Dẫu thị trường chứng khoán suy giảm, tổng tài sản của những người giàu có nhất Đài Loan chỉ giảm nhẹ, xuống còn 155 tỉ đô la Mỹ.
Sau khi tăng vọt 6,3% trong năm 2021, nền kinh tế Đài Loan tăng trưởng ở mức khiêm tốn 2,5% vào năm 2022 khi xuất khẩu chậm lại trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu sụt giảm và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Chỉ số Taiex chuẩn đã giảm 9% kể từ lần gần nhất Forbes tính toán giá trị tài sản, nhưng tổng tài sản của 50 người giàu nhất Đài Loan chỉ giảm nhẹ từ 158 tỉ đô la Mỹ xuống còn 155 tỉ đô la Mỹ.
Giá trị tài sản ròng của 22 người trong danh sách năm nay giảm, dẫn đến sự thay đổi thứ tự xếp hạng tốp đầu. Anh em Daniel và Richard Tsai tăng hai bậc, giành lại vị trí số một sau năm năm, dù khối tài sản đã giảm 8% xuống còn 8,8 tỉ đô la Mỹ. Cổ phiếu tập đoàn tài chính Fubon bị ảnh hưởng khi các thanh toán bồi thường bảo hiểm theo các chính sách liên quan đến COVID-19 đã kéo lợi nhuận đi xuống.
Các khoản thanh toán bồi thường bảo hiểm cũng ảnh hưởng đến tài sản của hai anh em tỉ phú khác, anh em Tsai Hong-tu và Cheng-ta của Cathay Financial Holdings, những người rớt từ vị trí thứ hai xuống thứ tư và hiện có tài sản trị giá 7,7 tỉ đô la Mỹ.
Anh em Wei Ing-Chou, Ying-Chiao, Yin-Chun và Yin-Heng, những người kiểm soát đế chế thực phẩm và đồ uống thuộc tập đoàn quốc tế Ting Hsin do tư nhân nắm giữ, vươn lên vị trí thứ hai với tài sản 8,3 tỉ đô la Mỹ. Công ty niêm yết Tingyi của tập đoàn, còn được biết đến với cái tên Master Kong, một trong những nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất ở Trung Quốc đại lục, đã báo cáo doanh thu kỷ lục 11,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022.
Bốn anh em này cũng đang cân nhắc thực hiện IPO cho chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Dicos, vừa khai trương cửa hàng đầu tiên ở Hong Kong vào tháng 1.2023.
Giá hóa chất tăng nâng giá trị tài sản ròng của Lin Shu-hong, đồng sáng lập tập đoàn hóa dầu Chang Chun Group, lên 7,9 tỉ đô la Mỹ, đẩy ông lên vị trí thứ ba trong năm nay. Ông lớn ngành giày dép Zhang Congyuan, người giàu nhất năm ngoái, đã chứng kiến khối tài sản giảm nhiều nhất tính theo đồng đô la, từ 7,6 tỉ đô la Mỹ xuống còn 4,5 tỉ đô la Mỹ, đồng thời tụt xuống vị trí thứ năm.
Cổ phiếu tập đoàn công nghiệp Hoa Lý có trụ sở tại Trung Sơn, Quảng Đông của ông rớt giá khi đơn đặt hàng từ các khách hàng hiện tại giảm xuống sau những gián đoạn do đại dịch gây ra.
Anh em Chang Kuo-Hua, Kuo-Ming và Kuo-Cheng, những người thừa kế đế chế vận chuyển Evergreen Marine từ người cha quá cố Chang Yung Fa, chứng kiến tài sản giảm 40% xuống còn 3,2 tỉ đô la Mỹ khi cổ phiếu của Evergreen lao dốc do giá cước vận chuyển giảm.
Nhu cầu ngày càng tăng từ các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và ô tô đã giúp giá trị tài sản ròng của Wu Li-gann, người sáng lập công ty sản xuất bảng mạch in WUS có trụ sở tại Trung Quốc đại lục, tăng 78% lên 1,65 tỉ đô la Mỹ, khiến ông trở thành một trong những người có mức tăng lớn nhất theo tỉ lệ phần trăm.
Năm nay, có bốn gương mặt mới và đáng chú ý, trong số đó là Samuel Chen, nhà đầu tư sớm vào Zoom, ra mắt với tài sản 2,4 tỉ đô la Mỹ. Wang Shih-Chung cũng gia nhập hàng ngũ tỉ phú với tài sản 1,3 tỉ đô la Mỹ khi tập đoàn quốc tế AirTAC, nhà sản xuất thiết bị khí nén, công bố doanh số bán hàng xuất sắc vào năm ngoái bất chấp những khó khăn của thị trường.
Gia đình Ma, những người thừa kế của Rudy Ma, sáng lập Yuanta Financial Holdings, qua đời vào tháng 10 năm ngoái, cũng góp mặt trong danh sách ở vị trí thứ 15.
Một trong hai người trở lại danh sách năm nay là Steven Pan, chủ tịch của Silks Hotel Group, nhà điều hành khách sạn niêm yết lớn nhất Đài Loan, xuất hiện ở vị trí thứ 50 với 1,05 tỉ đô la Mỹ. Cổ phiếu của công ty tăng mạnh khi lĩnh vực khách sạn phục hồi sau đại dịch. Với hạn mức vào danh sách hơn một tỉ đô la Mỹ, có năm người bị loại trong năm nay.
Terry Gou: Kế hoạch dài hơi
Hon Hai Precision Industry, nhà cung cấp của Apple do tỉ phú Đài Loan Terry Gou thành lập, đang tăng tốc mở rộng ở Ấn Độ và đầu tư vào Saudi Arabia nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc đại lục trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa nước này và Mỹ.
