Doanh nhân

Người giàu thứ hai thế giới dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng đến 30 ngàn tỉ USD

Người giàu thứ hai thế giới Gautam Adani lạc quan dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng đến 30 ngàn tỉ USD vào năm 2050.

Share
this:

Tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani, chủ tịch của tập đoàn Adani Group ở Ahmedabad, đầu tư kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bao gồm cảng, sân bay, năng lượng xanh, xi măng, trung tâm dữ liệu cùng với nhiều ngành khác. Ông trùm 60 tuổi đã thành lập tập đoàn vào năm 1988, hoạt động ban đầu như một doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thông thường. Gần đây, ông đã vượt qua Jeff Bezos, Bernard Arnault và Bill Gates để trở thành người giàu thứ hai thế giới với khối tài sản trị giá 143 tỉ USD. Hiện tại, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết thuộc tập đoàn đạt 260 tỉ USD. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Giám đốc điều hành toàn cầu Forbes lần thứ 20 (20th Forbes Global CEO Conference 2022), được tổ chức tại Singapore, từ ngày 26-27.9, Adani đã chia sẻ tầm nhìn về mức tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cũng như vai trò ngày càng lớn của quốc gia này trong nền kinh tế toàn cầu.

Tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani tại Hội nghị Giám đốc điều hành toàn cầu Forbes lần thứ 20, được tổ chức tại Singapore, từ ngày 26 đến 27 tháng 9. Ảnh: Forbes

Xin chào quý vị !

Thật vinh dự khi tham gia Hội nghị Forbes Global CEO lần thứ 20. Tôi rất vui khi quay trở lại tham dự hội nghị trực tiếp sau ba năm ngắt quãng. Những cuộc họp trực tuyến qua Zoom, Google Hangouts, hay Microsoft Teams làm cho tôi cảm thấy giống như mình mãi mãi lơ lửng trên nền tảng đám mây. Không có gì làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc hơn khi chúng ta quay trở lại để gặp nhau ở đây cũng như tôi có thể thật sự đứng nói chuyện gần gũi với các vị trong bữa trưa hôm nay.

Tất cả chúng ta đều nhận thấy thế giới trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế khác thường trong vài thập niên qua. Trong bối cảnh này, chủ đề hội nghị “Con đường phía trước” – The Way Forward – rất hấp dẫn. Do góc nhìn giữa bạn và tôi khác nhau nên quan điểm về “Con đường phía trước” có thể không còn giống nhau nữa. Theo quan điểm của tôi, quá trình toàn cầu hóa đang bước vào giai đoạn bước ngoặt quan trọng. Quá trình này đang diễn ra với những nét khác biệt hết sức lớn so với các giai đoạn trước mà chúng ta quen thuộc trong một thế giới đơn cực. Nhiều người trong chúng ta – bao gồm cả tôi – đã tham gia vào mô hình kinh doanh phát triển kinh tế- xã hội của Thomas Friedman đều cho rằng, “Thế giới phẳng.” Chúng ta đã bắt đầu tin cuộc cách mạng kỹ thuật số phá bỏ mọi biên giới. Chúng ta chấp nhận là giảm điều tiết thị trường cùng với hội nhập kinh tế mở ra một kỷ nguyên phát triển vũ bão với nền kinh tế phát triển không giới hạn. Đây dường như là những ý tóm lược hợp lý về sự tăng trưởng không biên giới lẫn không giới hạn.

Ai có thể tưởng tượng rằng thế giới của chúng ta sẽ thay đổi chỉ trong 36 tháng? Mức độ phức tạp chưa từng xảy ra nay diễn ra do nghịch lý giữa nhu cầu tăng và nguồn cung giảm, dẫn đến mức lạm phát chưa từng có trong 40 năm qua. Nhiều ngân hàng liên bang đang thực hiện những việc không tưởng – tăng lãi suất đến mức có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Đó là thực tế không thể tưởng tượng được hiện nay.

