Shell tận dụng xu hướng công nghệ mới như Web3 và blockchain để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Shell là một trong những công ty năng lượng lớn nhất trên thế giới. Mặc dù nhiều người trong chúng ta có thể liên tưởng đến công ty chủ yếu cung cấp dầu và khí đốt nhưng công ty còn tham gia chương trình chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh và bền vững.
Chương trình nhắm đến các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc sớm hơn, cũng như mục tiêu trước mắt giảm lượng khí carbon thải trực tiếp và gián tiếp xuống 50% vào cuối thập niên này.
Để đạt được những mục tiêu này, công ty tận dụng một số xu hướng công nghệ mới đang chứng tỏ sẽ tạo ra cuộc cách mạng cho nhiều ngành ngoài lĩnh vực dầu khí. Những công nghệ mới này bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và – như chúng ta sẽ thấy trong bài viết này – Web3 và blockchain (công nghệ chuỗi khối).
Hầu hết mọi người đều biết đến blockchain là công nghệ làm nền tảng cho các loại tiền mã hóa như bitcoin. Hiểu một cách đơn giản nhất công nghệ này cơ bản là một hình thức định dạng cơ sở dữ liệu tương đối mới. Blockchains có hai tính năng chính tạo nên sự khác biệt so với các cơ sở dữ liệu khác.
Tính năng thứ nhất: thay vì được đặt tập trung trên một máy tính hoặc máy chủ cụ thể, thông tin kỹ thuật số được phân phối. Hay nói cách khác thông tin được sao lưu trên nhiều máy tính, do đó không có một người nào trực tiếp kiểm soát tổng thể và tất cả các thay đổi phải được xác nhận thông qua giao thức đồng thuận.
Tính năng thứ hai: thông tin được mã hóa, có khả năng chống giả mạo hiệu quả và chỉ những người có quyền mới có thể thêm hoặc chỉnh sửa dữ liệu được chứa trong đó.
Hai tính năng này kết hợp với nhau làm cho blockchain trở nên lý tưởng cho những bên ứng dụng để thêm vào, kiểm tra và xác thực dữ liệu, trong đó mức độ bảo mật lẫn tính toàn vẹn luôn được xem là điều quan trọng hàng đầu.
Thực tế cho thấy độ tin cậy cùng với độ an toàn của công nghệ này khi được sử dụng trong suốt 13 năm nay, với 270 triệu giao dịch mà mạng lưới Bitcoin xử lý mỗi ngày, trị giá khoảng 400 tỉ USD (tính đến thời điểm viết bài).
Với những tính năng này, blockchain trở thành một công nghệ hấp dẫn đối với các tổ chức toàn cầu như Shell, những tổ chức cần các giải pháp công nghệ siêu an toàn, có khả năng ứng dụng ở phạm vi rộng để thu thập cũng như chia sẻ dữ liệu có giá trị.
Bản chất “không thể tin” của công nghệ này cải tiến quy trình hiện hữu đang được sử dụng trong toàn ngành, giúp hình dung lại chuỗi giá trị năng lượng thông qua mã hóa năng lượng để tạo ra sự minh bạch cũng như truy xuất nguồn gốc, đồng thời tạo ra thị trường lẫn mô hình kinh doanh mới theo hình thức DEFI (tài chính phi tập trung)/ DAO (tổ chức tự trị phi tập trung) / NFT (tài sản duy nhất).
Forbes đã trao đổi với Dan Jeavons, phó chủ tịch khoa học tính toán và đổi mới kỹ thuật số tại Shell, cùng với trưởng nhóm blockchain của Shell, Sabine Brink.
Brink cho biết, “Tích hợp kỹ thuật số vào chuyển đổi năng lượng là một trong những lĩnh vực thú vị nhất. Nhìn vào cách chúng tôi sử dụng công nghệ này – web3, blockchain giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng. Đây là một hành trình cực kỳ thú vị đáng để thực hiện.”
Cô dành 5 năm qua để ứng dụng blockchain và Web3 vào tất cả các lĩnh vực kinh doanh nhằm đạt được những mục tiêu năng lượng xanh và bền vững. Một số dự án đã được thực hiện, trong đó có những dự án triển vọng nhất đang trong giai đoạn thử nghiệm cũng như sản xuất, với hy vọng tạo nên sự thay đổi thật sự trên thế giới.
