Alphabet đã thông báo cắt giảm hơn 12.000 nhân sự trên toàn thế giới, với khoản trợ cấp thôi việc từ 16 tuần lương, cộng thêm 2 tuần cho mỗi năm làm việc tại Google. Trong khi đó, các đơn vị khác có số tuần thấp hơn.
Khi thông báo tiến hành đợt sa thải nhân sự lớn nhất lịch sử Alphabet, giám đốc điều hành (CEO) Sundar Pichai nhấn mạnh công ty có chính sách trợ cấp cho hơn 12.000 nhân viên nhận quyết định cho thôi việc. Theo đó, nhân viên của Google nhận trợ cấp thôi việc từ 16 tuần lương, cộng với hai tuần cho mỗi năm làm việc tại công ty.
Tuy vậy, chính sách này chỉ áp dụng với nhân viên làm việc tại Google, không dành cho nhân sự từ những bộ phận khác. Năm 2015, thời điểm Google tái cấu trúc và thành lập công ty mẹ Alphabet, tập đoàn này đã tách các bộ phận kinh doanh công nghệ (bao gồm trình duyệt web, Gmail và YouTube) thành công ty độc lập, từ dự án mang tính thử nghiệm và khai phá thuộc phòng thí nghiệm X, dịch vụ máy bay không người lái Wing đến quỹ đầu tư mạo hiểm Google Ventures (GV).
Nhân sự thuộc một số bộ phận khác có số tuần để tính trợ cấp thôi việc ít hơn, theo Forbes ghi nhận từ nhân viên và hồ sơ công ty. Tại Verily – công ty của Alphabet về khoa học chăm sóc sức khỏe, nhân sự nhận gói trợ cấp thôi việc từ 12 tuần lương và chỉ một tuần cho mỗi năm làm việc. Alphabet cũng áp dụng chính sách tương tự với nhân sự của Waymo, công ty con về phát triển công nghệ xe tự hành.
Chia sẻ với Forbes, những nhân viên thuộc diện sa thải tại Verily cho biết “Về mặt nguyên tắc, chúng tôi đều là nhân viên của Alphabet. Do vậy, không có sự khác biệt nào về khoản trợ cấp thôi việc cơ bản.” Họ cho biết thêm đã có nhiều năm làm việc tại Google trước khi chuyển sang Verily, nhưng lại không có tuần bổ sung nào. Những nhân viên cung cấp thông tin này yêu cầu Forbes giữ bí mật danh tính do lo ngại rằng việc chỉ trích công ty ảnh hưởng khoản trợ thôi việc của mình.
Steve Cooper, người phát ngôn của Verily xác nhận thông tin về khoản trợ cấp thôi việc và lý giải về sự khác nhau giữa các chính sách. Trong thông cáo báo chí, vị này cho biết “Google và Verily là hai công ty hoạt động độc lập với sự khác biệt rất lớn về tình hình tài chính và nguồn lực. Verily là công ty nhỏ hơn của Alphabet, khi có cấu trúc hoạt động và quy mô rất khác.”
Còn người phát ngôn của những bộ phận khác, cũng như Google không phản hồi yêu cầu đưa ra bình luận từ Forbes.
Trả lời câu hỏi về sự khác biệt trong khoản trợ cấp thôi việc, Daniel Keum – trợ giảng ngành quản lý tại trường Kinh doanh Columbia – nhận định “Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi họ thực hiện điều đó một cách dứt khoát như vậy.” Daniel Keum cho rằng việc thành lập công ty mẹ Alphabet của Google nhằm phục vụ cho những quyết định này là tạo khoảng cách về mặt tổ chức giữa Google và những bộ phận khác, để nhân viên không cảm thấy mình như “công dân hạng hai” nếu có sự khác biệt về lợi ích. “Đôi khi Google muốn làm giảm đi cảm giác rằng toàn bộ đều là một công ty duy nhất,” Keum cho biết.
Quyết định sa thải vừa qua nằm trong đợt cắt giảm nhân sự diện rộng Alphabet tiến hành từ đầu năm 2023. Vào ngày 20.1, ông Pichai thông báo cho thôi việc 12.000 nhân sự, tương đương với 6% lực lượng lao động của công ty. Trước đó một tuần, Verily thông báo cắt giảm 15% nhân sự.
Trong cùng ngày, Intrinsic – đơn vị tập trung vào phát triển phần mềm cho robot công nghiệp của Alphabet xác nhận cũng đưa ra quyết định sa thải nhân viên. Một nhân viên của Waymo nhận thông báo sa thải chia sẻ với Forbes rằng đơn vị này bắt đầu cắt giảm nhân sự từ ngày 23.1.
Các tập đoàn công nghệ khác cũng chịu ảnh hưởng từ những đợt cắt giảm nhân sự. Hồi tháng 11.2022, CEO Mark Zuckerberg cắt giảm 13% lực lượng lao động, tương đương với 11.000 nhân viên tại Meta – công ty mẹ của Facebook. CEO của Amazon Andy Jassy cho biết tập đoàn này đã sa thải 18.000 nhân sự. Sau khi thâu tóm Twitter vào tháng 10.2022, Elon Musk đã cắt giảm gần 50% nhân sự, tương đương với 3.700 người (đến nay có thêm nhiều người thôi việc theo nguyện vọng).
Sự khác biệt về khoản trợ cấp thôi việc cho thấy khoảng cách giữa các nhân viên của Alphabet, với những người làm việc tại Google, nguồn thu lớn của Alphabet và nhân sự từ các bộ phận khác, với vai trò và nhiệm vụ riêng biệt đang cố gắng tạo ra nguồn lợi nhuận khác cho Alphabet. Đôi lúc các bộ phận khác có quyền tiếp cận khác nhau tới nguồn thông tin nội bộ, với một vài trong số đó nhận vốn đầu tư từ bên ngoài.
Do vậy, cấu trúc hoạt động khiến một vài nhân viên cho rằng đây là hệ thống thiếu công bằng. “Đây là điều ngăn tôi chuyển sang làm việc cho một vài bộ phận khác của Alphabet,” một cựu nhân viên của Google chia sẻ với Forbes.
Một vài đợt sa thải nhân sự cũng gặp vấn đề về khoản trợ cấp thôi việc khác. Đơn cử như, một số nhân viên toàn thời gian trước đó là nhân viên làm việc theo hợp đồng cố gắng tăng thêm thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc trước khi chuyển sang làm việc chính thức.
Kể từ khi Alphabet tiến hành đợt cắt giảm, hàng nghìn nhân sự cả hiện tại và đã nhận quyết định cho thôi việc của công ty đã tạo một nhóm chat trên Discord để tâm sự, cũng như bàn luận về hướng đi tiếp theo, theo hình chụp màn hình được Forbes ghi nhận. Nhóm chat này thảo luận về các chủ đề bao gồm khoản trợ cấp thôi việc, cơ chế ứng phó, tổ chức lao động, visa nhập cư và chuẩn bị cho công việc.