Thêm vào đó, một cuộc chiến gây ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới, ngày càng đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, và lạm phát sắp tới, đẩy chúng ta rơi vào những hoàn cảnh mới. Và vẫn cần thêm giải pháp giải quyết những vấn đề này. Chính điều đó buộc các nước phải bố trí lại hệ sinh thái quốc gia. Chúng ta đang chứng kiến điều này thông qua động thái NATO xem xét phê chuẩn bổ sung các thành viên mới, hiệp định Abraham ở Tây Á ra đời, một Trung Á đã và đang bị cuốn vào cuộc cạnh tranh quyền lực. Chúng ta phải nhận ra hiện chúng ta đang chứng kiến một cục diện địa chính trị mới khi chuyển đổi sang một thế giới đa cực. Những gì tôi thấy ở phía trước là các nguyên tắc mới được thiết lập cho quá trình hội nhập quốc tế dựa vào khả năng tự lực cao hơn, giảm rủi ro chuỗi cung ứng và chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ hơn. Một số người gọi đây là “làn sóng phi toàn cầu hóa đang gia tăng.”

Do đó, câu hỏi đặt ra là – điều này sẽ ảnh hưởng đến Ấn Độ như thế nào? Theo quan điểm của tôi, sự hỗn loạn toàn cầu lại mang đến cho Ấn Độ nhiều cơ hội. Điều đó giúp Ấn Độ trở thành một trong số ít những điểm tương đối tươi sáng từ góc độ chính trị, địa chiến lược và thị trường. Thuật ngữ “tương đối” rất quan trọng vì tình thế ở châu Âu ngày càng khó khăn hơn. Xung đột vũ trang đang diễn ra đã ngày càng tạo ra nhiều điểm yếu trong cấu trúc anh ninh khu vực châu Âu. Làm sao để các nước thành viên EU theo đuổi khát vọng mà vẫn giữ được tính đoàn kết. Đó là một việc không bao giờ dễ thực hiện. Nền kinh tế Vương quốc Anh tiếp tục suy giảm sau Brexit và đất nước này đang cố gắng giải quyết một loạt thách thức kinh tế mới.

Bên cạnh đó, tôi dự đoán Trung Quốc – quốc gia vốn cổ xúy mạnh mẽ xu hướng toàn cầu hóa- sẽ ngày càng cảm thấy bị cô lập. Chủ nghĩa dân tộc gia tăng, giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng và hạn chế công nghệ sẽ gây ra tác động. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc được xem như là một minh chứng cho tham vọng toàn cầu của quốc gia này, nhưng gần đây nhiều quốc gia đưa ra những động thái không ủng hộ sáng kiến đó, mang đến nhiều thách thức cho Trung Quốc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, thị trường nhà ở cũng như tín dụng đang gặp rủi ro cao như những gì đã từng xảy ra đối với nền kinh tế Nhật Bản trong “thập kỷ mất mát” của những năm 1990. Mặc dù tôi vẫn kỳ vọng tất cả nền kinh tế này sẽ điều chỉnh lại theo thời gian – và phục hồi trở lại – nhưng có vẻ khó thực hiện hơn nhiều trong lần này.

Bây giờ, nói về Ấn Độ – trước tiên tôi thừa nhận chúng tôi còn lâu mới hoàn hảo. Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định bản chất của nền dân chủ của Ấn Độ nằm ở sự không hoàn hảo đó. Chính sự không hoàn hảo đó giúp nền dân chủ thịnh vượng và nhộn nhịp. Chỉ tự do mới có thể tạo ra sự nhộn nhịp – để có thể nhìn thấy những điểm không hoàn hảo. Quản lý quá chặt sẽ phá hủy khả năng độc đáo của Ấn Độ trong việc thể hiện sự đa dạng của mình. Thực tế là Ấn Độ vừa trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Ấn Độ đang trên con đường phát triển thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng thực sự của Ấn Độ chỉ mới bắt đầu – sau 75 năm độc lập- hướng đến 100 năm độc lập. Đất nước chúng tôi gọi thời kỳ này là – Amrit Kaal. Có nghĩa đây là giai đoạn hoàn hảo để bắt đầu một tương lai tốt đẹp hơn.

