Không phải cần rất nhiều tiền các công ty mới có thể thực hiện kinh tế tuần hoàn mà có thể bắt đầu từ những thay đổi thói quen của khách hàng.
Kinh tế tuần hoàn sẽ đóng góp hàng ngàn tỉ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030. Chỉ riêng ở Pháp, nền kinh tế tuần hoàn đã tạo ra hơn 500.000 việc làm; cắt giảm 37% năng lượng tiêu thụ ở châu Âu và 57,2% công ty chuyển đổi tiết kiệm được chi phí…
Bà Trần Thị Hải – cố vấn chiến lược của tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam), chia sẻ dữ liệu tại Diễn đàn Kinh doanh 2022 do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 4.8 tại TP.HCM. “Từ những con số trên, chúng ta không thể phủ nhận được tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai và chúng ta cần bắt đầu một nền kinh tế tuần hoàn ngay từ bây giờ,” bà Hải nói.
Trong vòng một thế kỷ qua, thế giới chứng kiến một kỷ nguyên đại nhảy vọt tuy nhiên phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi trái đất ở trong tình trạng báo động do quá trình phát triển nền kinh tế tuyến tính đẩy mạnh khai thác tài nguyên, sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng khiến lượng xả thải tăng vọt. “Điều cần làm là phải thay đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn – công cụ hữu hiệu cho phát triển bền vững,” bà Hải khuyến cáo.
Nền kinh tế tuần hoàn có tiềm năng tác động trực tiếp tới 7/17 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và còn thúc đẩy nhiều mục tiêu khác. “Việc bắt đầu thực hiện kinh tế tuần hoàn chính là bắt đầu từ sự thay đổi cách nghĩ về sản phẩm và tiến trình sản xuất, từ đó tăng hiệu suất,” theo bà Hải.
Chuyên gia này lý giải thêm, bản chất của việc chuyển từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn chính là hướng đến nền kinh tế không có rác thải. Với sự hỗ trợ của công nghệ, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới cũng giúp giảm thiểu được lượng lớn rác thải do sai sót, sản phẩm lỗi hay hỏng.
“Không phải cần rất nhiều tiền mới có thể làm kinh tế tuần hoàn mà doanh nghiệp có thể bắt đầu từ việc thay đổi thói quen của khách hàng,” bà Hải nói.
Bà phân tích các nhóm ngành có thể sẵn sàng chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn như ngành năng lượng, tiếp theo là ngành xây dựng bởi đây là ngành tốn nhiều nguyên liệu nhất nhưng cũng có nhiều không gian để tiết kiệm.
Nông lâm thủy sản cũng là nhóm ngành quan trọng với Việt Nam và cũng là ngành giúp tái tạo tài nguyên nhanh nhất. Thứ 4 là xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa phải bắt đầu ngay vì tình trạng nhức nhối kéo dài nhiều năm. Cuối cùng là dệt may và ngành liên quan đến nước.
“Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có cách chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn nên chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi, áp dụng,” theo bà Hải.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/kinh-te-tuan-hoan-co-the-giup-57-cong-ty-tiet-kiem-chi-phi)
1 năm trước
Forbes Việt Nam số 119: Nền kinh tế tuần hoàn2 năm trước
Hành trình doanh nghiệp kiến tạo sự thay đổi2 năm trước
DEEP C: Lập chuẩn mực mới cho kinh tế xanh