Họ là những người nổi tiếng quá cố có thu nhập cao nhất năm 2022. Dù họ đã ngừng sống nhưng không ngừng kiếm được tiền.
Những chiếc nhẫn trong Chúa tể của những chiếc nhẫn rất hấp dẫn, nhưng thương hiệu cá nhân lại càng thu hút hơn.
Hãy quên những chiếc nhẫn trong phim đi và nghĩ về “thương hiệu đứng đầu tất cả.” Di sản của J.R.R. Tolkien, nhà văn người Oxford qua đời đã lâu, tác giả của Chúa tể những chiếc nhẫn và Người Hobbit, thu lợi lớn trong năm 2022 với thương vụ 500 triệu đô la Mỹ bán các quyền liên quan vùng Trung Địa (Middle Earth), bao gồm cả phim và TV cho Embracer Group, tập đoàn trò chơi điện tử Thụy Điển (doanh thu 1,8 tỉ đô la Mỹ năm 2021), sở hữu các tài sản khác nhau, từ Tomb Raider đến Hot Wheels.
Thỏa thuận hồi tháng tám đủ để đẩy Tolkien lên vị trí số một trong bảng xếp hạng thường niên của Forbes về những người nổi tiếng quá cố kiếm được nhiều tiền nhất. Đây là lần thứ ba trong 21 năm qua, có một người nổi tiếng đã qua đời kiếm được nửa tỉ đô la Mỹ trong vòng một năm (tác giả Roald Dahl của truyện Charlie và nhà máy sô cô la đã làm được điều đó vào năm 2021; Michael Jackson kiếm được kỷ lục 825 triệu đô la Mỹ vào năm 2016).
Tuy nhiên năm nay, kỷ lục của những người quá cố không chỉ dừng lại ở thành tích đó. Lần đầu tiên, mỗi người trong tốp năm kiếm được từ 100 triệu đô la Mỹ trở lên. Tổng cộng, tài sản do 13 nhân vật nổi tiếng này tạo ra đã đạt kỷ lục 1,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022, tăng 70% so với năm ngoái.
Việc xác định ai sở hữu tác phẩm của Tolkien rất phức tạp. NXB HarperCollins, Amazon, Warner Bros./New Line và người quản lý gia sản Tolkien đều có phần sở hữu, bao gồm quyền xuất bản sách, phim truyền hình dài hơn bốn tập và cấp phép cho các bộ phim mang tính biểu tượng của Peter Jackson. Nhà phân tích Matti Littunen của công ty Bernstein cho biết: “Tôi không thể nghĩ ra ví dụ nào về quyền sở hữu trí tuệ có độ phức tạp hơn trường hợp này.”
Đặc biệt là, tập đoàn Embracer đã mua Middle Earth Enterprises, công ty cổ phần thuộc sở hữu của nhà sản xuất phim Saul Zaentz (phim Bệnh nhân người Anh, Bay trên tổ chim cúc cu), người đầu tiên mua bản quyền từ United Artists của Hollywood vào giữa những năm 1970.
Embracer sẽ làm gì với chiến lợi phẩm của mình? Tập đoàn này giữ im lặng khi Forbes hỏi nhưng lại gọi thương vụ này là “đầu cơ.” Littunen nhận thấy có nhiều cơ hội: trò chơi, tất nhiên rồi, còn có thẻ sưu tầm, hàng hóa, thậm chí có thể là một vở nhạc kịch.
“Để thu lợi nhiều nhất, Embracer sẽ chỉ cần mua một công ty sản xuất nhạc kịch ở Broadway/West End,” ông viết trong một bản lưu ý cho các nhà đầu tư. “Mặc dù chúng tôi đang nửa đùa nửa thật, nhưng những vở nhạc kịch bán chạy nhất thu lợi nhiều hơn những trò chơi điện tử hoặc bộ phim bán chạy nhất.”
Khoản thu năm 2022 từ di sản của Elvis Presley tăng lên 110 triệu đô la Mỹ, phần lớn số tiền đó (80 triệu đô la Mỹ) đến từ các chuyến tham quan nhà của ông ở Graceland khi những người hâm mộ hối hả tranh mua các khoản giảm giá VIP hậu đại dịch. Các nghệ sĩ rock cổ điển khác lọt vào danh sách nhờ doanh số bán các danh mục âm nhạc của họ được thúc đẩy từ cơn “sốt vàng” do Bob Dylan tạo ra.
