Lối sống

Nhà đấu giá Christie’s: “Có mối quan tâm lớn về sưu tập nghệ thuật ở Việt Nam”

Bà Prapavadee Sophonpanich, giám đốc phụ trách thị trường Thái Lan và Việt Nam của nhà đấu giá Christie’s nhận định về xu hướng thị trường giao dịch tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam.

Share
this:

Tại Việt Nam đang dần xuất hiện các nhà sưu tập nghệ thuật sở hữu các bộ sưu tập chất lượng. Họ mua các tác phẩm từ nhiều nguồn trên thế giới, thông qua giao dịch trực tiếp với gallery, nhà sưu tập khác, hoặc thông qua nhà đấu giá. Forbes Việt Nam vừa có cuộc phỏng vấn với bà Prapavadee Sophonpanich, giám đốc phụ trách thị trường Thái Lan và Việt Nam của Christie’s, nhà đấu giá hàng đầu thế giới, xung quanh những chuyển động đáng quan tâm của thị trường, cũng như quan sát của Christie’s về các khách hàng từ Việt Nam.

Bà nhận xét thế nào về sự có mặt của các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam tại nhà đấu giá Christie’s?

Bà Prapavadee Sophonpanich: Theo quan sát của tôi tại thị trường Việt Nam 5 năm qua, các tác phẩm liên quan tới Việt Nam được đấu giá tại Christie’s chủ yếu là tranh nghệ thuật. Dòng tranh nghệ thuật phát triển tốt trong 2-3 gần đây, trở thành mảng kinh doanh quan trọng nhất với Christie’s, nhưng chúng tôi đang tập trung mở rộng nhiều thể loại hơn. 

Mối quan tâm tìm kiếm tác phẩm nghệ thuật Việt Nam thời gian qua tăng nhanh. Chúng tôi rất may mắn được tham gia vào giao dịch của một số bộ sưu tập thú vị.  Nhiều tác phẩm của Việt Nam đã được các nhà sưu tập quốc tế từ châu Âu, Mỹ sở hữu và thời gian qua họ bán đi thông qua các sàn đấu giá nhiều hơn, các nhà sưu tập Việt Nam cũng tìm cách sở hữu những tác phẩm này.

Một số tác phẩm của nghệ sĩ Việt tại đợt đấu giá mùa thu 2022 của Christie’s từ 25.11 đến 3.12.2022.
Ảnh: Khổng Loan

Tại Christie’s, giá trị giao dịch từ các tác phẩm nghệ thuật Việt chiếm tỷ lệ như thế nào?

– Theo dữ liệu chúng tôi có được, lần đầu tiên Christie’s giao dịch một tác phẩm nghệ thuật Việt Nam vào tháng 3.1999, tác phẩm Harmonite Verte: Les deux soeurs, c.1938, của Lê Phổ (1907-2001). Đây cũng là lần đầu tiên đánh dấu một tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam được in trên trên bìa của catalogue. Bức tranh với màu nhẹ trên lụa, kết hợp truyền thống Á – Âu được bán với giá 74.750 đô la Singapore.

Nhà sưu tập Việt Nam mua nghệ thuật ở khắp nơi chứ không chỉ châu Á. Giá trị mua vào của họ trong nửa đầu năm 2022 tăng gấp đôi so với nửa đầu 2021. Đây là tín hiệu đáng khích lệ. Tính về giá trị mua vào thì Việt Nam chiếm khoảng 5% ở Đông Nam Á. Phiên đấu giá của Christie’s tại Hong Kong vào mùa thu năm nay có tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy từ thời Đông Dương, như Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, là những tên tuổi được nhiều người sưu tập từ Việt Nam quan tâm. 

Có nhiều sự quan ngại về tính nguyên tác của nhiều tác phẩm nghệ thuật thời Đông Dương được đấu giá, quan điểm của Christie’s như thế nào? 

– Khi tôi bắt đầu kết nối nhiều hơn với thị trường Việt Nam, đây đúng là vấn đề quan ngại của các nhà sưu tập. Ngay ở nội địa, Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm giả, nhái, ở các thị trường nghệ thuật Thái Lan hay Indonesia cũng gặp những vấn đề tương tự. 

Bà Prapavadee Sophonpanich, giám đốc phụ trách thị trường Thái Lan và Việt Nam của nhà đấu giá Christie’s.

Chúng tôi có đội ngũ những nhà chuyên môn tập trung vào đánh giá lai lịch và tính nguyên bản của tác phẩm, xem xét về chất liệu, tính chất, chủ đề tác phẩm, khung tranh. Với tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được bán từ nước ngoài chúng tôi khá thận trọng. Với tác phẩm từ Việt Nam, chúng tôi sẽ xem xét tác phẩm đã được đấu giá trước đó chưa, đây là cách kiểm tra kỹ lưỡng về nguyên bản.

Song song đó Christie’s đẩy mạnh các bước kiểm tra định danh khách hàng (KYC). Quy trình kiểm tra này hiện được thắt chặt hơn, những người đã có vấn đề trong lịch sử giao dịch sẽ không thể tham gia đấu giá.

Tại Christie’s, chúng tôi có chính sách là trong vòng 5 năm, nếu nhà sưu tập chứng minh vì bất kỳ lý do nào đó, tác phẩm không đúng như tuyên bố của bên bán, họ có thể trả tác phẩm.

Trong quá khứ Christie’s đã gặp những vụ bê bối liên quan tới tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam từ chuyên gia tư vấn, hướng giải quyết của Christie’s thế nào?

