Từ phụ phẩm trong quá trình sản xuất đường, Thành Thành Công – Biên Hòa sản xuất điện sinh khối đáp ứng nhu cầu nội bộ và cung cấp 2/3 nhu cầu điện sinh hoạt cho thành phố Tây Ninh.
Sau nhiều lần trao đổi qua lại, vào trung tuần tháng 11 vừa qua, công ty Thành Thành Công – Biên Hòa (HoSE, mã SBT) và viện Kỹ thuật tiên tiến (IAE) Hàn Quốc đã chính thức đặt bút ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án để cải thiện hiệu quả của hệ thống điện sinh khối từ bã mía ở nhà máy tại Tây Ninh, với tổng mức đầu tư 24 triệu đô la Mỹ. Chỉ ít ngày nữa, lò hơi – turbine phát nhiệt điện tại nhà máy này cũng sẽ được hoạt động trở lại khi mùa ép mía mới bắt đầu. Sau vài năm ngành đường lao dốc, niên vụ này người nông dân quay lại trồng mía, công suất nhà máy hoạt động cao nên dòng điện sinh khối cũng sẽ dồi dào hơn.
“Nếu nhìn dưới góc độ đầu tư thông thường, sản xuất điện từ bã mía để bán là không hiệu quả,” ông Nguyễn Thanh Ngữ, tổng giám đốc Thành Thành Công – Biên Hòa cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với Forbes Việt Nam qua Zoom. Là công ty sản xuất đường quy mô dẫn đầu Việt Nam, tận dụng bã mía trong quá trình ép mía, công ty sản xuất điện sinh khối không chỉ phục vụ cho nhu cầu nội bộ mà còn đáp ứng được 2/3 nhu cầu điện sinh hoạt của thành phố Tây Ninh.
Ở một đất nước có tiềm năng phát triển nông nghiệp như Việt Nam, điện sinh khối, dòng năng lượng xanh tạo ra từ các phụ phẩm nông nghiệp là lĩnh vực chưa được khai thác tiềm năng đúng mức và ngay cả những công ty tiên phong như Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar) cũng phải vượt qua nhiều rào cản để duy trì mảng hoạt động này.
Năm 2020, công suất điện sinh khối Việt Nam đạt khoảng 350MW, tương đương 50% mục tiêu phát triển của Quy hoạch điện VII (sửa đổi). Cũng giống như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối là loại hình năng lượng tái tạo nhưng chưa phát triển bùng nổ như hai loại hình trên, chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong nguồn cung lắp đặt mới. Nhằm tạo cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, đầu năm 2020, quyết định 08/2020/QĐ-TTg ban hành, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy nguồn năng lượng sinh khối phát triển mạnh mẽ hơn nữa với giá mua điện sinh khối lên lưới 7,03 cent/kWh, cao hơn trước đây nhưng vẫn thấp hơn điện mặt trời là 9,35 cent/kWh.
Theo hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển điện sinh khối: tiềm năng sản xuất điện sinh khối từ gỗ củi có thể đạt 14,6 triệu tấn dầu quy đổi; các loại phế thải nông nghiệp có thể đạt 20,6 triệu tấn dầu quy đổi; rác thải đô thị có thể đạt khoảng 1,5 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030.
Báo cáo “Tạo sự hấp dẫn cho năng lượng sinh khối trong ngành mía đường ở Việt Nam” công bố cuối năm 2018, viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI) và chương trình của tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã ước tính thời điểm đó công suất lắp đặt của dự án điện sinh khối tại các nhà máy đường là 352MW, so với công suất tiềm năng dự tính đạt 737MW. Tại một số nước Đông Nam Á có tiềm năng tương tự Việt Nam, công suất lắp đặt nhà máy điện sinh khối cao hơn rất nhiều, chẳng hạn Thái Lan công suất đạt 3,3GW và Indonesia là 1,7GW.
Hiện tại, TTC Sugar là thành viên chủ chốt của tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) được sáng lập và dẫn dắt bởi vợ chồng doanh nhân Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Là tập đoàn kinh doanh đa ngành, hoạt động của tập đoàn tập trung vào bốn lĩnh vực chính: nông nghiệp, năng lượng, bất động sản và dịch vụ du lịch.
