Sản phẩm công nghệ y tế DrAid, trợ lý ảo cho bác sĩ là những bước đi đầu tiên của VinBrain trong hành trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) vào y tế tại Việt Nam.
Khi đại dịch COVID-19 càn quét ở Việt Nam, mười bệnh viện thu dung, trong đó có chín ở TP.HCM và một ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sử dụng phần mềm AI DrAid để theo dõi diễn biến của virus ở phổi người bệnh, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và tiên lượng điều trị. DrAid tự đánh giá tình trạng của phổi dựa trên chỉ số và các dữ liệu được nạp vào trước đó, gồm hơn 1,3 triệu hình ảnh X-quang và bộ dữ liệu khoảng 10 ngàn hình ảnh dương tính và 155 ngàn hình ảnh âm tính tại Việt Nam và thế giới.
DrAid là sản phẩm đầu tay của VinBrain, công ty thuộc tập đoàn Vingroup, chuyên phát triển các sản phẩm dựa trên AI (trí tuệ nhân tạo) và big data (dữ liệu lớn). “DrAid kết hợp AI, nền tảng điện toán đám mây và hệ sinh thái dành cho các thiết bị di động, chứng minh được độ chính xác sản phẩm trên diện rộng ở cả đất nước, và sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng ra các thị trường quốc tế,” ông Trương Quốc Hùng, tổng giám đốc VinBrain nói với Forbes Việt Nam trong cuộc phỏng vấn qua Zoom.
Cơ hội AI mang lại rất đa dạng, gồm theo dõi chăm sóc hằng ngày, phát hiện bệnh sớm, phân tích, lên kế hoạch điều trị. Ứng dụng AI và big data trong y tế bắt chước nhận thức của con người trong phân tích, thể hiện, và hiểu các dữ liệu y khoa phức tạp.
Đó là khả năng mà các thuật toán máy tính có thể đưa ra kết luận tương đối chỉ dựa trên dữ liệu đầu vào. Từ hình ảnh chụp được truyền lên điện toán đám mây, DrAid đưa ra kết quả chẩn đoán ban đầu giúp phát hiện sớm các ca nghi ngờ nhiễm COVID-19.
So với xét nghiệm PCR (thường chỉ làm khi có triệu chứng và có yếu tố cao về lây nhiễm), phương pháp này được xem là kinh tế hơn, phát hiện sớm, dễ triển khai và nhân rộng. DrAid cũng đang được dùng ở 84 bệnh viện và cơ sở y tế tại Việt Nam để phát hiện và sàng lọc trên 21 dấu hiệu bất thường và bệnh lý về tim – phổi – xương trong vòng năm giây với độ chính xác “trên 89% giúp rút ngắn thời gian cũng như nâng cao chất lượng chẩn đoán hình ảnh.”
Ứng dụng AI cho chẩn đoán hình ảnh đã được phát triển ở nhiều nước. Thị trường Việt Nam cũng có một số phần mềm ứng dụng AI cho y tế. Tuy nhiên các phần mềm này chưa được triển khai rộng rãi và chưa được hoàn chỉnh như DrAid, theo ông Hùng, người được đào tạo công nghệ thông tin và ứng dụng khoa học kỹ thuật tại đại học Toronto (Canada) và đại học Phoenix (Mỹ), có hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc thực tế.
Chụp X-quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến trong nhiều thập niên qua vì giá cả hợp lý và dễ thực hiện rộng rãi, giúp bác sĩ nhìn tổng thể về sức khỏe, đặc biệt các bệnh liên quan đến tim mạch, hô hấp, xương khớp. VinBrain lựa chọn phát triển sản phẩm đầu tiên hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý về tim – phổi – xương dựa trên hình ảnh X-quang nhằm nhanh chóng tiếp cận và giải quyết nhu cầu lớn của ngành y tế Việt Nam. Nhiều bệnh lý và bất thường về phổi là những căn bệnh phổ biến và nguy hiểm, có xu hướng tăng cao tại Việt Nam do ô nhiễm không khí và thuốc lá.
Gãy xương cũng được xem là bệnh dễ bị các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh bỏ sót trên hình ảnh X-quang.
Hiện khoảng 4,7 tỉ người trên thế giới thiếu điều kiện tiếp cận với dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, chỉ tính riêng tại Mỹ có tới 12 triệu trường hợp bị chẩn đoán sai mỗi năm. Trong khi đó, theo tổ chức Y tế thế giới, khoảng 70 – 80% các vấn đề về chẩn đoán có thể được giải quyết thông qua việc sử dụng hình ảnh X-quang. Việc thiếu hụt nhân lực cũng đáng báo động trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh: Trung bình tại Việt Nam chỉ có khoảng ba bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trên 100 ngàn dân, trong khi số cần thiết theo yêu cầu là tám người.
VinBrain ra mắt vào ngày 14.6.2020, triển khai trong giai đoạn đầu tại hệ thống Vinmec, hệ thống bệnh viện đa khoa tư nhân thuộc Vingroup, sau đó đưa đến giới thiệu tới các cơ sở y tế và bệnh viện khác. Đại dịch bùng phát, phần mềm DrAid hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng điều trị bệnh nhân COVID-19 là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để sử dụng hình ảnh X-quang phổi trong hỗ trợ chẩn đoán COVID-19.”