Điều cần quan tâm ở đây là cách những công ty năng lượng khổng lồ sử dụng blockchain để truy xuất và xác minh nguồn gốc năng lượng được tạo ra từ nguồn tái tạo như thế nào. Do hiện giờ cả thế giới thấy rõ nhu cầu khẩn cấp phải chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững nên những tổ chức thực hiện những hoạt động hướng đến sự thay đổi này đang nhận lại được những phần thưởng to lớn- cả ưu đãi tài chính và lòng trung thành của khách hàng.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này thường không rõ ràng – khách hàng hoặc tổ chức đối tác khó có thể thực sự chắc chắn chính xác mức độ sạch của nguồn năng lượng hoặc năng lượng được cung cấp từ nguồn nào.
Theo những lời giải thích của Jeavons và Brink, Shell phát triển hệ thống dựa vào công nghệ blockchain có thể làm sáng tỏ các nguồn web phức tạp.
Ông cho biết, “Vì vậy, nếu bạn nhìn vào thị trường điện hiện hữu, chúng ta có chứng chỉ chứng nhận và đảm bảo nguồn gốc (EAC) cho quá trình sản xuất năng lượng xanh hoặc năng lượng xám [không phải xanh] trong một tháng hoặc năm nhất định. Đối với các công ty có mục tiêu sử dụng 100% năng lượng xanh, giấy chứng nhận hằng tháng hoặc hằng năm có thể tương ứng với tổng mức tiêu thụ năng lượng, nhưng khi mặt trời không chiếu sáng và gió không thổi, năng lượng xám thực sự đang được tiêu thụ. Vì vậy, thật khó để khẳng định rằng họ đang thực sự tiêu thụ năng lượng xanh 24/7.”
Giải pháp của Shell liên quan đến việc tạo ra các chứng nhận chi tiết cao theo thời gian thực tại nguồn năng lượng được sản xuất ra – có thể là các tấm pin mặt trời trên sa mạc hoặc các trang trại gió ở đại dương – tượng trưng cho năng lượng xanh sản xuất ra sau mỗi nửa giờ, đồng bộ với hệ thống chứng chỉ chứng nhận năng lượng đã được phát triển. Mỗi điểm trong hành trình của electron đó đến điểm tiêu thụ đều được truy vết và ghi lại trên một chuỗi khối.
“Đây là một trong những giải pháp blockchain tạo ra sự minh bạch cũng như đảm bảo các electron trong hệ thống không được đếm hai lần; chúng tôi tin giải pháp này có thể tạo nên sự thay đổi lớn trong truy xuất nguồn gốc năng lượng,” Jeavons nói.
Một dự án khác vừa mới bước sang giai đoạn thử nghiệm là một liên doanh đầy tham vọng giữa Shell, Accenture và Amex nhằm tăng cường tính sẵn có và sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Brink cho biết, “Đối với tôi, đây là một trong những dự án thú vị nhất mà chúng tôi đang thực hiện. Tôi rất tự hào về đội. Đây là một trong những giải pháp blockchain công khai đầu tiên tạo ra một cách đáng tin cậy lẫn minh bạch để giúp khử cacbon trong lĩnh vực hàng không. Nhờ các tính năng kỹ thuật vốn có, blockchain cung cấp khả năng xác minh, minh bạch và bảo mật các thuộc tính môi trường của nhiên liệu hàng không bền vững.”
Sản phẩm là Avelia – một trong những hệ thống xác nhận quyền sở hữu và sổ sách dựa trên công nghệ blockchain đầu tiên mà trong đó sẽ cung cấp khoảng một triệu gallon (tương đương 3,7 triệu lít) nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và các lợi ích môi trường liên quan đến các doanh nghiệp đang tìm cách giảm lượng khí thải từ những chuyến đi công tác.
Hiện tại, không có đủ SAF với giá vừa phải. Mọi người đang kỳ vọng khi những doanh nghiệp có nhu cầu di chuyển trên những chuyến bay sử dụng năng lượng bền vững cao thì lúc đó giá năng lượng này sẽ giảm.