Năm 2009, TTC Group tiếp quản nhà máy đường Bourbon – Tây Ninh từ tập đoàn Bourbon (Pháp). Tiến hành một loạt các thương vụ M&A trong ngành đường, sau đó tập đoàn này vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong ngành đường với thị phần khoảng 46%. Sau khi tiếp quản Bourbon Tây Ninh, tập đoàn tư nhân này tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ và mở rộng công suất của hệ thống lò hơi – turbine phát nhiệt điện có sẵn tại đây từ năm 1996.
Trong 10 năm qua, công suất nhà máy điện sinh khối từ mức 37MW đã tăng gần gấp bốn lần so với ban đầu. Từ năm 2014 đến nay tổng mức đầu tư của công ty vào hệ thống phát điện kể trên là 500 tỉ đồng, chưa kể chi phí vận hành, quản lý hằng năm. 50% công suất điện đáp ứng nhu cầu nội bộ, phần còn lại bán cho EVN với doanh thu từ bán điện lên lưới đạt khoảng 100 tỉ đồng, bù đắp được khá nhiều cho các chi phí khác.
Với việc tự sản xuất điện từ nguồn bã mía, TTC Sugar chủ động được nguồn điện cho nhà máy trong mùa sản xuất, phần dư đưa lên lưới hỗ trợ điện lực Tây Ninh trong những tháng mùa khô thiếu điện.
Hiện nay, TTC Sugar có bốn nhà máy sản xuất điện từ bã mía để vừa phục vụ sản xuất, vừa phát lên lưới, tổng số tiền đã đầu tư 1.256 tỉ đồng. Năm 2017, TTC Sugar mua lại nhà máy đường Hoàng Anh Gia Lai Attapeu và đầu tư hệ thống lò hơi sản xuất điện sinh khối như các nhà máy đặt tại Tây Ninh, Ninh Hòa và Gia Lai.
Năm 2020 tổng sản lượng điện bán lên lưới của bốn nhà máy này khoảng 140 triệu kWh, mang về 230 tỉ đồng. Đặc thù sản xuất điện sinh khối là theo mùa vụ nông nghiệp, các hệ thống lò hơi thường chỉ hoạt động từ bốn đến mười tháng mỗi năm.
Khó khăn lớn hiện tại trong sản xuất điện sinh khối của TTC Sugar là nguồn nguyên liệu không ổn định. Ngành đường Việt Nam không có nhiều lợi thế cạnh tranh với Thái Lan nên động lực đầu tư vùng nguyên liệu một cách bền vững giữa công ty đường và người nông dân lỏng lẻo. Giá mua mía đi xuống đã khiến người nông dân quay lưng với cây mía, kéo sản lượng mía nguyên liệu sụt giảm.
Chưa hết, bã mía hiện tại còn có thể sản xuất giấy sinh học, làm thức ăn chăn nuôi… không chỉ dành cho sản xuất điện. Suất đầu tư cho hệ thống điện lò hơi – turbine hiện vẫn lớn, công suất lắp đặt trên 10MW cần phải đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ.
Áp dụng theo quyết định 08/2020, EVN hiện đang mua điện của các nhà máy đường áp dụng công nghệ đồng phát nhiệt – điện mức 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 cent/kWh. Giá mua với các dự án sử dụng công nghệ sinh khối không đồng phát nhiệt – điện là 1.968 đồng/kWh (tương đương 8,47 cent/kWh). Điều này, theo ông Ngữ, là chưa phản ánh đúng về bản chất tương đồng của điện từ nhà máy đường với nhà máy điện sinh khối, không đảm bảo công bằng và sòng phẳng cho các nhà đầu tư.
“Những rào cản này đang níu chân các nhà máy đường không đầu tư mới hoặc không mở rộng công suất hiện có, chỉ duy trì ở mức vừa đủ phục vụ sản xuất”, CEO TTC Sugar nhận xét. Theo ước tính của công ty này, hiện chỉ khoảng 30% nhà máy trên tổng số 41 nhà máy đường trên cả nước có trang bị hệ thống phát điện sinh khối. Ngoài các nhà máy trực thuộc TTC Sugar còn có thể kể đến các nhà máy đường Lam Sơn, Quảng Ngãi, Đắk Lắk…
Ông Ngữ, thành viên danh sách Forbes Việt Nam 30 Under 30 năm 2016 chia sẻ, động lực để TTC Sugar nhìn vào để đầu tư cho các hệ thống sản xuất điện bã mía là các giá trị về mặt cộng đồng xã hội, môi trường có thể đạt được. Các nhà máy sản xuất đường đều nằm ở vùng nguyên liệu, xa các trung tâm dân cư, công nghiệp nên hạn chế về hạ tầng truyền tải điện. Các nhà máy đường có phát điện đóng góp vào nguồn cung điện của địa phương, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia vào mùa cao điểm tiêu dùng.
