Từng là người giàu nhất Trung Quốc và châu Á, hiện nay, ông chủ tập đoàn Evergrande Hứa Gia Ấn đã mất 73% giá trị tài sản vì bê bối nợ.
Hứa Gia Ấn từng sở hữu khối tài sản trị giá 42,5 tỉ USD, giúp ông đứng đầu bảng xếp hạng người giàu trên toàn châu Á. Nhưng 73% số tài sản khổng lồ đó giờ đã bốc hơi và ông có thể mất nhiều hơn nữa khi hàng loạt chủ nợ, nhà cung cấp và người mua nhà bao vây các văn phòng của Evergrande trong tâm trạng hoảng loạn.
Công ty phát triển bất động sản khổng lồ này có số tổng nợ phải trả ngất ngưởng 305 tỉ USD, trong khi chỉ sở hữu 13,4 tỉ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt. Điều này khiến nhiều người tự hỏi làm thế nào một công ty có thể gánh số nợ lớn như vậy.
Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả: Evergrande không chỉ vay từ các ngân hàng, công ty tín thác đầu tư và người mua trái phiếu, mà còn vay từ nhân viên của mình và rất nhiều người khác ngoài xã hội. Theo ước tính của tạp chí tài chính Trung Quốc Caixin, công ty có khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán lên tới 6,2 tỉ USD, trong đó bao gồm các sản phẩm quản lý tài sản được bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Liz, 35 tuổi, làm việc cho chính quyền địa phương ở tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, là một trong số đó. Liz cho biết Evergrande là công ty có tên trong danh sách Fortune Global 500. Cô kể: “Tôi có một người bạn làm việc tại Evergrande và đã dùng tiền riêng của cô ấy để đầu tư 500.000 nhân dân tệ (77.000 USD). Cô ấy bảo tôi rằng cứ yên tâm, không sao đâu.”
Liz yêu cầu chỉ nêu tên tiếng Anh của mình và cho biết cô đã mua các sản phẩm quản lý tài sản trị giá 350.000 nhân dân tệ của Evergrande vào năm ngoái. Cô cũng cung cấp ảnh chụp màn hình cho thấy lợi nhuận hằng năm được hứa hẹn ở mức 7,5%.
Evergrande thuyết phục cô rằng một phần số tiền thu được sẽ được sử dụng để công ty mở rộng sang sản xuất xe hơi điện – một lĩnh vực kinh doanh hiện cũng đang trên bờ vực sụp đổ. Đơn vị sản xuất xe điện của công ty này gần đây đã thông báo về tình trạng “thiếu vốn nghiêm trọng” và cho biết họ đã tạm ngừng thanh toán “một số chi phí hoạt động.”
Liz cho biết cô nhận được 100.000 nhân dân tệ tiền gốc và lãi vào cuối năm ngoái, nhưng phần còn lại thì phải đến tháng một năm sau mới đáo hạn, và cô lo rằng có thể mình sẽ không bao giờ lấy lại được số tiền đó.
Evergrande thừa nhận tình trạng trên, nhưng không có phản hồi gì thêm. Trong khi đó, thông tin từ Reuters cho biết các cơ quan quản lý tài chính ở Thâm Quyến đang điều tra đơn vị quản lý tài sản của Evergrande. Tuy nhiên, một nhân viên tại văn phòng quản lý tài chính của thành phố tiếp nhận cuộc gọi của Forbes đã nói rằng mình không biết về vấn đề này và cũng không biết cơ quan chính phủ nào sẽ giải quyết sự việc của Evergrande. “Chúng tôi đang chờ thông báo thêm,” người này cho biết.
Nguy cơ sụp đổ của Evergrande đang gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà đầu tư không chỉ rút khỏi Evergrande mà còn bán tháo cổ phiếu liên quan đến bất động sản ở Hong Kong do lo lắng về phản ứng dây chuyền, đặc biệt là đối với một nền kinh tế trong đó bất động sản chiếm ít nhất 1/4 GDP.
Liệu ông Hứa Gia Ấn, người hiện có khối tài sản 11,5 tỉ USD, trong đó tám tỉ USD là cổ tức ông nhận được từ Evergrande kể từ khi tập đoàn này IPO vào năm 2009, có bị quy kết trách nhiệm cá nhân cho những khoản thua lỗ khổng lồ phát sinh hay không? Theo Joseph Fan, giáo sư tài chính tại đại học Trung Văn Hong Kong, điều này phụ thuộc vào kết quả nỗ lực dọn dẹp mớ hỗn độn hiện tại của ông.
Công ty niêm yết ở Hong Kong này đã phát hành nhiều trái phiếu mệnh giá đô la Mỹ ra nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư và chủ nợ nước ngoài có khả năng sẽ không phải là ưu tiên cao nhất của Hứa Gia Ấn. Evergrande không đưa ra bất kỳ thông báo công khai nào về việc liệu họ có trả khoản lãi trái phiếu trị giá 83,5 triệu USD đã đáo hạn hôm 23.9 hay không.