Bob Dylan vẫn còn sống nhưng đã bán được bản quyền sáng tác của mình cho Sony với giá hơn 150 triệu đô la Mỹ vào cuối năm 2020. David Bowie (xếp thứ ba, 250 triệu đô la Mỹ) và James Brown (xếp thứ năm, 100 triệu đô la Mỹ) đủ điều kiện vào danh sách nhờ doanh số từ đợt bán hàng như vậy.
Merck Mercuriadis, CEO kiêm sáng lập công ty quản lý âm nhạc đã niêm yết Hipgnosis, cho biết sức hấp dẫn vượt thời gian của những người nổi tiếng này mang lại tiền bản quyền hằng năm ổn định, khiến tác quyền đó trở thành khoản đầu tư hấp dẫn.
Ông đã mua lại danh mục của ca sĩ hát bài Hallelujah Leonard Cohen trong năm nay với giá ước tính 55 triệu đô la Mỹ. “Tôi có hai tiêu chí. Tôi đang tìm kiếm những bài hát cực kỳ thành công ngay từ đầu trước khi tôi mua chúng. Đồng thời chúng cũng là những bài hát có tầm quan trọng về mặt văn hóa.”
Ngọn lửa sinh mệnh của những người nổi tiếng này đã vụt tắt, nhưng năm nào di sản của họ cũng bừng sáng: ca sĩ Freddie Mercury (chín triệu đô la Mỹ, 2020), rapper Nipsey Hussle (11 triệu đô la Mỹ, 2019), diễn viên Heath Ledger (20 triệu đô la Mỹ, 2008). Bất ngờ của năm nay là Jeff Porcaro.
Tay trống của ban nhạc Toto và đồng tác giả của Africa vào danh sách với 25 triệu đô la Mỹ thu nhập trước thuế nhờ khoản thu từ bản quyền âm nhạc một lần của mình. Những người đã chấm dứt cuộc đời nhưng sức hút vẫn mãi kéo dài có những cái tên như Elvis, Dr. Seuss, John Lennon và họa sĩ truyện tranh Peanuts Charles Schulz, luôn nằm trong danh sách kể từ năm 2001.
Phải cần đến nỗ lực rất to lớn, to lớn cỡ Sauron (nhân vật phản diện chính trong bộ truyện Chúa tể những chiếc nhẫn) để đưa tác phẩm của Tolkien lên màn ảnh rộng. Ông đã hủy hoại một bộ phim có sự tham gia của The Beatles và do Stanley Kubrick đạo diễn, trong khi bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn năm 1978 của Ralph Bakshi lại không được người hâm mộ đón nhận.
2. Kobe Bryant • $400 triệu Mất: 26.01.2020 (tuổi 41) Nguyên nhân: Tai nạn trực thăng
Huyền thoại đội Los Angeles Lakers có cổ phần trong công ty đồ uống thể thao BodyArmor; vào tháng 11.2021, Coca-Cola mua 70% BodyArmor (trước đó đã mua 15%) với giá 5,6 tỉ đô la Mỹ. Theo Wall Street Journal, di sản của Bryant đã nhận được 400 triệu đô la Mỹ.
3. David Bowie • $250 triệu Mất: 10.01.2016 (tuổi 69) Nguyên nhân: Ung thư
Thương vụ bán danh mục sáng tác của Bowie và các bản gốc cho Warner Chappell hồi tháng 1.2022 đã tạo ra thu nhập đủ để khiến thiếu tá Tom (nhân vật mà Bowie thủ vai) phải ghen tị, lên tới 250 triệu đô la Mỹ.
(*) 4. Elvis Presley • $110 triệu Mất: 16.08.1977 (tuổi 42) Nguyên nhân: đau tim
Di sản của ông không kiếm được nhiều tiền trực tiếp từ bộ phim tiểu sử Elvis đình đám, nhưng bộ phim dự kiến sẽ gián tiếp nâng cao nguồn thu của Presley cho đến năm 2024.
5. James Brown • $100 triệu Mất: 25.12.2006 (tuổi 73) Nguyên nhân: Suy tim
Tháng 12.2021, nhà xuất bản độc lập Primary Wave tại New York đã mua lại cổ phần trong bản quyền âm nhạc của Bố già nhạc soul, cũng như tên và chân dung của ông, với giá ước tính 100 triệu đô la Mỹ. Bộ phận quản lý di sản của Brown được cho là sẽ sử dụng một phần số tiền để tài trợ cho học bổng học thuật.