– Chúng tôi biết những tranh cãi liên quan tới các chuyên gia của chúng tôi. Bên cạnh việc nhận ý kiến tư vấn từ các chuyên gia đó, chúng tôi còn có đội ngũ nội bộ ở Singapore, Hong Kong. Chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các chuyên gia nội địa. Dù mới tập trung vào thị trường Việt Nam gần đây, nhưng trước đó tôi đã có dịp đến Việt Nam và hiểu rằng những vấn đề giả mạo tác phẩm rất nhạy cảm. Do đó, chúng tôi rất cẩn trọng. Ví dụ khi có những tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái tham gia đấu giá, chúng tôi phải kiểm tra cẩn trọng gấp nhiều lần và chỉ đồng ý đấu giá khi cảm thấy rất tự tin về lai lịch tác phẩm.

Nhờ những giao dịch ngày càng sôi nổi, người Việt Nam có cơ hội được tiếp cận tác phẩm của các bậc thầy mà trước đây họ chỉ nghe nhưng chưa có dịp thưởng lãm. Christie’s có kế hoạch kết nối với thị trường Việt Nam như thế nào?

– Chúng tôi vừa có buổi trưng bày nghệ thuật Việt Nam tại London trong khuôn khổ tuần lễ Vietnam Week, thuộc bộ sưu tập của khách hàng chúng tôi. Đó là một cách khác để chúng tôi quảng bá nghệ thuật Việt Nam ở thị trường quốc tế.

Tác phẩm của Mai Trung Thứ tại đợt đấu giá mùa thu 2022 của Christie’s từ 25.11 đến 3.12.2022.
Ảnh: Khổng Loan

Các nhà sưu tập đang hợp tác với Christie’s về nghệ thuật Việt Nam có nhiều nhóm khách hàng. Có gia đình, có nhà sưu tập tư nhân. Tôi nhận thấy những mối quan tâm lớn về sưu tập nghệ thuật đang diễn ra tại Việt Nam vì vậy tôi nghĩ có nhiều cơ hội phát triển. Điều tôi thích thú là thế hệ sưu tầm thứ hai là người rất có trình độ kiến thức. Họ tiếp nhận kiến thức từ thế hệ trước và thế hệ này được đào tạo nghệ thuật ở Mỹ, châu Âu, họ trở lại giúp cha mẹ mình sưu tập tốt hơn.

Khi mua qua nhà đấu giá, nhiều nhà sưu tập thường kỳ vọng đây là khoản đầu tư sinh lời, chị nghĩ thế nào?

Đúng là ai cũng hi vọng sinh lời, nhưng cũng như đầu tư chứng khoán hay bất kỳ loại hình nào, chúng ta không thể chắc chắn được. Nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cá nhân, bạn đầu tư vì bạn nghĩ xứng đáng để đầu tư. Tôi nghĩ các nhà sưu tập Việt Nam đang ngày càng hiểu hơn về hành trình này. Họ có thẩm mỹ, có tư duy riêng. 

Với những nhà sưu tập muốn bán tác phẩm qua Christie’s, họ có thể bắt đầu thế nào?

– Theo quy trình bình thường, nhà sưu tập liên lạc với chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh giá tác phẩm, hầu hết là miễn phí và hồi đáp trong khoảng 48 tiếng. Nếu tác phẩm không phù hợp để đấu giá hoặc thị trường có thể không quan tâm nhiều, chúng tôi báo họ biết ngay. Chúng tôi cũng tư vấn xem nghệ sĩ và tác phẩm đó có phù hợp để đưa ra thị trường thời điểm này không. 

Bộ xương khủng long Tyrannosaurus rex được Christie’s trưng bày ở Singapore cho công chúng xem, nhưng không được đấu giá vào ngày 30.11 ở Hong Kong. Các tác phẩm nghệ thuật và hàng xa xỉ từ thế kỷ 20 đến 21 sẽ được đấu giá tại Hong Kong Convention and Exhibition Centre. Ảnh: Christie’s

Thái Lan và Indonesia có kinh nghiệm xây dựng nền tảng các nhà sưu tập trong nước, là bệ đỡ để các tác phẩm nghệ thuật được sưu tập, chuyền tay và góp phần tăng giá trị thương mại cho tác phẩm. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm từ Thái Lan? 

– Ở Thái Lan trước đây cũng chỉ có vài nhà sưu tập tư nhân với các bộ sưu tập riêng. Sau đó nhóm này mở rộng và thành lập Hiệp hội nhà sưu tập Thái Lan, giao lưu, rồi chúng tôi tổ chức chương trình triển lãm của các nhà sưu tập tại Bangkok Art and Culture Center. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ trao đổi về chuyên môn, gầy dựng cộng đồng, tăng cường hiểu biết về nghệ thuật, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển.

———————————————–

Từ 25.11 đến 3.12, tại Hong Kong diễn ra đợt đấu giá mùa thu 2022 tại Hong Kong Convention and Exhibition Centre. Lần đầu tiên Christie’s mang đến châu Á bộ xương khủng long hóa thạch có xuất xứ từ Mỹ, có tên là Shen the T. rex và trưng bày tại Singapore. Tuy nhiên, bộ xương khủng long này không được đấu giá tại Hong Kong. Các tác phẩm của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ sẽ được đấu giá cùng với các tác phẩm của Joan Mitchell (ảnh trên), Zao Wou-ki, Yoshitomo Nara, Pierre-Auguste Renoir, Georg Baselitz, George Condo, Zeng Fan-zhi và nhóm tác phẩm của Marc Chagall.

————————————————-