Công ty Wonderful của Stewart và Lynda Resnick thuộc số ít các trang trại nuôi ong mật giúp hỗ trợ quá trình thụ phấn cho 1/3 các loài cây lương thực của người Mỹ. Nhưng điều đáng chú ý thực sự là chính là cách họ cho thuê đàn ong của mình.
Hàng ngàn chú ong mật rời khỏi các thùng gỗ, bay nhanh về phía rừng hạnh nhân bạt ngàn đang nở hoa trắng muốt. Thời điểm này là mùa xuân ở thung lũng Central của California và những con ong sắp thụ phấn chéo cho một trong những loại cây trồng mang lại lợi nhuận cao nhất của đất nước.
Cả đàn ong lẫn vườn cây ăn quả đều thuộc sở hữu của hai nông dân giàu nhất nước Mỹ, tỉ phú Stewart và Lynda Resnick. Họ điều hành công ty nông nghiệp tư nhân khổng lồ Wonderful Co., với doanh thu năm tỉ đô la Mỹ mỗi năm từ các sản phẩm như Halos, Fiji Water, Pom Wonderful và chanh không hạt.
Wonderful sở hữu khoảng 80.000 tổ ong, với khoảng 4,5 tỉ con ong, khiến doanh nghiệp này trở thành một trong những nơi nuôi ong lớn nhất của Mỹ. Chỉ có khoảng năm công ty kiểm soát phần lớn các đàn ong ở Hoa Kỳ và những chú ong của họ chịu trách nhiệm thụ phấn cho khoảng 1/3 các loài cây lương thực của người Mỹ hằng năm, từ táo và hành tây đến dâu tây và cà rốt.
Các nhà sản xuất thịt bò cũng cần ong, vì các đàn ong thụ phấn cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như hạt cỏ linh lăng và đậu nành. Nhu cầu đối với ong quá cao – mà nguồn cung lại bị cạn kiệt hằng năm – nên Wonderful cho những người nông dân ở xa như khu vực Maine thuê những “công nhân” thụ phấn của mình.
“Các loài thụ phấn rất quan trọng đối với nguồn cung cấp thực phẩm,” Rob Yraceburu, quản lý hoạt động nuôi ong của Wonderful và là chủ tịch trang trại cây ăn quả của công ty, nói với Forbes. “Chúng rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung trái cây và hạt mà tất cả chúng ta đều rất cần.”
Vợ chồng nhà Resnick đã xây dựng nên một đế chế nông nghiệp. Họ biết rằng cây trồng không thể thiếu ong. Nhiều loại cây lương thực không phát triển tốt nếu không có chúng. Hạt và quả nhỏ hơn và lượng hoa mọc ít hơn.
Trước khi sở hữu các đàn ong của riêng mình, vợ chồng Resnick đã thuê tới 75 công ty ong khác nhau mỗi năm chỉ để thụ phấn cho vườn hạnh nhân của họ. Nhận thấy cần phải kết thúc rắc rối thường niên này, vào năm 2015, Wonderful đã mua lại bốn công ty nuôi ong nhỏ và tạo ra nguồn cung của riêng họ từ nền tảng đó.
Kể từ đó, Wonderful đã tránh được những khó khăn mà nhiều đối thủ cạnh tranh của họ gặp phải. Năm ngoái, khoảng 40% số ong được quản lý của đất nước đã chết, gây ra mức thiệt hại hằng năm cao nhất trong 11 năm, theo thông tin từ dự án Bee Informed của đại học Maryland.
Trái với tình hình đó, Wonderful cho biết số lượng ong của họ đang tăng tự nhiên với tốc độ hằng năm là 13% – công ty không mua thêm bất kỳ đàn ong mới nào trong năm năm qua – và số lượng tổ ong đi thụ phấn vào năm ngoái đã tăng lên 60.000 từ con số 45.000 trong năm 2021. Có khoảng 60.000 con ong trong mỗi tổ ong.
Yraceburu cho biết: “Số ong chết ít hơn vì có chúng tôi chăm sóc. Đàn ong tăng trưởng nhờ chúng tôi tập trung vào sức khỏe của ong và chú ý di chuyển chúng đến nơi có thảm thực vật.”
Sau khi những chú ong của Wonderful thụ phấn cho cây hạnh nhân của công ty, chúng được đưa lên những chiếc xe tải có kiểm soát nhiệt độ và đi rải phấn hoa ở các trang trại khác nhau trên khắp đất nước.