(*) 6. Michael Jackson•$75 triệu Mất: 25.06.2009 (tuổi 50) Nguyên nhân: Dùng thuốc quá liều
Khi các lệnh hạn chế do đại dịch được dỡ bỏ, tour diễn Cirque de Soleil ở Las Vegas của Jackson đã khởi động trở lại và thu về rất nhiều tiền. Ngoài ra còn có thêm một nguồn thu béo bở khác: Vở nhạc kịch MJ trên sân khấu Broadway đã thu về con số ấn tượng 80 triệu đô la Mỹ kể từ khi công diễn hồi tháng 2.2022.
7. Leonard Cohen • $55 triệu Mất: 07.11.2016 (tuổi 82) Nguyên nhân: Chết trong lúc ngủ sau khi bị ngã
Bài hát Hallelujah mang tính biểu tượng của Canada là một trong những bài hát được hát lại nhiều nhất trong lịch sử – có hàng trăm phiên bản hát lại và sẽ còn nhiều nữa – mang lại khoản thu lớn cho phí bản quyền hằng năm của Cohen.
(*) 8. Dr. Seuss • $32 triệu Mất: 24.09.1991 (tuổi 87) Nguyên nhân: Ung thư
Theodor Geisel đã viết hơn 60 tác phẩm kinh điển với bút danh Dr. Seuss, bao gồm truyện Trứng xanh, giăm bông xanh, Chàng mèo mang mũ và Gờ-Rinh đánh cắp Giáng Sinh. Những cuốn sách này vẫn đang được bán – tổng giá trị khoảng 16 triệu đô la Mỹ tính từ tháng 11 năm ngoái – cùng một thỏa thuận với Netflix, và rất nhiều hàng hóa bán kèm.
9. Jeff Porcaro • $25 triệu Mất: 05.08.1992 (tuổi 38) Nguyên nhân: Đau tim
Porcaro có lẽ được biết đến nhiều nhất với tư cách là tay trống của ban nhạc Toto – anh đã sáng tác bản hit lớn nhất của ban nhạc, Africa – đồng thời cũng là một nhạc sĩ phòng thu huyền thoại, người đã phối âm cho album Thriller của Michael Jackson.
(*) 10. Charles Schulz • $24 triệu Mất: 12.02.2000 (tuổi 77) Nguyên nhân: Ung thư
Apple TV+ hiện sở hữu tác quyền đối với phim Đó là siêu bí ngô, Charlie Brown và Lễ Giáng Sinh sủa Charlie Brown, đồng thời năm nay sẽ cho phép những người không đăng ký được xem các chương trình này miễn phí vào một số ngày nhất định.
11. Juan Gabriel • $23 triệu Mất: 28.08.2016 (tuổi 66) Nguyên nhân: Đau tim
Ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc nổi tiếng người Mexico đã sáng tác khoảng 1.800 bài hát trong suốt cuộc đời mình, bán ra khoảng 150 triệu bản thu và mang về ba giải Grammy Latin. Vào tháng 4.2022, bộ phận quản lý di sản của Gabriel đã cấp phép danh mục âm nhạc El Divo de Juárez cho Universal Music Group.
(*) 12. John Lennon • $16 triệu Mất: 08.12.1980 (tuổi 40) Nguyên nhân: Bị ám sát
Ngoài tiền bản quyền thông thường từ thời còn là thành viên ban nhạc The Beatles và tác phẩm solo của mình, di sản của Lennon đã kiếm được ước tính khoảng 20 triệu đô la Mỹ từ kênh Disney cho loạt phim tài liệu Get Back do Peter Jackson làm đạo diễn.
13. George Harrison • $12 triệu Mất: 29.11.2001 (58) Nguyên nhân: Ung thư
Harrison cũng thu được lợi nhuận từ loạt phim tài liệu Get Back ngoài tiền bản quyền solo và Fab Four hằng năm. Di sản của ông, cùng với của Lennon, đã thu về thêm vài triệu đô la Mỹ từ buổi biểu diễn Cirque de Soleil của ban nhạc The Beatles.
(*) Đã vào danh sách từ năm 2010
Biên dịch: Quỳnh Anh Bản in theo Forbes Việt Nam số 113, tháng 1.2023
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nhung-nguoi-noi-tieng-qua-co-co-thu-nhap-cao-nhat-nam-2022)
Xem thêm
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43