Bên lề phiên thảo luận về phát triển bền vững, Harald Link – chủ tịch tập đoàn B.Grimm – đã nêu những nét chính về việc tái định vị một trong những doanh nghiệp lâu đời nhất Thái Lan theo mô hình kinh tế xanh.
Sau hơn ba thập niên kinh doanh điện tại Thái Lan, giờ đây B.Grimm đang mở rộng mạnh mẽ ra nước ngoài để nắm bắt cơ hội tăng trưởng từ năng lượng tái tạo.
Harald Link, chủ tịch thế hệ thứ ba tại B.Grimm, hi vọng việc mở rộng ra thị trường nước ngoài giúp tăng gấp đôi công suất cho các dự án năng lượng tái tạo, gồm thủy điện, năng lượng mặt trời và gió, lên 50%. Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư đầy tham vọng trị giá 70 tỉ baht (hai tỉ đô la Mỹ) nhằm thúc đẩy tổng sản lượng điện của công ty chủ lực B.Grimm Power từ 3.830MW hiện nay lên 10 ngàn MW vào năm 2030.
“Tôi tự tin 99% rằng công ty có thể hoàn thành mục tiêu. 1% còn lại là phụ thuộc yếu tố bất ngờ,” doanh nhân 68 tuổi cho biết trong cuộc phỏng vấn tại Singapore vào tháng 9.2023. Ông hướng đến sự cân bằng giữa tính bền vững và lợi nhuận, đồng thời đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Đây là khoản đầu tư lớn nhất của B.Grimm, tập đoàn có trụ sở tại Bangkok với lịch sử hoạt động 145 năm, đã trải qua các sự kiện lịch sử từ thời những hoạt động giao thương đầu tiên của đất nước Xiêm La (tên gọi cũ của Thái Lan), sáu đời vua Thái Lan và hai cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng đó cũng là ván cược lớn khi thị trường năng lượng của Thái Lan cạnh tranh gay gắt, rất ít cơ hội để phát triển.
Mặc dù vậy, B.Grimm nằm trong tốp năm nhà sản xuất điện hàng đầu Thái Lan và đang đẩy mạnh sản lượng năng lượng xanh khi xứ chùa vàng đặt mục tiêu 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2036 là từ nguồn năng lượng tái tạo.
Song song đó, thị trường năng lượng tại châu Á và phần còn lại của thế giới đang phát triển nhanh chóng, nhờ nhu cầu đối với nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy tăng lên, cũng như các doanh nghiệp khu vực công và tư nhân ngày càng quan tâm đến việc trung hòa carbon.
Đối với Harald Link, chuyển đổi sang sản xuất năng lượng tái tạo là hướng đi tất yếu, làm B.Grimm giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện khí, hiện chiếm khoảng 73% công suất hoạt động. “Sau khi đạt mục tiêu trở thành nhà sản xuất năng lượng tầm cỡ toàn cầu, chúng tôi đề ra tầm nhìn mới là đóng góp vào sự phát triển và bền vững của thế giới,” Harald Link cho biết.
Tầm nhìn này đi cùng với những cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu. Trong buổi thuyết trình trước các nhà đầu tư hồi tháng 1.2023, B.Grimm Power đưa ra chiến lược có tên gọi “Green Leap” (Bước tiến xanh) và cho biết năng lượng tái tạo sẽ là nhân tố thúc đẩy ngành năng lượng tăng trưởng theo quy mô rất lớn.
Công ty kỳ vọng Ebitda sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 10% từ 15 tỉ baht (429 triệu đô la Mỹ) trong năm 2021 lên 35 tỉ baht (một tỉ đô la Mỹ) vào năm 2030.
“Chúng tôi có thể dễ dàng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 và 2050. Nhưng để hiện thực hóa điều đó cần có kế hoạch thực hiện chi tiết,” Harald Link cho biết.
Ông đánh giá cơ hội lớn nhất đến từ các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi nhanh chóng khác ngoài Thái Lan. Đây là những thị trường mà công ty có thể thực hiện các dự án xanh và bền vững ngay từ đầu. Hiện tại, B.Grimm Power cung cấp phần lớn nguồn điện cho công ty Cấp phát điện Thái Lan (EGAT), đơn vị vận hành mạng lưới điện quốc gia của Thái Lan, với thị trường toàn cầu đóng góp dưới 10% tổng doanh thu.