Bây giờ hãy để tôi nói về triển vọng trong 25 năm tới. Trong giai đoạn này, Ấn Độ sẽ trở thành một quốc gia có tỉ lệ người biết chữ 100%. Ấn Độ cũng sẽ không còn đói nghèo, trước năm 2050. Độ tuổi trung vị ở Ấn Độ sẽ chỉ là 38 vào năm 2050 và là quốc gia sẽ có tầng lớp trung lưu lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. Ấn Độ sẽ thu hút mức đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất với quy mô tiêu dùng tuyệt đối đạt 1,6 tỉ người. Chúng tôi sẽ trở thành quốc gia phát triển từ nền kinh tế 3 ngàn tỉ USD lên nền kinh tế 30 ngàn tỉ USD, có giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 45 ngàn tỉ USD, và sẽ cực kỳ tự tin về vị thế của mình trên thế giới.

Điểm nhanh một số xu hướng tăng trưởng. Sau khi giành độc lập, Ấn Độ đã mất gần 58 năm để đạt được mốc GDP 1.000 tỉ USD. Nhưng chỉ mất 12 năm sau đó, Ấn Độ đã đạt được mức tăng trưởng này. Đến nay, thời điểm đạt mức GDP 1.000 tỉ USD giảm xuống chỉ còn 5 năm. Mức tăng trưởng này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa khi cuộc cách mạng kỹ thuật số làm chuyển đổi mọi hoạt động trên khắp đất nước. Chúng tôi đã chứng kiến ​​điều này. Vào năm 2021, cứ 9 ngày, Ấn Độ lại có thêm một kỳ lân và thực hiện số lượng giao dịch tài chính theo thời gian thực lớn nhất trên toàn cầu – con số đáng kinh ngạc 48 tỉ USD. Con số này cao hơn 3 lần so với Trung Quốc và gấp 6 lần so với Hoa Kỳ, Canada, Pháp và Đức cộng lại.

Tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani phát biểu tại Forbes Global CEO Conference ngày 27.9.2022.

Cho dù có nhiều doanh nhân không thành công nhưng tinh thần học hỏi tuyệt đối cũng như động lực của tuổi trẻ sẽ giúp tạo ra thêm nhiều kỳ lân cho đất nước. Cứ mỗi kỳ lân tăng trưởng, chúng tôi sẽ chứng kiến sự ra đời của hàng chục kỳ lân siêu nhỏ. Trên thực tế, Ấn Độ trở thành điểm đến thu hút nhiều ý tưởng sáng tạo mới nhất trên thế giới. Trong 760 quận ở Ấn Độ, hơn 670 quận có ít nhất một công ty khởi nghiệp. Một chiếc điện thoại thông minh và dữ liệu rẻ tiền – cùng với khát vọng – tạo nên sự kết hợp mạnh mẽ nhất để chuyển đổi đất nước. Hành trình tăng trưởng của Ấn Độ dựa vào kỹ thuật số chỉ mới bắt đầu.

Mặc dù hành trình tăng trưởng này cho đến nay được thúc đẩy nhiều từ những khoản đầu tư trong nước nhưng chúng tôi nhận ra nền kinh tế không chỉ cần đầu tư trong nước mà còn cần thêm nhiều khoản đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, Ấn Độ ghi nhận dòng vốn FDI hằng năm cao nhất 85 tỉ USD. Trong năm nay, dòng vốn dự kiến sẽ vượt qua 100 tỉ USD – từ đó đạt mức kỷ lục mới. Thật ra, dòng vốn FDI của Ấn Độ tăng hơn 20 lần kể từ năm 2000. Đây là tín hiệu tốt cho thấy niềm tin toàn cầu vào Ấn Độ ngày càng tăng. Tôi kỳ vọng dòng vốn FDI vào Ấn Độ sẽ tăng cao hơn nữa, trên 500 tỉ USD trong 15 năm tới – đưa Ấn Độ trở thành điểm đến phát triển nhanh nhất thế giới về FDI.

