SkyX Solar tiến những bước chắc chắn trong mảng đầu tư điện mặt trời áp mái nhờ sự hậu thuẫn từ những cổ đông giàu tiềm lực.
Trong văn phòng làm việc mới của SkyX Solar ở tòa nhà CII Tower trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM), CEO Samresh Kumar ngồi giữa bộ bàn làm việc và một tủ hồ sơ lớn màu nâu thẫm. Trên mặt tủ, ngay phía sau lưng ghế, Samresh cho khảm dòng chữ bằng tiếng Anh: “NOW” (hiện tại), như một bức bình phong cỡ lớn. “NOW là phương châm hành động của cá nhân tôi và Công ty SkyX Solar. Đội ngũ của chúng tôi ưu tiên việc trước mắt, chỉ tập trung vào những thứ trong tầm kiểm soát của mình và tránh những viễn kiến ngoài tầm với,” vị CEO của SkyX Solar giải thích trong buổi nói chuyện với Forbes Việt Nam.
Theo ông Samresh, lối tư duy này đặc biệt có ích trong tình thế những quy định về phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn nhiều điểm mờ, tạo ra sự hoang mang bất định cho các nhà đầu tư quốc tế.
Khởi điểm từ một dự án đầu tư của VinaCapital năm 2019, SkyX Solar chỉ mất chừng một năm để chen chân vào tốp 5 nhà đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái phân khúc công nghiệp và thương mại (C&I). Từ năm 2021, VinaCapital nhượng một phần vốn sở hữu SkyX Solar cho chi nhánh năng lượng tái tạo của tập đoàn điện lực Pháp EDF Renewables. Với sự hậu thuẫn của hai cổ đông có nhiều lợi thế về vốn, kỹ thuật và mạng lưới quan hệ sâu rộng, SkyX Solar phát triển vững vàng thông qua các dự án mua bán điện trực tiếp (DPPA) với những khách hàng uy tín.
SkyX Solar có khoảng 40 nhân sự, với phần lớn là các kỹ sư, chuyên gia đảm nhiệm công việc tư vấn kỹ thuật, thẩm định, quản lý dự án, vận hành và quản lý tài sản. Nhóm nhỏ còn lại đảm nhận phát triển kinh doanh, kế toán tài chính và hành chính nhân sự. Công ty có một đội ngũ chuyên gia tài chính nhỏ, chuyên phân tích sức khỏe doanh nghiệp khách hàng trước khi tính đến chuyện hợp tác bán điện trực tiếp.
Sau bốn năm hoạt động, SkyX đã triển khai và vận hành khoảng 50 dự án năng lượng áp mái, với tổng công suất lắp đặt trên 100MW. Hầu hết các khách hàng là doanh nghiệp FDI có dự án dài hạn hoặc các doanh nghiệp lớn trong nước như Minh Phú, An Phát, Mondelez, Sanofi, Tân Á Đại Thành, Eurowindow.
Khi được hỏi về những tiêu chuẩn chọn lựa khách hàng, đối tác, Samresh cho biết SkyX tuân theo chuẩn mực của nhà phát triển năng lượng quốc tế. “Về bản chất, chúng tôi đem tài sản của mình đặt lên mái nhà của người khác, do đó SkyX phải kỹ lưỡng, phải tìm những doanh nghiệp có tài chính vững mạnh và cam kết hoạt động lâu dài. Vì nếu có rủi ro phát sinh thì SkyX chẳng thể đến bê công trình chạy đi đâu được”, Samresh Kumar ví von cách hài hước.
Trong các loại hình kinh doanh năng lượng tái tạo trên thị trường, dịch vụ phát triển năng lượng áp mái thuộc vào nhóm tương đối dễ triển khai về kỹ thuật. Hệ thống tương đối đơn giản, bao gồm hai cấu phần chính là dàn tấm quang năng (pin) đặt trên mái để sản sinh dòng điện một chiều, bộ biến tần trung tâm chuyển hóa thành điện xoay chiều. Bên cạnh đó là các thành phần phụ như hệ thống truyền dẫn, dàn treo cố định hay hệ thống lưu trữ nếu có.
Ưu điểm của hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà là giảm chi phí năng lượng. Ngoài ra, hệ thống không yêu cầu bảo trì nhiều, ngoài định kỳ làm sạch bề mặt các tấm quang năng và kiểm tra chất lượng truyền dẫn. Tuy nhiên, các hệ thống năng lượng mặt trời áp mái cũng có những nhược điểm, phần nhiều gây rủi ro cho nhà cung cấp.
Đầu tiên là giới hạn không gian lắp đặt trên mái nhà gây khó khăn cho việc tối ưu công suất lắp đặt. Hiệu suất của các tấm quang năng cũng suy giảm ít nhất từ 0,5% –3% mỗi năm tùy theo ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh như nhiệt độ, độ ẩm và cường độ tia cực tím. Độ bền của hệ thống lắp đặt trên mái tòa nhà sẽ phụ thuộc nhiều vào chất lượng của chính tòa nhà đó, không loại trừ trường hợp giàn quang năng áp mái có thể gây ra dột, thấm hoặc bị chuột bọ phá hoại.