Trong những năm gần đây, công ty đã đạt nhiều thỏa thuận và thiết lập quan hệ hợp tác tại châu Á, Trung Đông và châu Âu, tập trung vào năng lượng mặt trời. B.Grimm Power đã đầu tư bảy tỉ baht (200 triệu đô la Mỹ) vào năng lượng tái tạo tại những khu vực này.
Trong số đó có thương vụ mua lại nhà sản xuất điện mặt trời LT06 tại Ý vào tháng 10.2023, nâng tổng công suất của B.Grimm Power ở quốc gia này lên gần 300MW. Trước đó, trong năm 2021, B.Grimm Power đã đầu tư vào 90% cổ phần của Visa Max Solar, công ty phát triển trang trại điện gió công suất 14MW tại Ba Lan.
Tháng 4.2023, một công ty con mà B.Grimm Power nắm 45% cổ phần đã mua hai dự án năng lượng mặt trời có tổng công suất 90MW ở Malaysia, quốc gia láng giềng của Thái Lan.
B.Grimm cũng đang mở rộng danh mục đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Hàn Quốc, thị trường lớn nhất của công ty này bên ngoài lãnh thổ Thái Lan tính theo công suất. Vào tháng 5.2023, B.Grimm mua lại 21% cổ phần trong Saemangeum Sebit Power, dự án năng lượng mặt trời 99MW cung cấp nguồn điện cho tổng công ty Điện lực Hàn Quốc (Kepco), theo sau khoản đầu tư trị giá 5,3 tỉ won (4,1 tỉ đô la Mỹ) để nắm từ 15-70% cổ phần của bốn trang trại điện gió khác nhau có tổng công suất 955MW ở Hàn Quốc.
B.Grimm đã đạt các thỏa thuận đấu nối lên lưới điện cho bốn dự án này với Kepco. B.Grimm và Kepco, doanh nghiệp nhà nước vận hành hệ thống quản lý và lưu trữ điện năng, trở thành đối tác từ năm 2020 khi công ty trúng thầu cung cấp điện cho sân bay quốc tế U-Tapao ở Thái Lan. “Từ quan hệ hợp tác này, hai bên sẽ tham gia vào các dự án của nhau,” Harald Link cho biết.
B.Grimm muốn sở hữu lượng cổ phần đáng kể trong các dự án năng lượng, nhưng không nhất thiết phải là cổ đông đa số. Đó là công thức mà công ty sẽ duy trì từ những thỏa thuận hợp tác hiện tại. “Chúng tôi cố gắng mang lại lợi ích cho các đối tác trên toàn thế giới,” Harald Link nói.
B.Grimm hiện có các dự án điện gió, điện mặt trời và thủy điện tại mười sáu quốc gia trên thế giới, chủ yếu ở châu Á, khu vực mà công ty Mordor Intelligence dự báo nhu cầu tiêu thụ điện của các hộ gia đình và ngành công nghiệp sẽ thúc đẩy CAGR tăng 9% trong năm năm tới.
“Chúng tôi không phải là doanh nghiệp nước ngoài chỉ đến kinh doanh và kiếm tiền. Công ty muốn đóng góp cho sự phát triển của những quốc gia đó,” Harald Link, doanh nhân mang quốc tịch Thái Lan và nói rành tiếng Thái, chia sẻ.
“Một điều rất quan trọng đối với công ty cũng như chính bản thân tôi là xây dựng mọi thứ ngay từ đầu để có thể kiểm soát toàn bộ quá trình phát triển nhà máy sản xuất điện,” Harald Link cho biết. Phần lớn các dự án hiện nay của B.Grimm đều là mới hoàn toàn.
Nhưng điều này sẽ đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Trao đổi qua điện thoại, Wisuwat Yaikwawong, nhà phân tích làm việc tại Bangkok của Krungsri Securities, nhận định: “Thách thức lớn nhất đối với B.Grimm là nguồn vốn. Công ty cần phải xây dựng cấu trúc tài chính và lộ trình mở rộng quy mô phù hợp để vừa hoàn thành mục tiêu, vừa duy trì dư nợ không vượt mức.”
Đồng quan điểm với Wisuwat Yaikwawong, Natchaphon Rodjanarowan – nhà phân tích làm việc tại Bangkok của Maybank Securities, cho rằng yếu tố quan trọng sẽ nằm ở cách B.Grimm quản lý tài chính, đặc biệt là đòn bẩy tài chính.