Niềm tin này cũng giúp các công ty mở rộng hoạt động. Tập đoàn Adani là một điển hình được hưởng lợi khi vị thế của Ấn Độ trên thế giới đang gia tăng. Để tôi cho quý vị biết những lĩnh vực chính- cả trong và bên ngoài Ấn Độ- mà tập đoàn đang có những định hướng chiến lược muốn đầu tư vào. Lĩnh vực đứng đầu là Chuyển đổi năng lượng – tiếp theo Chuyển đổi kỹ thuật số.

Ở cấp độ chiến lược Tập đoàn, chúng tôi sẽ đầu tư hơn 100 tỉ USD vào 10 năm tới. Chúng tôi dành 70% khoản đầu tư này cho lĩnh vực Chuyển đổi Năng lượng. Chúng tôi đã trở thành công ty đầu tư lớn nhất vào năng lượng mặt trời trên thế giới và, dự định sẽ tăng thêm. Trong lĩnh vực này, chúng tôi đầu tư thông qua Adani New Industries. Chúng tôi cam kết đầu tư 70 tỉ USD vào chuỗi giá trị tích hợp hydro xanh.

Do đó, ngoài danh mục đầu tư năng lượng tái tạo 20 GW hiện hữu, những nhà máy mới sẽ sản xuất thêm 45 GW điện tái tạo hỗn hợp trải rộng trên 100.000 ha đất – lớn gấp 1,4 lần so với Singapore. Thông qua đó, công ty sẽ sản xuất ra ba triệu tấn hydro xanh. Công ty sẽ xây dựng 3 nhà máy lớn ở Ấn Độ. Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị sản xuất quang điện từ silicon 10 GW sẽ được tích hợp ngược từ silicon thô sang các tấm pin mặt trời, cơ sở sản xuất tuabin gió tích hợp 10 GW và nhà máy điện phân hydro 5 GW. Hiện tại, chúng tôi có thể tự tin tuyên bố đang có tầm nhìn phát triển trở thành một trong những nhà sản xuất electron xanh giá rẻ nhất – và sau đó sẽ là nhà sản xuất hydro xanh giá rẻ nhất. Điều này hoàn toàn tạo ra bước ngoặc thay đổi đối với Ấn Độ và có thể sẽ trở thành một quốc gia xuất khẩu năng lượng ròng trong một ngày nào đó.

Tuy nhiên, trong khi chúng tôi thực hiện hành trình chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng độc đáo này, chúng tôi cũng phải đảm bảo mục tiêu đó hoàn toàn phù hợp với nhu cầu quốc gia. Nhiều tổ chức chỉ trích muốn chúng tôi phải loại bỏ ngay lập tức tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch Ấn Độ cần để phục vụ dân số lớn của mình. Ấn Độ không thể làm được điều này. Thậm chí hiện nay, Ấn Độ với 16% dân số thế giới phát thải lượng khí CO2 chiếm gần 7% và tỉ lệ này đang tiếp tục giảm. Do đó, hãy để tôi nhắc lại những gì chính ông Steve Forbes đã nói cách đây vài ngày. Trích dẫn – “Thật ngạc nhiên, chẳng có ai chịu tìm hiểu cặn kẽ để biết được cần phải có những gì nếu muốn thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng thay thế. Họ cũng không tính đến điều gì sẽ xảy ra nếu mặt trời không chiếu sáng hoặc gió không thổi.” Không ai nói về thực tế hay hơn ông ấy.

Tham vọng đầu tư vào lĩnh vực Chuyển đổi kỹ thuật số cũng là để tận dụng lợi ích mang lại từ quá trình chuyển đổi năng lượng trên. Thị trường Trung tâm Dữ liệu Ấn Độ đang chứng kiến sự bùng nổ kỹ thuật số. Lĩnh vực này tiêu thụ nhiều năng lượng hơn bất kỳ ngành nào khác trên thế giới và vì vậy, động thái xây dựng các trung tâm dữ liệu xanh của chúng tôi là một yếu tố khác biệt để thay đổi cuộc chơi. Chúng tôi sẽ kết nối các trung tâm dữ liệu này với nhau thông qua một loạt cáp dưới biển liên kết đất liền và toàn cầu được kéo tại các cảng thuộc tập đoàn cũng như xây dựng các siêu ứng dụng trên một nền tảng để đáp ứng nhu cầu của hàng trăm triệu người tiêu dùng B2C của Adani. Sau khi hoàn tất, lợi nhuận thu về sẽ cao. Chúng tôi cũng vừa hoàn thành xây dựng đám mây bền vững lớn nhất thế giới phục vụ cho hàng trăm trang web năng lượng mặt trời lẫn gió. Đó là một trung tâm điều khiển cũng như chỉ huy khổng lồ độc nhất sẽ sớm được tăng cường nhờ vào phòng thí nghiệm A-I toàn cầu. Đây chỉ là một vài trong số các hoạt động phụ trợ đang được thực hiện tại các doanh nghiệp kỹ thuật số của chúng tôi.

