Lối sống

Người giàu mạnh tay chi tiền cho nghệ thuật nửa đầu năm 2021

Chi tiêu của giới nhà giàu vào nghệ thuật đã tăng 42% nửa đầu năm nay nhờ cơn sốt mua các tác phẩm nghệ thuật NFT của thế hệ Millennials.

Share
this:

Giới nhà giàu hiện đang tích cực mở hầu bao cho các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ. Sáu tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận chi tiêu trung bình mỗi người đạt 242.000 USD, tăng 42% so với năm 2020. Lực đẩy cho con số tăng trưởng này xuất phát từ các nhà sưu tập thuộc thế hệ Millennials, với mức chi trung bình 378.000 USD, theo thống kê mới nhất từ UBS và Art Economics.

Không những tăng gấp đôi tiền chi so với thời điểm trước dịch 2019, thị hiếu của Millennials có sự chuyển hướng sang các tác phẩm nghệ thuật số: 12% doanh số thị trường nửa đầu năm 2021 đến từ các tác phẩm số, trong đó gồm NFT, phim và video.

Tháng ba vừa qua, Beeple (tên thật Mike Winkelmann) đã khiến giới nghệ thuật sửng sốt khi bán tác phẩm NFT Everydays: the First 5000 Days (Mỗi ngày: 5000 ngày đầu tiên) với giá 69,3 triệu USD. Kể từ đó cơn sốt mua NFT ở thế hệ Millennials xuất hiện. Nhiều tác phẩm mở bán với số lượng giới hạn và nhanh chóng hết sạch trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục.

Doanh số các tác phẩm NFT trên nền tảng Ethereum đã tăng vọt từ 65 triệu USD trong 2020 lên đến 1,2 tỉ USD chỉ trong nửa đầu năm 2021. Theo sàn đấu giá Christie’s, người mua NFT trung bình thuộc độ tuổi 38 và 75% là người mới bước chân vào thị trường.

“Họ đánh giá cao thế giới ảo hơn thế giới thật. Họ xem việc sở hữu một bức ảnh số mang lại nhiều giá trị hơn một bức tranh thật treo trên tường,” theo Sacha Jafri, người đang nắm giữ kỷ lục nghệ sĩ còn sống có tác phẩm có giá bán cao thứ tư trên thị trường. Gần đây ông cũng mở rộng loại hình sáng tác sang NFT.

Kết quả khảo sát từ UBS và Art Economics với các nhà sưu tập thuộc thế hệ Millennials có tổng tài sản trên 1 triệu USD cho thấy 47% trong số họ sẽ chọn nghệ thuật số trong 12 tháng tới.

Thị trường cũng nhanh chóng chuyển hướng để bắt kịp xu hướng trên. Các sàn giao dịch NFT cũng khiến mô hình triển lãm truyền thống gặp nhiều khó khăn, dù hầu hết các tác phẩm nghệ thuật hiện được chuyển sang bán trực tuyến. Tại châu Âu, nhiều nhà môi giới nghệ thuật đang rất khổ sở khi doanh số trung bình sụt giảm 7% trong nửa đầu 2021.

Phác thảo Head of a Bear của Leonardo da Vinci được Christie’s bán với giá 12 triệu USD (8,8 triệu bảng Anh) vào tháng bảy. ẢNH: AFP, GETTY IMAGES

Tuy nhiên, theo nhà sáng lập Clare McAndrew của Arts Economics, NFT sinh ra không nhằm mục đích giết chết triển lãm truyền thống. “Khi càng có nhiều tác phẩm được bán trực tuyến, NFT càng thể hiện rõ vai trò chủ đạo trong việc nâng cao giá trị và đóng góp của nghệ sĩ.”

Ví dụ điển hình là Christie’s khi sàn giao dịch này đã tạo được chỗ đứng trên thị trường NFT, đạt doanh số NFT 93,2 triệu USD chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021.

NFT hiện tại rất thịnh hành nhưng cũng rất biến động với nhiều mức định giá khác nhau, khiến người mua khó đưa ra quyết định đúng đắn. Vì vậy các nhà môi giới có kiến thức chuyên môn có thể góp vai trò định hướng cho mảng thị trường mới này.

Khi các hội chợ nghệ thuật, các phòng triển lãm cũng như các phiên đấu giá hoạt động trở lại, nhiều khả năng NFT và thị trường số phải chịu lép vế trước các tác phẩm hữu hình do nhu cầu đã tích tụ từ trước đó. Hơn nữa, ngoại trừ trường hợp Beeple, tác phẩm số và NFT không mang lại giá trị cao như tác phẩm hữu hình.

Theo khảo sát của UBS và Art Basel về nhu cầu chi tiêu cho nghệ thuật trong sáu tháng cuối năm 2021, 70% người được phỏng vấn cho biết sẽ tìm đến các tác phẩm hội họa, tiếp theo là các tác phẩm điêu khắc, in ấn và tác phẩm trên giấy.

Năm ngoái, do tình hình đại dịch căng thẳng, nhiều sàn đấu giá chuyển sang hoạt động trực tuyến với các tác phẩm giá trị thấp, giữ lại “át chủ bài” cho các phiên trực tiếp sau này. Nhiều người bán cũng tạm lánh khỏi thị trường vì nhận thấy đấu giá trực tuyến chỉ thu hút một phần nhỏ người tham gia, trong khi giá bán sẽ cao hơn tại những phiên đấu giá trực tiếp.

Gần đây, một số phiên trực tiếp vừa mở lại đã ghi nhận doanh số ấn tượng. Tác phẩm đầu tiên phá vỡ kỷ lục 100 triệu USD trong hai năm qua là Femme assise près d’une fenêtre (Người phụ nữ ngồi bên cửa sổ) của danh họa Pablo Picasso, được bán với giá 103,4 triệu USD trong phiên đấu giá trực tiếp của Christie’s tại New York. Tiếp theo là bản phác họa Head of a Bear (Đầu gấu) của danh họa Leonardo da Vinci được bán với giá 12 triệu USD (8,8 triệu bảng Anh) hồi tháng bảy.

Những con số này chứng tỏ thị trường đang nhanh chóng lấy lại cao trào trước dịch. Tuy nhiên lần này sẽ có nhiều khác biệt: thế hệ Millennials chiếm đa số trên thị trường, và NFT có thể sẽ không biến mất.

Biên dịch: Thiên Tứ