Hội đồng khoa học bộ Y tế đánh giá và nghiệm thu với kết luận “có giá trị thực tiễn trong việc hỗ trợ đánh giá tiên lượng bệnh nhân phục vụ điều trị COVID-19 tại các bệnh viện và cơ sở y tế tại Việt Nam”. Từ đó, sản phẩm được đưa vào sử dụng tại các cơ sở điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Theo báo cáo Thị trường y tế số của KPGM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford cuối năm 2020 tại Việt Nam, chỉ rất ít trong số 1.400 bệnh viện tại Việt Nam phát triển sản phẩm AI dưới một định dạng nào đó. Các dữ liệu y tế của Việt Nam đang rời rạc, cục bộ theo từng bệnh viện, vùng miền, do đó việc thu thập dữ liệu đủ tốt là một thách thức lớn khi phát triển AI trong y tế.
Ông Hùng cho biết để xây dựng được một mô hình AI chẩn đoán và điều trị chính xác cần rất nhiều dữ liệu, từ dữ liệu lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, các xét nghiệm tới hồ sơ bệnh lý của người bệnh. Việc làm sạch dữ liệu, xây dựng quy trình gán nhãn cho từng bệnh rất quan trọng.
“Trong y tế nói chung và chẩn đoán hình ảnh nói riêng, sự đồng thuận giữa các bác sĩ chỉ chiếm 60-70% quyết định chẩn đoán, và có tới một vài phương pháp đọc ảnh theo chuẩn Hoa Kỳ hoặc chuẩn châu Âu.” Do đó, VinBrain đã kết hợp với trường đại học hàng đầu thế giới Stanford và các bác sĩ đầu ngành tại Việt Nam để chuẩn hóa mô tả và quy trình gán nhãn.
Ông Hùng cho biết VinBrain đang thực hiện các bước để cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông qua sản phẩm DrAid, mở đường thâm nhập thị trường khó tính bậc nhất này, để từ đó có thể tiếp cận các thị trường châu Âu, châu Á thuận lợi. Thế giới có 37 nước phát triển trên tổng số 195 nước và sau hơn 10 năm thử nghiệm, cuối cùng hầu như tất cả đều kết luận rằng sử dụng hạ tầng đám mây toàn cầu là điều kiện cần tiên quyết cho việc phát triển công nghệ cao. Ngoài ra, việc thiếu hụt hành lang pháp lý và các tiêu chuẩn ngành có liên quan tới AI cũng gây khó khăn cho VinBrain trong việc thuyết phục các bác sĩ sử dụng rộng rãi DrAid.
“Chúng tôi cũng nhắm tới giải quyết các bài toán toàn diện hơn, là telehealth, tức là khám chữa bệnh từ xa giữa người bệnh và chuyên gia y tế. Đây là chỗ mà công nghệ trở thành cánh tay nối dài, nhân rộng, đặc biệt sau COVID-19 thì xu hướng này sẽ càng trở nên phổ biến,” ông Hùng nói.
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ DỮ LIỆU LỚN TRONG Y TẾ SỐ
Báo cáo Thị trường y tế số của KPGM và đại học Oxford cuối năm 2020 nhận định một số bệnh viện tại Việt Nam tiên phong trong ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị như bệnh viện Nhân dân 115 và Gia An 115. Cả hai đều ứng dụng hệ thống RAPID của đại học Stanford để chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Về chẩn đoán và điều trị ung thư, ba bệnh viện đang dẫn đầu về số hóa là bệnh viện K, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, và bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Cả ba đều tham gia vào chương trình thử nghiệm ứng dụng AI “IBM Watson for Oncology”.
FPT phát triển ứng dụng eHospital 2.0 có công nghệ chăm sóc bệnh nhân như AI, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, theo dõi người bệnh từ xa và tích hợp thiết bị di động. Với mục tiêu hỗ trợ các bệnh viện quản lý hoạt động bằng dữ liệu thời gian thực, dữ liệu y tế điện tử (EMR), và tích hợp chữ ký điện tử, FPT. eHospital 2.0 hướng tới tạo ra bệnh viện không giấy tờ.
Một ứng dụng đáng chú ý khác là Pulse by Prudential: Đầu tháng 5.2020, Prudential Vietnam ra mắt Pulse, ứng dụng quản lý sức khỏe với sự hỗ trợ của AI. Ứng dụng sử dụng các công cụ tự chăm sóc với sự hỗ trợ của AI và thông tin thời gian thực để người dùng kiểm soát được sức khỏe thể chất và tinh thần.
KHỞI NGHIỆP Y TẾ SỐ
Chi phí chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đạt khoảng 20 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, theo báo cáo của KPMG. Forbes Việt Nam điểm lại các startup y tế ra đời nhằm giải quyết các nút thắt của ngành y tế.
+ Doctor Anywhere
Ra mắt tại Singapore từ cuối năm 2017 phục vụ sáu thị trường Đông Nam Á. Ứng dụng tư vấn sức khỏe trực tuyến, thực hiện đơn thuốc và giao hàng tận tay, chăm sóc sức khỏe cá nhân và doanh nghiệp.
+ eDoctor
Mục tiêu trở thành nền tảng đáp ứng mọi nhu cầu về sức khỏe, kết nối nhà cung cấp dịch vụ y tế và người dùng ứng dụng với các sản phẩm đóng gói của bên cung cấp dịch vụ và dưới sự phân phối của eDoctor.
+ Med247
Nhà cung cấp dịch vụ y tế đa nền tảng, từ ứng dụng thông minh tới phòng khám. Đã gọi được một triệu đô la Mỹ
tài trợ.
+ Jio Health
Ứng dụng y tế từ xa đáp ứng nhu cầu dịch vụ chăm sóc khỏe, tham vấn bác sĩ và y tá, hẹn lịch và có thể truy cập dữ liệu sức khỏe.
+ BuyMed
Giải quyết vấn đề thuốc giả, vận hành trang web Thuocsi.vn là nền tảng phân phối thuốc và làm đơn giản hóa hệ thống phân phối thuốc tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
(Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số tháng 10.2021)