Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực y tế trở thành xu hướng nổi bật ở nhiều quốc gia phát triển. Ở Việt Nam, những công nghệ mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm.
“Tôi ở Singapore nhưng lại quay về Việt Nam để mổ. Các bác sĩ bên kia nói bác sĩ Việt Nam còn hướng dẫn cho bác sĩ ở Đông Nam Á mổ trong những hội thảo. Họ hỏi tôi sao không về Việt Nam mổ. Vì vậy, tôi quyết định về đây mổ,” bệnh nhân 58 tuổi kể. Trước đó, năm 2017, ông T. được chẩn đoán có khối u thực quản. Người nhà đưa ông sang Singapore hóa trị, về Việt Nam ông đến bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
Tại đây, ông đã được thực hiện “siêu siêu phẫu” kéo dài hơn bảy giờ để vừa cắt thực quản và đại tràng ngang trong cùng một cuộc mổ. Chỉ sau hai ngày phẫu thuật, ông đã bắt đầu tập đi lại được và không còn thấy đau nữa. TS.BS Lâm Việt Trung, phó giám đốc phụ trách chuyên môn, trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, bệnh viện Chợ Rẫy – phẫu thuật viên chính thực hiện ca “siêu siêu phẫu” của bệnh nhân T – chia sẻ: “Robot cho tôi thấy một phẫu trường rất rõ và ổn định.” Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc sức khỏe là một xu hướng nổi bật trên thế giới khi phần mềm máy tính phân tích, đưa ra các chỉ dẫn trong quá trình thăm khám, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh hỗ trợ bác sĩ. Tại Việt Nam, một số bệnh viện đang áp dụng thử nghiệm để hỗ trợ một phần các bác sĩ trong việc phẫu thuật, thăm khám và điều trị.
Dù không thể thay thế hoàn toàn nhưng máy móc có thể hỗ trợ đáng kể cho các bác sĩ. Hãy tưởng tượng một robot phẫu thuật với bốn cánh tay, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ (trên hình ảnh 3D) giúp phẫu thuật viên thấy phẫu trường rất thật, độ phóng đại rất cao. Đặc biệt, nếu tay con người chỉ xoay được 360 độ thì hệ thống này có thể xoay đến 540 độ nên có thể quan sát, xử lý ở các góc. Tất cả yếu tố đó giúp phẫu thuật viên có thể thực hiện thao tác ở những vùng sâu và vùng khó trong cơ thể bệnh nhân với những ca khó đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết trong từng thao tác như nối các mạch máu. Những đặc tính của robot mang lại cho phẫu thuật viên sự thoải mái, phân tích chính xác nên khả năng biến chứng từ phương pháp này được đánh giá thấp. Nhưng trước khi có thể sử dụng hệ thống robot này, các bác sĩ phải trải qua quá trình đào tạo ở nước ngoài để thuần thục kỹ thuật, nắm bắt/hiểu biết sâu về thao tác cũng như có chứng chỉ quốc tế công nhận khả năng thực hiện được kỹ thuật bằng hệ thống này thì mới được tham gia phẫu thuật cho bệnh nhân.
Đánh giá về những hiệu quả thiết thực mang lại cho người bệnh, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – thứ trưởng bộ Y tế – nguyên giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định đầu tư hệ thống robot này từ rất sớm. Từ năm 2017, bệnh viện đã bắt đầu đưa vào sử dụng hệ thống này, hỗ trợ phẫu thuật cho bốn chuyên khoa gồm Ngoại Tiêu hóa, Ngoại Gan Mật Tụy, Ngoại Tiết niệu và Ngoại Lồng ngực. Đến nay, hệ thống đã được sử dụng để hỗ trợ phẫu thuật cho hơn 800 trường hợp. Dự kiến, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai thêm ở một số chuyên khoa như Phẫu thuật Tim, Mạch máu, Ngoại Thần kinh (Chấn thương sọ não).
Ngoài bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Nam còn có bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City, bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ sử dụng hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật và can thiệp tim mạch.
Trước đây, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Bạch Mai, và bệnh viện Nhân dân 115 từng ứng dụng hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật. Tuy nhiên, tất cả bệnh viện này hiện đã ngừng sử dụng vì thiếu dụng cụ để vận hành hệ thống cũng như chi phí bảo trì cao, không hiệu quả.
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết bệnh viện cũng muốn đưa hệ thống phẫu thuật nội soi qua robot vì là bệnh viện ung thư đầu ngành nên phẫu thuật chiếm vai trò rất quan trọng. Hiện tại, bệnh viện này thực hiện khoảng 26.000 trường hợp từ trung phẫu trở lên mỗi năm.
Robot không chỉ đơn thuần hỗ trợ giúp con người thực hiện phẫu thuật chính xác hơn. Nó rất thông minh đến mức độ nhận diện nguy cơ. Ví dụ [khi mổ] gần mạch máu lớn dây thần kinh, dựa vào dữ liệu cung ứng, hệ thống sẽ biết và báo động. Con người có thể cắt phạm chứ robot không thể vì nhận diện đó là mạch máu,” TS.BS Diệp Bảo Tuấn nói với Forbes Việt Nam.
