Quốc tế

Mạnh Vãn Chu trở thành chủ tịch luân phiên của Huawei

1 năm trước
Tác giả Yue Wang

Con gái của nhà sáng lập Huawei Mạnh Vãn Chu sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên trong 6 tháng đến hết ngày 30.9.

Share
this:

Mạnh Vãn Chu, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của tập đoàn viễn thông Trung Quốc kể từ ngày 1.4, động thái có thể đưa ra những gợi ý về kế hoạch chuyển giao thế hệ lãnh đạo khi Huawei đang nỗ lực giữ vững hoạt động kinh doanh.

Theo các đơn vị truyền thông trực thuộc chính phủ, Mạnh Vãn Chu, 51 tuổi, sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên trong vòng 6 tháng đến ngày 30.9. Tại Huawei, vị trí này sẽ được thay đổi luân phiên mỗi 6 tháng giữa bà Mạnh với hai giám đốc khác là Hu Houkun và Xu Zhijun.

Người phát ngôn của Huawei từ chối đưa ra bình luận.

Thông báo lần đầu vào năm 2022, việc Mạnh Vãn Chu trở thành chủ tịch luân phiên đánh dấu Huawei có nhà lãnh đạo nữ đầu tiên trong tập đoàn này. Trước đó, bà Mạnh giữ chức giám đốc tài chính (CFO) và có gần 3 năm chịu quản thúc tại Canada, một phần trong quá trình tranh tụng để chống lệnh dẫn độ sang Mỹ do cáo buộc không trung thực với HSBC về hoạt động kinh doanh của Huawei ở Iran, khiến ngân hàng này vi phạm luật thương mại.

Mạnh Vãn Chu phủ nhận cáo buộc trên nhưng thừa nhận một vài vi phạm, đổi lại các thẩm phán Mỹ sau đó bác bỏ cáo buộc nhằm vào bà. Năm 2021, ngay sau khi Mạnh Vãn Chu rời Canada để về nước, Trung Quốc cũng đã thả tự do cho hai công dân Canada là cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor.

Bà Mạnh Vãn Chu sẽ giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Huawei trong 6 tháng. Ảnh: Karen Ducey/Getty Images.

Hiện nay, Mạnh Vãn Chu đang đối mặt với những thách thức mới khi giới chức Mỹ tạm dừng phê duyệt gần như toàn bộ giấy phép cho các công ty nước này cung cấp sản phẩm công nghệ cho Huawei, tiến tới áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với tập đoàn này.

Theo thỏa thuận trước đó, Bộ Thương mại Mỹ cho phép các công ty cung cấp một số sản phẩm công nghệ không tiềm ẩn nguy cơ về an ninh quốc gia cho Huawei. Năm 2019, Huawei nằm trong danh sách đen thương mại “Entity List” của Mỹ khi được đánh giá có rủi ro về an ninh quốc gia, ngăn tập đoàn này tiếp cận nguồn cung vi xử lý tân tiến.

Mức độ ảnh hưởng của lệnh cấm có thể được đưa ra trong ngày 31.3, khi Huawei chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh thường niên cho năm 2022. Mặc dù là doanh nghiệp tư nhân, Huawei vẫn thường xuyên báo cáo kết quả kinh doanh.

Theo Huawei, tập đoàn này kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ đi ngang và ghi nhận tín hiệu khởi sắc khi chủ tịch luân phiên trước đó, Eric Xu Zhijun vào cuối năm 2021 thông báo “Các lệnh hạn chế của Mỹ hiện nay là điều bình thường mới và chúng tôi kinh doanh trở lại như bình thường.”

Tuy vậy, một vài tháng trước, tỉ phú Nhậm Chính Phi cho biết Huawei cần phải “tập trung vào sinh tồn” và cắt giảm các mảng kinh doanh không mang lại lợi nhuận, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái. Bên cạnh Mạnh Vãn Chu, ông Nhậm còn hai người con khác là Nhậm Bình và Annabel Yao. Trong khi con trai Nhậm Bình làm việc trong một bộ phận của Huawei, con gái út Annabel Yao theo đuổi sự nghiệp trong ngành giải trí sau khi tốt nghiệp đại học Harvard.

Biên dịch: Minh Tuấn