Mặc dù tôi chỉ chia sẻ thông tin về các doanh nghiệp tái tạo và kỹ thuật số của Adani nhưng Adani Group còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực để hỗ trợ nhau tạo thành một mạng lưới khổng lồ. Mô hình kinh doanh phụ trợ nhau chính là yếu tố then chốt trong định hướng chiến lược của chúng tôi. Hãy để tôi nói rõ hơn.

• Chúng tôi là nhà khai thác sân bay lớn nhất cả nước với 25% lưu lượng hành khách và 40% hàng hóa vận chuyển.

• Chúng tôi là công ty Cảng và Logistics lớn nhất ở Ấn Độ với 30% thị phần quốc gia.

• Chúng tôi là công ty năng lượng tích hợp lớn nhất của Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện, kho chứa khí LNG và LPG, phân phối khí đốt.

• Chúng tôi là công ty FMCG có giá trị cao nhất sau khi Adani Wilmar phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

• Chúng tôi tuyên bố con đường tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực mới bao gồm trung tâm dữ liệu, siêu ứng dụng, đám mây công nghiệp, hàng không vũ trụ và quốc phòng, kim loại và hóa dầu.

• Chúng tôi là nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai của đất nước.

• Vốn hóa thị trường của chúng tôi đạt 260 tỉ USD – tăng nhanh hơn các công ty khác ở Ấn Độ.

Điểm tôi muốn nói là – Ấn Độ có nhiều cơ hội khó tin. Ấn Độ chỉ mới bắt đầu tăng trưởng. Đây là cơ hội tốt nhất để các công ty đón nhận sự hồi sinh kinh tế của Ấn Độ và thời cơ thuận lợi hết sức bất ngờ trong nhiều thập niên mà nền dân chủ trẻ trung cũng như lớn nhất thế giới mang lại. Ấn Độ sẽ thể hiện tầm ảnh hưởng rõ ràng nhất đối với thế giới trong 30 năm tới.

Hãy để tôi kết thúc bài trình bày khi nói những quan điểm tôi đưa ra xuất phát từ góc nhìn của một người lạc quan. Chính sự lạc quan này là cơn gió giúp căng những cánh buồm của tôi phát triển thành những công ty có giá trị nhất ở Ấn Độ. Điều đó càng làm cho tôi tin vào câu chuyện tăng trưởng của Ấn Độ. Người Ấn Độ tin màu xanh da trời là biểu tượng của sự vô hạn.

Một nền dân chủ khi đến thời điểm sẽ không thể bị ngăn chặn, và thời của Ấn Độ đang đến. Tôi chân thành tin đây chỉ có thể là một tin tốt cho trật tự toàn cầu – Ấn Độ là ví dụ điển hình thành công thực hiện dân chủ về kinh tế.

Những gì chúng tôi làm trong thời gian ngắn hạn sẽ giống như một cuộc chạy marathon. Những gì chúng tôi đạt được trong thời gian dài hạn sẽ giống như một cuộc chạy nước rút. Đúng vậy – biển sẽ có nhiều sóng gió – nhưng người lạc quan như tôi thích sự hỗn loạn vì tình trạng đó sẽ đưa chúng tôi tiến lên tầm cao hơn so với sự tĩnh lặng sẽ kéo chúng tôi xuống vị trí bình thường.

Tôi mời bạn đặt cược vào Ấn Độ để tận dụng khát vọng cũng như tiềm năng của đất nước.

Cảm ơn quý vị đã lắng nghe.