Tính đến cuối tháng 9.2023, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) của B.Grimm ở tỉ lệ xấp xỉ 1,5 so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, Natchaphon cho biết kế hoạch đầu tư tại Hàn Quốc của B.Grimm có thể nâng tỉ lệ này lên 2,8 vào năm 2026.
Theo Harald Link, B.Grimm đang xem xét các chiến lược khác nhau để đảm bảo nguồn tài chính. “Chúng tôi nắm gần 70% cổ phần trong B.Grimm Power và tìm cách huy động tài chính mà không cần phải tăng vốn. Chúng tôi đã cho rất nhiều khách hàng vay tiền để mua sản phẩm, dịch vụ của công ty và hợp tác tài chính với nhiều doanh nghiệp khác,” ông tiết lộ.
Công ty có những giải pháp về tài chính khác, trong số đó có trái phiếu xanh. Vào năm 2018, B.Grimm Power trở thành doanh nghiệp đầu tiên ngoài lĩnh vực tài chính tại Thái Lan đưa ra chứng khoán có lãi suất cố định, phát hành số lượng trái phiếu xanh trị giá năm tỉ baht (142 triệu đô la Mỹ) để huy động vốn cho các dự án năng lượng tái tạo.
Đến nay, công ty đã phát hành thêm 6,3 tỉ baht (179 triệu đô la Mỹ) trái phiếu xanh. B.Grimm Power cũng phát hành trái phiếu vĩnh viễn với giá trị tám tỉ baht (228 triệu đô la Mỹ) vào tháng 3.2023. Đây là loại trái phiếu trả lãi mãi mãi và không có ngày tháng đáo hạn.
Việc phát hành trái phiếu vĩnh viễn đã giảm đòn bẩy tài chính của B.Grimm Power từ 1,98 cuối năm 2022 xuống 1,47 vào cuối tháng 3.2023. B.Grimm Power cho biết cũng đang cân nhắc các mô hình quỹ tương hỗ và quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, bên cạnh việc niêm yết cổ phiếu cho công ty con.
“Chúng tôi tin rằng B.Grimm sẽ dùng nguồn dự trữ tiền mặt và lợi nhuận thu về cho việc mở rộng hoạt động. Bên cạnh đó, công ty có nhiều phương án tài chính khác để cân nhắc và phát hành trái phiếu vĩnh viễn là giải pháp có thể mang lại động lực tăng trưởng, đồng thời duy trì hệ số D/E ở mức vừa phải,” Sukit Udomsirikul, giám đốc nghiên cứu của công ty InnovestX Securities đặt tại Bangkok, nhận định. Tính đến cuối tháng 9.2023, B.Grimm có khoản dự trữ tiền mặt 29 tỉ baht (829 triệu đô la Mỹ).
Trong chín tháng đầu năm 2023, B.Grimm Power ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực lên 1,4 tỉ baht (39,9 triệu đô la Mỹ) với doanh thu bốn tỉ baht (12,5 triệu đô la Mỹ) nhờ giá khí đốt ổn định. Trước đó, công ty từng báo lỗ trong năm 2022 do chi phí nhiên liệu từ các nhà máy nhiệt điện khí tăng lên.
Dẫu vậy, kết quả kinh doanh tốt vẫn chưa đủ để công ty xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư về khả năng sinh lời và tính ổn định của năng lượng tái tạo khi chính phủ Thái Lan ban hành chính sách mới về năng lượng. Vào tháng 9.2023, chính phủ nước này đã đưa ra cam kết giảm thuế năng lượng để hạ chi phí tiêu thụ điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Cổ phiếu của công ty đã giảm khoảng 30% kể từ đầu năm 2023.
Trong báo cáo tháng 11.2023, Siriluck Pinthusoonthorn, nhà phân tích của Beyond Securities tại Bangkok, cho biết chính sách từ chính phủ Thái Lan sẽ kéo lợi nhuận của B.Grimm Power đi xuống trong quý 4.2023, song công ty vẫn sẽ đón nhận kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 khi các dự án đã hoàn tất xây dựng gần đây giúp công suất tăng lên.