Hiện tại giá vẫn cao so với nhiên liệu đang được sử dụng. Tuy nhiên, theo lý thuyết, nhu cầu nhiên liệu cao sẽ làm cho những nhà cung cấp tăng cường đầu tư vào sản xuất thì lúc đó giá tất nhiên sẽ giảm theo.
“Thật sự rất khó để khử cacbon trong lĩnh vực hàng không,” Brink nói với Forbes. “Quá trình khử carbon trong lĩnh vực hàng không không thể thực hiện ngay. Hiện tại chúng ta không có những chiếc máy bay cỡ lớn chạy bằng điện xanh có thể đi khắp thế giới. Nhiên liệu hàng không bền vững thực sự là một giải pháp – nhiên liệu hàng không bền vững mà ngày nay chúng ta có thể sử dụng và thực hiện với cơ sở hạ tầng hiện hữu. Chúng tôi hy vọng Avelia sẽ chứng minh được có thể truy vết dữ liệu SAF trên quy mô lớn một cách đáng tin cậy, qua đó cung cấp cho những người ra quyết định một cơ chế để các tập đoàn lẫn hãng hàng không đăng ký cũng như xác nhận SAF là một hình thức giảm phát thải có thể chấp nhận được. Đổi lại, điều này sẽ giúp tăng nhu cầu sử dụng SAF và từ đó sản xuất nhiều hơn nguồn nhiên liệu này nhằm giúp giảm lượng khí thải trong ngành hàng không.”
Những dự án chuyển đổi kỹ thuật số và blockchain khác hiện đang trong giai đoạn đánh giá hoặc ở trạng thái thử nghiệm tại Shell liên quan đến “hộ chiếu kỹ thuật số” để truy xuất vòng đời của các bộ phận, thiết bị cũng như máy móc công nghiệp tại các nhà máy năng lượng do công ty lẫn các đối tác vận hành.
Tất nhiên, tất cả sự chuyển đổi công nghệ này đều xuất phát từ bản chất hệ thống và dữ liệu. Shell đang phát triển một nền tảng dữ liệu tích hợp 2,9 ngàn tỉ hàng thông tin được thu thập từ tất cả các lĩnh vực kinh doanh.
Nền tảng này bao gồm các cảm biến IoT được lắp đặt trên các nhà máy và trang trại năng lượng mặt trời và gió, cuối cùng cho phép tạo ra các ứng dụng digital twin (sử dụng công nghệ thực tế ảo cũng như mô hình hóa dữ liệu và đồ họa 3D để xây dựng nên mô hình ảo của quy trình, hệ thống, dịch vụ, sản phẩm hoặc các đối tượng vật lý khác) để giúp hiểu rõ hơn về hoạt động của các tài sản.
Jeavons cho biết, “Nhóm chúng tôi rất hào hứng phát triển nền tảng này – tiềm năng để thực hiện trên diện rộng. Chúng tôi đang triển khai digital twin … chúng tôi đang triển khai AI … và khi bạn kết hợp những công nghệ này để truy xuất nguồn gốc, chúng tôi tin có thể đưa ra thị trường toàn bộ các giải pháp khử cacbon… chúng tôi có thể hợp tác với khách hàng để giúp họ đẩy nhanh hành trình khử cacbon. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu.”
Nhấp vào đây để xem cuộc phỏng vấn phó chủ tịch khoa học tính toán và đổi mới kỹ thuật số tại Shell, cùng với trưởng nhóm blockchain. của Shell, Sabine Brink.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Năng lượng và nông nghiệp tiếp tục là trụ cột của TTC Group
Tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani đầu tư 50 tỉ USD thúc đẩy năng lượng xanh
Tỉ phú Philippines xây trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới
Dòng năng lượng xanh
2 năm trước
Allinfra gọi vốn thành công 6 triệu USD2 năm trước
Ngân hàng Sumitomo Mitsui tham gia lĩnh vực NFT1 năm trước
Sức mạnh ổn định của tiền mã hóa Tether nhờ đâu?