Theo ông Ngữ, tầm nhìn của tập đoàn về điện sinh khối từ cây mía là một sản phẩm riêng chứ không phải là phế phẩm, chuỗi giá trị của cây mía không chỉ là đường mà còn các sản phẩm cạnh đường, sau đường. Khi doanh nghiệp trong ngành khai thác và tận dụng tốt chuỗi giá trị này, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng thì người nông dân sẽ được hưởng lợi trước tiên nhờ giá mua mía được tính đúng, tính đủ các thành phẩm có thể làm ra từ nó, gồm nước cất, bã, đường, rỉ mật, nước màu, phân hữu cơ… Lúc đó, doanh nghiệp và ngành mía đường sẽ giảm được những áp lực cạnh tranh, có được sự ổn định, lợi nhuận tốt để hài hòa quyền lợi cho người nông dân và nhà máy, phát triển một cách bền vững.
Các nhà máy của TTC Sugar hiện nay hoàn toàn có thể thu gom các nguồn nguyên liệu khác như lá, cành cây khô… để chạy lò hơi ngoài vụ sản xuất mía. Việc này sẽ thúc đẩy sử dụng nguồn sinh khối khác ngoài bã mía tại địa phương, vừa đem lại thu nhập cho người nông dân, vừa bảo vệ môi trường và tránh lãng phí xã hội. Doanh nghiệp cũng có thể nâng cao công suất trong tương lai khi vùng nguyên liệu đang dần phục hồi. Sau biện pháp đánh thuế phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu từ Thái Lan, thị trường có những chuyển biến và người dân bắt đầu quay lại với cây mía.
Ngay trong niên độ này, sản lượng mía của TTC Sugar đã tăng 40%, trong khi diện tích vùng nguyên liệu tăng 25% với 66 ngàn héc ta ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Hoặc công ty cũng có thể tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả phát điện của lò hơi, để với bấy nhiêu nguyên liệu đầu vào nhưng sản xuất được lượng điện nhiều hơn. Việc hợp tác với đối tác IAE hướng đến mục tiêu này. Các chính sách phù hợp, mang tính hỗ trợ căn cơ và đánh giá công bằng về điện sinh khối bã mía tại các nhà máy đường từ cơ quan quản lý ngành năng lượng sẽ là lực đẩy quan trọng để SBT và các nhà máy đường phát triển điện bã mía hơn nữa, tận dụng được nguồn năng lượng mà Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng đang bị lãng phí này.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII mà bộ Công thương đang hoàn thiện trình Chính phủ chủ trương quy hoạch dự án điện sinh khối theo nguyên tắc quy mô hợp lý, gắn với vùng nguyên liệu, nhiên liệu. Chỉ tiêu về công suất lắp đặt của điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác đến năm 2030 là 1.170MW và đến năm 2045 là 5.310MW. Dòng năng lượng xanh từ bã mía vẫn đang đóng góp công suất lớn nhất vào nguồn điện sinh khối hiện nay và trong tương lai. “Điện bã mía là một giải pháp giải quyết được rất nhiều câu chuyện lớn của ngành đường, ngành nông nghiệp chủ lực, đầu vào của các sản phẩm thiết yếu vốn đang trăn trở tìm hướng đi để cạnh tranh,” ông Ngữ nói.
Theo Forbes Việt Nam số 100, chuyên đề Năng lượng tái tạo, tháng 12.2021
——————————-
SolarBK: Khát vọng năng lượng mặt trời
Ayala đầu tư 165 triệu USD phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam
Cuộc đua năng lượng trên mái nhà
Mỹ tăng thêm 60% số lượng giàn khoan dầu trong một năm
Net-zero ở Việt Nam và vai trò của năng lượng tái tạo
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/dong-nang-luong-xanh)