Ngoài robot, ông Nguyễn Trường Nam, phó cục trưởng cục Công nghệ thông tin – bộ Y tế, đánh giá xu hướng ứng dụng AI và bigdata thời gian tới dự kiến sẽ càng cao và phát triển do nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp và người bệnh khi tham gia sử dụng các dịch vụ y tế.
Ví dụ ứng dụng dữ liệu lớn trong hoạt động chăm sóc sức khỏe có thể dự báo số lượng bệnh nhân đến khám hằng ngày để điều chỉnh nhân sự phù hợp; hồ sơ sức khỏe điện tử; cảnh báo thời gian thực trong hỗ trợ ra quyết định lâm sàng; giúp ngăn ngừa lạm dụng thuốc gây nghiện opioid; tăng cường sự tham gia của bệnh nhân vào và chăm sóc sức khỏe của chính họ; sử dụng dữ liệu y tế để lập kế hoạch chiến lược được thông báo tốt hơn. Hiện AI được ứng dụng ở bốn lĩnh vực chính gồm chẩn đoán bệnh, điều trị, quản lý thông tin theo dõi sức khỏe và đào tạo. “Hội đồng trí tuệ nhân tạo IBM WfO kỳ vọng thay thế được hội đồng chuyên gia, chính xác, hiệu quả hơn, cho những tỉnh không có hội đồng chuyên gia như bệnh viện Ung bướu TP.HCM,” TS.BS Diệp Bảo Tuấn cho biết. Quá trình thử nghiệm tại đây cho thấy tỉ lệ tương đồng giữa phác đồ điều trị của bệnh viện hiện nay và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Nam cho biết ứng dụng AI, dữ liệu lớn, robot trong lĩnh vực y tế là các công nghệ số mới được đưa vào triển khai và áp dụng, ở Việt Nam hầu hết hiện nay mới chỉ giai đoạn thử nghiệm chứ chưa đưa vào triển khai nhân rộng và đại trà. Lý do là quy định cụ thể khi áp dụng các công nghệ mới cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh hiện nay chưa có và mới đang trong giai đoạn thí điểm, xây dựng. Kết cấu chi phí dịch vụ các công nghệ mới vào dịch vụ y tế chưa có. Đặc thù, các sản phẩm công nghệ mới thường có chi phí cao, khó triển khai nên giá thành cho người bệnh sử dụng hiện nay cao, đa số người bệnh tại Việt Nam khó tiếp cận. Bên cạnh đó nhân lực, hạ tầng và các ứng dụng tại các bệnh viện chưa sẵn sàng đáp ứng với các công nghệ mới.
Đó là nguyên nhân làm cho bệnh viện Ung bướu TP.HCM không thể tiếp tục ứng dụng phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology sau gần hai năm thử nghiệm. Phần mềm giúp bệnh nhân tiếp cận với các phương án điều trị ung thư tiên tiến nhất của thế giới với phác đồ cá thể hóa và thêm tin tưởng vào phương án điều trị bác sĩ đưa ra, gia tăng tỉ lệ điều trị thành công.
Đối với bác sĩ, phần mềm giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế sai sót trong quá trình điều trị; thông tin đưa ra cho bác sĩ chi tiết, có kiểm chứng, luôn được cập nhật liên tục và nhanh chóng, vì vậy từng bước nâng cao trình độ cho các bác sĩ. Điều đáng ghi nhận là việc ứng dụng phần mềm này giúp cho bệnh viện có thêm một “hội đồng tư vấn chuyên môn” thứ hai bên cạnh hội đồng gồm các chuyên gia lâm sàng của bệnh viện.
Tuy nhiên, chi phí cho một lần truy xuất dữ liệu lên tới năm triệu, con số có thể là gánh nặng cho bệnh nhân. Bảo hiểm y tế hiện giờ không chi trả cho ứng dụng này.
Vì vậy, chỉ có một bộ phận bệnh nhân có điều kiện tài chính tốt mới có thể tiếp cận được sản phẩm này. Theo TS.BS Diệp Bảo Tuấn, bệnh viện vẫn đánh giá cao phần mềm này nên khi bệnh viện hoàn thiện bệnh án điện tử, bệnh viện sẽ kết nối với công ty cũng như trình sở Y tế và bộ Y tế để tìm hướng giải quyết gánh nặng chi phí. Trong khi chờ hành lang pháp lý, AI vẫn đóng vai trò trợ lý thử nghiệm cho các bác sĩ chuyên môn.
(Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số tháng 9.2022)
9 tháng trước
Thế hệ kế thừa dang rộng cánh cho Thomson Medical9 tháng trước
1 năm trước
Galy hợp tác với Suzuran dùng bông nhân tạo3 năm trước
Viettel kích hoạt y tế từ xa