Sự im lặng này khiến thị trường càng thêm lo lắng. Các chủ nợ nước ngoài đang chuẩn bị tinh thần chấp nhận khoản lỗ được chuyên gia phân tích Iris Chen của Nomura ước tính có thể lên tới 75%. Evergrande có thời gian ân hạn 30 ngày trước khi chính thức vỡ nợ với trái phiếu đô la Mỹ.
Hứa Gia Ấn có thể phải ưu tiên giải quyết cho 1,5 triệu người đã mua nhà của công ty. Họ đã giao tiền đặt cọc hoặc thanh toán đầy đủ cho những ngôi nhà vẫn đang trong quá trình xây dựng ở khắp Trung Quốc. Những khách hàng ở Quảng Châu do bất mãn đã tổ chức các cuộc biểu tình, yêu cầu Evergrande khởi động lại một dự án bị tạm dừng vào tháng 5.2021. Những đoạn phim về các cuộc biểu tình tương tự đã xuất hiện trên mạng xã hội của Trung Quốc.
Để thực hiện cam kết giảm bất bình đẳng thu nhập của xã hội và đạt đến “sự thịnh vượng chung,” chính quyền Trung Quốc phải cho thấy họ đang bảo vệ lợi ích của những công dân bình thường. Việc đưa ra gói cứu trợ trực tiếp cho Evergrande sẽ mâu thuẫn với mục tiêu của chủ tịch Tập Cận Bình là thắt chặt nguồn đầu tư và siết lại lĩnh vực bất động sản – vốn đã lạm dụng đòn bẩy tài chính trong nhiều năm, khiến nền kinh tế Trung Quốc có tỉ lệ nợ chính thức trên GDP tăng gần 45% trong vòng năm năm qua.
Các nhà chức trách cũng muốn khẳng định không công ty nào, kể cả tập đoàn phát triển bất động sản quan trọng như Evergrande, có thể trở thành một tổ chức quá lớn đến mức không thể sụp đổ.
Các chuyên gia phân tích cho rằng để thực hiện quá trình tái cơ cấu, chính phủ có thể sẽ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ở địa phương hỗ trợ hoàn thiện các khu bất động sản đang xây dở, hoặc các ngân hàng có thể gia hạn các khoản vay và đàm phán lại thời hạn với Evergrande.
Các cơ quan quản lý cho biết đã thắt chặt giám sát các tài khoản ngân hàng của công ty để đảm bảo rằng số tiền còn lại được ưu tiên sử dụng cho việc xây dựng chứ không phải để trả nợ. Zhu Ning, giáo sư tài chính kiêm phó trưởng khoa của học viện Tài chính cao cấp Thượng Hải thuộc đại học Giao thông Thượng Hải, cho biết chính phủ có thể sẽ sớm chính thức công bố giải pháp ngay sau tuần nghỉ lễ Quốc khánh tháng 10.2021.
Vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về việc giải quyết khoản nợ khổng lồ của Evergrande. Zhou Chuanyi, chuyên gia phân tích tín dụng tại công ty Lucror Analytics nhận thấy các doanh nghiệp nhà nước không sẵn sàng tham gia và giải cứu các dự án còn dang dở của Evergrande.
Nguyên nhân một phần là do chất lượng thấp của các dự án (theo hồ sơ hiện nay). Ít nhất một nửa số dự án của Evergrande nằm ở các thành phố cấp ba hoặc cấp bốn của Trung Quốc, hoặc các khu vực tương đối xa, vì thế khó đảm bảo tiềm năng chi trả. Hơn nữa, một loạt các biện pháp gần đây của chính quyền Trung Quốc nhằm hạ nhiệt thị trường nhà ở đang chặn đà tăng giá nhà mới.
“Không có nhiều người muốn mua nhà hoặc đất ở những khu vực cấp ba hoặc cấp bốn. Không thể để công ty nhà nước tiếp quản toàn bộ các dự án bất động sản dang dở của Evergrande, nhưng họ có thể tiếp quản một số dự án,” Zhou cho biết.
Hứa Gia Ấn là người đã thúc đẩy sự bùng nổ bất động sản của Trung Quốc trong nhiều thập niên. Sinh năm 1958 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ông mồ côi mẹ khi chưa đầy một tuổi và được người bà nuôi dưỡng. Thông tin trong phần tiểu sử được nhà xuất bản Taihai ra mắt năm 2017 cho biết khi còn nhỏ, ông phải phụ giúp gia đình bán giấm và củi ở chợ làng và thường xuyên phải ăn khoai tây hồng với bánh bao hấp, vì đó là món ăn duy nhất vào thời điểm đó.
Ông tốt nghiệp đại học Gang thép Vũ Hán năm 1982, làm việc tại nhà máy thép ở đây một thời gian trước khi quyết định đến Thâm Quyến vào năm 1992. Hứa Gia Ấn làm việc cho một công ty thương mại trong năm năm, nhưng cuối cùng dừng chân trong lĩnh vực bất động sản.