Được biết đến nhiều hơn với tên Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới vào năm 2022 đã ký thỏa thuận với công ty khai thác Ấn Độ Vedanta do cựu tỉ phú Anil Agarwal kiểm soát, để xây dựng nhà máy bán dẫn trị giá 1,54 ngàn tỉ rupee (19 tỉ đô la Mỹ) tại bang Gujarat vào năm 2024, trong đó Vedanta sở hữu 60% và Foxconn 40%.
Năm ngoái, hãng này cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư 500 triệu đô la Mỹ nhằm mở rộng các cơ sở hiện có ở Ấn Độ, nơi sản xuất những chiếc iPhone mới nhất của Apple.
Tháng 11 năm ngoái, nhà sản xuất xe điện Ceer – liên doanh của Foxconn với quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Saudi – đã mua khu đất trị giá 359 triệu Saudi riyal (96 triệu đô la Mỹ) để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại đặc khu kinh tế King Abdullah, nằm ở phía bắc Jeddah.
Foxconn đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc bóc lột công nhân ở Trung Quốc giữa bối cảnh nổi loạn tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới. Vào tháng 11.2022, Foxconn xin lỗi về vụ bạo lực tại nhà máy Trịnh Châu và đề nghị bồi thường 1.400 đô la Mỹ cho những công nhân nghỉ việc sau khi xung đột với nhân viên an ninh về việc chậm thanh toán lương và điều kiện sống tồi tệ trong bối cảnh Trung Quốc áp dụng chủ trương zero-COVID. Foxconn không trả lời yêu cầu bình luận.
Gou, giàu có nhờ Foxconn, đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tăng nhẹ lên 7,4 tỉ đô la Mỹ kể từ lần cuối cùng Forbes tính toán giá trị tài sản. Doanh thu năm 2022 của công ty tăng 11% so với một năm trước đó lên 6,63 ngàn tỉ Đài tệ (217 tỉ đô la Mỹ) trong khi lợi nhuận ròng tăng 2% lên 141,5 tỉ Đài tệ (4,5 tỉ đô la Mỹ). Đầu tháng 4.2023, Gou tuyên bố tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan năm 2024 sau khi rút khỏi cuộc tranh cử năm 2020.
Tsai Hong-Tu & Tsai Cheng-Ta: Ảnh hưởng mạnh
Hai ông lớn ngành bảo hiểm Đài Loan, anh em Tsai Hong-tu và Cheng-ta, đã chứng kiến tổng tài sản giảm 27% xuống còn 7,7 tỉ đô la Mỹ do các khoản thanh toán bảo hiểm liên quan đến đại dịch làm ảnh hưởng đến lợi nhuận tại tập đoàn dịch vụ tài chính của họ, Cathay Financial Holdings.
Cổ phiếu của tập đoàn giảm 1/3 do các công ty con hàng đầu là Cathay Life Insurance và Cathay Century Insurance phải chịu áp lực thanh toán các hợp đồng bảo hiểm COVID-19 hợp lệ theo yêu cầu của chính quyền, sau khi số ca nhiễm bệnh gia tăng vào năm ngoái, khi Đài Loan nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch.
Cathay Life – công ty bảo hiểm lớn nhất Đài Loan tính theo số lượng khách hàng, phục vụ gần 1/3 dân số của hòn đảo – đã chứng kiến tỉ lệ thanh toán yêu cầu bồi thường bảo hiểm tăng 38% lên hơn 400 tỉ Đài tệ (13,1 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2022, sau khi ủy ban Giám sát tài chính yêu cầu các công ty bảo hiểm thanh toán hàng triệu khoản bồi thường bảo hiểm theo chính sách liên quan đến COVID-19.
Lợi nhuận ròng trong năm của công ty giảm 70% xuống còn 34 tỉ Đài tệ (1,1 tỉ đô la Mỹ). Cathay Century, công ty bảo hiểm văn phòng và tài sản, đã lỗ ròng cả năm gần 20 tỉ Đài tệ (652,5 triệu đô la Mỹ) so với khoản lãi 2,2 tỉ Đài tệ (71,7 triệu đô la Mỹ) vào năm 2021, vì các khoản thanh toán bồi thường bảo hiểm tăng gần gấp ba lần lên khoảng 36 tỉ Đài tệ (1,17 tỉ đô la Mỹ).
Tháng sáu năm ngoái, Cathay Century được công ty mẹ rót 10 tỉ Đài tệ (326,2 triệu đô la Mỹ) trong bối cảnh thua lỗ ngày càng tăng do các khoản thanh toán bảo hiểm. Lợi nhuận ròng năm 2022 của Cathay Financial giảm 73% xuống còn 38 tỉ Đài tệ (1,2 tỉ đô la Mỹ).
Hong-tu và Cheng-ta, các con trai của Tsai Wan-lin, người giàu nhất Đài Loan vào thời điểm ông qua đời năm 2004, giám sát đế chế tài chính Cathay, bao gồm cả ngân hàng Cathay United. Họ nắm quyền điều hành tập đoàn vào năm 2010, sau khi anh trai của họ là Tseng-yu (T.Y.) tự đứng ra thành lập công ty. Cùng với người anh cùng cha khác mẹ Cheng-chiu, Hong-tu và Cheng-ta cũng kiểm soát Cathay Real Estate Development.
Biên dịch: Quỳnh Anh Theo Forbes Việt Nam số 117, tháng 5.2023
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ti-phu-dai-loan-giu-vung-doi-hinh)
Xem thêm
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43