Các đội xe gồm hai tài xế thay phiên nhau cầm lái, chỉ dừng lại để lấy nhiên liệu và thức ăn. Các tổ ong được bao lưới để những con ong không bay đi mất trong suốt hành trình. Vào đầu mùa xuân, họ đến Maine để thụ phấn cho cây việt quất, sau đó đến Massachusetts để thụ phấn nam việt quất vào tháng sáu.
Đàn ong được đưa đến Texas, Mississippi, Florida để tách tổ ong và tăng tổng số lượng, đồng thời làm mật. Sau đó, những chú ong đến Bắc và Nam Dakota cùng Minnesota, thụ phấn cho cỏ ba lá, hoa dại và cải dầu để lấy mật. Chúng được đưa lại vào thùng gỗ ở Idaho, trước khi trở về quê nhà ở California.
“Công việc này đã trở thành một hoạt động kinh doanh thực thụ,” Yraceburu nói. Theo Wonderful, đây là việc kinh doanh mang lại lợi nhuận, nhưng công ty từ chối tiết lộ con số cụ thể.
Chi phí thụ phấn không hề rẻ. Theo các chuyên gia, giá thụ phấn cho cây hạnh nhân tối thiểu là 400 đô la Mỹ/ 0,4 héc ta.
Barbara Bar-Imhoof thuộc trung tâm Nghiên cứu ong tích hợp tại đại học California, Riverside cho biết, tình hình căng thẳng do nguồn cung cấp ong giảm và nhu cầu gia tăng đã đẩy giá các loại thực phẩm như quả mọng tăng cao.
Cô cho biết: “Việc thụ phấn cần phải được tính vào giá của sản phẩm. Hi vọng rằng nếu chúng ta có thể đảm bảo quá trình thụ phấn và giữ cho đàn ong khỏe mạnh, điều đó sẽ giúp mức giá sản phẩm nằm trong khung hợp lý.”
Nuôi ong không phải là chuyện đơn giản. Các trang trại nhỏ hơn sở hữu dưới 1.000 tổ ong thường thuộc sở hữu của gia đình và có thể gặp khó khăn khi tìm kiếm các nguồn lực, vốn và hỗ trợ logistics để vận hành.
Đó là một trong những lý do khiến ngành công nghiệp này phát triển không đồng đều. Theo khảo sát hằng năm của Bee Informed, 95% người nuôi ong quản lý chưa đến 7% số ong của đất nước. Nói cách khác, 2% người nuôi ong quản lý 88% trong số 2,3 triệu tổ ong ở Hoa Kỳ.
Sự tập trung khiến ngành này dễ bị tổn thương. Trang trại mật ong Adee Honey Farms, cơ sở tư nhân thuộc sở hữu gia đình, có trụ sở tại Nam Dakota, một trong những trang trại nuôi ong lớn nhất Hoa Kỳ, đã phải tái gầy dựng sau một vụ ong chết hàng loạt. Năm 2007, 90% tổ ong của Adee đã chết. Giờ đây, mục tiêu là giữ cho số lượng ong chết hằng năm ở mức dưới 18% trên tổng số đàn.
Bret Adee, cháu trai của Richard, người sáng lập công ty vào năm 1957, cho biết nếu đem so với những kỳ vọng từng có thì đây là cú sốc lớn. “Trước đây, nếu tôi lỗ hơn 5% trong mùa đông, tôi sẽ rất buồn. Cực kỳ khó chịu luôn,” Adee nói với Forbes. “Còn hiện nay thì sao? Cũng bình thường thôi.”
Năm 1990, Adee mong muốn tạo ra chỗ đứng riêng trong hoạt động kinh doanh của gia đình. Vì vậy, ở tuổi 29, anh chở một số tổ ong đến California và nhanh chóng phát triển việc thụ phấn trở thành hoạt động mang lại lợi nhuận cao cho Adee Honey Farms.
Việc thụ phấn cho hạnh nhân ở đó chiếm khoảng 2/3 doanh thu hằng năm của công ty và là cơ sở hình thành lợi nhuận của công ty. Như tên gọi của mình, công ty vẫn bán mật ong, loại sản phẩm đặc biệt có lợi nhuận thấp và có thể bị ảnh hưởng khi hàng giả giá rẻ tràn ngập thị trường.