B.Grimm bắt nguồn từ một cửa hàng hóa chất mang tên Siam Dispensary do dược sĩ người Đức Bernhard Grimm cùng đối tác người Áo Erwin Mueller thành lập vào năm 1878, đặt trụ sở tại New Road, Bangkok. Thời gian sau, cửa hàng làm ăn phát đạt và hai người quyết định mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Ông của Harald, Adolf Link, một dược sĩ trẻ tuổi đầy hoài bão đến từ Luebeck (Đức), được họ thuê để hỗ trợ phát triển công ty. Đến năm 1914, hai nhà sáng lập nghỉ hưu và Adolf Link mua lại quyền sở hữu B.Grimm.
Nhiều thập niên sau, tài sản của B.Grimm bị nước Anh niêm phong khi thế chiến thứ nhất diễn ra và Adolf Link cùng gia đình được đưa đến trại tập trung ở Ấn Độ. Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, Adolf Link gây dựng lại việc kinh doanh, đặt văn phòng mới trên khu đất thuộc sở hữu của gia đình hoàng gia Thái Lan tại trung tâm Bangkok.
Đến khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông quay về Đức với vai trò lãnh sự danh dự của Thái Lan. Năm 1949, Adolf Link lập lại công ty và con trai Herbert quản lý hoạt động ở Bangkok. Trong khi đó, anh trai và cộng sự của Herbert, Gerhard Link (cha của Harald) ở lại Đức để phát triển việc kinh doanh cho B.Grimm tại châu Âu.
Dưới sự lèo lái của hai anh em nhà Link, đến năm 1964, B.Grimm mở rộng sang lĩnh vực kỹ thuật và cung cấp thiết bị về y khoa, viễn thông và máy điều hòa.
Sau khi lấy bằng MBA tại đại học St. Gallen ở Thụy Sĩ, năm 1978, Harald Link – sinh ra và lớn lên tại hai nước Đức và Thụy Sĩ – chuyển đến Bangkok để phụ giúp người chú Herbert điều hành công ty. Trong vòng mười năm, ông thăng tiến lên vị trí chủ tịch của B.Grimm.
Trên trang web của B.Grimm, Harald cho biết: “Tôi đến Thái Lan ngay trước thời điểm quá trình toàn cầu hóa thay đổi cả thế giới. Cơ sở hạ tầng nơi đây cũng có sự thay đổi, giúp công ty mở rộng hơn nữa trong các lĩnh vực sản xuất và hạ tầng.” Năm 1993, ông tham gia thị trường sản xuất điện tư nhân khi đó đang nổi lên tại Thái Lan, sử dụng B.Grimm Power là “công cụ” đầu tư của B.Grimm. Năm 2017, Harald Link đưa B.Grimm Power lên sàn chứng khoán.
Đến nay, lĩnh vực năng lượng đóng góp 70% doanh thu của B.Grimm (công ty chưa đưa ra con số cụ thể), theo sau là hai mảng xây dựng và dược phẩm. Harald Link sở hữu khối tài sản 1,6 tỉ đô la Mỹ, ghi nhận vào đầu tháng 12.2023 với phần lớn đến từ B.Grimm, công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan (SET).
Harald Link đang chuẩn bị cho con gái Caroline, 41 tuổi, ngồi vào vị trí lãnh đạo tại B.Grimm nhưng chưa xác nhận về thời điểm chuyển giao. Caroline theo học ngành kinh doanh quốc tế tại trường European Business School Madrid và từng làm về tiếp thị cho hãng dược Merck tại Thái Lan.
Năm 2008, Caroline gia nhập B.Grimm trong vai trò giám đốc truyền thông doanh nghiệp. Hiện tại, bà là thành viên hội đồng quản trị B.Grimm Power cũng như nhiều công ty con khác của B.Grimm. “Caroline am hiểu tường tận về mọi lĩnh vực kinh doanh của công ty,” Harald Link nhận xét.
Còn con trai thứ Felix đã có hai năm giữ chức giám đốc tại B.Grimm Power. Ông chia sẻ người con trai 40 tuổi này dành nhiều thời gian tham gia khóa tu ở tu viện. “Tuy có tư duy kinh doanh, nhưng Felix lại hứng thú với tâm linh hơn vận hành công ty,” Harald Link nói.
“Tôi không có ý định điều hành công ty cả đời. Do vậy, trong một vài năm qua, tôi tập trung vào việc đảm bảo rằng quá trình chuyển giao vai trò lãnh đạo sẽ diễn ra suôn sẻ,” ông cho biết.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tong-luc-phat-trien-cua-tap-doan-145-nam-tuoi-thai-lan-dat-tai-viet-nam)