Cuối cùng, tuy hy hữu, nhưng nhà xưởng vẫn có nguy cơ cháy nổ, sập đổ, gây mất mát không thể phục hồi cho hệ thống của nhà cung cấp. Thêm vào đó, hầu hết các đơn vị cung cấp điện mặt trời áp mái đều có chế độ bảo hành từ 20 năm trở lên. Thời gian dài sẽ làm khuếch đại các rủi ro đã nói ở trên trong khi mảng bán điện mặt trời áp mái không phải là ngành kinh doanh có biên lợi nhuận cao.
Để có được hợp đồng với khách hàng, các đơn vị đầu tư năng lượng áp mái C&I đầu tiên phải chào mức giá bán điện thấp hơn giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Phía nhà phát triển còn cần phải trả một phần doanh thu cho ban quản lý khu công nghiệp theo tỉ lệ nhất định, trong trường hợp nhà xưởng của khách hàng nằm trong phạm vi khu công nghiệp và sử dụng hệ thống truyền tải điện nội bộ.
Con số cụ thể sẽ dao động tùy vào khả năng đàm phán của từng công ty và vị trí dự án. Thông thường sản lượng cung cấp điện mặt trời ở các tỉnh phía Bắc không cao, do đó các nhà cung cấp khó lòng chiết khấu nhiều bằng các dự án ở miền Nam nhiều nắng hơn.
Việc phải chi trả cho khu công nghiệp theo tôi cũng là dễ hiểu, vì khi chúng tôi cung cấp điện áp mái thì dĩ nhiên họ bị thất thu phần lợi nhuận từ việc cấp điện độc quyền cho doanh nghiệp thuê hạ tầng,” Samresh thừa nhận. Về phần SkyX Solar, vị CEO gốc Ấn cho biết, công ty có thể chiết khấu cho khách hàng phía Nam trên dưới 20% giá điện do EVN cung cấp.
Ngoài ra, còn có 5–6% doanh thu sẽ được bù cho ban quản lý khu công nghiệp. Các nhà phát triển phải đảm bảo lắp đặt các thiết bị ngăn phát điện ngược lên hệ thống truyền tải nội bộ và chịu trách nhiệm khắc phục nếu xuất hiện những vấn đề làm ảnh hưởng đến đường dây truyền tải.
Đối với các khách hàng phía Bắc, số tiền trả cho khu công nghiệp vẫn giữ nguyên, nhưng mức chiết khấu cho khách hàng chỉ có thể dao động tối đa quanh 10%. Biên lợi nhuận của công ty nhận lại chỉ ở mức rất nhỏ, trong khi thời gian dự án lại dài. Samresh nói thêm: “Chúng tôi không phải là nhà thầu (EPC), chỉ cần xong dự án là nhận tiền, mà phải đảm bảo chất lượng dự án đủ tốt để đồng hành hàng chục năm với khách hàng, nói cách khác, chúng tôi chịu rủi ro lâu dài về vốn”.
Samresh cho biết chính phủ vẫn chưa đề ra quy định rõ ràng về việc liệu khu công nghiệp có thể mua lại điện từ các dự án áp mái để sử dụng trên lưới điện nội bộ hay không, dù công ty sẵn sàng để mức giá thấp. “Tôi nghĩ chỉ cần có khung pháp lý, những công ty như SkyX Solar sẽ giải quyết nhu cầu điện sạch và là nguồn bổ trợ cho nhà máy, kể cả khu công nghiệp khi thiếu hụt điện vào mùa nắng nóng. Khi nguồn đầu tư FDI tiếp tục chuyển dịch về Việt Nam, nhu cầu này sẽ bùng nổ”.
Trong Quy hoạch điện VIII, 2.600MW công suất điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đến năm 2030 đã được phân bổ về các địa phương cũng gây bối rối cho một nhà đầu tư dự án như SkyX. “Sổ sách thì là vậy nhưng trên thực tế có một số địa phương đã lắp đặt thừa chỉ tiêu,” Samresh cho biết. “Và tôi còn chưa rõ liệu điện áp mái không hòa lưới có bị giới hạn bởi công suất đó hay không”.
Kiên nhẫn theo dõi quá trình ban hành quy định liên quan đến điện mặt trời áp mái, Samresh nhận thấy một số chuyển động tích cực và hi vọng sớm thấy kết quả trong thời gian tới. Trước mắt, SkyX Solar sẽ hoàn tất thêm 20–25MW công suất dự án đã ký kết từ những năm trước. Sau đó sẽ là thời gian kiên nhẫn chờ đợi quy định cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái trở nên rõ ràng hơn. Với ông, mục tiêu dài hạn vẫn là phát triển thêm ít nhất 100MW công suất lắp đặt nữa, nhưng tất cả sẽ phải phụ thuộc vào cơ chế.
