Kinh doanh

Nhà đầu tư tư nhân “xuống tiền” 76 triệu USD trong quí 1

1 ngày trước
Tác giả Minh Tâm

Với 5 thương vụ hoàn tất với tổng giá trị 76 triệu USD trong quí 1, thị trường đầu tư tư nhân đang cho thấy những dấu hiệu tích cực hơn sau thời gian chững lại.

Share
this:

Báo cáo “Khảo sát đầu tư tư nhân năm 2025” do Công ty kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton công bố mới đây ghi nhận, trong quí 1, thị trường ghi nhận 5 thương vụ hoàn tất với tổng giá trị 76 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng thương vụ hoàn thành trong quí 1 năm nay thấp hơn nhưng giá trị trung bình mỗi thương vụ lại tăng mạnh. Các nhà đầu tư tư nhân có xu hướng chuyển dịch từ chiến lược phòng thủ (tập trung vào tiết giảm chi phí) sang tăng trưởng, nhấn mạnh khả năng mở rộng, đổi mới sáng tạo và tạo giá trị thông qua công nghệ số.

Đồng thời, các thương vụ đã hoàn tất cho thấy có sự dịch chuyển trong xu hướng đầu tư công nghệ, đặc biệt về quy mô thương vụ.

Một thương vụ tiêu biểu cho xu hướng này là Techcoop, một startup về công nghệ nông nghiệp (agritech) đã gọi vốn thành công vòng Series A trị giá 70 triệu USD vào tháng 2.2025, bao gồm 28 triệu USD vốn cổ phần và 42 triệu USD vay nợ, trở thành một trong những thương vụ Series A lớn nhất trong lĩnh vực này tại Đông Nam Á tính đến nay.

Vòng gọi vốn này do TNB Aura (Singapore) và Ascend Vietnam Ventures (Việt Nam) dẫn dắt. Đây là hai nhà đầu tư đã từng rót 5 triệu USD vào vòng hạt giống của Techcoop vào tháng 3.2024.

“Sự thành công trong việc huy động vốn của Techcoop cho thấy khẩu vị đầu tư đang gia tăng đối với các thương vụ công nghệ quy mô lớn, báo hiệu năm 2025 có thể chứng kiến sự dịch chuyển rõ nét sang các khoản đầu tư lớn hơn, khi các công ty công nghệ tại Việt Nam trưởng thành và mở rộng quy mô,” báo cáo đánh giá.

Đồng thời, 63% người tham gia khảo sát của Grant Thornton bày tỏ niềm tin thị trường PE tại Việt Nam sẽ cải thiện vào năm 2025 dựa trên lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ, tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng số và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, dòng vốn FDI gia tăng cũng phản ánh niềm tin ngày càng lớn của các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam như một điểm đến chiến lược.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng lo ngại về các yếu tố bất định của kinh tế toàn cầu và xu hướng lãi suất/lạm phát. Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá đã thể hiện khả năng phục hồi tốt nhưng trong bối cảnh các yếu tố địa chính trị, đặc biệt là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tái tập trung vào chủ nghĩa bảo hộ thương mại với chính sách “nước Mỹ trên hết”, tăng thuế quan với hàng hóa nhập khẩu sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam, vốn dựa vào xuất khẩu.

Năm 2024, hoạt động giao dịch trên thị trường giảm 28% về số lượng và 87% về giá trị do thiếu vắng các thương vụ quy mô lớn. Việt Nam ghi nhận 31 thương vụ, xếp sau Malaysia (36 thương vụ) nhưng cao hơn Thái Lan (12 thương vụ) và Philippines (26 thương vụ).

Toàn khu vực ASEAN có 428 thương vụ, trong khi 2023 là 612 thương vụ và năm 2022 là 847 thương vụ. Trong khi đó, quy mô giao dịch trung bình cũng giảm từ 13,9 triệu USD (2023) xuống còn 11,4 triệu USD (2024), phản ánh sự thận trọng gia tăng của nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu nhiều biến động.

Singapore và Indonesia vẫn là hai thị trường PE sôi động nhất, dù cũng ghi nhận sự sụt giảm về cả số lượng và giá trị thương vụ.

Báo cáo của Grant Thornton chỉ ra, trái ngược với năm 2023 khá sôi động với nhiều thương vụ lớn ở nhiều ngành, năm 2024 không ghi nhận các thương vụ quy mô lớn, hoạt động giao dịch diễn ra tương đối ổn định theo quí với trung bình 7 – 9 thương vụ hoàn tất.

Một trong những thương vụ có giá trị đáng chú ý trong quí 2.2024 là khoản đầu tư của Warburg Pincus vào chuỗi bệnh viện Xuyên Á. Giá trị thương vụ không được công bố chính thức nhưng Grant Thornton ước tính giao dịch này nằm trong khoảng 100-150 triệu USD dựa trên quy mô đầu tư trước đây của Warburg Pincus tại Việt Nam.

Giá trị các thương vụ đầu tư tư nhân theo ngành từ 2022-2024 do Grant Thornton tổng hợp

Một thương vụ đáng chú ý khác nằm ở lĩnh vực bán lẻ là khoản đầu tư của Công ty Quản lý Đầu tư CDH vào chuỗi Bách Hóa Xanh. CDH – một quỹ đầu tư PE đến từ Trung Quốc, nổi tiếng với chiến lược tập trung vào các lĩnh vực truyền thống như hàng tiêu dùng và sản xuất – đã có bước đi chiến lược vào thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua thương vụ này. Theo Reuters, thương vụ có giá trị khoảng 72 triệu USD.

Kết quả khảo sát cho thấy thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư PE trong năm 2024 là sự sụt giảm định giá danh mục đầu tư và niềm tin vào thị trường.

Xu hướng giảm định giá kéo dài do nhiều yếu tố cộng hưởng, bao gồm khó khăn vận hành của các doanh nghiệp trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, hệ số định giá bị điều chỉnh xuống do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, cùng với áp lực bán ròng từ khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này khiến các quỹ PE chịu áp lực thoái vốn ngày càng lớn.

Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Capital IQ, chỉ có 3 thương vụ thoái vốn được ghi nhận trong năm 2024, giảm mạnh so với mức trung bình 8-11 thương vụ mỗi năm trước đại dịch COVID. Thực tế này buộc nhiều quỹ phải đánh giá lại chiến lược tạo giá trị và điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận đầu tư.

Thị trường IPO tại Việt Nam trong những năm gần đây tiếp tục đình trệ, thu hẹp các chiến lược thoái vốn của các quỹ đầu tư PE. Hoạt động IPO vẫn ở mức thấp, với chỉ 4 thương vụ được ghi nhận trong giai đoạn 2023-2024, huy động tổng cộng 44 triệu USD.