Adee cho biết: “Tình huống của chúng tôi cũng giống như rất nhiều trang trại ở Hoa Kỳ. Lợi nhuận mỏng đến mức không thể triển khai trên quy mô lớn.”
Wonderful phát triển mọi hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn – chẳng hạn, công ty này là một trong những chủ sở hữu tư nhân lớn nhất của đất nước về cơ sở hạ tầng nước – và cũng nổi tiếng với việc phát triển các thương hiệu tiêu dùng táo bạo. Nhưng cho đến nay, thương hiệu Wonderful Honey không có mặt trên kệ siêu thị.
Theo Yraceburu, Wonderful bán sỉ mật ong cho những đại lý đóng chai dưới nhãn hiệu khác. Công ty cũng đang xem xét đánh giá tất cả các loại sản phẩm liên quan đến ong mà họ có thể bán, như keo ong hoặc sáp ong giàu chất chống oxy hóa.
Việc ong chết hàng loạt là mối quan tâm thường trực. Thuốc trừ sâu và các hóa chất nông nghiệp khác, ký sinh trùng, các bệnh mới và tình trạng trái đất nóng lên tiếp tục gây hại cho quần thể ong của Mỹ. Đó là mối nguy cơ có tác động sâu rộng.
Trong số 100 loại cây ra hoa kết quả hàng đầu có thể dùng làm thực phẩm, 80 loại được thụ phấn nhờ ong mật. Lượng ong thụ phấn tự nhiên không còn nhiều. Những con ong sống sót thuộc sở hữu của các doanh nghiệp ngày càng tăng.
Rất nhiều con ong trong số chúng là hậu duệ của những con ong châu Âu xuất hiện ở thuộc địa Jamestown của Virginia lần đầu vào năm 1622. Người Anh sử dụng chúng để thụ phấn chéo cho các loại trái cây và rau quả mà họ mang theo.
Các loại cây trồng năng suất cao nhất được người Mỹ bản địa trồng, như ngô và cà chua, không cần ong châu Âu. Nhưng chúng lại không phải là những loại cây trồng mà nông dân Anh đã trồng và nhân giống, và đó là lý do tại sao ngày nay những con ong châu Âu lại rất quan trọng đối với nguồn cung cấp thực phẩm của Mỹ.
Các cơ sở lớn như Wonderful có khả năng chăm sóc tốt cho đàn ong. Vợ chồng tỉ phú Resnick và những người nuôi ong ở quy mô lớn khác cố gắng ngăn ngừa bệnh tật trong suốt vòng đời của chúng bằng cách giữ mát cho đàn ong. Mỗi năm, trong ba tháng mùa đông, ong được đưa vào trong các nhà kho được kiểm soát nhiệt độ, giúp kéo dài vòng đời của chúng.
Trong mùa hè, sau khi thụ phấn xong, ong được đưa đến các thảo nguyên phía bắc vì ở đó có trang trại rộng lớn với hoa dại, đồng thời lượng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ ở đây cũng thấp nhất. Tuy nhiên, hạn hán gần đây đã làm ảnh hưởng đến những người nuôi ong sống dựa vào đồng cỏ tươi tốt.
Adee cho biết: “Mọi người chủ yếu vận dụng nguồn vốn của chính mình. Gần 90%, hoặc có thể nhiều hơn, số người nuôi ong trong ngành có lẽ đã dùng cạn kiệt tài sản cá nhân, tiền tiết kiệm hoặc nguồn tiền bán mật ong vốn được xem là khoản để dành của họ.”
Ngay cả khi có những lợi thế về quy mô, những người nuôi ong ở quy mô lớn hơn cũng chẳng dễ dàng gì. Khoảng 15 năm trước, sau làn sóng sáp nhập và mua lại, nhiều cơ sở mới đã thất bại.
Roger Starks, nhà tư vấn bảo hiểm thuộc chi nhánh Sioux Falls, Nam Dakota của công ty Marsh McLennan, vừa nghỉ hưu sau 51 năm làm việc, cho biết ông đã chứng kiến các công ty lớn mua các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và nhập chung lại, rồi vài năm sau đó đem bán lại cho cùng một người với giá thấp hơn 25% số tiền họ đã trả. Starks nói rằng các công ty thất bại vì không tiếp cận theo đúng thực tế.
“Nông nghiệp là đường sống thực sự,” Starks nói với Forbes. “Thỏa thuận tích hợp theo chiều dọc này có hiệu quả rất tốt nếu bạn biết mình đang làm gì.”