Sử dụng kỹ thuật chụp ảnh xưa để gợi lại hình ảnh từ quá khứ hàng trăm năm trước, nhiếp ảnh gia người Pháp Boris Zuliani vừa triển lãm các tác phẩm nhiếp ảnh lấy cảm hứng từ miền đất Quảng Nam.
Trong triển lãm đầu tiên thuộc chuỗi sự kiện kết nối cộng đồng nghệ thuật có tên Meet the Artist, khu nghỉ dưỡng Shilla Monogram kết hợp cùng Mot Met Studio của nghệ sĩ Boris Zuliani đã tổ chức triển lãm The Wet Plate Portrait of Vietnam tại Đà Nẵng từ ngày 9.11.2023, kéo dài tới hết năm 2023.
Nghệ sĩ Boris hoạt động nhiếp ảnh tại Việt Nam từ năm 2007. Khi chuyển từ Hà Nội tới Hội An sinh sống và làm việc, ông tập trung vào kỹ thuật lất cảm hứng từ quy trình collodion (kỹ thuật tráng in dương bản trực tiếp lên kính). Đây là kỹ thuật chụp ảnh xưa được cho là do Frederick Scott Archer sáng tạo, công bố vào năm 1851. Cùng với trợ lý studio Hugo Armano, Boris đã nghiên cứu, phục dựng và sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh trên nền kỹ thuật collodion.
Tấm gương đã được xử lý được rửa sạch, cố định hình ảnh, sau đó phủ Bitum of Judea để bịt kín và sáp để chống nắng. Sau đó, nghệ sĩ đặt tác phẩm trong các hộp gỗ thủ công, và mỗi tấm gương trở thành một khung tranh.
Tại studio có kết cấu hình dáng giống như chiếc máy ảnh, đặt trên cánh đồng rộng lớn ở Điện Dương, Điện Bàn (Quảng Nam), Boris sử dụng chiếc máy ảnh cổ quý giá có tuổi đời trên 100 năm mang đến hình ảnh chân thực của nhiếp ảnh xưa và tạo ra những bức ảnh trên gương.
Kết hợp nghệ thuật chụp ảnh với sự khéo léo và tay nghề thủ công, các phiên bản máy ảnh phục dựng của anh cho phép sáng tác trên những kích thước to dần (50×50; 100×100), và chiếc “máy ảnh” to nhất chính là cả căn studio với không gian hình vuông như lòng máy ảnh, cửa lùa cho phép lắp “ống kính” vào để chụp những tấm ảnh kính có kích thước lên tới 2m x 2m.
Cũng chính tại studio này, anh tự xử lý các quy trình hóa học phức tạp, sử dụng các chất như bạc nitrat, collodion, chất trợ hiện và chất cố định, pha trộn chúng bằng nét sáng tạo độc đáo. Với kỹ thuật đặc biệt đó, các tác phẩm nhiếp ảnh này đậm đặc chi tiết, ngưng đọng về thời gian, có chiều sâu và kết cấu đặc biệt, đưa người xem vào một cuộc hành trình xuyên thời gian.
Những chủ đề trong các tác phẩm của triển lãm mới này là những người lao động địa phương, từ người bán hàng rong tới hình ảnh bắt gặp ở chợ trời tại Hội An mà nhiếp ảnh gia có nhiều cảm hứng.
Boris đã có nhiều triển lãm trước đây tại châu Âu, Mỹ và Việt Nam. Gần nhất là triển lãm Wanted tại Kyara Arthouse Hội An (2023), với nhân vật trong các tác phẩm chính là chân dung người thợ – những người anh em đã chung tay dựng nên chính căn nhà bên sông Thu Bồn trong đại dịch COVID-19.
Sau triển lãm này, Shilla Monogram dự định tổ chức mỗi quý một triển lãm, kết nối cộng đồng nghệ thuật đang hoạt động tích cực tại khu vực miền Trung và cả Việt Nam.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/trien-lam-wet-plate-portrait-of-vietnam-mo-cua-tai-da-nang)
9 tháng trước
Năng lượng từ hành trình nghệ thuật của Trần Nữ Yên Khê11 tháng trước
9 tháng trước
Thị trường mỹ thuật: Sóng ngầm sôi động