm và thực phẩm muốn mở rộng thị trường quốc tế bao gồm Việt Nam dựa trên ưu thế có những nền tảng công nghệ cũng như mô hình kinh doanh tốt.
Thứ hai, một số công ty Hàn Quốc vào Việt Nam để tìm kiếm dự án tốt đầu tư, thường tập trung vào fintech (công nghệ tài chính). Họ muốn mua lại những dự án đang phát triển theo hướng chọn mua cả thị trường startup đó đang có.
Tại sự kiện, nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác về hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ đã được ký kết giữa Sihub và các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thuộc 7 trường đại học Hàn Quốc; trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCm và hiệp hội Trung tâm chuyên hóa sinh học Hàn Quốc; khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM và công viên Công nghệ Jeonbuk; trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM và hiệp hội Trung tâm chuyên hóa sinh học Hàn Quốc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc xếp thứ hai trên tổng số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với 2,66 tỉ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xem thêm:
Nhà đầu tư Hàn Quốc rót thêm vốn, đưa định giá SpaceX lên 127 tỉ USD
VNG lấn sân Metaverse thông qua đầu tư vào kỳ lân game Hàn Quốc
5 tháng trước
Volkswagen đầu tư vào hãng xe điện Mỹ Rivian3 năm trước
Làm gì để thúc đẩy fintech Việt Nam phát triển?