Nói thêm về nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của các nhà máy FDI, nhà sáng lập SkyX Solar cho biết, công ty đàm phán và chuyển nhượng chứng chỉ năng lượng sạch I-REC cho các khách hàng có nhu cầu. “Trên lý thuyết, công ty cung cấp điện có toàn quyền đối với các chứng chỉ năng lượng sạch như I-REC, tuy nhiên chúng tôi sẵn sàng để lại cho khách hàng, vì SkyX xác định không kinh doanh mảng này”, Samresh nói.
Vóc người cao lớn, tóc để hoa râm, Samresh Kumar ăn vận đơn giản với áo thun đồng phục, để lộ vết xăm lớn bên bắp tay trái. Hình xăm mặt của một chú hổ Bengal nhìn thẳng, không nhe nanh khoe vuốt. “Hổ biểu trưng cho lòng dũng cảm không sợ hãi, một thợ săn biết kiềm chế cảm xúc, mạnh mẽ và vững chãi,” Samresh nói, “Đó cũng là tâm niệm tôi hướng đến mỗi khi đối diện với những thử thách bên ngoài, trong công việc cũng như cuộc sống”.
Lãnh đạo của SkyX Solar là gương mặt quen thuộc của ngành đầu tư tài chính tại Việt Nam, với một bảng thành tích ấn tượng về huy động và quản lý vốn. Ông từng giữ chức giám đốc điều hành khối đầu tư vốn cổ phần của quỹ VinaCapital trong vòng bốn năm. Trách nhiệm chính của ông là lãnh đạo nhóm đầu tư vốn cổ phần và nhóm phát triển nền tảng mới, không phân biệt ngành, giai đoạn và quy mô cho các khoản đầu tư ở Việt Nam. Ông là người khởi xướng nền tảng đầu tư năng lượng tái tạo cho quỹ, là tiền thân khai sinh SkyX Solar sau này, số vốn ban đầu ước tính trên dưới 5 triệu đô la Mỹ.
Trở lại với dự án SkyX Solar, sau năm đầu phát triển thần tốc, Samresh Kumar dẫn dắt thành công vốn đầu tư từ chi nhánh năng lượng tái tạo của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDFR). Tính tới thời điểm hiện tại, EDFR đã sở hữu đa số cổ phần tại SkyX Solar, với con số cụ thể “nhỉnh hơn 50% một chút”, theo tự bạch. Ngoài ra, EDFR cũng cho SkyX vay một khoản nợ trung hạn để đầu tư các dự án mới, được phê duyệt bởi hội đồng quản trị. Giá trị khoản vay cộng với tổng số tiền EDFR bỏ ra để sở hữu cổ phần khoảng 100 triệu đô la Mỹ.
Trở lại với dự án SkyX Solar, sau năm đầu phát triển, Samresh Kumar dẫn dắt thành công vốn đầu tư từ EDPR.Vào cuối năm 2023, truyền thông quốc tế đưa tin từ nguồn nội bộ của VinaCapital rằng quỹ muốn thoái vốn khỏi SkyX Solar.
Với thông tin này, Samresh bình thản: “Nói cho cùng thì SkyX về bản chất là dự án đầu tư của VinaCapital tạo ra, do đó họ muốn bán cổ phần cũng là việc bình thường”. Ông nói thêm: “Điều quan trọng ở đây là dù lợi nhuận mỏng nhưng chúng tôi hoạt động có lãi và theo tôn chỉ lợi ích của hội đồng quản trị. Ngoài ra, chúng tôi có nguồn vốn bổ sung cần thiết cho sự tăng trưởng”.
Nói về sức khỏe tài chính, có thể đây chưa phải là vấn đề lớn nhất của SkyX trong hiện tại, nhưng là một thử thách đối với các công ty tham gia vào ngành này. Năm ngoái, một tên tuổi đến từ nước Anh, từng nằm trong tốp 5 các nhà phát triển điện mặt trời áp mái lớn nhất nước đã gặp vấn đề lớn về dòng tiền, buộc phải sa thải hàng loạt nhân sự và gián đoạn nhiều dự án mới.
Bên cạnh SkyX Solar, chỉ còn lại một vài cái tên với nguồn lực tương đối vững đang tiếp tục phát triển như ACCV, Green Yellow, CME, SP Group. So với đối thủ, Samresh cho rằng SkyX có lợi thế rõ ràng từ hai hậu thuẫn tên tuổi: tập đoàn EDFR và VinaCapital. Thậm chí, ông tự tin, trước nay chỉ thấy nhân tài từ đối thủ chuyển sang đầu quân cho công ty ông, chứ chưa hề thấy chiều ngược lại.
Samresh tự hào: “Chúng tôi là sự kết hợp từ những gì tốt nhất về con người, vốn, kỹ thuật của một công ty quốc tế hàng đầu thế giới cùng với một quỹ địa phương có khả năng tiếp cận mạnh nhất và hiểu biết sâu sắc về các quy định của thị trường”.