Ông thành lập Evergrande năm 1997 tại Quảng Châu. Từ đó, công ty mở rộng nhanh chóng. Gói kích cầu trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ của chính phủ, được thiết kế để thúc đẩy nhu cầu nội bộ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, khiến nguồn vốn trở nên dồi dào. Các nhà phát triển bất động sản thường có thể vay với mức phí thấp, xây dựng căn hộ và thúc đẩy giá đất tăng mạnh.
Theo các nhà phân tích, ông Hứa có lẽ là người quyết liệt nhất trong việc khai thác mọi kênh tài chính, từ trái phiếu, vay ngân hàng đến phát hành các sản phẩm quản lý tài sản thông qua các bên thứ ba như các công ty tín thác đầu tư.
Chuyên gia Zhou của Lucror Analytics cho rằng động lực thúc đẩy Hứa Gia Ấn có thể là niềm tin giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng cao ở Trung Quốc và ông luôn có thể kiếm đủ tiền để trả lãi. Ông Hứa trở thành người giàu nhất Trung Quốc, và cả châu Á, vào năm 2017, với khối tài sản 42,5 tỉ USD khi cổ phiếu của Evergrande tăng mạnh ở Hong Kong, một phần nhờ các khoản chi trả cổ tức hậu hĩnh sau khi niêm yết vào năm 2009.
Theo ước tính của Forbes, bản thân ông Hứa đã bỏ túi tổng cộng tám tỉ USD cổ tức từ 10,2 tỉ cổ phiếu Evergrande ông sở hữu. Khoản tiền này giúp ông hiện vẫn giàu hơn hầu hết các tỉ phú Trung Quốc, ngay cả khi Evergrande sụp đổ.
Trong những năm qua, ông trùm bất động sản này cũng mở rộng tập đoàn Evergrande, lấn sân sang lĩnh vực bóng đá chuyên nghiệp, pin năng lượng mặt trời, nước khoáng, xe hơi điện và công viên giải trí, dù Evergrande được cho là sẽ bán một số công ty đã niêm yết để trang trải các khoản trả nợ.
Một số ngờ vực đã xuất hiện khi các khoản nợ của ông ngày càng tăng. Những người bán khống cố nhằm vào Evergrande rất khó thành công vì rất ít cổ phiếu của tập đoàn này thực sự do các nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ. Cổ phần của ông Hứa tại Evergrande đã tăng lên gần 80% trong năm nay và 9% khác thuộc về người cộng sự kinh doanh lâu năm của ông là Lưu Loan Hùng và vợ là bà Trần Khải Vận.
Bất cứ khi nào những người bán khống cố gắng đẩy giá của Evergrande xuống thấp, những người bạn giàu có của Hứa Gia Ấn thường sẽ ra tay mua thêm cổ phiếu hoặc tài sản từ các đơn vị kinh doanh khác nhau của ông nhằm làm giảm thanh khoản và đẩy giá lên.
Cơ quan quản lý thị trường của Hong Kong thậm chí đã giúp đỡ Evergrande một lần. Citron Research từng nhận định rằng Evergrande đang bị vỡ nợ và đưa ra thông tin gian dối trong một báo cáo năm 2012. Nhưng vào năm 2016, Tòa án hành vi sai phạm thị trường Hong Kong ra phán quyết rằng những khẳng định của Citron là sai và gây hiểu lầm. Sau đó, người sáng lập Citron, Andrew Left, đã bị cấm giao dịch tại các thị trường Hong Kong. Trong mail gửi cho Forbes châu Á, Left cho biết ông cảm thấy mình được minh oan.
Trong khi đó, ông trùm bất động sản họ Hứa tiếp tục khéo léo hướng sự chú ý của dư luận sang các vấn đề khác, trong đó có việc thuyết phục các nhà đầu tư chiến lược từ bỏ khoản hoàn trả 13 tỉ USD trong năm ngoái.
Các mối quan hệ của Hứa Gia Ấn không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh doanh. Ông còn có chân trong cơ quan cố vấn chính trị của Trung Quốc, Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính hiệp nhân dân). Người ta đã nhìn thấy ông Hứa vui vẻ tạo dáng chụp hình tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh nhân tiệc kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng bảy năm nay, dù chuyến đi này dường như không đủ sức cứu vãn công ty.
“Xét về quan điểm chiến lược, ông ấy đã đánh giá sai những quy định hạn chế của chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản,” giáo sư Zhu của đại học Giao thông Thượng Hải cho biết. “Kinh nghiệm và thành công của ông ấy trong quá khứ cũng khiến ông ấy trở nên hiếu chiến, và toàn bộ công ty chỉ đang đặt cược vào việc giá nhà đất gia tăng liên tục.”
Biên dịch: Quỳnh Anh
1 năm trước
Tỉ phú Vincent Lo trao di sản cho thế hệ kế thừa